Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Tiếng gọi ân tình

02  23  X  Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên. 

(Tr) Lễ Đức Mẹ Hà Nội. 

Thứ Sáu đầu tháng. Ngày đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

St 23,1-4.19;24,1-8.62-67; Mt 9,9-13. 

TIẾNG GỌI ÂN TÌNH

          Tội lỗi có nhiều thứ loại, nhiều cấp độ và cũng nhiều cách thế để đối xử với tội nhân. Với kẻ này, người ta tránh né tiếp xúc, với người kia, họ bắt giam, cải tạo; có kẻ phải tù chung thân hay bị lên án tử vì y là tên phản dân hại nước, nguy hiểm cho xã hội, không đáng sống. Xem ra cách ly là biện pháp thông thường nhất.
          Còn Chúa Giê-su với phương châm: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi kẻ có tội,” Ngài gần gũi tiếp xúc với tội nhân. Trong khi những người khác khinh bỉ, Ngài và các môn đệ cùng ngồi ăn uống với những người tội lỗi và thu thuế. Hơn thế nữa, Ngài đã kêu gọi làm môn đệ - rồi sau sẽ chọn làm tông đồ - một người thu thuế là Lê-vi, ngay lúc ông ta đang làm nghề thu thuế trước mắt mọi người.

          Hãy tưởng tượng mỗi người chúng ta ở trong vị trí của Mátthêu hôm nay. Ta đã quá nhiều lần nghe những câu chuyện về Chúa Giêsu như thế này, một người làm phép lạ mà mọi người tin rằng Người có thể là Đấng Cứu Thế. Người mở mắt người mù, nói về sự tha thứ của Thiên Chúa và đối xử tử tế với những người nghèo và bị ruồng bỏ. Bây giờ, Người đang tiến về phía mỗi người chúng ta và lúc đầu, như thể Người sẽ đi thẳng ngang qua ta.

          Thế rồi sau đó Chúa Giêsu dừng lại, nhìn thẳng vào ta và nói: “Hãy theo tôi”. Dĩ nhiên là ta mất cảnh giác, không kịp phản ứng: Tại sao Chúa Giêsu lại nói điều này với tôi? Tôi chưa bao giờ gặp Người trước đây.

          Những câu hỏi khác bắt đầu tràn ngập tâm trí ta: Tại sao lại là tôi? Thế còn tất cả những tội lỗi và sự thất bại của tôi thì sao? Chắc chắn Đức Giêsu phải biết tôi là ai và tất cả những gì tôi đã làm. Nếu không có gì khác, Người hẳn đã biết tôi bởi công việc tôi đang làm.

          Nhưng khi ta nhìn vào mắt Chúa Giêsu, ta bắt đầu cảm thấy bình an. Ta không chắc chắn chính xác nơi bình an đến, nhưng bạn nhận ra rằng ta không cần câu trả lời trước khi ta nói đồng ý với Chúa Giêsu. Có một cái gì đó về con người này, bạn chỉ cần tin tưởng nơi Người.

          Tin Mừng hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Tin Mừng thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.

          Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn giáo là tình thương.

          Chúa Giêsu gọi Matthêu theo Ngài. Người thu thuế đứng dậy theo Chúa, không thắc mắc, chẳng tính toán, chẳng chần chừ. Và rồi, không biết Chúa có lên tiếng gọi hay không mà những người thuộc bọn thu thuế và quân tội lỗi đã đến đồng bàn với Ngài. Tiếng gọi của Chúa mạnh đủ để lôi kéo, thay đổi, và tái tạo trái tim nhân loại vốn đã quá đầy, quá nặng bởi đam mê, bạc tiền và quyền lực.

           Xưa kia, Chúa Giêsu đã cất tiếng gọi. Ngài gọi các môn đệ, gọi anh mù, gọi các trẻ em, gọi người phụ nữ samari,... Tiếng gọi của Ngài đậm tình thân ái, tràn sự cảm thông, mênh mông nghĩa tình của Vị Thiên Chúa làm người đi giữa cuộc đời. Trên hành trình dương thế, Chúa Giêsu cảm thấu, hiểu sâu tất cả những bềnh bồng trôi nổi của kiếp nhân sinh cũng như sự trì kéo của phận người dòn mỏng. Ngài thương lắm những ai bị đẩy ra lề xã hội, bị loại trừ, bị xa tránh như thể những con chiên bị lạc đàn, bị đuổi khỏi bầy, bị bơ vơ trơ trọi giữa bầy. Ngài đặc biệt tìm kiếm những người như thế, Ngài cất lời gọi họ thật thiết tha da diết, Ngài đến với họ, ở với họ.

          Ngày nay, Chúa vẫn cất tiếng gọi. Ngài gọi tôi, gọi bạn, gọi hàng hàng lớp lớp những người từ mọi nơi, mọi thời. Lời gọi được gởi đến tận cùng thế giới, đến mọi ngõ ngách cuộc đời, đến mọi khóc khuất của hồn người. Biết có mấy khi ta hỉ hả đáp lại tiếng Ngài, thanh thản bước về phía Ngài và an bình ở lại trong Ngài ?

3. Thật thế, đến với Chúa, Matthêu tìm được ý nghĩa đời mình ; đến với Chúa, bọn thu thuế và tội lỗi tìm lại phầm giá của người con ; đến với Chúa, ta được sống dồi dào, sống trọn vẹn, sống đời đáng sống nhờ lãnh nhận thần lực Thánh Thể và Lời hằng sống, nhờ yêu bằng trái tim của Thiên Chúa Tình Yêu, nhờ đi trên lối nẻo của Đấng là Đường và Sự Thật. Nhưng, làm sao nghe được tiếng gọi ân tình của Chúa ? Làm sao ý chí ta đủ mạnh, tâm tư ta đủ sáng để dứt khoát đứng dậy, rời khỏi nơi ta đang ở để đến với Ngài ?

          Hẳn sẽ rất cần nơi tôi, nơi bạn một tâm hồn khiêm tốn và thẳng thắn đủ để thấy rõ và chấp nhận thân phận tội lỗi của mình, để ý thức nhu cầu cần đến lòng xót thương hải hà của Chúa, để nhận ra sự thúc bách phải điều chỉnh lối sống, phải hoán cải, phải rời khỏi những gì ta đang bám víu mà, rất có thể đó là một suy nghĩ, một hành động, một chương trình sống, một mối tương quan, một thói quen, một cử chỉ hay thái độ nào đó. Ta cùng mở lòng đón đợi Lời Gọi Yêu Thương của Chúa trong giờ suy niệm này và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa.  

          Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.

          Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy nhận ra mình bất xứng để cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Mặt khác, từ những gì đã cảm nghiệm, Chúa cũng muốn mời gọi chúng ta sẵn sàng cảm thông cho những yếu đuối của anh chị em mình, sống khiêm tốn và đón nhận Thánh giá trong hành trình môn đệ của mình như một hồng ân.


877    30-06-2021