Đã từ lâu, con người luôn khao khát kiếm tìm những thực tại về chính mình. Trong cái mênh mông của đời người, giới tính hay tính dục được coi là một trong những thực tại phong phú và phức tạp. Suốt dòng lịch sử nhân loại, có rất nhiều những quan điểm về tính dục. Đã có lúc người ta nhìn nhận tính dục như là một tặng phẩm cao quý của thượng đế ban cho con người nhưng cũng không thiếu những trường phái xem tính dục là cái thấp hèn và đáng bị khinh chê. Tính dục không còn là vấn đề của xã hội con người mà còn là vấn đề của Giáo Hội và những tu sĩ có mối liên hệ trong khía cạnh này. Đặc biệt trong thế giới hôm nay, người tu sĩ được mời gọi dấn thân vào đời để loan báo Tin Mừng, để đồng cảm, chia sẻ với con người. Sự hiểu biết sâu sắc về tính dục hẳn sẽ giúp ích cho người tu sĩ trước lời mời gọi “Nhập thể”. Vậy người tu sĩ phải hiểu và sống tính dục theo tinh thần nào? Giới tính – tính dục có phải là một “điều xấu xa”, “cấm kị”, là một “trở ngại” đối với những người sống đời tu theo tinh thần Ki-tô giáo?

I. Khái Niệm

1. Tính dục là gì?

Tính dục là “Sexuality” có nghĩa là sự phản tỉnh, phân biệt tính đực – tính cái về mặt sinh học. Đồng thời, tính dục chỉ bản năng giới tính hay hoạt động tính dục của con người.

Theo định nghĩa của Ủy ban giáo dục và thông tin về tình dục ở Mỹ, năm 1970 cho rằng: “Tính dục là tổng thể con người, bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng của con trai hoặc con gái, đàn ông hoặc đàn bà và biến động suốt đời. Tính dục phản ánh tính cách con người, không phải chỉ là bản chất sinh dục. Vì là một biểu đạt tổng thể của nhân cách, tính dục liên quan tới yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, tinh thần và văn hóa của đời sống. Những yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và mối quan hệ giữa người với người và do đó tác động trở lại xã hội”[1].

Bên cạnh đó, từ điển Công Giáo cũng đưa ra định nghĩa: “Tính dục là tổng thể những khía cạnh đặc trưng của con người – sinh lý, tâm lý, tình cảm, tinh thần, văn hóa và xã hội- trong tương quan với Thiên Chúa, với chính mình và tha nhân, với tư cách là nam hay nữ. Tính dục là món quà của Thiên Chúa, có giá trị trong đời sống mỗi người. Một cách tổng quát, tính dục là động lực thúc đẩy thiết lập các mối tương quan giữa người với người”.[2]

2. Vai Trò Của Tính Dục.

Tính dục là yếu tố thiết yếu xác định bản chất và ơn gọi của con người vì “tính dục là thành phần căn bản của cá tính, nó là một cách thức hiện hữu, cách thức tự thể hiện, giao tiếp với người khác, cách thức cảm nghiệm, diễn tả và sống tình yêu nhân bản”[3]. Thật vậy, con người chỉ có thể tương quan với nhau là nhờ nhận diện giới tính của mình, nghĩa là được xác định giới tính nam hay nữ của một người trong khi tương quan. Nói thế có nghĩa là toàn thể đời sống tương quan của chúng ta, tất cả mọi ước vọng, mọi hoạt động của chúng ta, dù chúng thuộc bình diện nào, tâm linh hay tâm lý cũng đều mang dấu ấn của kinh nghiệm mà chúng ta có về tính dục của mình. Như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói rằng: “Tính dục chỉ có giá trị thực sự nhân linh khi được hội nhập vào tương quan giữa người với người…”[4]

Tính dục quả là một thực tại, một bản năng gắn liền với con người trong cuộc sống thường nhật và đặc biệt nó “là một năng lực sáng tạo rất kỳ diệu nơi con người, nhưng do sức mạnh của nó nên tính dục cũng là một điều đáng sợ”[5]. Bởi nếu một khi chúng ta tách tính dục khỏi các yếu tố tình yêu của con người và ra ngoài ý định của Thiên Chúa, thì tính dục ẩn chứa những điều không ngờ được của sự dữ. Chỉ khi chúng ta ý thức và sử dụng nó cách đúng đắn và có trách nhiệm thì tính dục mới trở thành điều tốt đẹp, đáng trân yêu và có giá trị xây dựng cuộc sống.       

II. Tính Dục Trong Đời Tu Ngày Nay

Khi nói đến tính dục, đặc biệt là trong đời sống tu trì, người ta thường nghĩ đó là điều tội lỗi, là điều cấm kỵ không nên nói ra. Nhưng thiết nghĩ chúng ta cần can đảm xem xét vấn đề tính dục một cách nghiêm túc để có thể nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nó, từ đó mới mong sống tròn đầy ơn gọi làm người, làm tu sĩ với đúng căn tính giới tính và tính dục – ân ban tuyệt vời mà vì yêu thương Thiên Chúa đã đặt để nơi mỗi người.

1. Quan điểm của Giáo Hội

Có thể nói, tính dục là một hiện tượng vừa phong phú vừa phức tạp và cũng rất khó hiểu, vì tính dục liên quan đến chính cái ẩn sâu bên trong con người. Tuy nhiên, dựa vào tất cả những khám  phá mới của khoa học đã mang lại cho tính dục cái nhìn mới với những giá trị tích cực, nhờ đó chúng ta thấu hiểu được những đòi hỏi của hành vi luân lý, những đòi hỏi thật sự có tính chất cao thượng, nhân bản và thiêng liêng trong chính con người của chúng ta.

Theo nhãn giới Kitô giáo xác định rằng thân xác và tính dục là công trình của Đấng Tạo Hóa, nó là quà tặng Thiên Chúa đặt để trong thân xác con người, đồng thời tính dục như một thứ tinh thần nhập thể trong con người[6]. Thiên Chúa đã tạo ra tính dục và Ngài đặt để nó trong mỗi chúng ta, vì thế bản chất của nó là tốt, khi con người thực sự đón nhận tính dục trong tâm tình tạ ơn và tận hưởng nó theo cách mà Thiên Chúa muốn thì đó là điều tốt đẹp và thiện hảo. Thật vậy, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định rằng: “Trần gian được tạo dựng trong tình trạng lên đường, hướng đến sự hoàn hảo cuối cùng mà Thiên Chúa đã định cho chúng”[7]. Điều này có nghĩa: Thiên Chúa đã đặt trong tất cả các thụ tạo những khả năng giúp chúng có thể hoàn thành “ơn gọi” của mình cách thiện hảo nhất. Đối với con người, Thiên Chúa còn ban cho dư đầy khả năng để họ tham dự vào chương trình quan phòng này một cách tự do hơn[8]. Bởi thế, con người với tư cách là một thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta cần phải khám phá giá trị của những bản năng được phú bẩm trong con người của mình, hiểu biết chúng theo ý hướng của Thiên Chúa và vận hành chúng một cách tự nhiên trong tinh thần siêu nhiên dựa trên những gì đã được mạc khải trong Giáo Hội để đạt đến trưởng thành trong sự viên mãn của một con người. Như vậy, rõ ràng tính dục của con người là một điều thiện hảo được tặng ban từ Đấng Tạo Hóa và nó chỉ trở nên đúng nghĩa khi và chỉ khi “tính dục được tình yêu định hướng, giáo dục và bổ túc, vì chỉ có tình yêu mới giúp cho tính dục mang tính nhân bản”[9].

2. Tính Dục Trong Đời Tu Ngày Nay

Trong thế giới hôm nay, người tu sĩ được mời gọi dấn thân vào đời để loan báo Tin Mừng, để sống đồng cảm, yêu thương và chia sẻ với con người. Trước lời mời gọi “Nhập thể” tu sĩ phải đối diện nhiều với những thách đố của thời đại và những thôi thúc của con tim. Vì thế, sự hiểu biết đúng đắn về tính dục hẳn sẽ giúp ích cho người tu sĩ trưởng thành hơn trong đời sống tâm linh cũng như tâm lý để sống hạnh phúc và sung mãn với những ân ban Chúa đặt để trong chính mình.

Tính dục được đặt trên cơ sở hội nhập và trưởng thành nơi con người dựa trên chiều kích luân lý tích cực của nó. Tính dục chỉ được xem là tốt về phương diện luân lý khi nó có khả năng “nhân vị hóa” con người, hay nói cách khác khi nó làm cho con người là người hơn[10].

Qua những điều nói trên cho chúng ta thấy tính dục và tình cảm có vai trò quan trọng trong cuộc sống và sinh hoạt của người tu sĩ, nó thúc đẩy chúng ta làm việc, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách trên đường lữ hành. Đồng thời, nó còn là nguồn động lực mạnh mẽ kích thích chúng ta tìm tòi những giá trị của chân lý và khả năng nhận thức ý nghĩa của cuộc sống. Tình cảm trong tính dục còn là một thuộc tính tâm lý, một đặc trưng quan trọng nhất của con người, nó ảnh hưởng sâu sắc tới việc hình thành nhân cách và quyết định tương lai của mỗi người[11]. Vì thế, mỗi người phải có nhận thức đúng về tình yêu và tính dục, phải biết kết hợp hài hòa giữa tình yêu và lý trí, đồng thời biết thăng hoa những tình cảm và các mối tương quan, dám hy sinh cho đi để đạt tới một tình yêu cao thượng trong mọi tương quan. Quả thực, “một người nếu có trái tim lạnh giá hay “đói khát tình cảm” thì toàn bộ con người và mọi hoạt động sống của người ấy không thể phát triển bình thường. “Chỉ có tình yêu mới nâng cao con người thoát khỏi sự tầm thường”[12]. Người tu sĩ chỉ có thể hội nhập vào thế giới và sống tốt các mối tương quan với Chúa và với tha nhân khi chúng ta trưởng thành nhân cách và tình cảm, đồng thời tu sĩ cần kiểm soát chính mình để có một lối sống quân bình và lành mạnh trong các bản năng tình cảm và tính dục của mình, biết tự chủ trong những cảm xúc, học cách thăng hoa những thôi thúc của con tim qua việc dấn thân phục vụ, gắn bó với Chúa qua đời sống cầu nguyện, sống tình huynh đệ hiệp nhất yêu thương. Đồng thời tạo bầu khí nâng đỡ, cảm thông và yêu thương trong cộng đoàn để cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn và yếu đuối trong đời dâng hiến. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết sống tình yêu và tính dục của mình như thế nào cho đúng nghĩa, cho phù hợp với tình yêu của Đấng tình quân mà chúng ta đang dấn thân bước theo trong niềm hạnh phúc và tin yêu. Quả thật, tính dục và tình cảm có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người nói chung và người tu sĩ riêng.

III.  Khát Vọng trong đời tu

Như đã nói, tính dục vốn là tốt vì nó là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa, nó không dừng lại ở tình yêu lứa đôi hay độc chiếm, nhưng có thể nói theo thánh ý của Thiên Chúa tính dục “có bản chất hướng đến tương quan liên vị hay hiệp thông nhân vị, đó là yếu tố quan trọng để con người tìm thấy sự thật của mình trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa và với người khác”[13].

1. Qúy trọng bản năng tính dục của mình.

“Khi chúng ta quý trong thân xác với tính dục của mình, điều đó giúp chúng ta trở nên như Chúa Giêsu, vì Người là một con người có giới tính và sống để yêu thương”[14]. Quả thật, khi chúng ta đón nhận con người thật của mình, đó mới là tư thế của người con cái Chúa vì tính dục tự bản chất là tốt đẹp và nó là kế hoạch cũng như ý định của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, vấn đề thực tế đặt ra cho người tu sĩ: Nếu chúng ta nói tính dục là tốt đẹp thì tại sao chúng ta lại đi tu? Vì chúng ta không đón nhận tính dục hay muốn thoái lui? Thiết nghĩ tu sĩ chúng ta không phải là người chạy trốn bản năng tính dục hay tình yêu của mình nhưng chúng ta chọn đời tu để sống tính dục và tình yêu của mình với một lý tưởng hướng thượng và với một cách thế khác. Vì tu sĩ là người tự nguyện hiến dâng cho Thiên Chúa bằng cách không sống bản năng tính dục theo cách thế thông thường giữa người nam và người nữ trong đời sống vợ chồng, không phải vì chúng ta chạy trốn hay khinh thường mà là chúng ta muốn chọn lấy một giá trị cao cả nhất, một tình yêu thánh thiêng và trọn vẹn nơi Thiên Chúa, chúng ta muốn vươn lên một tình yêu hy hiến, cho đi và không chiếm hữu, hầu mong muốn đạt tới tình yêu với Đấng Tuyệt Đối. Điều này thật sự là một mầu nhiệm vì chính Chúa Giê-su đã khẳng định:“Không phải ai cũng hiểu nhưng chỉ những ai được ban cho mới hiểu”(Mt 19,11). Thật vậy, như bao con người bình thường khác với tất cả đầy đủ nhưng cơ quan sung năng (libido), những khao khát yêu và được yêu, nhưng người tu sĩ khi tự nguyện chọn nếp sống độc thân thánh hiến, chúng ta như đang “lội ngược dòng”, sống một cuộc đời dường như khác thường bởi là người “bị hoạn vì Nước Trời”(Mt 19,12). Đây quả là cả một mầu nhiệm, một hành trình gian khó mà tự sức riêng mình, người tu sĩ không thể hoàn trọn. Tuy nhiên, với ơn Chúa giúp và nhờ nỗ lực của bản thân, cùng với chị em chúng ta hãy biết quý trọng giới tính, tính dục nơi mình và thăng hoa nó để tính dục không những không gây cản trở cho việc tuân giữ lời khấn khiết tịnh mà còn thực sự là ân ban giúp chúng ta sống viên mãn với ơn gọi làm người, là chính mình, đồng thời hòa điệu vào các mối tương quan cách tốt nhất.

2. Hòa nhập trong các mối tương quan

Chúng ta hiện hữu nhờ các mối tương quan, khi tương quan là chúng ta cho thấy sự hiện hữu của mình, đồng thời cũng là cách thế thể hiện bản năng giới tính và tính dục của mình. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải mở lòng mình, đón nhận tương quan trước hết và trên hết là tương quan với Thiên Chúa là Đấng yêu thương, tạo dựng nên ta, khi có tương quan với Thiên Chúa chúng ta biết quý trọng tha nhân, sống hài hòa và yêu thương vì tin rằng mọi người là hình ảnh của Chúa, sau đó là tới tương quan với chính mình. Quả thật, tu sĩ là hiện thân của tình yêu giữa con người với con người và tình yêu giữa con người với Thiên Chúa.

Tình yêu trong đời tu không phải hai người thuộc về nhau mà là nâng nhau lên, cùng nhau thăng tiến trên con đường thiêng liêng. Quả thật, chúng ta thấy đi tu không phải là từ bỏ bạn bè, các mối tương quan hay chạy chốn bản năng tính dục của mình nhưng là vươn lên với một tình yêu thánh thiêng và cao thượng hơn trong các mối tương quan ấy. Trong trật tự tốt đẹp của đời sống loài người có nam có nữ, đời tu vẫn cần người nam và người nữ nâng đỡ nhau và bổ sung cho nhau trên con đường tiến đức như những mẫu gương trong lịch sử Giáo Hội: Thánh Gioan Thánh Giá và Têrêsa Cả, Thánh Phanxicô và Thánh Clara… Nhưng làm sao tu sĩ sống trong sáng và thanh thoát trong các mối tương quan. Thiết nghĩ, trước hết chúng ta phải có đời sống tâm linh sâu sắc, gắn bó mật thiết với Chúa, đồng thời có lối sống trưởng thành giữa tương quan với tha nhân và có những hiểu biết đúng đắn về tâm sinh lý con người để khôn ngoan nhận ra những cảm xúc không lành mạnh trong mình hầu biết khước từ và thoái lui khi cần thiết. Trước những thôi thúc của con tim và thách đố của thời đại, chúng ta cần ý thức làm chủ bản năng và sống trưởng thành trong mọi khía cạnh của con người vì “trưởng thành” là mức độ vươn đến những khả năng xứng bậc của một tạo vật có hồn thiêng.

Kết Luận

Qua những giải thích trên cho chúng ta thấy tính dục là điều tốt đẹp, được Thiên Chúa trao ban cho con người, để giúp con người sống và thể hiện ơn gọi cao quý của chính mình. Với phương tiện này, trước tiên, con người được mời gọi để diễn đạt tình yêu đích thực như “Thiên Chúa là tình yêu”[15]. Kế đến, tính dục hướng về sự sống, giúp con người cộng tác với Thiên Chúa, Đấng là chủ sự sống[16]. Và cuối cùng, con người có thể làm chủ tính dục của mình để thể hiện sự tín trung, như chính Thiên Chúa là Đấng trung tín[17]. Như thế, nhờ tính dục người tu sĩ phát triển toàn vẹn con người của mình, đồng thời nhờ sự trưởng thành về tính dục, người tu sĩ làm cho mình mỗi ngày trưởng thành trong các mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân để đạt tới một đời sống hạnh phúc và sung mãn trong Chúa Kitô.

Nt. Têrêsa Hồng Nhung

[1] TÍNH DỤC VÀ TÌNH DỤC

http://www.hoptactre.com/index.php?option=com_content&view=article&id=73:tinh-dc-va-tinh-dc-&catid=23:gii-tinh&Itemid=42, 05.01.2018

[2] TỪ ĐIỂN CÔNG GIÁO, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, trang 895

[3] SỰ THẬT VÀ Ý NGHĨA CỦA TÍNH DỤC CON NGƯỜI
NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG ĐỂ GIÚP GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH

(Tài liệu của Hội Ðồng Tư vấn giáo hoàng ban hành ngày 8.12.1996), số 10:http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/su-that-va-y-nghia-cua-tinh-duc-7400.html, 05.01.2018

[4] Sách GLHTCG, số 2337.

[5] GIÁ TRỊ CỦA TÌNH YÊU VÀ TÍNH DỤC THEO LUÂN LÝ KITÔ GIÁO (chương trình tập huấn Bảo vệ sự sống – Caritas Việt Nam):http://muoiman.net/index.php/vi/news/THAN-HOC-GIAO-LUAT/Gia-tri-cua-tinh-yeu-va-tinh-duc-theo-luan-ly-ki-to-giao-1689/14.01.2018.

[6] X. FELIX PODIMATTAM, OFM CAP, Khiết Tịnh Đời Sống Thánh Hiến, Chuyển ngữ Nguyễn Ngọc Kính, OFM, trang 192

[7] Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 302

[8] Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 307

[9] Bộ Giáo Dục Công Giáo, Những định hướng cho việc giáo dục về tình yêu nhân bản (NĐH) ban hành ngày 1.11.1983, số 6.

[10] LM G.B LÊ ĐÌNH PHƯƠNG, Luân Lý Tính Dục Hôn Nhân Và Gia Đình, trang 39

[11] THÁI SƠN MINH, Nhập Môn Tâm Lý Học Đại Cương.

[12] Danh ngôn của Pascal

[13] Lm. Giuse Đinh Quang Vinh, Giá trị tương giao tính dục trong Hôn nhân Công Giáo:http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/PhucAmHoaGiaDinh/24GiaTriTinhDuc.htm, ngày lấy

[14] FELIX PODIMATTAM, OFM CAP, Khiết Tịnh Đời Sống Thánh Hiến, Chuyển ngữ Nguyễn Ngọc Kính, OFM, trang 191

[15] x.1Ga 4, 8

[16] x.Ga 11,25

[17] x. 2Tm 2, 13