Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Tình Người Trong Lúc Dịch Bệnh Covid-19

Đợt dịch bệnh Covid - 19 lần thứ 4 bùng phát, khiến bao hoàn cảnh gia đình lâm vào bế tắc suy kiệt về kinh tế, người nghèo lao động thời vụ càng thảm hơn, xe ôm, bốc vác, người bán vé số cùng chung cảnh bữa đói bữa no cầm cự qua ngày. Quán  ăn, quán cafe thì thưa thớt vắng bóng khách, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đóng cửa, cảnh phố xá trầm lắng hơn theo kiểu sống chậm không còn nhộn nhịp xô bồ như những ngày tháng trước đây.

Trong cơn dịch bệnh, hoạn nạn và đại nạn sẽ nhìn thấy ba cảnh tình lòng người trái ngược nhau của những người dân lao động nghèo.

Nhường nhịn nhau chia sẻ với  nhau chút cơ hội kiếm tiền mà sống tạm qua ngày của những người dân lao động làm ngày nào ăn ngày đó. 

Quyết dành mối buôn bán bằng bất cứ giá nào vì tôi cũng đói cũng khổ, gia đình tôi ba, bốn miệng ăn tôi phải lo, thì mắc mớ gì tôi phải nhường mối cho họ.

Và người có điều kiện, no ấm hơn, đỡ khổ hơn người khác thì san sẻ yêu thương miếng ăn, viên thuốc, cái quần, manh áo cho những hoàn cảnh khó khăn. 

Tôi xin chia sẻ ba cách sống mà tôi đã chứng kiến mắt nhìn thấy, tai nghe trong những ngày giãn cách xã hội nầy: 

Ở cây xăng tôi chờ đến lượt mình đổ xăng, có xe bus dừng lại cho khách xuống xe, hành khách nam bước xuống xe đang lưỡng lự không biết hỏi xe ôm nào vì có hai xe ôm cùng đậu ở cây xăng đón khách. Một người xe ôm trung niên và một chú xe ôm ngoài 60 tuổi, tôi thấy người khách bước đến xe ôm trung niên nói cho tôi về phường 8. Người xe ôm trung niên quay qua người xe ôm lớn tuổi nói : chú chở đi, tôi sáng giờ được hai  cuốc rồi, chú chưa có cuốc nào tôi nhường chú đó, chở đi. Người xe ôm lớn tuổi từ chối: thôi khách muốn chú chở thì chú chở đi. Người xe ôm trung niên quay qua nói với người khách: anh đi dùm ổng đi, sáng giờ ổng ế chưa có cuốc xe nào. Người khách nói ai chở cũng được, tính giá rẻ là được, rồi mỉm cười bước lên yên xe người xe ôm lớn tuổi. Đổ xăng xong tôi cười với người xe ôm trung niên và khen một câu khích lệ: anh tốt bụng thiệt á, thời buổi khó khăn này ít ai chịu nhường nhịn ai cơ hội gì lắm. Người ấy nói: kệ đi, dân xe thồ với nhau không à ai cũng khổ! nhường nhau chút đỉnh sống tạm qua ngày cô ơi. Sáng giờ ổng chưa có cuốc xe nào (giờ đó đã gần 10h sáng rồi). Tôi thấy việc nhường khách đi xe để bạn đồng nghề có tiền cơm cháo ngày đó thiệt là cao đẹp làm sao á. 

Ở cổng siêu thị tôi ngồi ghế chờ rửa xe, tôi thấy một chị bán vé số đến mời một khách nam cũng ngồi chờ rửa xe, người khách nam nói chị bán vé số cho mượn sổ dò vé, chị ấy đưa sổ dò, rồi thêm một chị bán vé số khác bước đến mời tôi mua vé số, tôi nhỏ nhẹ từ chối: dạ em không mua nha chị, tôi liền được nghe câu nói lèm bèm: nay ngày cô hồn âm binh gì mà mời ai cũng lắc đầu và nghe thêm một câu chửi đổng chói tai.... Rồi chị bán vé số tôi từ chối không mua bước đến chìa cọc vé số vô mặt người nam đang dò vé mời, chị kia thấy mình đã mời rồi và khách cũng đang dò vé giờ chị nầy lại đến mời nên chị ta liết chị đến sau một cái bén ngót. Người khách nam dò vé xong đưa tay nhận cọc vé và hỏi có số 36 không, chị đưa sổ dò chưa kịp trả lời thì chị bán vé đến sau lại dí đẩy cọc vé vô người nam mời:  mua dùm đi anh nay ế quá còn nhiều. Chị mời trước liền nói giọng quạo: bà nầy kỳ ghê còn bao nhiêu người sao bà không mời bán lại dành mối của tui. Chị đến sau cãi to tiếng   tao mời đó thì sao, ổng thấy số nào đẹp ổng thích thì ổng mua. Hai bên cự cãi lời qua tiếng lại, chủ tiệm rửa xe đến mời hai chị ra ngoài mà cãi đừng gây nhau ở tiệm của tôi um sùm khó coi. Người khách mua vé số lấy đại vài tờ vé rồi trả tiền cho chị bán vé đi,  hai người họ rời đi mà vẫn to tiếng chửi qua chửi lại những câu chói tai, trong tiệm rửa xe mấy người khách ngồi đợi đưa mắt nhìn nhau và lắc đầu mỉm cười, có người lên tiếng vài câu nhận xét ABCD. Tôi suy nghĩ và hiểu vì dịch bệnh lúc nầy ai cũng gặp khó khăn về kinh tế, cơm áo gạo tiền nặng gánh gia đình nên những người buôn bán ngày nào ăn ngày đó rất vất vả mưu sinh đã làm họ căng thẳng quạo quọ cáu gắt, làm người không ai muốn mình xấu xí hung dữ trước ánh mắt bao người, họ lại là những người buôn bán, chỉ vì cảnh túng thiếu nên cãi nhau dành nhau từng chút cơ hội kiếm tiền.....

Và một cách sống nữa là những tấm lòng hảo tâm lá lành đùm lá rách mỗi khi biết ở đâu gặp khó, gặp khổ thiên tai lũ lụt, bệnh tật là những người nầy lại kêu gọi nhau hùn tiền góp công, góp của để chia sẻ và hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn nầy. Trong số những người hay đóng góp giúp người nghèo khó tôi có biết: có người là giáo viên về hưu trích tiền lương hưu, có em là sinh viên đi làm thêm, có người là nhân viên hưu trí, có người ở nhà trông cháu, để con đi làm, con cho tiền xài hàng tháng rồi các cô chú ấy trích tiền con cái cho để góp giúp người nghèo, có người bán rau củ quả.....

Tình thương mến thương lúc đồng bào bị lũ lụt, lúc đồng bào bị dịch bệnh phải giãn cách xã hội, những nghĩa cử cao đẹp lá lành đùm lá nát thấy đời tươi đẹp và ý nghĩa biết bao. Tuy cuộc sống trong cơn đại dịch cũng có nhiều hạt sạn nhưng không vì lẽ đó khiến đời bớt tươi đẹp.

Nguyện xin Chúa Quyền Năng Cao Cả sớm cho dịch bệnh chấm dứt trên toàn thế giới để cuộc sống nhân loại giảm những khổ đau bệnh tật và nghèo khổ, Chúa ơi dịch bệnh đã làm tan nát bao gia đình chết thảm, bao trẻ mồ côi đói khổ, bao cảnh màn trời chiếu đất trên toàn thế giới,  xin Chúa thương lắng nghe lời chúng con van nài cho trận đại dịch sớm qua. 

(Bài viết được gửi đến Ban Caritas Vĩnh Long)

852    04-07-2021