Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Tĩnh tâm Thường niên Linh mục Giáo phận Vĩnh Long, năm 2020

Tại Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long, ngày 23 - 27.11.2020, bầu khí thật rộn ràng vì có gần 180 linh mục trong Giáo phận về đây dự kỳ tĩnh tâm thường niên, năm 2020.
Năm nay, Giáo phận Vĩnh Long rất hân hạnh được Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám mục Giáo phận Phú Cường, đến chia sẻ đề tài "Sứ Vụ Rao Giảng Tin Mừng Của Hội Thánh". Sứ vụ rao giảng Tin Mừng là sứ vụ của mọi kitô hữu trong Hội Thánh.
Đức Cha Phêrô chia sẻ mọi khía cạnh liên quan đến sứ vụ loan báo Tin Mừng của các mục tử trong Hội Thánh thời nay. Mỗi ngày, Đức Cha Phêrô có 2 giờ chia sẻ đề tài trên.
Nội dung các bài chia sẻ của Đức Cha Phêrô sẽ được cập nhật trên trang web của Giáo phận mỗi ngày để giúp anh chị em xa gần hiệp thông suy tư và cầu nguyện cùng với linh mục đoàn Giáo phận Vĩnh Long trong kỳ tĩnh tâm này.
img06791
img0704

Ngày 1: 
NHỮNG ĐỀU CẦN SUY NIỆM TRONG TUẦN TĨNH TÂM

 

1.    Nói ít nghe nhiều

Trọng kính Đức cha, kính thưa quí cha

Chúng ta bắt đầu bước vào tuần tĩnh tâm. Người ta thường nói: Tĩnh tâm nói ít nghe nhiều: Nghe sách, nghe giảng, nghe lương tâm, nghe Chúa.

Nghe không để làm giầu kiến thức, nhưng để cải tạo bản thân. Nghe không để tiếp thu trung thực, nhưng để đặt vấn đề cho chính mình.

Để có kết quả cần cầu nguyện và suy nghĩ nhiều.

Ai suy nghĩ với tinh thần khiêm tốn và cầu nguyện để tìm ra ý Chúa, sẽ hiểu rõ tình trạng của mình và sẽ nên tốt hơn.

Những điều chúng ta nghe, dù trong bài giảng, bài suy gẫm hay sách thiêng liêng, để có ích, đều phải trực tiếp hay gián tiếp xuất phát từ lời Chúa. Chỉ lời Chúa mới có sức soi sáng trí khôn, sưởi ấm cõi lòng và ban sức mạnh để chúng ta vững vàng bước đi theo Chúa, trong lúc bình an thư thái cũng như khi nghi nan, bối rối giữa khổ đau, nghịch cảnh hay cám dỗ của ma quỷ, thế gian, xác thịt.

Lời Chúa không chỉ chứa đựng trong Sách Thánh, nhưng còn trong những tập tục, những thực hành được truyền lại cho chúng ta qua các Tông đồ, các Giáo phụ và lời giáo huấn thường kỳ của Hội Thánh. Lời Chúa không phải là lời chết, nhưng là lời sinh động, vì nhờ ơn Chúa soi sáng thúc đẩy, chúng ta sẽ hiểu được Chúa muốn nói gì với chúng ta trong lúc này, và giúp chúng ta tìm ra phương thế để thực hiện sao cho đẹp lòng Chúa, mang lại lợi ích cho chúng ta và cho mọi người. Đó là lời sống động, vì Chúa Giêsu đã hứa: “Này, Thầy ở cùng các con hằng ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), đồng thời Người cũng ban Thánh Thần để giúp giúp chúng ta hiểu cách đầy đủ, chính xác và thích ứng với hoàn cảnh, như Người đã hứa: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn ... và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến(Ga 16,13).

Vậy trong tuần tĩnh tâm này, trước hết chúng ta hãy dựa vào lời dạy bảo của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông thư “Khởi đầu Thiên Niên kỷ mới”[1]của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II để“Bắt đầu lại từ Chúa Kitô”,  ngõ hầu canh tân cuộc sống cũng như cách thức thi hành chương trình mục vụ của chúng ta sao cho đẹp lòng Chúa và hữu ích cho những người chúng ta phục vụ.Sau đó chúng ta sẽ đề cập rộng rãi hơn tới sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh vì theo huấn giáo của Giáo Hội thì đó là điều cần thiết và hữu ích và cấp bách trong thời đại của chúng ta hiện nay.

Trước hết Đức Thánh Cha bảo chúng ta hãy tin tưởng, vì chúng ta đã được Chúa bảo đảm và chứng tỏ suốt 2000 năm qua rằng: “Chúa luôn ở cùng chúng ta hằng ngày cho đến tận thế”(x. Mt 28, 20). Cũng  nên ý thức rằng đây không phải là những gì mới, vì nó đã có từ lúc khởi đầu. Đó là chương trình rút ra từ Tin Mừng và truyền thống sống động của Hội Thánh. Chương trình này tập trung vào Chúa Kitô, Đấng phải được biết, được yêu mến và được noi theo. Chương trình vẫn y nguyên trong mọi thời gian, giữa các nền văn hóa, mặc dầu nó để ý tới thời gian và văn hóa để có thể đối thoại và thông truyền cách hiệu quả cho con người của thời đại ngày nay. Khi thực hiện, cũng cần phải theo những đường hướng mục vụ thích hợp với điều kiện của mỗi người, mỗi cộng đoàn, nhưng cũng phải liên kết với các cộng đoàn lân cận và với Hội Thánh toàn cầu.

Trong tuần phòng này, chúng ta hãy để tâm suy xét xem chúng ta đã thực hiện ra sao những điều mà Thánh Gioan Phaolô II gợi lên cho chúng ta sau đây. Đó sống thánh, siêng năng cầu nguyện, sốt sắng cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Sám hối giao hòa. Trong mọi việc, hãy cậy dựa vào ơn thánh, ngoan ngoãn nghe theo tiếng nói của Thánh Thần và sự hướng dẫn của huấn quyền Hội Thánh.

2. Phải đặt việc nên thánh lên hàng đầu

Điểm đầu tiên cần phải xét mình trong tuần tĩnh tâm là tính ưu việt tuyệt đối của việc nên thánh trong mọi chương trình sống và làm việc mục vụ. Hiến chế về Hội Thánh đã xác định rõ là mọi người đều được kêu gọi nên thánh, nên hoàn thiện (HT 4). Sự thánh thiện phải hiểu theo nghĩa căn bản này là mọi Kitô hữu, qua bí tích Rửa tội, đã thuộc về Thiên Chúa, Đấng cực Thánh. Vì thế, một khi đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần đến cư ngụ, mà vẫn sống đời tầm thường, thì thật là mâu thuẫn. Vì thế hãy dùng thì giờ để xét mình trước Thánh Thể Chúa xem chúng ta có chú tâm đủ vào việc thánh hóa bản thân và những người Chúa trao phó cho chúng ta săn sóc trong chương trình sống và hoạt động mục vụ của chúng ta chưa. Hãy nằm lòng và nhắc chủ cho mọi người lời nhắn nhủ của thánh Phaolô: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em phải nên thánh” (1Tx  4,3).

3. Phải học hỏi và thực tập cầu nguyện

Dựa vào khoa sư phạm hướng dẫn việc nên thánh, thì điều trước tiên cần lưu ý là“nghệ thuật cầu nguyện”. Đức Thánh Cha cảnh cáo là không nên coi việc cầu nguyện như một điều hiển nhiên, nhưng cần phải học hỏi: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Trong cầu nguyện, việc đối thoại với Chúa Kitô sẽ làm ta ngày thêm lớn mạnh. Người sẽ làm cho ta trở thành những kẻ thân thiết của Người: “Hãy ở lại trong Ta, như Ta ở trong các con” (Ga 15, 4). Chớ chi mỗi khi đến với Chúa chúng ta không chỉ biết xin, nhưng còn biết tạ ơn, ngợi khen, thờ phượng, chiêm ngắm, lắng nghe và hiệp thông với Chúa. Vì thế học hỏi và giáo dục cầu nguyện phải là yếu tố quyết định trong chương trình sống và làm việc mục vụ. Phải cố gắng hơn nữa để tạo bầu khí trong những kinh nguyện riêng tư, một mình, nhưng cả trong cộng đoàn giáo xứ nữa. Tuy phải trân trọng những hình thức cầu nguyện bình dân, nhưng cũng phải thực hành và giáo dục cho dân chúng cách cầu nguyện theo phụng vụ. Nhiều nơi, ngoài thánh lễ, người ta còn tham dự kinh sáng và kinh chiều. Điều đó cho thấy chương trình cầu nguyện này có thể thực hiện, chứ không quá đáng như người ta tưởng.

4. Sốt sắng cử hành Thánh Thể.

Điểm thứ ba được Đức Thánh Cha nhắc tới trong các chương trình sống và làm việc mục vụ là cử hành Thánh Thể, đặc biệt là ngày Chúa nhật. Ngài công nhận rằng, từ Công Đồng Vaticanô II tới nay,  cộng đồng Kitô giáo đã lớn mạnh trong việc cử hành các bí tích, đặc biệt là cử hành Thánh Thể. Ngài khẳng định là phải duy trì chiều hướng này và phải dành ưu tiên cho việc cử hành Thánh Thể ngày Chúa nhật, vì là ngày Chúa Giêsu phục sinh, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Và đó cũng là truyền thống của Hội Thánh suốt 2000 năm qua. Nhờ qui tụ các Kitô hữu hằng tuần lại với nhau, như trong một gia đình, quanh bàn tiệc lời Chúa và bàn tiệc bánh ban sự sống, Thánh Thể trở thành thuốc ngăn ngừa sự ly tán một cách hết sức tự nhiên. Đó là nơi ưu tuyển loan báo và bảo tồn sự hiệp thông. Chính nhờ tham dự việc cử hành Thánh Thể ngày Chúa nhật, mà “Ngày của Chúa” trở thành “Ngày của Hội Thánh”.

5. Quý trọng bí tích Sám hối giao hòa

Đức Thánh Cha cũng thúc giục chúng ta hãy can đảm tìm cách trình bày sao cho việc năng lãnh nhận bí tích Giao hòa có sức thuyết phục và hữu hiệu hơn. Năm 1984, sau khóa họp của Thượng Hội đồng Giám mục bàn về vấn đề này, Đức Thánh Cha đã ra một Tông huấn, mời gọi các mục tử hãy hết sức giúp các tín hữu đương đầu với cuộc khủng hoảng về ý thức tội lỗi đang lan tràn trong các nền văn hóa hiện nay. Nhưng Ngài cũng đặc biệt kêu mời chúng ta hãy tái khám phá mầu nhiệm của lòng nhân ái nơi Chúa Kitô, Đấng đã tỏ cho chúng ta thấy trái tim đầy thương cảm của Người khi giao hoà chúng ta với Người cách hoàn toàn. Chính qua bí tích Sám hối là phương tiện thông thường để được tha những tội nặng đã phạm sau khi rửa tội, chúng ta sẽ nhìn ra khuôn mặt đầy thương cảm của Chúa. Khi Thượng hội đồng giám mục đề cập tới vấn đề này, thì mọi thành viên đều nhận thấy có sự khủng hoảng trong việc thực hành bí tích Sám hối giao hòa, đặc biệt tại một số nơi. Các ngài cũng thấy là những nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng này sẽ không mất đi trong  thời gian ngắn. Sự kiện này thúc giục các vị mục tử nên kiên nhẫn và cố gắng hơn trong việc tìm kiếm cách trình bày bí tích này để có thể phục hồi được giá trị của nó. Vì phải quí trọng ơn thánh, mà các bí tích là những ơn quí giá hạng nhất của Chúa, Đấng biết rất rõ lòng dạ con người, đồng thời cũng là Chúa của lịch sử.

6. Phải đặt ơn thánh lên hàng đầu

Trong chương trình mục vụ, phải đặt ơn thánh lên hàng đầu. Đã từ lâu, người ta thường bị cám dỗ coi sự thành tựu của công việc mục vụ là do khả năng khéo lập chương trình và tài hoạt động mà có. Dĩ nhiên Chúa đòi chúng ta phải cộng tác với ơn thánh và đầu tư mọi khả năng của khối óc và các tài năng khác vào công việc mở mang Nước Chúa, nhưng không bao giờ được quên rằng: “Không có Chúa  chúng ta không thể làm được gì” (Ga 15, 5). Việc cầu nguyện sẽ giúp ta sống đúng chân lý đó. Nó sẽ luôn nhắc nhở chúng ta phải đặt Chúa Kitô lên hàng đầu, và trong tương quan với Chúa, sự thánh thiện và đời sống nội tâm  có giá trị hơn. Bỏ nguyên lý đó đi, chúng ta sẽ chuốc lấy thảm bại. Kinh nghiệm của các môn đệ trong câu chuyện về mẻ cá lạ lùng, cho chúng ta cảm nghiệm được rằng: “Lạy Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không được gì, nhưng vâng lệnh Thầy chúng con thả lưới!” (Lc 5, 5). Vậy nghe lời Chúa, chúng ta “Hãy ra khơi”.

7. Đọc và suy gẫm lời Chúa

Theo Đức Thánh Cha, việc dành chỗ ưu tiên cho đời sống thánh thiện và kinh nguyện chỉ có thể có khi chúng ta biết năng đọc và lắng nghe lời Chúa. Từ khi Công Đồng nhấn mạnh đến vai trò ưu việt của lời Chúa trong đời sống Hội Thánh, chúng ta thấy đã có những bước đi lên khá rõ rệt trong việc lắng nghe và chăm chú đọc lời Chúa. Kinh nguyện công khai của Hội Thánh đã dành cho việc này sự trân trọng xứng đáng. Các cộng đoàn, các tín hữu, giờ đây sử dụng Kinh Thánh cách rộng rãi, và nhiều giáo dân cũng đang dấn thân vào việc học hỏi sâu rộng hơn về Kinh Thánh nhờ sự hỗ trợ quí báu của các khoa thần học và Kinh Thánh. Nhưng trên hết, chính công việc rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý cũng tìm được sự sống mới nhờ chú tâm tới lời Chúa. Vì thế, cần phải dành cho việc lắng nghe và học hỏi lời Chúa một chỗ xứng đáng trong cuộc sống cá nhân và các chương trình mục vụ. Cố gắng sao để mỗi gia đình có một cuốn Kinh Thánh, và làm sao để lời Chúa trở thành lời ban sự sống, lời chất vấn, hướng dẫn và khuôn đúc cuộc sống của chúng ta.

8. Phục vụ lời Chúa, rao giảng Tin Mừng

Sau cùng, được nuôi dưỡng bằng lời Chúa, chúng ta cũng phải trở thành những người phục vụ lời Chúa trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Ngày nay, không nơi đâu, kể cả những miền đón nhận Tin Mừng từ lâu,  có thể tự hào là một “xã hội Kitô giáo” nữa. Sự kiện “toàn cầu hóa” với các cuộc di dân và sự pha trộn của các nền văn hóa, đang làm cho người ta xa dần những giá trị của Tin Mừng, mỗi ngày mỗi hơn. Vì thế, nhiều lần Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh tới nhu cầu phải tái rao giảng Tin Mừng, thì giờ đây Ngài còn lặp lại và thúc đẩy chúng ta hãy để cho sự hăng say rao giảng của các Tông đồ trong ngày lễ Hiện xuống thấm nhập vào chúng ta, và như thánh Phaolô, chúng ta phải tự bảo mình: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1Cr 9,16).

Sự hăng say này phải làm phát khởi lên tinh thần truyền giáo mới. Phải làm cho mọi người ý thức rằng, đây không phải là công việc dành riêng cho các chuyên gia, các linh mục, tu sĩ, nhưng phải là tinh thần chung của mọi tín hữu. Quả thực, những ai đã thực sự gặp gỡ Chúa Kitô, thì không thể giữ Người lại cho riêng mình, nhưng phải loan báo Người cho các anh chị em khác. Cần có một lực đẩy tông đồ mới khiến các cộng đoàn, các nhóm, các cá nhân, hằng ngày dấn thân lo cho việc truyền giáo. Dĩ nhiên cần để ý tới sự khác biệt của mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, ngõ hầu những giá trị riêng biệt của mỗi địa phương không bị phế bỏ, nhưng được thanh tẩy và thăng tiến hơn. Trong ngàn năm thứ ba này, cần phải để ý hơn tới nhu cầu hội nhập văn hóa. Tuy, luôn phải bảo toàn căn tính của Kitô giáo, tuyệt đối trung thành với việc loan báo Tin Mừng và truyền thống Hội Thánh, nhưng cũng cần phải sử dụng những yếu tố văn hóa địa phương, để diễn tả giáo lý đức tin, để rao truyền chân lý, sao cho người nghe dễ hiểu, dễ chấp nhận. Phải rao giảng Chúa Kitô với lòng tin tưởng : Rao giảng cho mọi hạng người, mọi lứa tuổi, nhưng nên để ý hơn tới giới trẻ. Kinh nghiệm cho chúng ta nhiều hứa hẹn về về tương lai “Mục vụ cho giới trẻ”.

9. Chiêm ngưỡng và noi gương các chứng nhân đức tin

Cuối cùng, Đức Thánh Cha bảo chúng ta hãy nhìn lên những chứng nhân của đức tin. Hội Thánh luôn tìm được nơi các chứng nhân một mầm giống của sự sống. Lời của ông Tertulianô luôn được lịch sử chứng nghiệm: “Máu các chứng nhân là hạt giống sinh ra các Kitô hữu”. Vậy nó lại không nghiệm đúng trong thế kỷ, trong ngàn năm mà chúng ta đang bắt đầu sao? Khi nói tới các chứng nhân, chúng ta thường có thói quen nghĩ tới những nhân vật của quá khứ, các vị tử đạo của những thế kỷ đầu. Việc tưởng niệm các chứng nhân đức tin trong Năm Thánh 2000 đã mở ra trước mắt chúng ta một viễn tượng đầy hy vọng, cho chúng ta thấy rằng thời đại của chúng ta rất giầu về các chứng nhân đức tin, những người đã biết sống Tin Mừng trong những hoàn cảnh hết sức cay nghiệt của cuộc sống, nhiều khi tới phải đổ máu. Nhờ các ngài, con đường đã được mở ra cho tương lai, với ơn Chúa, chúng ta hãy tiến bước theo chân các ngài.

Anh em thân mến,

 

Qua lời dạy bảo, hướng dẫn của Đức Thánh Cha, trong tuần tĩnh tâm này, trước Thánh Thể Chúa, chúng ta hãy xét lại xem chương trình sống và làm việc mục vụ của chúng ta có thích ứng với những gì Thánh Giáo Hoàng đã gợi lên cho chúng ta không. Xin Chúa soi sáng cho chúng ta nhận ra những điều chúng ta đã thực hiện được và những gì còn thiếu và ban ơn để chúng ta quyết chí tu sửa lại, để việc thánh hóa bản thân và công việc mục vụ của chúng ta ngày thêm tốt đẹp hơn.



[1]    Gioan Phaolô II: Tông thư "Bắt đầu Thiên niên kỷ mới"  số III, 06.01.2001


TTGPVL


2397    24-11-2020