Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Tinh thần thích nghi của người tông đồ theo gương Đức cha Lambert

 

Cuộc đời Đức Cha Lambert thể hiện rõ tinh thần thích nghi cách quân bình, để có thể hòa nhập với xã hội, thực thi sứ mạng mà vẫn giữ được lập trường và đời sống đạo đức tốt lành của mình. Tinh thần thích nghi này được thể hiện qua mọi khía cạnh trong đời sống của một tông đồ thừa sai.

 

  1. Thích nghi với hoàn cảnh sống và phong tục địa phương:

Nếp sống quá khác biệt giữa Châu Âu và Châu Á, đã trở thành những thách đố lớn lao cho các nhà thừa sai nói chung và Đức Cha Lambert nói riêng. Nhà thừa sai cần có tinh thần thích nghi để có thể điều chỉnh được bản thân mình, chịu đựng được những điều kiện sống khắc nghiệt về khí hậu, thực phẩm, ngôn ngữ, não trạng và phong tục địa phương.

Về khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nóng nảy và không có các tiện nghi cần thiết.

Về thực phẩm, người Châu Âu quen ăn uống nhiều thịt, uống rượu cùng với bữa ăn, nhưng trong hoàn cảnh châu Á thì không có điều kiện để ăn uống như vậy. Hơn nữa, các ngài phải thích nghi để noi theo gương sống của các tăng lữ Phật giáo, tạo uy tín đối với vua chúa quan quyền và dân chúng.

Đức Cha Laneau thuật lại câu chuyện có ý nghĩa sau, cho thấy tầm quan trọng của việc dùng thực
phẩm trong mối quan hệ giữa người Pháp và người Siam: “Mấy ngày vừa qua, Nhà Vua gửi một quan đi thanh tra, ngài muốn ông ấy xem chúng tôi ăn, nên ông ấy tới đúng lúc chúng tôi ngồi vào bàn. Nhưng người ta đã mau cất thịt đi trước khi ông bước vào phòng và đem trái cây ra. Khi không muốn thích nghi với phong tục thì khổ như vậy đấy”[1].

Về ngôn ngữ, thật khó khăn biết bao khi học tiếng bản xứ, và cần phải lệ thuộc vào người phiên dịch khi cần giao tiếp.

Về trang phục, Đức Cha Lambert đã đệ trình Tòa Thánh việc ngài cho phép Đức cha Laneau được mặc áo vàng như các nhà sư Phật giáo, trong khi đi lại, vì lý do hội nhập văn hóa[2]. Tuy nhiên, những kẻ chống đối thì lại đi tố cáo với Tòa Thánh rằng: Hình như một trong ba giám mục Pháp đã trở thành quan trong triều đình và đã mặc hoàng bào. Khi không được Tòa Thánh cho phép, ngài vẫn sẵn lòng đón nhận trong tinh thần vâng phục.

  1. Thích nghi trong cách thức truyền giáo

Để có thể thiết lập và xây dựng Giáo hội địa phương, Đức Cha Lambert quan tâm đến việc đào tạo linh mục và tu sĩ, và đã có những thích nghi cần thiết như:

  • Truyền chức cho một số linh mục mà không đòi hỏi trình độ tiếng Latinh thật giỏi
  • Xin phép Tòa Thánh cho giáo dân được mừng lễ kính nhớ tổ tiên vào dịp Tết: “Trong các cuộc kinh lý vùng khá nhất ở Đàng Trong tôi thấy bổn đạo rất ao ước thấy Toà Thánh cho phép họ mừng lễ tổ tiên mỗi năm vào ngày đầu năm mới, thường vào cuối tháng giêng hoặc đầu tháng hai. Tôi không nghĩ rằng Đức Hồng y có thể dùng thế lực của mình vào một chuyện tốt và đơn giản hơn”[3].
  • Khi soạn thảo Công thức khấn cho những người gia nhập Tu hội Mến Thánh Giá, ngài đã soạn hai công thức, Công thức A dành cho những người hướng tới đời sống trọn lành, với những thực hành nghiêm nhặt (mỗi ngày nguyện ngắm ba giờ, khi đau ốm không dùng thuốc, kiêng thịt và rượu suốt năm). Công thức B dành cho thành viên chọn một nếp sống ít nghiêm nhặt hơn (nguyện ngắm hai giờ mỗi ngày, còn việc kiêng thịt, rượu và dùng thuốc chữa bệnh thì được phép thích ứng với những tập tục ở châu Âu)[4]. Tuy nhiên, một số người chỉ trích rằng luật lệ dành cho Những người yêu mến Thánh Giá quá khắt khe để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh và mọi nhà truyền giáo, nên tòa Thánh đã không phê chuẩn việc thành lập Dòng Nhất Mến Thánh Giá. Đức Cha Lambert cũng sẵn lòng đón nhận quyết định của Tòa Thánh.
  • Trong những mục đích mà ngài ấn định cho Tu hội đầu tiên của các nữ tu bản xứ châu Á, Đức Cha Pierre Lambert áp dụng các trực giác thiêng liêng cấp tiến nhất của thời đại ngài và đi xa hơn nữa, bằng cách liên kết làm một, không tách rời ra được, đời sống chiêm niệm, ơn gọi thừa sai và công tác bác ái, ba trục lớn của những phụ nữ cấp tiến các thế kỷ XVI và XVII, nhưng thích nghi cho phù hợp với các điều kiện đặc thù của Giáo hội Việt Nam (sống âm thầm, bị bách hại, không có cơ cấu giáo phẩm) và đặt chúng dưới ánh sáng của linh đạo Thập Giá, linh đạo riêng của họ[5].
  • Các điều luật của Dòng Nữ Mến Thánh Giá cũng cho thấy tư tưởng của Đấng Lập Dòng. Chúng rất ngắn so với các điều luật của các Tu hội châu Âu cùng thời. Đức Cha Pierre Lambert biết rằng trong một Giáo hội mới sinh đang phải sống âm thầm, không thể
    chất nặng trên vai các nữ tu những đòi hỏi chi tiết. Phải để cho chị em khả năng thích nghi với hoàn cảnh và tiến triển.
  • Đức Cha Lambert là một người sẵn sàng cởi mở và thích nghi,. Nhưng đôi khi ngài lại có thái độ xem ra quá khắt khe, khi phản đối những du di, nhượng bộ của các thừa sai vì chủ nghĩa phóng khoáng hơn là vì tôn trọng văn hóa địa phương.

Tinh thần thích nghi của Đức Cha Lambert không phải được xây đắp dựa trên sự hiểu biết và khôn ngoan mềm dẻo của người đời, nhưng dựa trên ơn khôn ngoan Thần Linh, mang lại những hiểu biết tuyệt vời, nhờ đó điều chỉnh được một cách tốt đẹp các hoạt động của mình và hướng dẫn kẻ khác vào những con đường Thiên Chúa muốn họ bước đi.[6]

Noi gương Đấng Sáng lập, chị em Mến Thánh Giá Thủ Đức chúng ta cũng tập cho mình có được tinh thần và khả năng sống thích nghi trong mọi hoàn cảnh sống và trong cách thức làm việc tông đồ, để có thể chu toàn sứ vụ tông đồ thừa sai một cách hiệu quả. Điều đáng lưu ý là vừa thích nghi vừa giữ được bản sắc phụ nữ Á Đông của chúng ta, và kết hợp được đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn, việc tông đồ và bác ái xã hội. Để thực hiện được như vậy, đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần khổ chế hy sinh vì tình yêu, chấp nhận từ bỏ những tiện nghi vật chất, điều chỉnh cách ăn uống ngủ nghỉ, trang phục, những thói quen, cách hành xử, cách làm việc… cho phù hợp với thực tế địa phương nơi chúng ta được gởi đến, để có thể trở nên mọi sự cho mọi người, theo gương Đức Cha Lambert, Đấng Sáng Lập kính yêu của chúng ta.

Sr. Anna Lê Thị Vân Nga

1776    19-08-2018