Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Tổ ấm gia đình – nơi ươm mầm tương lai

post052048x1365

Nuôi dạy cho con lớn khôn là mong ước của mọi cha mẹ, nhưng thực hiện thế nào, thì không phải tất cả các cha mẹ đều biết. Có những bạn trẻ được chuẩn bị cẩn thận để bước vào đời sống gia đình. Không ít bậc cha mẹ đã có mấy mụn con rồi, mà vẫn không tìm được một hướng đi rõ ràng trong việc nuôi dạy con cái. Lỗi tại ai? Ở đây, chúng ta không đi tìm nguyên nhân của sự thất bại trong việc nuôi dạy con cái, nhưng cùng với nhau bước vào một hành trình tìm kiếm phương cách giúp con cái lớn lên cách trọn vẹn hơn.

Câu cuối cùng của bài Tin Mừng Chúa Nhật mừng lễ Thánh Gia Thất[1] gợi mở cho chúng ta những phương diện cần chú ý để nuôi dạy con cái, để chúng được trưởng thành một cách quân bình.

Thánh sử Lu-ca mô tả sự lớn lên của cậu bé Giê-su trong một câu vắn gọn: “Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (câu 52; xem thêm 2, 40). Những lời này chứng thực, cậu bé Giê-su được nuôi dưỡng và trưởng thành về nhiều phương diện.

Cụ thể, chúng ta có thể nhận ra cậu bé Giê-su lớn lên về bốn phương diện. Mỗi phương diện đều cần thiết để trở nên một người quân bình: Khía cạnh đầu tiên được đề cập là sự khôn ngoan (1); Rồi đến sự phát triển cả về thể xác lẫn sự trưởng thành về tinh thần (2); Sau đó là sự lớn lên trong mối tương quan với Thiên Chúa (3); Và cuối cùng là lớn lên trong tương quan liên hệ với người khác (4).

Có thể nói, trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Lu-ca đề cập chủ yếu đến sự trưởng thành về phương diện khôn ngoan của cậu bé Giê-su. Sự khôn ngoan vượt ra khỏi kiến ​​thức và sự hiểu biết về các sự vật trong thế giới vật chất. Sự khôn ngoan không chỉ là biết về những cái có, mà còn là cái hiểu và nhận ra đâu là điều quan trọng. Chúng ta hãy chiêm ngắm cậu bé Giê-su đang hiện diện trong đền thờ với sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa.

Cậu bé Giê-su ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi” (câu 46b). Ngồi là một tư thế dạy, nhưng chúng ta phải cẩn thận để không diễn giải quá mức; học sinh cũng có thể ngồi. Ở đây, thánh Lu-ca không nói rằng cậu bé Giê-su dạy các thầy, nhưng đang lắng nghe và đặt câu hỏi. Trong các học đường, giáo viên sẽ rất vui mừng khi có học sinh đặt câu hỏi hay. Những câu hỏi như thế cho thấy một tâm trí năng động và làm cho tinh thần học hỏi ở trong lớp được đẩy lên cao hơn. Bên cạnh đó, trong cách dạy con của người Do thái, họ nhấn mạnh và chú ý phát triển nơi đứa trẻ khả năng biết thắc mắc, biết đặt câu hỏi. Ở đây, cậu bé Giê-su vừa nghe vừa đưa ra những câu hỏi làm cho các thầy ở đền thờ phải thán phục.

Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (câu 47). Thánh sử Lu-ca xác nhận, ngay cả khi còn là một đứa trẻ, Đức Giê-su đã cho thấy tiềm năng sẽ trở thành một người khôn ngoan và có uy quyền thực sự. Sau này, khi đi rao giảng công khai, người ta ca ngợi Đức Giê-su về sự giảng dạy của Ngài trong các hội đường (Lc 4, 15). Mọi người ngạc nhiên trước những lời hay ý đẹp phát ra từ miệng của cậu bé địa phương này (Lc 4, 22). Họ sẽ sửng sốt vì lời của Ngài có uy quyền (Lc 4, 32)….

Trong cuốn sách bàn luận về Chúa Ba Ngôi, thánh Au-gus-ti-nô phân biệt sự khôn ngoan khác với trí khôn thông minh. Ngài khẳng định, sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, và chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho con người sự khôn ngoan, chứ không phải là do sự hiểu biết nhiều về các sự vật ở dưới đất và các tinh tú trên trời.

Nếu để ý, chúng ta có thể nhận thấy, bài Tin Mừng hôm nay chỉ ra cho chúng ta thấy một phương diện nền tảng đóng vai trò chìa khóa. Đó là mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Chắc chắn đây không phải là ngẫu nhiên hay tình cờ, mà hôm nay lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo mời gọi chúng ta đọc bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca. Một bài tường thuật về những điều đang diễn ra ở nơi rất quan trọng đối với người Do thái – trong đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Thánh sử Lu-ca ghi lại, hàng năm Đức Giê-su cùng cha mẹ trẩy hội lên đền thờ, và lần này là vào dịp lễ Vượt Qua. Đối với người Do thái, hàng năm mọi người sẽ phải lên đền thờ 3 lần.[2] Qua những lời này chúng ta nhận thấy, gia đình Thánh gia là một gia đình có mối tương quan thường xuyên và gắn bó mật thiết với Thiên Chúa.

Chính ở nơi đền thờ, cậu bé Giê-su mười hai tuổi, đã nhận ra danh tính và ơn gọi của mình. Ngài thưa cùng cha mẹ „Con phải có bổn phận ở nhà Cha con”. Ở đây, Đức Giê-su không bất kính với cha mẹ mình, nhưng Ngài xác tín: Ngài có nghĩa vụ lớn hơn đối với Cha Trên Trời. Chắc chắn đây chưa phải là lần cuối cùng Tin Mừng nói về ơn gọi của Ngài gây ra "những vấn đề” cho gia đình của mình.[3]

Đức Giê-su được lớn lên về mỗi chiều kích, cho thấy những năm tháng sống ở Na-za-rét, Ngài được tạo điều kiện để phát triển về mọi phương diện. Sau này, các giáo phụ khẳng định cách mạnh mẽ: Đức Giê-su là Thiên Chúa thực và là người thực. Là con người thực, Đức Giê-su đã bắt đầu cuộc sống với những giới hạn của một đứa trẻ sơ sinh. Ngài lớn lên để trở thành một cậu bé mười hai tuổi; sau đó lớn hơn nữa và trở thành một người đàn ông thực thụ.

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi các gia đình hãy trở nên những tổ ấm yêu thương và tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của những đứa con. Câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để giúp con cái được phát triển toàn diện một cách quân bình? Trả lời cho câu hỏi này là một thách đố lớn. Chắc chắn, các cha mẹ không chỉ lo chu cấp cho con cái có sự đầy đủ tiện nghi về vật chất, mà còn chú ý quan tâm giúp con phát triển về tâm hồn, về tương quan với Thiên Chúa và với con người. Mỗi cặp cha mẹ cần tìm ra cho riêng mình những phương cách cụ thể để nuôi dạy con cái mình trưởng thành về các phương diện. Nhất là dành thời gian cho con cái, để hiểu và giúp chúng phát triển tối đa những tài năng tự nhiên cũng như những ơn siêu nhiên.

Những năm qua, Giáo hội ưu tư và mục vụ giúp các gia đình trẻ khám phá ra ý nghĩa và ơn gọi của mình. Thao thức ấy của Giáo hội được diễn tả qua các chỉ dẫn của Thượng Hội Đồng Giám Mục về năm gia đình.[4] Tông huấn Amoris laetitia – Niềm vui yêu thương – của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô là kim chỉ nam trong việc huấn luyện cho những ai đang ở giai đoạn đính hôn.[5] Các bậc cha mẹ hãy nhớ rằng, mình luôn có ảnh hưởng trên sự phát triển của con cái, về điều tốt cũng như điều xấu. Vì thế, việc tốt nhất là các bậc làm cha làm mẹ hãy đảm nhận trách nhiệm không thể né tránh này và thực hiện việc giáo dục cách ý thức, nhiệt thành, hữu lí và phù hợp.[6]

Nguyện xin cho các bậc cha mẹ ơn khôn ngoan, biết xây dựng gia đình trở thành tổ ấm ươm mầm tương lai cho xã hội và cho Giáo Hội. Amen.


Tác giả: Giu-se Trần Văn Ngữ, SJ - Nguồn: Dòng Tên Việt Nam (23/12/2021)

-----------------------
[1] Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất Năm C (Lc 2,41-52).

[2] Các ngày lễ của Ít-ra-en: "Mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai phải đến trước nhan Chúa Tể là Ðức Chúa.” (Xh 23,17). Xem thêm Xh 34,23; Đnl 16,16.

[3] Những ai thật sự thuộc gia đình của Đức Giê-su (Lc 8,19-21); "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26).

[4] ĐTC Phan-xi-cô khai mạc Năm "Gia đình Amoris Laetitia” (Xem: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-03/dtc-khai-mac-nam-gia-dinh.html).

[5] Hiệu quả của Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui Yêu thương trong ánh sáng canh tân gia đình (xem:https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2019-12/hieu-qua-niem-vui-yeu-thuong-armoris-laetitia.html).

[6] Tông huấn Amoris Laetitia chương VII: Củng cố việc giáo dục con cái. (bản dịch tiếng Việt: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-amoris-laetitia-niem-vui-cua-tinh-yeu-41885#_Toc71397975).

602    24-12-2021