Phát biểu tại phiên họp thứ 68 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, ủng hộ cam kết của tổ chức này đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và đảm bảo sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân
Đức Tổng Giám Mục nói trong buổi họp đầu tiên của phiên họp từ ngày 16 đến 20/9 rằng Toà Thánh nhìn nhận vai trò nền tảng của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong việc tìm kiếm một thế giới không vũ khí hạt nhân, điều có thể và cần thiết như Đức Thánh Cha đã khẳng định, đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của Toà Thánh đối với nhiều đóng góp của Cơ quan này cho chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như việc sử dụng công nghệ hạt nhân một cách an toàn, và vì hoà bình. Điều quan trọng là những công nghệ này luôn được tiếp cận từ một góc độ phục vụ công ích của nhân loại và sự phát triển toàn diện của mỗi người.
Ngoại trưởng Toà Thánh đặc biệt đề cập đến những nỗ lực của Cơ quan trong việc bảo đảm an ninh tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya, và ngăn chặn điều mà Đức Thánh Cha mô tả như một “thảm họa hạt nhân”. Ngài khen ngợi Tổng Giám đốc Cơ quan Rafael Mariano Grossi và các thanh tra viên của Cơ quan về sự dũng cảm và tính chuyên nghiệp của họ trong việc duy trì sự hiện diện liên tục ở Zaporizhzhya và cung cấp các báo cáo khách quan và công bằng về tình hình. Do điều này, Tòa Thánh kêu gọi các bên xung đột kiềm chế tấn công những nơi này, vì hậu quả có thể tàn khốc đối với toàn thể nhân loại.
Ngoại trưởng Toà Thánh nhắc lại điều Đức Thánh Cha đã nói trong thông điệp Fratelli tutti, về “mục tiêu cuối cùng của việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân vừa trở thành một thách đố vừa là một mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo”, đồng thời, sứ điệp Đức Thánh Cha gửi đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 6/2023 mời gọi mọi người nói “không” với chiến tranh, và khẳng định “chiến tranh không thể biện minh, nhưng chỉ có hoà bình ổn định và lâu dài được xây dựng trên tình huynh đệ mới chính đáng”.
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh thêm rằng, là Kitô hữu, chúng ta đặt hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng không phải là một vị lãnh đạo chiến thắng của thế giới này, nhưng là một tôi tớ đau khổ. Theo ngài, Kitô hữu không phải là những người cứu thế giới nhưng chúng ta được kêu gọi kiên nhẫn trước các cuộc đàm phán kéo dài và thường gây nản lòng, đồng thời tìm ra những thỏa hiệp trong các vấn đề chính trị và ngoại giao đầy thách đố.
Trong một công việc không phô trương, ít có kết quả rõ ràng, đặc biệt là trong thời đại mà vũ khí và sức mạnh quân sự được ưu tiên hơn ngoại giao, Ngoại trưởng Toà Thánh mời gọi cam kết sử dụng các công cụ đối thoại, kiên nhẫn, niềm tin và sự kiên trì để đạt được mục tiêu mà tất cả chúng ta đều mong muốn: sự chung sống hòa bình của gia đình nhân loại và sự phát triển toàn diện của mỗi người.
Đức Tổng Giám mục kết luận: “Khi bắt đầu Hội nghị, xin Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình giúp chúng ta cùng nhau làm việc, vượt quá giới hạn tự nhiên, vì công ích và toàn thể nhân loại”.
Theo Vatican News (18/9/2024)