65. Cuộc nhập thể của Ngôi Lời trong một gia đình nhân loại, ở Nadarét, bằng chính tính mới mẻ của nó đã chạm tới lịch sử thế giới. Chúng ta cần dìm mình vào trong mầu nhiệm Giáng Sinh của Đức Giêsu, vào trong tiếng “xin vâng” của Đức Maria đáp lời thiên sứ truyền tin, khi Ngôi Lời được tượng thai trong cung lòng Mẹ; cũng như trong tiếng “xin vâng” của thánh Giuse, người đã đặt tên cho Đức Giêsu và chăm sóc Mẹ Maria; trong lễ hội của các mục đồng trước máng cỏ; trong sự bái thờ của các nhà chiêm tinh; trong cuộc trốn chạy sang Ai Cập, nơi đó Đức Giêsu thông chia nỗi đau khổ với dân Người bị lưu đày, bị bắt bớ, và bị làm nhục;trong sự mong đợi thánh thiện của Dacaria và trong niềm vui mừng khi Gioan Tẩy Giả chào đời; trong lời hứa được ứng nghiệm cho ông Simêon và bà Anna trong Đền Thờ; trong thái độ sửng sốt của các kinh sư khi lắng nghe sự khôn ngoan của trẻ Giêsu. Và rồi chúng ta cần nhìn sâu vào ba mươi năm ròng rã, trong đó Đức Giêsu sinh sống bằng chính đôi tay lao động của mình, Người đọc các kinh nguyện và truyền thống đức tin của dân mình, và học hỏi đức tin của cha ông, cho tới khi đức tin ấy sinh hoa kết trái trong mầu nhiệm Nước Trời. Đây chính là mầu nhiệm của Giáng Sinh và bí mật của Nadarét, tỏa ngát hương thơm của gia đình! Đó chính mầu nhiệm đã cuốn hút mạnh mẽ thánh Phanxicô Assisi, Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Charles de Foucauld, và vẫn tiếp tục đổ đầy hi vọng và niềm vui cho các gia đình Kitô hữu.
66. “Giao ước tình yêu và trung thành được Thánh Gia Nadarét thực hiện soi sáng nguyên tắc định hình cho mọi gia đình, và giúp gia đình có thể đương đầu tốt hơn với những thăng trầm của cuộc sống và của lịch sử. Trên nền tảng này, mỗi gia đình, dù trong yếu đuối, có thể trở thành một ánh sáng giữa đêm tối của thế giới. “Nơi đây chúng ta hiểu cách sống trong gia đình. Nadarét nhắc chúng ta về ý nghĩa của gia đình, về sự hiệp thông tình yêu, vẻ đẹp đơn sơ và giản dị, tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình; làm cho chúng ta thấy gia đình là một trường học ngọt ngào và không thể thay thế, dạy cho ta biết thế nào là chức năng tự nhiên của gia đình đối với trật tự xã hội” (Phaolô VI, Diễn từ tại Nadarét, 5.1.1964)”.[58]
Gia đình trong các văn kiện của Giáo Hội
67. Công Đồng Chung Vatican II, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, bày tỏ ưu tư về sự “thăng tiến phẩm giá của hôn nhân và gia đình (cf. các số 47-52)”. Hiến chế này “định nghĩa hôn nhân là một cộng đồng sự sống và tình yêu (cf. 48), đặt tình yêu ở trung tâm gia đình […]. ‘Tình yêu đích thực giữa vợ và chồng (49) hàm chứa sự tự hiến cho nhau, bao gồm và hội nhập các chiều kích tính dục và tình cảm, phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa (cf. 48-49). Văn kiện còn nhấn mạnh việc đôi vợ chồng cắm rễ trong Đức Kitô: Chúa Kitô “đến gặp gỡ đôi vợ chồng Kitô hữu trong Bí tích Hôn phối” (48) và ở lại với họ. Trong cuộc nhập thể, Người đảm nhận tình yêu nhân loại, thanh luyện nó và đem nó đến chỗ viên mãn, nhờ Thánh Thần của Người, Người trao cho đôi vợ chồng khả năng sống tình yêu ấy, làm thấm nhuần toàn thể cuộc sống họ bằng đức tin, đức cậy và đức mến. Nhờ đó, đôi vợ chồng như được thánh hiến, và nhờ một ân sủng đặc biệt họ xây dựng Thân Mình Đức Kitô và làm nên Hội thánh tại gia (cf. Lumen Gentium, 11), từ đó Hội thánh, nếu muốn hiểu biết đầy đủ mầu nhiệm của mình, sẽ nhìn ngắm gia đình Kitô hữu, một thể hiện chân thực của Hội thánh”.[59]
68. Tiếp đến, “Chân Phước Phaolô VI, theo hướng Công Đồng Vatican II, đã đào sâu đạo lí về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, với Thông điệp Humanae Vitae, ngài làm sáng tỏ mối liên kết nội tại giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản: “Tình yêu hôn nhân đòi hỏi đôi vợ chồng ý thức đúng đắn về sứ mạng làm cha làm mẹ có trách nhiệm của mình, điều mà ngày nay người ta có lí để nhấn mạnh rất nhiều, nhưng cũng là điều cần phải được hiểu đúng. […] Cho nên việc thực thi làm cha làm mẹ có trách nhiệm đòi hỏi vợ chồng nhận biết các bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, với chính mình, với gia đình mình và với xã hội, phù hợp với một nấc thang giá trị đúng đắn” (số 10). Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh mối tương quan giữa gia đình và Giáo Hội”.[60]
69. “Thánh Gioan Phaolô II dành quan tâm đặc biệt cho gia đình trong những bài giáo lí của ngài về tình yêu nhân loại, trong Thư gửi các gia đình, Gratissimam sane, và nhất là trong Tông huấn Familiaris consortio. Trong những văn kiện này, đức Giáo Hoàng đã xác định gia đình là ‘con đường của Hội thánh’; ngài cũng đưa ra một viễn ảnh chung về ơn gọi tình yêu của người nam và người nữ; ngài đề ra những hướng dẫn căn bản cho mục vụ gia đình, cũng như sự hiện diện của gia đình trong xã hội. Cách riêng, khi nói về tình yêu vợ chồng (cf. số 13), ngài mô tả cách mà các đôi vợ chồng, trong tình yêu thương nhau, nhận được ơn huệ của Thánh Thần của Đức Kitô và sống ơn gọi nên thánh dành cho mình”.[61]
70. “Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong Thông điệp Deus Caritas est, đã trở lại với chủ đề về sự thật của tình yêu nam nữ, vốn chỉ được soi sáng đầy đủ trong tình yêu của Đức Kitô chịu đóng đinh (cf. số 2). Ngài nhấn mạnh rằng ‘hôn nhân, dựa trên một tình yêu đơn nhất và mãi mãi, trở thành một biểu tượng của mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài, và ngược lại. Cung cách yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo cho tình yêu nhân loại’ (11). Hơn nữa, trong Thông điệp Caritas in Veritate, ngài nêu bật tầm quan trọng của tình yêu như một nguyên tắc cho đời sống trong xã hội (cf. 44), nơi đó người ta học kinh nghiệm về công ích”.[62]
Bí tích Hôn Phối
71. “Thánh Kinh và Thánh Truyền mở ra cho chúng ta lối tiếp cận để nhận thức về Thiên Chúa Ba Ngôi, được mạc khải bằng những nét của gia đình. Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng […] là sự hiệp thông của các ngôi vị. Khi Đức Kitô chịu Phép Rửa, tiếng Chúa Cha vang lên, gọi Đức Giêsu là Con yêu dấu, và trong tình yêu này chúng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần (cf. Mc 1,10-11). Đức Giêsu, Đấng đã hòa giải mọi sự nơi chính mình và đã cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi, không chỉ trả hôn nhân và gia đình về hình thức nguyên thủy của nó, mà còn nâng hôn nhân lên thành dấu chỉ bí tích tình yêu của Người đối với Hội thánh (cf. Mt 19,1-12; Mc 10,1-12; Ep 5,21-32). Trong gia đình nhân loại được qui tụ bởi Đức Kitô, “hình ảnh và là họa ảnh” của Ba Ngôi Chí Thánh (cf. St 1,26), mầu nhiệm mà từ đó tuôn trào mọi tình yêu đích thực, đã được phục hồi. Từ Đức Kitô, ngang qua Hội thánh, hôn nhân và gia đình đón nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần, để làm chứng cho Tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa”.[63]
72. Bí tích Hôn Phối không phải là một qui ước xã hội, một nghi thức trống rỗng, hay chỉ là dấu hiệu bên ngoài của một cam kết. Bí tích này là một ơn ban nhằm thánh hóa và cứu độ đôi vợ chồng, vì “việc họ thuộc về nhau là một hình ảnh thực, qua dấu chỉ bí tích, diễn tả chính mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh. Vì thế đôi hôn phối là một lời nhắc nhở thường xuyên cho Hội thánh về điều đã xảy ra trên thập giá; họ là chứng nhân của ơn cứu độ cho nhau và cho con cái, một ơn mà họ được dự phần nhờ bí tích này”.[64] Hôn nhân là một ơn gọi, xét như đó là sự đáp trả một tiếng gọi đặc biệt sống tình yêu vợ chồng, như một dấu chỉ không hoàn hảo của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh. Vì thế, quyết định kết hôn và xây dựng gia đình phải là kết quả của một sự phân định ơn gọi.
73. “Việc trao hiến cho nhau trong Bí tích Hôn Nhân có căn nguyên từ ân sủng của Bí tích Rửa Tội, vốn là Bí tích thiết lập giao ước nền tảng của mỗi người với Đức Kitô, trong Hội thánh. Khi đón nhận nhau, và với ân sủng của Đức Kitô, đôi hôn phối hứa hoàn toàn dâng hiến cho nhau, trung thành với nhau và sẵn sàng đón nhận sự sống mới, họ nhìn nhận những ơn huệ Thiên Chúa ban cho mình như những yếu tố thiết yếu của hôn nhân, và nghiêm túc cam kết thuộc về nhau, nhân danh Thiên Chúa, trước sự hiện diện của Hội thánh. Như vậy, trong đức tin họ có thể đảm nhận những thiện ích của hôn nhân như những cam kết có thể được thực thi tốt hơn nhờ sự trợ giúp của ân sủng bí tích. […] Vì thế, Hội thánh nhìn đôi bạn như trái tim của toàn thể gia đình, phần mình, gia đình cũng hướng nhìn về Đức Giêsu”.[65] Bí tích không phải là một “sự vật” hay một “sức mạnh” nào đó, vì thực ra chính Đức Kitô “đến gặp gỡ các đôi vợ chồng Kitô hữu qua Bí tích Hôn Phối. Người ở lại với họ, ban sức mạnh cho họ để họ nhận lấy thập giá của mình mà bước đi theo Người, chỗi dậy sau khi qụy ngã, tha thứ cho nhau, và vác lấy gánh nặng của nhau”.[66] Hôn nhân Kitô giáo là một dấu chỉ không đơn giản cho thấy Đức Kitô đã yêu Hội thánh của Người biết bao trong Giao ước được đóng ấn trên thập giá, nhưng nó còn làm cho tình yêu ấy hiện diện trong mối hiệp thông của đôi vợ chồng. Khi trở nên một xương một thịt, họ diễn tả sự kết hợp của Con Thiên Chúa với bản tính nhân loại. Vì thế “trong những niềm vui của tình yêu và của đời sống gia đình, Thiên Chúa ban cho họ, được nếm trước tiệc cưới Con Chiên ngay từ đời này”.[67] Mặc dù “sự so sánh loại suy giữa người chồng và người vợ với mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh là một “so sánh loại suy bất toàn”,[68] nó cũng mời gọi chúng ta khẩn cầu Chúa đổ tràn tình yêu của Người vào những giới hạn của các tương quan vợ chồng.
74. Kết hợp tính dục được vợ chồng trải nghiệm một cách nhân bản và được thánh hóa bởi bí tích, đến lượt nó là con đường cho đôi vợ chồng lớn lên trong đời sống ân sủng. Đó là “mầu nhiệm hôn phối”.[69] Giá trị của sự kết hợp thân xác được diễn tả trong những lời ưng thuận, trong đó hai vợ chồng đón nhận và hiến dâng cho nhau, để chia sẻ với nhau trọn cả cuộc sống. Những lời ấy đem đến cho tính dục một ý nghĩa và giải phóng nó khỏi mọi hàm hồ. Nhưng trong thực tế, toàn thể đời sống chung của vợ chồng, toàn thể mạng lưới các mối quan hệ mà họ dệt nên giữa họ, với con cái của họ và với thế giới, sẽ được nhận chìm và củng cố trong ân sủng của bí tích, vốn được phát nguồn từ mầu nhiệm Nhập thể và Vượt Qua, trong đó Thiên Chúa biểu lộ tất cả tình yêu của Ngài dành cho nhân loại và tình yêu đó đã nên một thâm sâu với nhân tính. Họ sẽ không bao giờ đơn độc đối đầu với các thách đố xuất hiện trên đường đời bằng sức riêng của mình. Họ được mời gọi đáp lại ơn huệ của Thiên Chúa bằng một sự dấn thân, sáng tạo, kiên trì, và chiến đấu hằng ngày, nhưng họ luôn có thể khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Đấng đã thánh hiến mối kết hợp của họ, để ân sủng mà họ lãnh nhận được thể hiện một cách mới mẻ trong mỗi hoàn cảnh mới mà họ gặp.
752 09-05-2021