Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Trách nhiệm của Cha Mẹ đối với con cái trong gia đình

Tất cả chúng ta đều biết rằng hôn nhân Công giáo có hai mục đích, một là vợ chồng yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Vậy thì đã rõ, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái là một bổn phận tối quan trọng, luôn bao gồm ba nhiệm vụ chính, đó là sinh đẻ, dưỡng nuôi và giáo dục. Vì thế, người ta vẫn thường đề cao nghĩa tình của cha mẹ, như sau:
TRÁCH NHIỆM CỦA CHA MẸ  ĐỐI VỚI CON CÁI TRONG GIA ĐÌNHTRÁCH NHIỆM CỦA CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI TRONG GIA ĐÌNH

Sinh con mang nặng đẻ đau, / Nuôi con chẳng quản công lao tháng ngày, / Dạy con vun đắp nên người, / Vì nhà vì nước đẹp đời mai sau…”.

1. Nhiệm vụ sinh đẻ

Thánh vịnh 127 đã viết: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà, / khác nào cây nho đầy hoa trái; / và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, / xúm xít tại bàn ăn. / Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (c. 3-4).

Giáo lý hôn nhân Công giáo cũng đã nêu rõ là đôi bạn một khi đã kết hôn với nhau thì phải ý thức rằng con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân và rằng khi một đứa con sinh ra trong sự mong đợi của vợ chồng thì đó quả là một niềm vui lớn lao cho gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui bao giờ cũng kèm nhiều nỗi lo lắng. Vì trên thực tế, hai vợ chồng phải gồng gánh, bươn chải để làm sao có đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con cái một cách tốt nhất, trong khi xã hội từng ngày phải đối phó với nhiều khó khăn về kinh tế, dân số, lương thực, y tế, giáo dục vv.

Vậy thì ở đây vấn đề đặt ra là cần phải sinh con một cách có trách nhiệm. Nghĩa là chính hai vợ chồng tự nguyện quyết định số con cái mình nên có. Sự quyết định này dựa vào thực lực của gia đình mình, vào khả năng chu toàn trách nhiệm làm cha mẹ và nhất là vào lương tâm ngay chính của hai vợ chồng.

Thực vậy, “Hội thánh nhấn mạnh rằng chính lương tâm trong sáng của đôi bạn là mực thước chỉ dạy họ quyết định về số con của mình. Nhờ vâng phục Thiên Chúa và đồng tâm hiệp lực với nhau, hai vợ chồng sẽ tạo được cho mình một phán đoán ngay thẳng, tức là biết xét đến lợi ích riêng của mình cũng như của con cái đã sinh ra hoặc sẽ sinh ra; biết nhận định về các hoàn cảnh vật chất và tinh thần; biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, xã hội và Hội thánh. Sự phán đoán ấy, chính đôi vợ chồng phải suy nghĩ trước mặt Thiên Chúa. Khi hành động, các vợ chồng Kitô hữu luôn ý thức mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải tuân theo tiếng nói của một lương tâm được khuôn đúc theo luật Chúa và giáo huấn của Hội thánh” (x. Giáo lý HN&GĐ, UB.GLĐT-HĐGMVN, NXBTG Hà Nội năm 2004, trang 157-158).

2. Nhiệm vụ dưỡng nuôi

Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” là mệnh lệnh rất phổ biến đối với các bạn đã bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Đã kết hôn thì phải có con. Đã có con thì phải nuôi dưỡng. Đã nuôi dưỡng thì phải làm sao cho con cái khỏe mạnh, thông minh và phát triển tốt. Ngày nay, chúng ta có rất nhiều phương tiện để bổ trợ cho việc nuôi con khỏe. Ngoài sữa mẹ, còn có rất nhiều thực phẩm dinh dưỡng khác có sẵn, vừa tiện dụng vừa bổ ích nhờ đó ta có thể nuôi con một cách khoa học và đạt yêu cầu dinh dưỡng của trẻ.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ có thể tích lũy cho mình một số vốn liếng kiến thức về kỹ năng nuôi con nhờ vào các nguồn thông tin và kinh nghiệm có sẵn. Vấn đề dinh dưỡng của trẻ không phải tự nhiên mà mình biết đủ, biết đúng được. Ta phải học. Thực tế, ít có trường lớp dạy chuyên môn về điều này, do đó phải tự tìm học ở sách vở, tài liệu, và nhất là học hỏi nơi những người có kinh nghiệm nuôi con…Đừng nghĩ rằng “Trời sinh voi trời sinh cỏ” mà phó mặc việc chăm sóc con cái cho tự nhiên. Trái lại, ta nên đầu tư công sức vào việc vun trồng con cái sao cho chúng phát triển cả về thể xác lẫn tinh thần, cả về sinh lý lẫn tâm lý.

3. Nhiệm vụ giáo dục

Giáo dục con cái cho nên người luôn là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, phức tạp và nặng nề đối với các bậc cha mẹ. Đó là một công trình quan trọng mà các bậc cha mẹ cần lưu tâm hơn cả. Như một danh nhân đã nói: “Đứa con sẽ là phần thưởng hay hình phạt cho cha mẹ tùy theo sự giáo dục của mình”. Và trên hết cha mẹ luôn là tấm gương sáng cho con cái noi theo đồng thời nắm giữ vai trò quyết định trong việc giáo dục trong gia đình mình.

Ở đây chúng ta thử tham khảo mấy ý kiến sau của một tác giả Công giáo về chủ đề “Giáo dục con cái trong thời đại mới” (x. Bùi Hữu Thư, VietCatholic News 24-2-2009), như sau:

Dạy cho con cái biết các giá trị tinh thần của chúng ta là vấn đề hết sức quan trọng. Rất may là mọi sự khởi đầu từ chúng ta là các bậc phụ huynh và cũng chấm dứt nơi chúng ta. Cha mẹ có nhiều ảnh hưởng trong việc truyền thụ các giá trị cho con cái hơn mọi yếu tố khác. Sau đây là một vài điều giản dị, và rất quan trọng chúng ta phải nhớ về các giá trị và tìm cách để chuyển giao chúng cho con cái:

- Con cái học biết cách phân định những gì là tốt hay xấu nơi những người chúng thương yêu và kính trọng. Không có một ai khác có ảnh hưởng nhiều hơn trong việc dạy dỗ các giá trị hơn bạn. Lời nói của bạn có thể làm thay đổi mọi sự.

- Khi dạy dỗ giá trị, hành động luôn luôn có ý nghĩa nhiều hơn lời nói. Con trẻ bây giờ có thái độ “Hãy làm cho tôi xem đi!”(Show me!). Chúng cần được thấy các giá trị được cha mẹ biểu tượng trong cuộc sống của họ. Chúng ta cần kính trọng đời sống, kính trọng kẻ khác, ngay thẳng, công chính... Con cái sẽ có được các giá trị này khi quan sát chúng ta.

- Gia đình vẫn là công cụ hữu hiệu nhất cho việc giáo dục con cái. Một mái ấm gia đình, nơi mọi người thương yêu, đùm bọc lẫn nhau tạo được môi trường cần thiết cho con cái học hỏi cái gì là tốt, cái gì xấu, và học cả cách yêu thương nhau. Giá trị tinh thần chỉ có thể được nuôi dưỡng trong một môi trường có tình yêu và sự chấp nhận.

- Luôn luôn bỏ thì giờ ra để ngồi xuống nói chuyện với con cái. Đừng e ngại phải nói ra những điều bạn cảm thấy và cũng đừng bao giờ không chịu nghe những gì con cái đang suy nghĩ.

- Luôn luôn cố gắng dạy dỗ con cái biết yêu thương và kính trọng nhau như những đứa con của Thiên Chúa. Một tình yêu lành mạnh và sự tự trọng hết sức quan trọng đối với con cái. Đây cũng là bước đầu cần thiết trong việc giúp đỡ con cái học biết thương yêu và kính trọng tha nhân và Thiên Chúa.

- Không có ai nói rõ hơn Chúa Giêsu. Mấy chữ này: “Yêu tha nhân...” là một sứ điệp quan trọng cho mỗi đứa con trẻ”.

Tóm lại, trong trách nhiệm giáo dục, các bậc cha mẹ nên nhận thức một điều này, là “Giáo dục con cái là một lĩnh vực quan trọng và là một nghệ thuật trong đời sống gia đình, trong đó cha mẹ giữ vai trò quyết định. Giáo dục tốt, con cái sẽ trở thành con người tốt, thành người cha người mẹ tốt trong tương lai. Giáo dục con cái tốt là cái lợi thiết thân nhất của tuổi già. Con cái biết làm ăn để sinh sống và chúng có hiếu, cha mẹ sung sướng; con cái không biết làm ăn, lười biếng thì nghèo khổ, trộm cắp, cha mẹ buồn và xấu hổ. Con cái bất hiếu khiến cha mẹ đau khổ, tủi nhục…” (x. Nguyễn Đình Xuân, Tâm lý học tình yêu gia đình, NXB GD 1993, trang 123)./.

Aug. Trần Cao Khải

8930    24-10-2017