Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Trên đỉnh sóng (3-3)

 

Trong bàn tay của Chúa

Cũng đã tám, chín tháng Antôn buộc phải ra khỏi tịnh cốc của mình. Lòng nhiệt huyết muốn trao truyền đức tin không phù với nơi hẻo lánh giữa thiên nhiên chỉ để giảng cho sáu tu sĩ gần như không biết chữ này. Nhưng Antôn loại mọi suy nghĩ cá nhân về một định hướng mới có thể có cho ơn gọi của mình. Anh phó mọi việc vào bàn tay Chúa, người sẽ can thiệp thêm một lần nữa.

Ngày 19 tháng 3 năm 1222, đêm trước chúa nhật Thương Khó, nơi sẽ có một cuộc tụ họp đông đảo ở trụ sở của tòa giám mục Forli. Dịp này nhiều tu sĩ Dòng Phanxicô và Dòng Đa Minh sẽ chịu chức. Cha bề trên của đan viện Monte-Paolo cũng đến, đi cùng có Antôn và các đồng bạn. Nhà thờ chính tòa chật ních vì các tu sĩ hai Dòng đều về đây đầy đủ. 

Ai lên tiếng?

Trong lễ chịu chức, giám mục tại chỗ thường có thói quen giao cho một trong các bề trên cộng đoàn đọc lời khích lệ cho các tân linh mục trước buổi lễ. Chủ đề chung quanh tầm quan trọng sự dấn thân của họ, phẩm chất sứ vụ của mình và các bổn phận theo đó.

Năm đó giám mục chỉ định việc này cho các bề trên Dòng Đa Minh. Nhưng người này người kia thoái thác. Lý do? Một lý do cho tất cả mọi người: một bài giảng hay của “người chuyên đi giảng” phải được chuẩn bị có bài bản. Không thể ngẫu hứng lại càng không thể làm trong một thời gian ngắn. Không có chuyện phơi bày ra cho mọi người thấy thất bại của mình!

Giám mục chỉ biết cầu cứu các cha Dòng Phanxicô, chủ yếu là bề trên giảm tỉnh: linh mục Gratien.

Cha cố gắng nhưng vô vọng để tìm một người có thể làm công việc này: ai cũng từ chối, họ nói mình không đủ sức. Cha nhớ lại người cha đã gặp ở tổng tu nghị Sainte-Marie-des-Anges, người có bề ngoài đơn sơ nhưng tâm hồn sâu sắc và chỉ muốn phục vụ cho tình yêu của Chúa Kitô bị đóng đinh. Nếu người này không giỏi thì tình yêu cho Chúa sẽ bù lại và Chúa Thánh Thần sẽ giúp họ!

Lộ ra

Chúng ta hình dung Antôn run lên khi ánh mắt cha Gratien quay về anh và nhờ anh đọc bài khích lệ. Anh ráng bập bẹ thoái thác, nhưng khi một thoáng bị khớp trôi qua, anh tỉnh trí và nhớ lại đức vâng lời, anh vượt lên sức nặng của tất cả các ánh mắt nhìn vào, anh quỳ dưới chân giám mục để xin ngài ban phép lành.

Anh bắt đầu: anh chọn đoạn thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Philiphê ngày Thứ Năm Tuần Thánh: “Chúa Kitô vâng lời cho đến chết.” Ngay khi anh đi vào chủ đề, mắt anh sáng lên, anh đọc với một giọng trầm tĩnh và nghiêm trọng. Cử chỉ hào hùng và tự tin đi theo lời “mới đầu rụt rè, sau nhanh nhẹn và càng lúc càng mạnh. Các lời giải thích rõ ràng, trong sáng, học thuyết phong phú lôi cuốn cử tọa, một tài hùng biện nói lên tâm hồn của lửa”.

Khi anh nhấn mạnh đến tầm cao cả và phẩm giá trong vai trò người linh mục, những người đến bây giờ vẫn còn dè dặt, họ lặng người: không còn nụ cười nhạo báng, không còn ra vẻ tội nghiệp. Họ đã được chinh phục. Antôn nói gì với họ? “Rằng linh mục là một Chúa Kitô khác. Xin anh em, mà bàn tay và miệng lưỡi vừa được thánh hiến sẽ là bàn tay và miệng lưỡi của Chúa Kitô trong sự canh tân của mầu nhiệm Thánh Thể; phải suy gẫm về đức tính thiết yếu này, đó là đức vâng lời mà từ Bê lem đến Núi Sọ đã hiện diện không ngừng nơi Đấng đã nói: “Thức ăn của Ta là làm theo ý Cha ta.” Và Antôn nhắc đến sự hạ mình của Ngôi Lời nhập thể trong máng cỏ, Con Thiên Chúa đã không sợ được sinh ra bởi Trinh Nữ, vì Mẹ Maria cũng là người hoàn toàn khiêm nhường và tuyệt đối vâng lời.”

Antôn tiếp tục lời khích lệ của mình, anh xin tất cả các tân linh mục đặt mình dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria. Một lời cầu xin làm nhiều người rơi nước mắt: “Maria khiêm nhường, Mẹ là sao biển!… mười hai tia sáng rọi chiếu ban đêm, soi lối chỉ đường cho chúng con về tới bến. Mẹ tỏa sáng như ngọn lửa, chỉ cho chúng ta con đường đến với Chúa Giêsu. Như Phúc Âm Thánh Mát-thêu viết: “Hãy học từ Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” Người nào không hướng về ngôi sao này là người mù quáng… Chiếc thuyền con mong manh là đồ chơi nhỏ bé trong cơn giông bão và nó sẽ chìm trong các đợt sóng. Ôi, Ngôi sao biển, ôi khiêm nhường trong lòng, Mẹ đã biến biển cả bão tố khủng khiếp thành mặt hồ yên lành tĩnh lặng!”

Các lời cuối cùng du dương này còn nhói lòng hơn sự thật. Vì so sánh Mẹ Maria với ngôi sao biển, người nghe cảm nhận kinh nghiệm sống của Antôn.

Biển cả, giông bão, bão tố, nỗi sợ, trôi dạt, anh biết họ phải chịu đựng tất cả. Antôn chưa quên, tuyệt vọng biến thành hy vọng khi ngoài mọi mong chờ, biển cả không nhận chìm tàu, biển cả đưa khách về tới bến an toàn! Đúng: đối với các linh mục, Mẹ Maria là trạng sư của các trường hợp tuyệt vọng, là ngọn hải đăng soi chiếu ban đêm, là chỗ ẩn náu cho những đứa con yêu quý…

Anh dừng lại một lúc để lấy sức, sau đó anh tiếp tục nói đến đức vâng lời của Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài. Anh nhiệt tình: “Hãy để tất cả mọi kiêu ngạo tan ra như sáp, hãy để mọi kháng cự đầu hàng, hãy để mọi vâng lời được tuần phục bằng cách bắt chước “Chúa Giêsu đã tuần phục cha mẹ Ngài!”. Ngài, Thiên Chúa cao cả, làm những chuyện phi thường lại là người tuân phục cha mẹ mình! Và Ngài tuân phục ai? Người thợ mộc và cô trinh nữ nghèo. Lạy Chúa, Chúa là người đầu tiên và là người cuối cùng! Ôi, vua của các thiên thần, Ngài muốn tuần phục con người…Có ai bao giờ từng nghe những chuyện như vậy?…”

Sau đó Antôn đề cập đến nguyên tắc cấu thành chủ đề của mình: vâng lời thiêng liêng trước thập giá: “Than ôi! Ngài bị xiềng xích, Đấng trả tự do cho những kẻ bị giam cầm! Ngài bị sỉ nhục, Đấng là vinh quang của các thiên thần! Chúa của vũ trụ lại bị đánh đập. Tấm gương không tì vết bị mờ đục. Huy hoàng của vinh quang vĩnh cửu bị che khuất. Đấng là sự sống của người phàm cũng bị chết. Đấng là sự sống lại chết cho những người chết!… Và những người khốn khổ chúng ta, chúng ta còn gì nếu không là chết với Ngài? Ôi tâm hồn tôi, hãy nhỏ nước mắt cay đắng cho sự Thương Khó của một Chúa bị đóng đinh, như chúng ta khóc cho cái chết của đứa con duy nhất.”

Những tiếng thở dài và nước mắt của cử tọa buộc anh phải lên tiếng: “Các bàn tay này khi tiếp xúc với người phong cùi, sự sống đã trở lại, ánh sáng được trả lại cho người mù, ma quỷ chạy trốn, lương thực được gấp bội…” Khi nói những lời này, khuôn mặt Antôn ràn rụa nước mắt. Anh nghẹn lời không nói được. Bài khích lệ chấm dứt.

Tất cả cử tọa mê mẩn ngồi nghe. Tiếng thở dài và nước mắt là bản hòa tấu cho các lời cuối cùng của Antôn. Và rồi là im lặng. Mỗi người tự đáy lòng mình ngưỡng phục sự hiểu biết Sách Thánh sâu đậm của Antôn, trong đó anh đưa ra nhận xét của mình, trải rộng trên tầm hiểu biết thần học được anh đưa ra dẫn chứng. Và nhất là lời nói của anh xuất phát từ quả tim nóng bỏng yêu thương, như có nhiều lò lửa cùng thổi bùng lên tâm hồn người nghe. Cuối cùng mọi người đều kính phục. Trong ký ức các tu sĩ Dòng Phanxicô cũng như Dòng Đa Minh chưa có ai nghe một bài giảng như vậy. Trong lòng nhiệt thành chung, tâm hồn người nghe tràn ngập an ủi.

Linh mục Gratien không tin vào tai mình. Chính cha đã khiêm tốn xin Antôn giảng, bây giờ cha lại càng tự hào với lòng ngưỡng mộ của mình. Buổi chiều, cha gởi người đưa tin đến Thánh Phanxicô Assisi để báo cho ngài biết.

Khi Thánh Phanxicô đọc xong thư, ngài rất hân hoan. Với nụ cười láu lỉnh, ngài hài hước nói: “Bây giờ chúng ta có một giám mục”, ngài cho linh mục Gratien biết ngài khen quyết định của cha đã đưa Antôn ra khỏi tĩnh viện, người mà ngài chỉ định để đi rao giảng Phúc Âm khắp thế giới. Bức thư ngài  viết cho Antôn để báo tin trên, ngài viết: “Gởi thầy Antôn, giám mục của tôi.”

Marta An Nguyễn dịch

399    29-07-2019