Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Trí tuệ bên trong tiến trình lão hóa

 

Điều gì mà Thiên Chúa và bản chất tự nhiên có trong đầu khi họ tạo nên tiến trình lão hóa? Tại sao ngay khi năng lực tinh thần, sự trưởng thành và tự do xúc cảm của chúng ta đạt đến cao điểm, thì cơ thể này lại bắt đầu đi xuống?

Dĩ nhiên, đức tin của chúng ta, vốn có vai trò mở ra cho chúng ta một quan điểm vượt ngoài đời sống sinh lý, đã đôi chút giải thích cho những câu hỏi này, dù không phải lúc nào nó cũng nói với chúng ta trong một ngôn ngữ cho chúng ta nắm bắt được những suy tưởng sâu xa hơn về những gì đang xảy đến cho chúng ta trong tiến trình lão hóa. Đôi khi một quan điểm thế tục có thể hữu ích và nó đúng trong trường hợp này.

James Hillman, trong một quyển sách thông tuệ về lão hóa có tựa đề, Mãnh lực của Tính Cách và Sự Sống Đời Đời (The Force of Character and Lasting Life), đã đưa ra những câu hỏi sau. Điều gì Thiên Chúa và bản chất tự nhiên đã nghĩ đến khi tạo nên tiến trình lão hóa? Và ông trả lời bằng một ẩn dụ: Loại rượu tốt nhất phải cũ, phải già đi trong những thùng rượu cũ rạn nứt. Những năm cuối đời là những năm làm dịu linh hồn, và gần như tất cả mọi thứ bên trong cơ thể sinh lý của chúng ta đều hội tụ lại để bảo đảm cho mọi việc sẽ được như thế. Linh hồn phải được già đi một cách đúng đắn trước khi rời bỏ gian trần này. Ông quả quyết rằng có một trí tuệ bên trong đời sống, và trí tuệ đó dự tính sự lão hóa cũng như sự tăng trưởng thời trai trẻ.  Thật là một sai lầm to lớn khi cho rằng dấu hiệu của việc lão hóa là triệu chứng của cái chết hơn là những khởi đầu để chúng ta bước vào một đời sống khác. Mỗi  sự đi xuống về mặt sinh lý (từ lý do vì sao nửa đêm phải dậy vào phòng tắm, cho đến lý do vì sao da nhăn nheo và khô đi) đều được thiết kế để đưa linh hồn đến trưởng thành. Và chúng làm việc không ngừng, không thương xót, không có sự đồng ý của chúng ta.

Hillman quả quyết rằng tiến trình lão hóa thậm chí còn biến chúng ta thành tu sĩ và thực sự đó mới là kế hoạch của tiến trình này, hệt như thời kỳ dậy thì, nó bơm quá nhiều kích thích tố vào cơ thể và lái chúng ta có xu hướng muốn bỏ nhà đi bụi. Và một lần nữa, Thiên Chúa có dự phần vào kế hoạch này. Lão hóa không phải lúc nào cũng dễ chịu hay dễ dàng, nhưng đó là một nhịp điệu và một lý lẽ của tiến trình con người. Lão hóa đảo ngược những gì nguyên thô của sinh lý. Cuối cùng linh hồn thắng thế thể xác và đi đến nắm vai trò chủ đạo; Hillman viết: “Chúng ta có thể hình tượng lão hóa như một biến đổi về thẩm mỹ hơn là về sinh lý. Người già giống như những hình tượng xuất hiện để chuyển đổi đời sống sinh lý thành đời sống của trí tưởng và nghệ thuật. Người già trở nên những đại diện mang tính truyền tiếp và cực kỳ đáng nhớ, cũng như là những yếu tố trong hoạt động văn minh hóa, mỗi người già là một nhân vật giá trị độc nhất không thể thay thế. Lão hóa đúng là một dạng nghệ thuật, có phải thế không?’

Nói rộng hơn, khi chúng ta có tuổi, trách nhiệm của chúng ta không phải là sản xuất, mà là suy tư, không phải hữu dụng mà cá tính. Hillman nói thêm: “Những năm trung niên dùng để hoàn thành mọi thứ, trong khi đó phần đời sau dùng để cân nhắc xem xét điều gì đã được hoàn thành và hoàn thành như thế nào.” Phần đời trước có chức năng sản xuất, có nghĩa là chúng ta cho đi đời sống của mình, phần đời sau có chức năng của sự chết, có nghĩa là chúng ta cho đi cái chết của mình.

Và tiến trình lão hóa lại đưa ra một loạt những câu hỏi thứ hai: Giá trị nào mà người cao tuổi vốn có trong những năm tháng xây dựng thời trẻ của họ, giờ đã bị qua đi? Thật sự, thì cũng cùng câu hỏi như thế sẽ được đặt ra cho những ai, khi xét theo tư duy thực dụng, là không thể hữu dụng và sinh ích: Giá trị của những người mắc bệnh Alzheimer là gì? Với những người vẫn tiếp tục sống nhờ vào thuốc giảm đau khi chẳng còn cơ hội phục hồi hay tiến triển gì và khi họ đã biến mất khỏi ý nghĩ của chúng ta, giá trị của họ là gì? Với những người, do ngăn trở về tinh thần hay thể lý, nên xét theo tiêu chuẩn thông thường, họ không thể đóng góp được gì, vậy giá trị cuộc đời họ là gì?

Một lần nữa, những thấu suốt của Hillman đã có giá trị bổ sung cho những quan điểm vốn đã được trao cho chúng ta qua đức tin. Với Hillman, điều mà lão hóa và tật nguyền mang đến cho thế giới chính là đặc tính. Và đặc tính đó không chỉ cho họ. Họ còn giúp truyền đặc tính cho những người khác nữa. Vì thế, Hillman đã viết: “Hữu dụng là một thước đo quá nông cạn cho sự hữu ích, và khuyết tật đã bị ép quá mức để gán nó vào khái niệm bất lực. Một bà già có thể vẫn có ích, đơn giản vì bà là người được quý trọng vì chính nhân cách của bà. Cũng như một hòn đá ở đáy sông, bà chẳng làm gì ngoài sự có mặt ở đó và giữ vị trí của mình, nhưng khi dòng sông có bà, sự hiện diện của bà gây ảnh hưởng làm thay đổi dòng chảy của dòng sông. Một ông già với sự hiện diện nhỏ bé của mình, đóng vai trò như một đặc tính trong các chuyện của gia đình và lân cận. Ông được tôn trọng, là một gương mẫu, đơn giản qua sự hiện diện của ông. Đặc tính của ông đem lại nhiều phẩm chất đặc biệt cho mọi việc, cũng như thêm vào sự phức hợp và chiều sâu cho mọi sự qua việc làm sống lại quá khứ và những người đã khuất nơi mình. Khi tất cả những người cao niên đều vào viện dưỡng lão sống, thì dòng sông chảy quá nhẹ nhàng. Chẳng còn những tảng đá ngăn dòng. Và như thế sẽ thiếu đi các đặc tính.

Lão hóa và tật nguyền cần được tôn trọng về khía cạnh thẩm mỹ. Chúng ta là một nền văn hóa vốn làm tất cả mọi thứ để chối bỏ, trì hoãn, và che đậy sự lão hóa. Chúng ta đưa người già đến những nơi biệt lập, cách xa dòng chảy chính của đời sống, giấu kín họ, và chẳng còn tảng đá nào ngăn dòng để chúng ta phải cố giải quyết. Chúng ta cũng là một nền văn hóa bắt đầu nói ngày càng nhiều hơn về cái chết êm dịu, và xác định giá trị thuần túy chỉ bằng lợi ích. Nếu Hillman đúng, và nếu ông đúng hơn chúng ta về việc này, thì chúng ta đang trả một giá đắt cho nó, chúng ta đang ngày càng mất đi đặc tính và màu sắc của cuộc sống.

J.B. Thái Hòa dịch

1280    18-01-2018