Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Trợ giúp kỷ lục của Caritas Đức cho các nạn nhân chịu khủng hoảng

caritas12
Ảnh: Caritas Đức

Chiến tranh, thay đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đã gia tăng nạn nghèo đói trên thế giới tới mức độ chưa từng có: 811 triệu người ở trong tình trạng suy dinh dưỡng hoặc bị đe dọa chết đói.

Trên đây là nhận định của ông Oliver Mueller, giám đốc phân bộ quốc tế thuộc tổ chức Caritas của Giáo hội Công giáo Đức, tuyên bố hôm 13 tháng

Bảy vừa qua, tại thành phố Freiburg-im-Breisgau miền nam Đức, nơi có trụ sở của tổ chức bác ái này.

Ông Mueller ghi nhận rằng những cuộc khủng hoảng trầm trọng, trước tiên là kết quả của những thiên tai, như một hậu quả của sự thay đổi khí hậu, tiếp đến là những cuộc chiến tranh, xung đột võ trang, tại các miền trên thế giới. Theo ông, chiến tranh do Nga gây ra tại Ucraina và tình trạng thiếu cung cấp ngũ cốc chỉ là một nhân tố. Các cuộc khủng hoảng và thảm họa củng cố nhau. Ví dụ, cuộc gây hấn của Nga có ảnh hưởng trên việc cung cấp năng lực và an ninh lương thực trên thế giới.

Ngoài ra, nạn đói tại nhiều nước trên thế giới trùng với cuộc khủng hoảng và suy thoái vì đại dịch Covid-19. Tại các nước lệ thuộc nhiều vào việc canh tác và quản lý đất đai, hoặc phải nhập khẩu lương thực, sự trồi sụt bất ngờ về giá cả có thể tạo nên những cú sốc về kinh tề và chính trị, dẫn tới những cuộc biểu tình phản đối của dân chúng vì thiếu cơm bánh, những cuộc nổi loạn và bạo lực vì đói. Trong nhiều trường hợp, đây thực là một vấn đề sinh tử. Ông Mueller kêu gọi củng cố các nguồn lợi ở địa phương, thị trường miền và nhất cả các tiểu nông dân, và chỉ như thế mới có thể giải quyết vấn đề nạn đói trên thế giới. Ông nói: “Chúng ta không có đủ lương thực trên hoàn cầu, nhưng chúng ta cũng có vấn đề trong việc phân phối lương thực, và hiện nay người ta can thiệp rất ít trong lãnh vực này”.

Ông Oliver Mueller đã trình bày phúc trình hoạt động năm vừa qua của Phân bộ quốc tế Caritas Đức: năm ngoái, phân bộ quốc tế của cơ quan bác ái này đã tài trợ các dự án giúp sáu triệu người tại 77 quốc gia, với 96 triệu 200.000 Euro, tức là gia tăng so với 82 triệu 700.000 Euro trong năm 2020.

Đồng thời số tiền các ân nhân hỗ trợ Caritas Đức cũng đạt tới mức kỷ lục: từ 95,2 triệu trong năm 2020 tăng lên 147 triệu Euro trong năm ngoái, 2021.

Phúc trình thường niên của Caritas Đức cũng cho thấy gần 80% ngân khoản đến từ phía thứ ba được dùng để giúp các nạn nhân thiên tai và chiến tranh, 20% dành để tài trợ các dự án giúp các trẻ em, người già, bệnh nhân và người khuyết tật. Sau cùng, phúc trình cho biết phí tổn quảng bá và quản trị của Caritas Đức chiếm 8,9% ngân sách.

(KAI 14-7-2022)

Theo G. Trần Đức Anh, O.P. - RVA (16/7/2022)

350    16-07-2022