Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Truyền giáo bằng đời sống chứng tá

"Loan Báo Tin Mừng không phải là “chiêu dụ” , nhưng phải phát triển Giáo Hội bằng “sự lôi cuốn” và bằng “đời sống chứng tá”. Đó là phong cách truyền giáo mà Giáo Hội thời nay phải luôn sử dụng như một điểm chú ý nổi bật” (Là Những Nhà Truyền Giáo Trong Thế Giới Hôm Nay - Không Có Đức Giêsu Chúng Ta Không Thể Làm Gì Được, ĐGH Phanxico, NXB Tôn Giáo).

Qua những ngày tham dự  “Ngày Hội Truyền Giáo Của Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long” năm 2020, tôi có những cảm nghiệm về sứ mệnh của những nhà truyền giáo phải được thể hiện giữa đời bằng chính “đời sống chứng tá” của bản thân mình. Đời sống chứng tá ấy phải được  người Loan Báo Tin Mừng (LBTM) xây dựng và trình bày trước hết là đời sống có Chúa, rồi đến là nói về Chúa, cuối cùng là ta phải có một đời sống gương mẫu và vui tươi (vì lẽ rằng người LBTM là người loan báo tin vui) thì mới giúp cho Niềm Vui Tin Mừng có sức khoả lấp bao trái tim và cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu.

Trước hết và quan trọng nhất là người LBTM phải là người có Chúa trong lòng vì “không ai có thể cho cái mà mình không có”. Vì vậy muốn LBTM, muốn trình bày về Chúa cho người khác thì họ phải là người có Chúa. Qua những chia sẽ thật đơn sơ và đầy xác tín, các tham dự viên của ngày hội đã khẳng định rằng họ luôn cố gắng cầu nguyện và tìm cách gặp gỡ Chúa trước khi họ khởi sự công việc LBTM của mình.

Các tham dự viên trong ngày hội lần này là những thành phần khác nhau trong cộng đoàn dân Chúa. Vì thế đời sống cầu nguyện của các tham dự viên cũng rất đa dạng và khác biệt nhau. Đó có thể là những Thánh Lễ, cũng có thế là trong những lúc đọc kinh chung hay riêng , hoặc những lời kinh mân côi trên đường đi…. Tuy nhiên điểm chung là mọi người luôn ý thức rằng việc gặp gỡ, cầu nguyện, xin ơn Chúa soi sáng cho công việc LBTM được thực hiện “đẹp lòng Chúa và theo ý Chúa” là điều cần thiết. Thật là khôn khéo và tài tình vì họ đã đặt lòng Tin, Cậy, Mến của họ nơi Chúa và vì thế họ làm việc LBTM cách hăng hái với ý thức: “Chúa làm”. Nhờ đó, người LBTM có thể vượt qua được những chán nản, thất vọng hay kiêu căng tự mãn vì họ phó thác mọi thành quả cho Chúa rồi, dù công việc LBTM có thành công hay thất bại đi chăng nữa. Quả thật Chúa là động lực cho đời sống LBTM của họ.

Kế đến việc nói về Chúa. Cách nói: “Lời nói làm lung lay gương lành thì lôi kéo” là câu mà các nhà truyền giáo thường hay chia sẻ với nhau. Trong những giờ chia sẻ chung hay những lúc thảo luận nhóm, mọi người đã chia sẻ với nhau về những câu chuyện thực tế, trực tiếp mà mình gặp trong những bước đường LBTM.  Qua đó nhờ những lời nói, cách thức trình bày đơn sơ và kiên nhẫn về đạo cũng như những thói quen đạo đức trong đạo mà nhiều người hiểu hơn và có cảm tình hơn so với trước đây. Hay theo cách nói mà Đức Giáo Hoàng Phanxico là “ lôi cuốn” bằng cách trình bày những chân lý tốt đẹp của đạo Công Giáo cách hiền hoà, kiên nhẫn khiến cho người nghe dễ đón nhận hơn.

Quả thật sau khi có một tâm hồn đầy Chúa thì ta mới có thể nơi ra môi miệng những lời tuyên xưng về Chúa cách hữu hiệu. Đó là một sự biểu lộ của một tâm hồn luôn hướng về Chúa vì “Lòng đầy thì miệng mới nói ra” (Lc 6. 45). Người Kito hữu trong lòng đầy Chúa thì trên môi miệng sẽ không ngớt lời chúc tụng Chúa và yêu thương mọi người. Từ đó người LBTM mới có thể “luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của họ. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng.”  (1 Pr 3,15-16).

Cuối cùng người LBTM cần có một đời sống gương mẫu như câu “gương lành thì  lôi kéo”. Khi bàn thảo về câu hỏi đâu là những phương thế để đánh động và lôi cuốn người khác trong việc LBTM?  Thì hầu hết các tham dự viên đều cho rằng trước hết là mình phải làm gương sáng cho họ. Qua những trình bày đơn sơ và chân thành hầu hết những người ngoại giáo luôn có ấn tượng tốt với những người LBTM có đời sống “tốt đời, đẹp đạo”. Nhờ lối sống gương mẫu và triều mến nơi xóm làng, nơi làm việc và nhất là trong những dịp hữu sự mà người ngoại giáo bị thu hút và tìm hiểu về đạo Công Giáo. Quả thật một tâm hồn sau khi được lời nói làm thay đổi cách suy nghĩ thì gương lành sẽ có hiệu quả giúp cho họ biết họ sẽ làm gì và thực hành theo nhưng mẫu gương đời sống của người LBTM. Muốn nói Tin Vui thì ta phải là người có đời sống vui tươi trước hết. Ta vui thì mới làm lan toả niềm vui cho người khác được. Vì chưng cuộc sống chúng ta hôm nay, như lời Đức Phaolô VI, luôn “cần chứng nhân hơn cần thầy dạy”.

Nói tóm lại đứng trước những thách đố về việc LBTM trong thế giới ngày nay thì người LBTM cũng cần phải chuyển đổi cách thức LBTM từ một tâm thế “chiêu dụ” sang việc phát triển Giáo Hội bằng “sự lôi cuốn” và bằng “đời sống chứng tá”. Để có một đời sống chứng tá thật sự thì người LBTM phải có nội lực dồi dào từ Chúa, phải học hỏi thêm để có thể nói về Chúa hơn là nói về mình cho người khác và phải có một đời sống gương mẫu thì mới có khả năng “lôi cuốn” người khác hướng về Chúa là “người mẫu hoàn hảo nhất”. Nhờ đó ta có thể thi hành mau mắn ý Chúa muốn trong đời sống chúng ta như tiên tri Isaia đã mau mắn xin thưa: “ Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8).

Tháng 9/2020

Giacobe Nguyễn Hoàng Huy Phúc

823    25-09-2020