Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Từ “đạo hiếu "đến “kitô giáo"

Con sống ở một họ đạo miền quê. Con đã nhiều lần đi đám tang, đám cưới, của người anh em ngoài công giáo. Con cảm nhận được phần nào hai chữ “đạo hiếu” của người miền quê sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long này. Con xin được chia sẽ một vài tâm tình mà con đã đoán nhận được từ những con người ở đây.

Con một ông cụ đã hơn 80 tuổi trở lại đạo. ông không thể đến nhà thờ được vì đau yếu, nên con đến trao Mình Thánh Chúa cho ông mỗi tháng một lần. Các con của ông đón tiếp con theo nghĩa xã giao bình thường, không có gì thân thiện lắm.

Rồi ông cụ bệnh nặng, ông bị hôn mê sâu. Gia đình không còn hy vọng gì, nên đã đưa ông về từ bệnh viện. Nhận được tin này, con chạy đến ngay. Sau khi đã xức dầu xong, con cảm nhận được sự bất lực của gia đình ông. Họ chỉ ngồi chờ cho đến giờ ông ra đi. Con đã thuyết phục gia đình là: “tiếp tục đưa ông đi đến một bệnh khác, còn nước còn tát”. Và rồi con đã thuê xe cấp cứu đưa ông đi bệnh viện. Tại đây, ông đã tỉnh lại và kéo dài sự sống thêm mấy ngày.

Tuy ông không còn ở thế gian để sống với con cháu của ông. Nhưng trong những ngày ấy, con cháu gọi điện cho con liên tục, đến gặp con để bàn chuyện gia đình như một người thân trong nhà.

Trong nghi thức làm phép xác cho ông tại tư gia của ông. Hôm ấy, có đông đủ các con cháu của ông, con đã ngỏ lời xin lỗi ông cùng các con của ông là: “cách đây một năm, vào ngày mùng ba tết, ông mời tôi đến ăn cơm với ông và các con cháu của ông. Ông ao ước dip này có đầy đủ các thành viên trong gia đình để giới thiệu với tôi. Vậy mà tôi đã từ chối. Tôi hẹn năm sau tôi sẽ đến, và đã không còn cái mùng ba tết tiếp theo nữa. Thành thật xin lỗi ông”.

Ngày hôm ấy, con cũng hứa: “Dù không đến đây để đem Mình Thánh Chúa cho ông nữa, nhưng tôi sẽ đến thăm các anh chị khi này khi khác”. Con đã kêu gọi anh chị em giáo dân trong họ đạo đến đọc kinh cho ông suốt một tuần sau đó và năng đến thăm viếng, an ủi họ. Không lâu sau đó, có hai người và hai đứa cháu của ông xin đi học giáo lý và giữ đạo.

Đạo hiếu xưa nay ở đâu cũng có dân tộc nào cũng sống điều cao cả này. Thế nhưng những người dân quê ở họ đạo của con, họ ít nói nhưng rất nặng tình. Đến với những người bên lương vào những dịp gia đình họ có hữu sự là một việc không thể bỏ qua trong sứ mạng truyền giáo của giáo hội.

Hơn thế nữa, đã có nhiều người lương dân ở miền quê nghĩ rằng: đạo chúng ta không có thờ cha kính mẹ, không có tổ tiên ông bà… ở họ đạo của con còn nhiều gia đình mà chỉ có một người giữ đạo. Dịp vui buồn của gia đình họ là dịp để những người bên lương họ quan sát cũng như tìm hiểu chúng ta. Khi con ngồi nói chuyện với họ, ăn uống với họ, họ nói: “Mấy ông sư tụng kinh dài quá. Mai mốt cha mẹ con mất, con rước cha đến tụng nghe. Cha tụng ngắn hơn, con khoái”. Con trả lời: «Tôi sẵn sàng”.

Đáp lại lời mời gọi của giáo hội  « đến với muôn dân”. Con nghĩ rằng giáo hội sẽ đem nhiều con cái Chúa trở về với đoàn chiên của Người, nếu như mỗi thành phần dân Chúa có thao thức cho sứ mạng truyền giáo của mình. Ở đâu cũng có người bên lương, ở đâu cũng có chuyện vui buồn nơi các gia đình, ước mong sao cho mọi nơi và mọi người luôn tìm gặp được sự sẻ chia tình thương và hy vọng từ những người kitô hữu của chúng ta.

 

Giacôbê Mẫn

2022    04-07-2017