Tự do khỏi nỗi sợ hãi

Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi sự tự bảo vệ, điều làm chúng ta mất niềm vui và sự bình an và cuối cùng nó đưa chúng ta đến cái chết.

Bởi: Fr. Jerome Kodell, OSM

Mỗi buổi sáng, các thành viên của Giáo Hội trên toàn thế giới cầu nguyện với bài ca chúc tụng (Benedictus) của ông Giacaria, ca ngợi Thiên Chúa vì hồng ân ơn cứu độ trong Chúa Kitô đã được báo hiệu trong sự ra đời của con trai ông Giacaria, là Gioan Tẩy Giả:

Chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítraen, vì Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68). Thiên Chúa đã cứu chúng ta “thoát khỏi tay địch thù”, để “chúng ta khôngcòn sợ hãi mà sống thánh thiện công chính và phụng thờ Người, suốt cả đời ta” (Lc 1,74-75).

Chúng ta có thể tự hỏi những kẻ thù là ai và nỗi sợ hãi là gì. Một đoạn trong bức thư gửi tín hữu Do Thái minh họa cho điều này khi nói rằng nhờ cái chết của mình, Chúa Giêsu đã “tiêu diệt tên lãnh chúa gây sự chết, tức là ma quỷ”, để “giải thoát những ai vì sợ hãi mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,14.15). Đây là những lời có giá trị. Làm sao nỗi sợ hãi về cái chết lại làm cho chúng ta thành những kẻ nô lệ? Bức thư không nói đây là nỗi sợ hãi tự nhiên về cái chết mà tất cả chúng ta đều có, tuy nhiên nỗi sợ chết đó cũng có mặt tốt của nó là giúp chúng ta biết cảnh giác với những nguy hiểm và khuyến khích chúng ta biết để tâm chăm sóc sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Nỗi sợ hãi về cái chết trong đoạn Thánh Kinh này có một ý nghĩa sâu sắc hơn. Nó có nghĩa là sợ sự trống rỗng và bóng tối kèm theo sự hủy diệt, sự sợ hãi không còn hiện hữu như một con người. Một con vật không thể cảm nghiệm nỗi sợ hãi về cái chết này, nhưng chỉ là một con người có trí tuệ với sự tự nhận thức và khả năng suy nghĩ về tương lai. Chúa Giêsu Kitô, bằng cách tiêu diệt sức mạnh của cái chết cuối cùng này đã giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ nội tâm vốn làm cho chúng ta sống mà không có hy vọng. Bây giờ, chúng ta có thể đối diện với nguy hiểm, bệnh tật và thậm chí cái chết thể lý với sự tự do nội tâm, với sự tự tin rằng cuộc sống thực sự của chúng ta không thể bị hủy diệt và chúng ta sẽ tiếp tục sống.

Một phần của sự sợ hãi về cái chết cuối cùng này là nỗi sợ hãi mãi mãi cô đơn một mình, không được nói đến hoặc không liên hệ với ai. Vẻ đẹp của chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết là khi chúng ta vượt qua cuộc sống ngoài thế giới này, chúng ta tiếp tục liên hệ với những người chúng ta đã biết trong cuộc sống này, cả những người đã chết và những người vẫn đang sống. Những ai vẫn còn hiện diện trong cuộc sống này được nâng đỡ bởi sự hiểu biết rằng chúng ta vẫn còn hiệp thông với những người đã đi trước chúng ta.

Khi vẫn còn bị ràng buộc bởi sự nô lệ của nỗi sợ hãi cuối cùng này, chúng ta thực sự không có sự an toàn và cam chịu dành tất cả năng lượng của chúng ta vào việc xây dựng các rào chắn và khóa các cửa ra vào. Không quan trọng chúng ta có vẻ an toàn ở bên ngoài như thế nào bằng việc tích lũy tiền bạc, tài sản, hay quyền lực, chỉ khi nào chúng ta được tự do khỏi nỗi sợ hãi của cái chết, chúng ta mới luôn luôn được an toàn trong nội tâm.

Có nhiều hình thức bảo hiểm hợp pháp đối với việc bảo vệ sự sống, sức khỏe và tài sản, nhưng không có tự do nội tâm, một xu thế phóng đại đối với sự an toàn có thể phá hủy những điều quan trọng nhất mà chúng ta muốn bảo vệ: các mối tương quan của chúng ta, các giá trị của chúng ta và ngay cả đức tin của chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấnNiềm vui của Tin Mừng đã khẳng định: “Những người vui hưởng đời sống nhiều nhấtlà những người bỏ lại sự an toàn trên bờ và được khuyến khích bởi sứ mạng thông truyền cuộcsống cho người khác” (số 10). Nhưng việc tự bảo vệ đi kèm với nỗi sợ hãi về cái chết tạo ra sự nghi ngờ, khiến chúng ta thấy người khác như chướng ngại vật, và thay vì truyền thông sự sống, thì lại là “cách xử sự mang lại sự chết” (trong thời đại chúng ta đứng hàng đầu hơn hết là sự chấp nhận phá thai và an tử), và nó cướp khỏi chúng ta tất cả niềm vui và sự bình an. Chúa Giêsu đã giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ này và ban cho chúng ta sự tự do của con cái Thiên Chúa. Điều này mang đến sự bình an tuyệt vời được mô tả nên thơ ở phần cuối của Kinh Chúc tụng, có thể thiết lập các giai điệu khi chúng ta bắt đầu một ngày sống:

Bởi Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho vầng đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi trong bóng tối tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an (Lc 1,78-79)

Một tuyển lựa từ Thiên Chúa có ở trong Top Ten của tôi khôngNhững bài suy niệm cho một cuộc sống sâu trong Chúa Kitô, bởi Fr. Jerome Kodell, OSM. (The Word Among Us Press, 2018). Có sẵn tại wau.org/books

Theo The Word Among Us[wau.org]
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương