Từ Nô Lệ Đến Vị Thánh

Câu chuyện của Thánh Joshepine Bakhita, “Người May Mắn”

 

Bottom of Form
Bởi: JILL BOUGHTON

      Cô bé gái đang đi bộ trên những cánh đồng cách nhà vài dặm, khi hai người lạ mặt xuất hiện và yêu cầu cô mang cho họ một ít trái cây. Được giáo dục phải biết cư xử lịch sự với người lớn, cô bé vội vã vâng lời. Phải mãi cho đến khi đã lạc vào trong khu rừng, cô bé mới nhận ra mình đã bị đánh lừa.

     Sau này cô bé nhớ lại: “Tôi đã nhìn thấy hai người phía sau tôi”. “Một người trong họ giơ tay túm lấy tôi, trong khi người kia rút một con dao từ dây lưng ông ta và dí nó vào mặt tôi.Ông ta hống hách quát tôi rằng: ‘Nếu mày khóc, mày sẽ chết! Hãy đi theo chúng tao!’”

      Sau một vòng diễu hành điên đảo, cô bé đã bị bán như một nô lệ. Những người bắt cô gọi cô là “Bakhita” – Tiếng Ả Rập nghĩa là “Người May Mắn”.

     Mặc dù họ đặt cho cô bé cái tên đó với ý mỉa mai, nhưng nó lại diễn tả quan điểm riêng của cô bé về cuộc đời của mình. Trong những năm sau đó, cô vui vẻ chấp nhận cái tên “Bakhita” và ước ao có cơ hội tha thứ cho những kẻ đã bắt cô. Đáng nói hơn nữa, cô đã tạ ơn Thiên Chúa về điều tốt lành đã đến từ sự đau khổ của cô. Cô viết: “Nếu tôi gặp lại những người đã bắt cóc tôi, và thậm chí cả những người đã tra tấn tôi, tôi sẽ quỳ xuống và hôn những bàn tay của họ. Vì nếu những điều ấy không xảy ra, thì hôm nay tôi sẽ không phải là một Kitô hữu và một tu sĩ”.

      Trong cảnh Tối Tăm (Lâm vào cảnh khốn khó). Được sinh ra gần Darfur, ở miền Sudan hiện đại, khoảng năm 1869, vị thánh mà chúng ta biết đến tên là Josephine Bakhita, thành viên của một gia đình rất yêu thương nhau với tám người con, bao gồm một cặp chị em sinh đôi. Mặc dù là những người theo thuyết duy linh tôn thờ các thần thánh thiêng nơi những vật thể tự nhiên, ngay cả khi còn là một đứa trẻ, Bakhita đã đói khát được biết Thiên Chúa. “Khi tôi chiêm ngắm mặt trăng, những vì sao và tất cả những thứ xinh đẹp của tự nhiên, tôi đã tự hỏi ‘Ai là chủ của tất cả?’ Và tôi cảm thấy một niềm khao khát tha thiết được thấy Người, biết Người và thờ kính Người”.

      Bóng tối đầu tiên đã chụp xuống khi chị gái cả của Bakhita bị bắt bởi những người thương buôn nô lệ trong khi hầu như cả gia đình đang ở ngoài đồng. Mặc dù những người Phi Châu không còn bị tống tới Đại Tây Dương vào thời điểm này, nhưng vẫn có một dịch vụ buôn bán nô lệ xuyên lục địa. Người Phi Châu hoặc người Ả Rập bắt những người không được bảo vệ và bán họ cho những người Ả Rập giàu có hoặc cho các thủ lãnh của bộ lạc khác. Cha của Bakhita và những người làm của ông đã tìm thấy vùng quê dành cho cô gái bị bắt cóc – “nhưng tất cả đều vô ích. Chị gái tôi đã ra đi mãi mãi”.

      Ngay sau đó đến lượt Bakhita, trong khi cô và một người bạn đang nhổ cỏ. Những người lạ mặt có vũ trang đã tách hai em ra và mang Bakhita đi. Cô trải qua một tháng ở trong “một chỗ trống của một cái phòng, đầy rác rưởi với những dụng cụ và phế liệu”, em khóc không ngơi cho gia đình của mình. Sau đó cô bé thấy mình đang ở trên con đường là nơi đầu tiên của năm chợ bán nô lệ. Những người chủ kế tiếp của cô gồm có một người Thổ Nhĩ Kỳ hung ác và một người Ý tử tế nhưng không hề biểu hiện một chút ray rứt nào về việc tham gia vào con đường buôn bán người này.

      Mặc dù Bakhita và cô bạn một lần kia đã sắp xếp để bỏ trốn, hai em leo lên một cây để trốn con sư tử, chúng nhanh chóng bị phát hiện và lại bị bán. Sau đó Bakhita đã diễn tả một số trong những sự gian ác mà cô đã phải chịu: “Thậm chí không một ngày nào mà tôi không bị phạt cách này hay cách khác. Khi một vết thương bị đánh bằng roi da bắt đầu lành, thì những trận đòn khác lại đổ xuống trên tôi, ngay cả dù tôi đã không làm gì để phải chịu như vậy”.

      Một lần kia cô đã bị đánh vì nghe trộm cuộc cãi vã giữa ông chủ của cô với vợ ông ta – vết thương quá nghiêm trọng đến nỗi “tôi phải nằm trên tấm chiếu rơm suốt hai tháng mà không thể di chuyển”. Theo mốt thời gian và nơi chốn, cánh tay của cô, ngực và bụng của cô đã bị xăm với 114 mẫu tỉ mỉ được rạch bằng một một dao cạo, rồi để hở bằng cách xát muối. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ bị cưỡng đoạt “Đức Trinh Nữ Maria của chúng ta đã bảo vệ tôi, ngay cả trước khi tôi có thể biết Mẹ”.

      Bất chấp sự đau đớn này, Bakhita nói cô “không bao giờ thất vọng. Tôi cảm thấy một sức mạnh nhiệm mầu ở bên trong tôi nâng đỡ tôi”. Cô nhịn nhục kẻ trộm và kẻ bịp bợm cũng như sự đắng cay.

      “Lạy Thiên Chúa của con, con tạ ơn Chúa!” Khi cô khoảng mười bốn tuổi, Bakhita bị bán ở Khartoum tới Callisto Legnani, đại lý của lãnh sự Ý. Lần đầu tiên, một người chủ đã đối xử tử tế với cô. Thậm chí ông còn giúp đỡ cô tìm kiếm gia đình của cô nhưng không thành công. Khi ông ta về Ý hai năm sau đó, Bakhita đã xin đi với ông.

      Đi trên cùng một con tàu tới Genoa là người bạn tốt của Legnani, ông Augusto Michieli. Lãnh sự trao Bakhita cho vợ của Michieli, cô Maria, để giúp cô vì cô đang mang thai đứa trẻ. Đó là cô con gái tên Mimmina, khi lớn lên cô bé rất thích Bakhita và họ thương mến nhau.

       Gia đình Michieli không sùng đạo cách đặc biệt gì, nhưng chính ở đó mà Bakhita đã hướng về với Đạo Công Giáo. Một trong những người làm của họ đã cho Bakhita một thánh giá, nó đã lôi kéo tâm hồn cô cách lạ lùng. Cơ hội để cô học thêm về Đạo đã đến vài năm sau đó, khi Augusto và Maria trở về Sudan; họ để Mimmina – với Bakhita như chị bảo mẫu – trong một trường nội trú ở Venice của các Sơ Dòng Nữ Tử Bác Ái Canossian.

       “Và như thế, các Sơ thánh thiện, với lòng kiên nhẫn nhưng thực sự quả cảm, đã hướng dẫn tôi đi vào niềm tin Công Giáo”, Bakhita viết. Khi cô chuẩn bị lãnh bí tích Rửa tội, cô nhận ra rằng cô đã kinh nghiệm Thiên Chúa “trong tâm hồn cô từ khi còn nhỏ, không biết Người là ai… Bây giờ, cuối cùng, tôi đã biết Người. Tạ ơn Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con tạ ơn Ngài!

       Chín tháng sau, Ngài Michieli đã trở lại đón Mimmina và Bakhita trở lại Phi Châu. Trong một cuộc thách thức không có gì đặc biệt, Bakhita đã từ chối: “Việc học hỏi về bí tích của tôi chưa xong”. Tức giận, Maria cầu khẩn, dọa nạt và cuối cùng đã kiện ra tòa. Tuy nhiên, cô đã nghe biết rằng vì sự chiếm hữu nô lệ đã trở nên bất hợp pháp ở Ý từ lâu rồi, nên Bakhita đã được trả tự do để thực hiện quyết định của riêng cô. Thật đau đớn, Bakhita đã từ biệt gia đình mà cô đã trưởng thành về tình yêu thương.

      Bakhita được gia nhập vào Giáo Hội chỉ hơn một tháng sau đó, ngày 09 tháng giêng năm 1890. “Với một niềm vui mà chỉ các thiên thần mới có thể diễn tả được”, cô được rửa tội với tên Josephine Margaret Bakhita, được Thêm Sức và được rước Mình Thánh Chúa lần đầu tiên. Không thể diễn tả bằng lời những gì mà ngày sinh nhật mới có ý nghĩa với cô, những ngày sau đó người ta nhìn thấy Bakhita thường hôn giếng Rửa tội.

       Ca ngợi sự quan phòng của Thiên Chúa. Bakhita vẫn tiếp tục học hỏi, cầu nguyện và phục vụ việc nhà cho các Sơ ở Canossian, tất cả các sơ đều sinh ở Ý. Sau đó vài năm, Bakhita đã lo lắng xin rằng liệu “một cô gái Phi Châu nghèo nàn” có thể vào dòng tu không. Bakhita đã thực hiện điều này, vào năm 1893: “Tôi đã nghe, ngày càng rõ ràng hơn, một giọng nói nhẹ nhàng của Chúa, thúc bách tôi dâng hiến cuộc đời tôi cho Người”.

      Tràn ngập niềm vui vì chính Thiên Chúa đã chọn mình, sr. Josephine đã phụng sự Chúa như một người nữ tu suốt hơn năm mươi năm, hầu hết ở Venice, Milan và Schio, một tỉnh nhỏ ở Italian Alps (dãy núi phía Tây Bắc Ý). Công việc sr. Bakhita thật tầm thường: nấu ăn, lau chùi, dạy thêu và phục vụ như một người gác cổng. Mặc dù di chuyển chậm chạp – có  lẽ do những lần bị tra tấn sơ đã chịu thời niên thiếu – sơ đã làm mọi việc bằng tình yêu, với một niềm vui lây lan. Đối với những người có những vai trò quan trọng, sơ nói “Chị cứ đi dạy. Em sẽ tới nhà nguyện cầu nguyện để chị có thể dạy thật tốt”.

       Tất cả những ai đi ngang qua cửa nơi Bakhita làm việc thì đều tin tưởng vào người phụ nữ tốt bụng này. Trong số họ có những bà mẹ và trẻ mẫu giáo đang học trường của các sơ. Josephine thường đặt tay lên đầu họ, trao cho họ sự thương mến và phúc lành.

      Cuộc sống phục vụ vì tình yêu ở Schio tiếp tục không gián đạo qua hai cuộc chiến thế giới. Khi những cuộc oanh tạc đã khiến mọi người phải gấp rút chạy trốn, sơ Josphine vẫn tiếp tục việc bếp núc hoặc quét dọn của mình. Sơ nói “Hãy bắt đầu đi”. “Đó là Ông Chủ của sự sống”. Nhiều người dân trong làng đã tin sự kiện mà làng của họ đã thoát khỏi sự thiệt hại nặng nề là nhờ những lời cầu nguyện của “Mẹ chúng tôi Moretta – Người Mẹ Đen của chúng tôi” (Mẹ Bakhita).

      Được các bề trên khuyến khích, Josephine đã viết tự truyện và thực hiện bài nói chuyện về chuyến đi Ý để kể về câu truyện đời sơ và để quyên góp tiền cho công việc truyền giáo. Tuy sơ nói không nhiều nhưng sơ luôn hao hức đưa tay về phía diễn đàn hơn cả những người diễn thuyết hùng hồn. Sơ luôn luôn bắt đầu bằng câu: “Vì vinh danh Thiên Chúa và tạ ơn sự quan phòng của Chúa đã đưa tôi đến ơn cứu độ”.

       Sơ đã nhiệt thành cầu nguyện cho sự hoán cải của gia đình sơ, cho dẫu sơ không bao giờ có thể biết họ ở đâu. Như người gác cổng tu viện, sơ khuyến khích các bậc cha mẹ hãy để cho các tập sinh tương lai đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa để trở nên các nhà truyền giáo. Sơ hy vọng một số có thể đi tới miền đất Phi Châu nơi luôn có trong tư tưởng và trong lời cầu nguyện của sơ.

       Đừng sợ. Hành trình của Bakhita tới sự tự do thực sự đã để lại cho sơ một ý thức sâu sắc rằng sơ luôn được ở trong bàn tay của Chúa. Khi được hỏi không biết sơ có ước ao lên thiên đàng hay không, sơ trả lời rằng “tôi không ước ao lên thiên đàng cũng không ước ao ở lại đây. Thiên Chúa biết nơi nào để tìm thấy tôi khi Người muốn tôi!”

      Sơ Bakhita nói về việc mang hai cái bao trên hành trình của sơ đi về cõi vĩnh hằng. “Một cái chứa các tội lỗi của tôi. Cái kia, nặng hơn nhiều, chứa đựng những công trạng vô hạn của Chúa Giêsu Kitô”. Sơ diễn tả sơ sẽ bao bọc cái bao xấu xa của sơ bằng những công trạng của Đức Trinh Nữ Maria, và mở cái bao kia ra vào giờ phút phán xét của sơ. ‘Tôi chắc chắn mình sẽ không bị loại. Rồi tôi sẽ quay về phía Thánh Phêrô và thưa với ngài rằng: ‘Ngài có thể đóng cửa sau tôi – Bây giờ tôi ở đây rồi’”.

       Giữa độ tuổi hơn 70 gần 80 của Bakhita, khi những chứng viêm khớp và cơn bệnh viêm phổi làm cho sơ phải lệ thuộc vào một cây gậy để đi lại và sau đó là chiếc xe lăn, sơ vẫn luôn sống tâm tình biết ơn. “Con tạ ơn Chúa vì nhiều ơn huệ Chúa đã ban cho con, con vui vì có một chút gì đó để dâng lại cho Chúa”. Sơ không bao giờ áp đặt sự tự hành xác khắt khe trên chính mình, nhưng sẵn sàng chấp nhận “sự đau đớn do bởi bệnh tật”. Trong những ngày cuối đời, sự đau đớn và cơn sốt cao đã làm cho sơ sống lại những sự tra tấn khi còn là một nô lệ. Trong cơn mê sảng của mình, sơ cầu xin “Các xiềng xích chặt quá. Xin làm ơn nới lỏng chúng ra một chút!”.

      Sơ Josephine qua đời tại tu viện ở Schio vào ngày 08 tháng giêng năm 1947. Khi những người dân thành thị xếp hàng bên quan tài của sơ, những bà mẹ đặt tay sơ trên đầu con cái họ lần cuối cùng; một số người ghi nhận rằng bàn tay của sơ vẫn mềm mại ngay cả khi sơ đã chết.

     Chủ nhân (Chúa) của Sự Sống. Thật bi kịch, ngày nay trên thế giới còn có nhiều hơn các nô lệ bị bắt từ Phi Châu qua đường dây buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương bốn thế kỷ. Ở nước Sudan hiện đại, nơi sinh của Josephine, một cuộc đánh giá thận trọng xếp hạng con số các nô lệ đã trên hai mươi lăm ngàn (25.000). Nhưng xuyên qua thế giới – bao gồm Hoa Kỳ các nước Châu Âu – hàng triệu người nam, nữ và trẻ em đang bị mua và bị bán, bị giam giữ và bị hành hạ vì lợi nhuận.

     Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã ám chỉ thực tại đen tối này khi ngài phong thánh cho sơ Bakhita vào năm 2000. Ngài nói: Cuộc đời của sơ “truyền cảm hứng không phải bằng sự chấp nhận bị động, nhưng bằng sự kiên định chắc chắn để làm việc một cách hiệu quả hầu giải phóng các cô gái và những người phụ nữ khỏi bị áp bức và bạo lực, và giúp họ trở về với nhân phẩm của mình trong việc thực hành đầy đủ các quyền lợi của họ”.

     Thánh Josephine – một người phụ nữ đã được biến đổi nhờ tình yêu và sự tha thứ của Chúa Kitô – sơ cũng là một sứ giả của sự hòa giải, Đức Giáo Hoàng nói, và là một “luật sư sáng giá cho sự giải phóng đích thực”. Qua sự đau khổ của sơ, “sơ đã hiểu được chân lý sâu xa mà Thiên Chúa, chứ không phải người phàm, là Chủ (Chúa) thực sự của mọi con người,  và Chúa của mọi sự sống”. Trong cách riêng của mỗi người chúng ta, chúng ta phải thực hiện cùng một sự khám phá.

Theo the Word Among us
Saints & Heroes Resource Articles 2018
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương