Sidebar

Thứ Ba
10.09.2024

Tuần Thánh trong văn chương nghệ thuật

Mầu nhiệm Chúa Kitô chịu khổ hình, chết và sống lại là mầu nhiệm chỉ có thể đứng đàng sau mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn lôi cuốn tâm trí từ người bình dân đến hàng thức giả bậc nhất của nhân loại. Và dù có cố gắng bao nhiêu, họ đành phải dừng lại chỉ để chiêm ngắm. 



Các di tích thánh của Chúa Giêsu

Đó là kết luận của công trình nghiên cứu vừa được công bố tại Rôma. Nhà báo và người viết tiểu luận Grzegorz Gorny và nhiếp ảnh gia Janusz Rosikon đã dành 2 năm ròng du hành và gặp gỡ để thực hiện một cuộc điều tra kiểu báo chí về các di tích thánh (relics) của Chúa Kitô. Kết quả là tác phẩm “Các chứng tá Mầu Nhiệm. Cuộc Điều Tra Các Di Tích Thánh của Chúa Kitô” do nhà Libreria Editrice Vaticana ấn hành. Cuốn sách được ra mắt, ngày 28 tháng Ba vừa qua, tại Palazzo della Rovere, trụ sở Hội Hiệp Sĩ Mộ Thánh. 

Đây là một tác phẩm độc đáo vì không những nó là thành quả khảo cứu trong các văn khố mà còn có sự cộng tác của các nhà khoa học nổi danh trên thế giới, những người sử dụng tính nghiêm ngặt của khoa học để điều tra tính chân thực của các di tích thánh của Chúa Giêsu liên quan tới cuộc Khổ Nạn, cái Chết và việc Chôn cất Người. 

Trong số các di tích thánh được nghiên cứu, người ta thấy ngoài Khăn Liệm nổi tiếng ra, còn có Thánh Giá, các mũi đinh, Mão Gai, Cột Đánh Đập, Áo Khoác của Chúa Kitô ở Argenteuil, áo sống tại Treviri, Khăn Lau Mặt tại Manoppello, Khăn Liệm tại Oviedo và nhiều di tích thánh khác.

Hai tác giả theo dấu các di tích cuộc Khổ Nạn của Chúa ở nhiều quốc gia trên thế giới và thu lượm tài liệu phong phú về một số đồ vật chuyên biệt vẫn tồn tại từ cổ đại đến ngày nay. Họ lùng sục các văn khố, nói chuyện với các sử gia và gặp gỡ các nhà khoa học nổi danh của thế giới... Họ không chấp nhận bất cứ điều gì về đức tin nhưng khởi đi từ các nguồn lịch sử để tìm cách xác nhận tính chân thực của các di tích thánh trong các cuộc tìm tòi khoa học. Chính Gorny giải thích: “chúng tôi lắng nghe một cách chú ý tiếng nói của các khoa học gia được trang bị với các phương thế tân tiến hơn là các trình thuật lịch sử và tôn giáo. Tuy nhiên, hai con đường này thường gặp nhau. Các kết quả của các phân tích lâu dài và khoa học chi tiết trùng hợp với những gì từng được truyền tải từ Truyền Thống truyền khẩu và văn viết của Kitô Giáo. Chúng tôi thấy khoa học và tôn giáo không nhất thiết mâu thuẫn với nhau”. 

Tuy thế, Gorny nhấn mạnh rằng: các di tích thánh cũng là một thách thức vĩ đại đối với các nhà khoa học, “ở giai đoạn nhận thức này của nó, khoa học tỏ ra bất lực trong khả năng giải thích làm thế nào một số di tích đã thành hình. Do đó, chúng tôi thấy nhiều nhà khoa học trung thực đã tự mở lòng mình cho chiều kích mầu nhiệm”. 

Stabat Mater

Nét mầu nhiệm cũng được đọc thấy nơi bài ca Tuần Thánh bất hủ Stabat Mater. Đây là một bài thơ phụng vụ có nguồn gốc từ thế kỷ 13, được liên kết với Thứ Sáu Tuần Thánh, gợi hứng cho lòng sùng kính Công Giáo bao đời nay, nhưng cũng gợi hứng cho nhiều nhạc sĩ suốt trong các thế kỷ qua. Palestrina, Vivaldi, Haydn, Schubert, Rossini, Liszt, Dvořák, Verdi, và, gần đây hơn, Pärt (trong số nhiều nhạc sĩ khác) đều đã sử dụng nó trong công trình sáng tác của mình. 

Người ta chú ý tới ca khúc Stabat Mater bất hủ của Giovanni Battista Pergolesi (1710-1736), nhà nhạc sĩ tài hoa, qua đời lúc chỉ mới 26 tuổi đời. Chính lúc sắp qua đời vì bệnh lao, ông sáng tác bài ca còn lại mãi trong lòng người này. 

Có nhà bình luận cho rằng trong số hơn 700 nhạc phẩm sử dụng bản văn này, tác phẩm của Pergolesi nổi bật nhất đến nỗi Roger Scruton của Đài BBC, khi sản xuất cuốn phim tài liệu Why Beauty Matters, đã lấy nó làm cơ sở cho một phản công chống lại khuynh hướng bài bác tín ngưỡng hết sức tầm thường mà ma quái hiện nay. Để làm việc này, ông đã cho trình diễn bản nhạc với 2 giọng trầm (alto) và cao (soprano) giúp người thưởng ngoạn đi vào nỗi sầu buồn của Đức Maria không phải chỉ bằng những âm thanh muộn phiền sầu não mà cả một tinh thần nâng cao kết hợp với lễ hy sinh của Con Trai ngài. 

Quả thực hai gọng trầm và cao một đàng diễn tả nỗi đau của kiếp nhân sinh, nỗi đau lớn nhất, nỗi đau không thể nào tưởng tượng được. Nhưng giọng kia, cao hơn, giúp ta nhìn lên, kêu gọi ta tham dự vào hành vi vĩ đại nhất trong lịch sử con người, góp tiếng cho Đấng Cứu Thế. Cả hai hòa nhập thành nỗi đau của Người Mẹ, kết hợp với nỗi đau của Con Mình, trở thành ơn cứu chuộc và dẫn đường đi vào niềm vui (xem phụ lục 1 bản dịch bài Stabat Mater của linh mục Lê Quang Trình). 

Pange lingua

Niềm vui ấy cũng đã được Thánh Tôma Aquinô ghi nhận và làm nổi bật vào Thứ Năm Tuần Thánh. Linh mục Terrance Klein, trong bài “St. Thomas Aquinas captures the heart of Holy Thursday” đăng trên America ngày 18 tháng Tư, 2019, cho rằng Thứ Năm Tuần Thánh không phải là đêm buồn phiền vì Chúa Kitô muốn bữa tiệc sau cùng của Người trở thành bữa ăn cộng đồng. 

Bài thánh ca ta hát đêm đó, tức bài “Pange lingua gloriosi” do Thánh Tôma Aquinô sáng tác, bắt đầu bằng lời tán tụng: tán tụng Chúa Giêsu, Đấng đã kết thúc đời Người y như lúc khởi đầu nó cũng như luôn luôn sống nó, bằng cách trở thành ơn phúc của Thiên Chúa, trở thành sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta.

Bất kể nằm trong máng cỏ hay ở ngoài đồng Galilê, Chúa Kitô không bao giờ chỉ là một sự hiện diện thiêng liêng. Người là Thiên Chúa mặc lấy xác thịt ta và cả các gánh nặng của nó. 

Pange, lingua, gloriósi Miệng tôi hãy hát khen mầu nhiệm
Córporis mystérium, Thân Xác vinh quang,
Sanguinísque pretiósi, và Máu qúy giá
Quem in mundi prétium Mà Vua đã đổ ra
Fructus ventris generósi Làm giá chuộc thế gian,
Rex effúdit géntium. Hoa trái của lòng dạ quảng đại



Nobis datus, nobis natus Từ Trinh nữ không tì vết
Ex intácta Vírgine, Được ban cho chúng ta, được sinh ra cho chúng ta,
Et in mundo conversátus, Và Người đàm đạo ở thế gian,
Sparso verbi sémine, mãi là hạt giống của lời để gieo vãi;
Sui moras incolátus Rồi Người kết thúc Đời Người
Miro clausit órdine. cách diệu kỳ


Nét thiên tài của Chúa Kitô, tạm dùng kiểu nói này để làm nổi bật tính sáng tạo trong trí hiểu nhân bản của Người, là nối kết việc người Do Thái cử hành nghi thức giao ước của Thiên Chúa với việc chính Người sẽ hiến mình trên thập giá sắp tới. Cả tính liên tục lẫn tính tương phản đều đáng lưu ý: Thiên Chúa dễ dàng giải thoát Israel khỏi cảnh nô lệ; nhưng chỉ bằng việc hiến mình, trao thân vào tay chúng ta, như của lễ và của ăn đàng, Chúa Kitô mới giải thoát ta khỏi tội lỗi. 

Đôi khi người ta cho rằng Thánh Tôma, cũng như người Trung Cổ đồng thời với ngài quá tập chú vào hình loại (species) Thánh Thể thay vì bữa ăn Thánh Thể. Nhưng thực ra, ngài đã nắm được tâm điểm những gì diễn ra trong đêm Thứ Năm, những gì diễn ra ngày hôm sau trên thánh giá và những gì sẽ diễn ra ở mọi Lễ Tạ Ơn sau đó. Bằng chính tay Người, Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta. 

Tin mừng gia Thánh Gioan, một Tin Mừng luôn được đọc trong nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh, cũng đã làm như thế khi tập chú vào hành vi khiêm nhường rửa chân hơn là bữa ăn theo nghi lễ. Trong mọi trình thuật, cốt lõi đều rõ ràng: Chúa Kitô sống và chết cho người khác. Người đơn giản là một hiến dâng.


Vũ Văn An

 

586    21-04-2019