Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Ukraine, khi những nữ tu đối diện với chiến tranh

Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine, nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà còn là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, hủy diệt và đau khổ." Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các bên ngưng giao tranh, thiết lập hành lang nhân đạo trong buổi đoc kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật ngày 06/3/2022 vừa qua.

Trước tình trạng Ukraine đang bị tàn phá, Đức Thánh Cha, trong một quyết định chưa từng có tiền lệ, đã phái ĐHY Konrad Krajewski, đặc trách các công việc bác ái của Tòa Thánh và ĐHY Michael Czerny, Quyền Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn sang Ukraine trong những ngày tới, để phát đi sứ điệp ‘‘chiến tranh chỉ là sự điên cuồng’’và nhất là để bày tỏ sự gần gũi và khích lệ của ngài với dân tộc đau thương này.

 

nt1
Trẻ em tại trạm xe lửa trung tâm ở Kyiv, Ukraine, tạm biệt với cha mình để sơ tán đến Lviv ngày 3.3.2022


Khi mà, hầu như mọi người trên thế giới như cùng chia sẻ những cảm xúc trước những tang thương, mất mát, đớn đau của chiến tranh, thì ngay tại đất nước Ukraine, cũng có những các nữ tu, tuy thuộc nhiều Hội Dòng, với những lối sống linh đạo, sứ vụ, và cả những màu sắc tu phục khác nhau đều đã có chung một con tim thương cảm, một đức tin mạnh mẽ và ý chí can trường để nên một với anh chị em mình.

1. Nữ tu Dòng Thánh gia Nazareth, cầu nguyện khan cả tiếng!

TheoFranciszka Tumanevych, Dòng Thánh gia Nazareth (Sisters of the Holy Family of Nazareth), ngày đầu tiên khi đất nước bị tấn công, ngày 24/02, là khó khăn nhất. “Nhưng mọi thứ đã dịu xuống vào buổi tối. Rồi ngày hôm sau, chúng tôi hiểu rằng chúng tôi phải học cách sống trong điều kiện chiến tranh, và chúng tôi bắt tay vào công việc cụ thể. Vì nếu bạn vẫn nhàn rỗi, điều đó thật tồi tệ. Bây giờ, chúng tôi tiếp tục cầu nguyện”.

Trong khi thực hiện các công việc hàng ngày của mình, các Sơ cố gắng cầu nguyện liên tục. Thậm chí, một trong những nữ tu của tu viện ở Kyiv đã mất giọng vì cầu nguyện cả ngày".

nt2


Sinh trưởng tại Ukraine, Sơ Tumanevych tốt nghiệp ngành tâm lý học, có bằng tiến sĩ giáo luật, và phục vụ trong tòa án của giáo phận. Ngay sau khi chiến tranh xảy ra Sơ đã tổ chức các cuộc họp cho các gia đình và làm việc với tổ chức từ thiện Công giáo Caritas-Spes.

Chúng tôi muốn ở bên mọi người,” do đó,Tôi sẽ ở lại. Đây là đất nước của tôi, và tôi sẽ bảo vệ nó. Với tràng hạt và bánh mì kẹp, và mọi thứ có thể làm được trong những điều kiện này.

2. Nữ tu của Dòng Thừa sai Thánh Đa Minh mang Mình Thánh Chúa đi di tản!

Ngay sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, cộng đoàn các Nữ tu của Dòng Thừa sai Thánh Đa Minh (The Missionaries of the Congregation of Saint Dominic) có trụ sở tại Tây Ban Nha, đã phải di tản.

Cộng đoàn phụ trách “nhà trẻ em”, là một trung tâm đại kết dành cho trẻ em, giúp các em tổ chức các hoạt động sau giờ học. Hàng nghìn trẻ em Ukraine với các tín ngưỡng đa dạng đã được chăm sóc tại trung tâm này trong nhiều năm, cho tới khi thành phố bị xâm lược vào ngày 24.02.

Cộng đoàn có 3 nữ tu: Sơ Antonia Estrada, 85 tuổi, là người thành lập “nhà trẻ em” này cách đây 25 năm; Sơ María Mayo, 72 tuổi, đã phục vụ ở Ukraine 10 năm; Sơ María Jesús, cho biết: đại sứ quán của Tây Ban Nha tại Ukraine đã gọi điện thoại cảnh báo rằng tình hình rất khẩn cấp, chúng tôi không thể ở lại, dù muốn hay không thì chúng tôi cũng phải rời đi.

Khi biết phải rời đi, Sơ Antonia vội vàng thu dọn nhà nguyện: Tôi thấy chúng tôi còn nhiều Mình Thánh trong nhà tạm. Và tôi tự nói với mình: Chúa ơi! Con nên làm gì đây? Chúng con không thể rước Chúa hết trong lúc này. Vâng, chúng con sẽ đưa Chúa đi theo với chúng con. Vì vậy, Sơ Antonia quyết định gói các Mình Thánh rất cẩn thận và mang theo: “Chúa Giêsu đã đồng hành với chúng tôi một cách bí tích trên mọi nẻo đường”.

rất muốn ở lại Ukraine để có thể "giúp đỡ tốt nhất," nhưngvì chúng tôi đã già và chúng tôi không muốn trở thành chướng ngại vật (ở một đất nước đang có chiến tranh),"Antonia nói lên cảm xúc của mình: Trái tim tôi tan vỡ khi thấy rằng tôi có thể rời đi và nhìn thấy tất cả những người đang ở đó phải chờ đợi.

3. Nữ tu Justina Holubert ở lại với các trẻ em tại trại tế bần nhi khoa

Tiến sĩ Matilde Leonardi - giám đốc Bệnh viện Besta ở Milan, bác sĩ thần kinh, chuyên khoa sơ sinh, nhi khoa và đạo đức sinh học, đã chia sẻ trên mạng xã hội niềm xúc động tuyệt vời khi kể câu chuyện tuyệt đẹp của Sơ Justine, một thành viên của Học viện Giáo hoàng về Sự sống cùng với ông.

Sơ Justina Holubert là một nhà di truyền học và tâm lý học tại Trung tâm Di truyền Y học ở Lviv, phía tây Ukraine. Sơ cũng là chủ tịch của một tổ chức chăm sóc sức khỏe do Sơ thành lập vào năm 2013 và có tư cách pháp nhân là một tổ chức phi lợi nhuận do nhà nước điều hành vào năm 2017.

Tại nhà tế bần này, Sơ nhận những đứa trẻ bị định đoạt với cái chết nhất định vì chúng mắc bệnh di truyền nghiêm trọng. Sơ quan tâm đến các em và đồng hành với cha mẹ của các emđi đến ngưỡng cửa cuối cùng của sự sống. Đó là công việc đáng khâm phục, đáng ngưỡng mộ và thậm chí thật dũng cảm.

nt3
 Sơ Justina Holubert, tại Ukraine, ngày 4. 3.2022

“Sơ ở đó đêm nay, trong chiến tranh, tràn ngập tình yêu thương những ngày cuối cùng của những em bé như đứa con Sơ đang ôm trên tay. Bạn chỉ có thể cầu nguyện và làm nhiệm vụ của mình, Sơ nói với tôi. Nói “vâng” với sự sống. Sơ Justina là một trong những người hùng trong cuộc đời tôi”.

Thông điệp bác sĩ Leonardi nêu bật hình ảnh người nữ tu tận tụy, ngay thẳng, trung thành với bổn phận của mình và với những người đau khổ, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong thời khắc chiến tranh tàn khốc.

Nơi mảnh đất Ukraine bao la và đầy vết thương này cũng là một cánh đồng mà nếu ai gieo hạt thì chúng sẽ nảy mầm.

4. Nữ tu Dòng Thánh Basil Cả:sợ hãi, nhưng chúng tôi cũng rất mạnh mẽ

Từ Lviv, một thành phố lịch sử ở miền tây Ukraine giáp với Ba Lan và là nơi có trụ sở chính của Hội Dòng,Sơ Anna Andrusiv, Dòng Thánh Basil Cả (Sisters of the Order of St. Basil the Great)nói với Global Sisters Report (Tin tức Nữ tu toàn cầu) trong một email hôm 24.02, rằng người dân đang tích trữ xăng, tiền mặt và thuốc men.

Sơ Andrusiv nói về một "cuộc chiến đang diễn ra", và lưu ý rằng dù mọi sự xảy ra thật khốc liệt, nhưng Sơ và mọi người đều “cảm thấy bình yên từ trong tâm hồn". Hơn nữa, điều duy trì sự sống của mọi người lúc này là sự cầu nguyện.

Sơ Mostepaniuk chia sẻ cảm xúc của mình "Ukraine đã phải chịu nhiều thiệt hại trong quá khứ và chiến tranh tàn khốc nhưng người Ukraine sẽ chiến đấu để giữ phẩm giá, chủ quyền và tự do tôn giáo của mình."

Thật thế, Sơ Mostepaniuk nói về quyết tâm của Ukraine: "Không ai ở Ukraine muốn cuộc chiến này nhưng mọi người sẵn sàng ở đó cho đến khi kết thúc". Người dân Ukraine "sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đất nước, đức tin vào Thiên Chúa.” Do đó, dù sợ hãi, nhưng chúng tôi cũng mạnh mẽ và chúng tôi đang chờ đợi những gì sẽ xảy đến ngày mai.

nt4
 Sơ Lucia Murashkobề trên tu viện của các nữ tu Basilian ở Zaporizhia, miền Đông Ukraine.

 

Ngoài ra, trong lần nói chuyện trực tiếp với CatholicPhilly.com từ Ukraine vào ngày 23 và 24. 2 qua điện thoại và ứng dụng nhắn tin Viber, Sơ Lucia Murashko, bề trên tu viện các nữ tu Basilian ở Zaporizhia, miền Đông Ukraine cho biết rằng: giữa một tình huống diễn biến nhanh và hoàn toàn bị động, Sơ vẫn “cảm thấy rất bình tĩnh, và tin rằng, đó là nhờ “một hồng ân đặc biệt của Chúa.

, Chúng tôi hiểu rằng việc chào đón những người tị nạn là sứ mệnh mới của chúng tôi.Cho nên, “Chúng tôi không muốn rời khỏi đây; chúng tôi muốn giúp đỡ mọi người và ở lại với họ lâu nhất có thể.

5. Nữ tu Dòng Phan sinh Nữ tì Thánh giá: cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa

Nữ tu Karolina, Dòng Phan sinh Nữ tì Thánh giá (Franciscan Sister Servant of the Cross) cho biết:

Vào lúc 5 giờ sáng ngày 24/02, chúng tôi bị đánh thức bởi một tiếng nổ lớn cùng với những tiếng ồn của máy bay. Chúng tôi nhận ra rằng một điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra. Chúng tôi đến nhà thờ, và ở đó mọi người đều nói rằng chiến tranh đã xảy ra. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu cầu nguyện.

Chúng tôi điều hành một trung tâm chăm sóc ban ngày cho trẻ em bị mù. Điều đầu tiên vào buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đã gọi cho mọi người và nói rằng họ đừng mang trẻ đến đây nữa, vì đi về vùng nông thôn sẽ an toàn hơn. Nhưng chúng tôi ở lại thành phố để ở bên mọi người, để hỗ trợ và đồng hành với họ.

Khi còi báo động vang lên, mọi người phải chạy đến nơi trú ẩn càng nhanh càng tốt. Chúng tôi chạy vào rước Mình Thánh Chúa từ nhà nguyện và đi xuống hành lang ở tầng thấp nhất của ngôi nhà - vì chúng tôi không có tầng hầm. Chúng tôi có Mình Thánh Chúa trước mặt, chúng tôi lần hạt Mân Côi, Kinh Lạy Cha, chúng tôi cầu xin hòa bình, và lòng thương xót của Chúa trên thế giới, trên chúng tôi, trên những người lân cận, trên thành phố, trên Ukraine. Chúng tôi cầu nguyện và chờ đợi cho đến khi mọi thứ lắng xuống.

Khi tiếng còi ngưng lại, chúng tôi đi ra ngoài đường, gặp gỡ mọi người và cùng nhau đánh giá tình hình. Chúng tôi cố gắng giúp đỡ nhiều nhất có thể. Mọi người đều rất tham gia giúp đỡ lẫn nhau.

nt5


Chúng tôi biết rằng cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa. Chúng tôi hoàn toàn ở trong tay Chúa và không có khả năng tự vệ vào lúc này. Chúng tôi đang học được niềm tin thực sự thông qua điều này, vâng, tôi biết mình không có đức tin mạnh mẽ như vậy. Nhưng tôi đang dần học được điều này.

Chúng tôi không hiểu tại sao chúng tôi bị tấn công. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho những người lính. Đối với chính chúng ta, những người bảo vệ chúng ta, nhưng cũng cho những người ở phía bên kia. Ở đó cũng có nghèo đói và tuyệt vọng, bởi vì họ là chồng và con trai. Có sự nghèo đói ở cả hai phía.

6. Nữ tu dòng Thánh Giuse cộng đoàn thánh Maccô, ở Mukachevo: cứu trợ, đưa sinh viên nước ngoài mắc kẹt sang biên giới

Sơ Ligi Payyappilly, Bề trên cộng đoàn thánh Maccôdòng Thánh Giuse (Sisters of St. Joseph of Saint-Marc) miền tây Ukraine, cách thủ đô Kiev khoảng 480 dặm về phía tây nam, đã nhận ra rằng: “Chúa đang sử dụng tôi để cứu mọi người khỏi cái chết ở Ukraine.

Thật thế, Sơ Payyappilly người gốc Ấn Độ cho biết từ khi chiến sự xảy xa, cộng đoàn đã giúp cho khoảng 1.000 sinh viên nước ngoài đến trú ngụ và đưa họ vượt biên giới an toàn.

Vignesh Suresh, một sinh viên y khoa năm thứ ba và 45 sinh viên Ấn Độ khác đã bị mắc kẹt tại biên giới Ba Lan trong 15 tiếng và đã được các Sơ đến giúp “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ còn sống bây giờ,” các Sơ là những “thiên thần của Chúa đã đến giúp chúng tôi khi chúng tôi hoàn toàn mất tích”

Suresh cho biết thêm: "Các đón chúng tôi lên xe về đưa tu viện, các chăm sóc từng người chúng tôi bằng tình yêu thương và sự nồng hậu, cho chúng tôi thức ăn, một hành lang ấm áp để ngủ và hộ tống chúng tôi để vượt qua biên giới Romania".

nt6
 Các nữ tu phục vụ bữa ăn cho các sinh viên nước ngoài được giải cứu trước khi giúp họ vượt qua biên giới.


Trong một đoạn băng nói với các nữ tu, mẹ của Vishnu Manoharan, một sinh viên theo đạo Hindu, nói rằng bà mang ơn các nữ tu vì "sự chăm sóc yêu thương của người mẹ dành cho con cái của chúng tôi khi chúng rơi vào khủng hoảng sâu sắc.

Bà cũng ca ngợi các nữ tu là những "sứ giả thực sự của Chúa", những người sẽ luôn luôn mang phúc lành của Chúa cho bất cứ ai cần đến.

nt7
 Sơ Payyappilly và các sinh viên được cứu tại tu viện Mukachevo, miền tây Ukraine


Ngoài ra, cũng có n
hiều người tị nạn Ukraine chọn ở lại tu viện, vì họ coi đây là một nơi tương đối an toàn hơn, thay vì di tản đến một quốc gia khác.

Payyappilly cho biết tất cả 17 nữ tu trong cộng đoàn của Sơ hầu hết là người  Ukraine, đều có trình độ chuyên môn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thời gian này, mỗi người một việc, người thì nấu ăn, người lái xe đưa đón người tị nạn tới tu viện, người khác lái xe đưa sinh viên tới biên giới, người sắp xếp nơi ăn, chỗ ngủ cho người ở lại tu viện.

Chúng tôi tất bật, nhưng thấy tâm hồn thật bình an. Cố gắng để giải cứu được bao nhiêu người có thể. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ mong đợi những cú điện thoại gọi đến xin giúp đỡ chứ không mong những cú gọi để nói lời cám ơn.

7. Các nữ tu Đa Minh: Chúng tôi muốn hành động, xin chắp cánh cho chúng tôi!

Khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, các nữ tu Đa Minh dù có nguy cơ mất mạng vẫn không rời khỏi đất nước đang bị bắn phá. Họ đã ở lại "trụ sở của mình" để mang đồ viện trợ cho những người cần đến.

Sơ Mateusza, đã xin sự hỗ trợ tinh thần kể từ khi Sơ từ biên giới Balan tới Ukraine để giúp đỡ người tị nạn:

Các bạn thân mến, chúng tôi đang bị cuốn vào cỗ máy chiến tranh, chúng tôi hoàn toàn bất lực trước sự cố đau lòng này, và đó là lý do tại sao chúng tôi xin các bạn cầu nguyện cho những ước nguyện của chúng tôi.

Ở Chortkiv (thành phố phía tây Ukraine, cách Lviv, nơi đang bị không kích khoảng 200km), các nữ tu dành phần lớn thời gian trong hầm trú, vì luôn có báo động về những cuộc không kích. Còn các nữ tu ở Zhovkva (cách Lviv khoảng 30km) thì giúp đỡ và phân phát thực phẩm cho những người đang xếp hàng để qua biên giới. Chúng tôi cũng hỗ trợ những gia đình đến từ Ukraine và thường họ không mang theo được.

Các nữ tu đã phát động một đợt quyên góp vì người người nghèo và đã nhận được sự hưởng ứng ngay lập tức từ rất nhiều người. Nhờ số tiền quyên góp được, các nữ tu đã có thể mua và chuyển đến Ukraine những thứ cần thiết nhất như: nước, thực phẩm, thiết bị, thuốc men, vật dụng tẩy rửa, v.v.

 

nt8
 Sơ Eliza Małgorzata

Sơ Eliza Małgorzata Myk, người vừa trở về từ Zhovkva gần Lviv, đã mô tả bằng những từ xúc động về thế giới mà Sơ nhìn thấy sau khi vượt qua biên giới Ba Lan-Ukraine vào ngày thứ năm của cuộc chiến. Sơ chia sẻ trên Facebook vào ngày 2/3/2022:

Ở Zhovkva, Sơ Mateusz và các thanh niên đang đợi để dỡ hàng từ xe buýt. Trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ, tất cả những thứ đã được xếp vào nhà kho. Xe tải chở đầy thuốc của Kamil đã đến trung tâm khủng hoảng. Sau đó Sơ Mateusza đưa chúng tôi đến ăn tối tại tu viện. Lúc đó Sơ Sara và Sơ Juventus đang có mặt ở biên giới với bát súp nóng hổi để phát một bữa ăn ấm áp cho những người đã chờ đợi ba ngày để rời Ukraine. Các nữ tu rất dũng cảm. Khi chiến tranh bắt đầu, tất cả quyết định ở lại với người dân Ukraine.

***

Chỉ với một vài hình ảnh của các nữ tu, nơi chiến tuyến Ukraine, chúng ta không thể không ngưỡng mô, vì giữa những đổ nát, hoang mang, vẫn có đó sự kiên vững trong đức tin, sự ấm áp của những trái tim, và sự rộng mở của những bàn tay của các nữ tu.

Trước sức công phá của bom đạn, không chỉ những cơ sở vật chất bị tan hoang, mà trái tim nhân loại cũng như bị vỡ vụn, hạnh phúc gia đình bị xé toang, và cuộc sống bình an của mọi người bị xáo trộn.

Xin cho lời cầu nguyện tha thiết, và sự liên đới thẳm sâu dập tắt ngọn lửa hận thù, để những người có trách nhiệm, với lương tri can đảm đối thoại và tìm ra giải pháp tốt đẹp nhất, để mạng sống con người đừng bị đem đánh cược, và không còn cảnh những em bé phải dời xa người cha của mình, để lên đường đi lánh nạn mà chẳng thể hiểu được mình đang đi đâu, và chiến tranh nghĩa là gì.


Tác giả: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - 
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Tổng hợp từ nhiều nguồn

501    09-03-2022