Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Vai trò trung gian của việc khẩu nguyện

oldwomanpray
 Old woman in prayer by Nicolaes Maes,
Public domain, via Wikimedia Commons.

 

Đây là một vấn đề nan giải. Rất thường xuyên, nếu không muốn nói là hàng ngày, người Công giáo đọc Kinh Lạy Cha, trong đó có lời cầu, “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.”

Theo Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy, lời cầu xin này đề cập trực tiếp đến “Bánh Hằng Sống, Mình Thánh Chúa Kitô”. Về điểm này, Sách Giáo Lý trích dẫn lời của Thánh Augustinô:

Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta,” và Thánh Phêrô Kim Ngôn còn nói, “Cha trên trời thúc giục chúng ta, với tư cách là con cái trên trời, hãy xin bánh bởi trời. Chính [Chúa Kitô] là bánh được gieo vào lòng Đức Trinh Nữ, được sống lại nơi thân xác, được nhào nặn trong cuộc khổ nạn, được nung nấu trong lò huyệt mộ, được lưu giữ trong nhà thờ, được mang đến bàn thờ, được cung cấp cho các tín hữu mỗi ngày thứ lương thực từ trời.” (x. GLHTCG 2837)

Thế nhưng, đây lại là vấn đề nan giải. Tại sao những người đọc lên lời kinh này lại không cố gắng tham dự Thánh lễ hằng ngày và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể mỗi ngày? Họ cầu xin cho có được Bánh Hằng Sống hàng ngày, và lương thực này hiện diện nơi Thánh lễ nhưng họ lại không đón nhận.

Đối với tôi, câu hỏi này khó khăn hơn nhiều so với việc Chúa có thể làm phép lạ để đáp lời cầu nguyện hay không. Dĩ nhiên, Thiên Chúa, Đấng đã tạo thành vũ trụ từ hư không, có thể tạo ra bất cứ điều gì vào bất kỳ lúc nào để hình thành nên một phép lạ. Tất nhiên, là một Đấng thiêng liêng, Người có quyền trên mọi thứ vật chất đơn thuần, ngay cả đối với một thiên thần.

Và vấn đề càng khó hơn với câu hỏi phổ biến là liệu rằng Chúa có thay đổi thế giới một cách hoàn toàn để đáp lại những lời cầu nguyện hay không - bởi vì, nếu những lời cầu nguyện luôn phát sinh hiệu quả, thì chẳng phải chúng sẽ phát sinh hiệu quả nhất đối với người đang cầu nguyện hay sao?

Người ta có thể nói rằng lời cầu nguyện đã được đáp lại qua việc các nhà thờ được xây dựng trong khu phố của chúng ta, qua ơn gọi của các linh mục dâng Thánh lễ ở đó và sự đóng góp của giáo dân để hỗ trợ các giáo xứ đó. Quả thực, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta lương thực hàng ngày một cách dồi dào nhất (ít nhất, Người đã làm như vậy trong quá khứ). Có thể nói như vậy là Người đã giữ trọn lời hứa của mình.

Vấn đề là chúng ta không nhận ra điều đó. Và tại sao người ta lại mong chờ Chúa đáp lại lời cầu nguyện đó? Chỉ có kẻ ngốc mới cầu nguyện rằng, “Lạy Chúa, xin mang đến cho con tách cà phê,” và phàn nàn nếu lời cầu xin đó không được đáp lời.

Khi đó vấn đề của tôi sẽ trở thành: tại sao chúng ta không được biến đổi nhờ Kinh Lạy Cha để hành động theo ước muốn có được lương thực hàng ngày đúng với những gì chúng ta kêu cầu?

Chắc chắn một phần của vấn đề là chúng ta không hiểu đúng về khẩu nguyện. Chúng ta nghĩ rằng khẩu nguyện là giả tạo bởi vì nó không phải là một biểu hiện tự phát và “chân thành” từ những gì chúng ta suy nghĩ một cách tự nhiên.

Hoặc chúng ta cho rằng công dụng chính của khẩu nguyện là để giải quyết một vấn đề mang tính đoàn thể: khi nhiều người chúng ta cùng nhau cầu nguyện, cách duy nhất để chúng ta có thể cầu nguyện cùng một điều là tuân theo một bản văn đã định sẵn.

Hoặc chúng ta tưởng tượng rằng việc đọc lời khẩu nguyện chỉ là một nghi thức, một loại bí tích nào đó, mang lại ân sủng thông qua việc thực hành đơn thuần.

Một vấn đề khác là đối với hầu hết người Công giáo, ý định của họ trong lời cầu xin như thế không bao giờ đạt đến điều mà Sách Giáo Lý gọi là “sự quy chiếu trực tiếp” của nó. Họ cho rằng “lương thực hàng ngày” chỉ dành riêng để đề cập đến phương tiện cần thiết của cuộc sống. Họ xem lời cầu xin này như là một sự nhìn nhận đầy khiêm nhường về việc chúng ta phải cậy dựa vào Thiên Chúa và cũng như là một cam kết ngầm để giữ cho các nhu cầu của chúng ta ở mức vừa phải.

Tất nhiên là thế, nhưng lời cầu xin này còn hơn thế nữa. Như Đức Piô XI đã dạy trong “Sắc lệnh về việc rước lễ thường xuyên và hàng ngày” nổi tiếng năm 1905: “Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta được mời gọi xin cho ‘lương thực hàng ngày’; theo lời đó, các thánh giáo phụ đều nhất trí dạy rằng không được hiểu xa đến mức đó chỉ là lương thực vật chất, thứ nâng đỡ thân xác chúng ta, cho bằng đó là bánh Thánh Thể, thứ mới chính là lương thực hàng ngày của chúng ta.”

Như chúng ta có thể thấy, những vấn đề này có liên quan với nhau nếu chúng ta chú ý đến một cách diễn đạt đặc biệt mà Thánh Tôma đã sử dụng khi giải thích Kinh Lạy Cha trong bộ Tổng luận Thần học. Ngài nói, một lời khẩu nguyện là một “người diễn giải” những ước muốn của chúng ta trước mặt Chúa. Người diễn giải (tiếng Latinh, interpres) là người trung gian, người hòa giải, người môi giới, người đàm phán. Thánh Têrêsa Avila so sánh việc cầu nguyện cũng giống như hành động đi đến gặp một vị vua vĩ đại.

Chẳng phải sẽ có lợi cho chúng ta sao, nếu chúng ta được ban phép để vào yết kiến hoàng gia, để được giới thiệu và được đưa vào ra mắt bởi một người nào đó từ triều đình, người có thể trình bày rõ ràng với nhà vua, và bằng ngôn ngữ phù hợp, về lý do chuyến viếng thăm của chúng ta? Và sau đó, nếu người hòa giải này tinh ý, chẳng phải chúng ta sẽ sửa chữa và điều chỉnh những ý định của mình, để phù hợp chính xác với những gì người đó chỉ dạy? Kinh Lạy Cha là như vậy.

Thánh Tôma nói: “Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta không chỉ cầu xin tất cả những gì chúng ta có thể ước muốn một cách chính đáng, mà còn theo thứ tự mà chúng ta phải ước muốn chúng, để lời cầu nguyện này không chỉ dạy chúng ta cầu xin, mà còn định hướng mọi cảm xúc của chúng ta.”

Chúng ta cũng đừng quên vai trò của Chúa Thánh Thần: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.” (Rm 8,26).


Tác giả: Michael Pakaluk
* - Nguồn: Catholic Education Resource Center
Lược dịch: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

--------------------

* Michael Pakaluk là giáo sư tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ.

288    06-08-2023