Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Vấn đề then chốt của cuộc đời

 

Cách đây vài năm, trong một buổi tĩnh tâm, một tu sĩ lớn tuổi đến trao đổi với tôi về thăng trầm của đời sống tu viện trong 50 năm qua. Cuối cuộc trao đổi, cha nói: “Xin cha cho tôi vài lời khuyên để tôi chuẩn bị chết! Tôi phải làm gì để tôi sẵn sàng với cái chết hơn.”

Câu hỏi buồn như vậy đủ làm bối rối người có chiều sâu tâm linh huống hồ tôi, và khi người hỏi lại là người gấp đôi tuổi mình, lại có tấm lòng bác ái, đức tin sâu đậm, một quả tim dịu ngọt với bao nhiêu năm tháng thinh lặng cầu nguyện, thì câu trả lời hay nhất vẫn là thinh lặng. Tôi không quá ngây thơ để trả lời, dù cha tin tưởng ở tôi.

Nhưng đó là một câu hỏi rất hay. Làm sao chúng ta có thể chuẩn bị chết? Làm sao chúng ta sống mà cái chết không đến bắt chúng ta đi không báo trước? Chúng ta sẽ làm gì để không rời quả đất này khi còn nhiều việc làm chưa xong?

Việc đầu tiên cần phải nói là bất cứ việc gì chúng ta làm để chuẩn bị chết không được mang tính cách bệnh hoạn hay một cái gì tách chúng ta ra khỏi cuộc sống, ra khỏi người khác. Chúng ta không chuẩn bị chết bằng cách rút ra khỏi cuộc sống. Ngược lại mới đúng. Chuẩn bị cho cái chết của chúng ta là lời Chúa, lời kết hợp chúng ta vào Chúa thì sâu đậm hơn, mật thiết hơn, đi vào cuộc sống rộng lớn hơn. Chúng ta sẵn sàng chết khi chúng ta mở đầu cuộc sống giống như thử chúng ta có cả một đời sống dài trước mặt. Chúng ta làm cách nào?

Có lần John Shea cho rằng nước trời mở ra cho tất cả những ai sẵn sàng ngồi lại với nhau. Đó là chỉ dẫn cho một lối đi. Cốt lõi của điều kiện duy nhất để đi đến nước trời là phải có quả tim và tinh thần không thành kiến, để chúng ta có thể ngồi chung bàn, chia sẻ cuộc sống với bất cứ ai. Và đó là đúng, cách tốt nhất để chuẩn bị chết là bắt đầu trải rộng quả tim yêu thương luôn luôn lớn hơn, càng ngày càng lớn hơn, bắt đầu yêu thương vượt lên tính hẹp hòi, kỳ thị vẫn còn ở trong quả tim của chúng ta vì tính khí, tổn thương, rụt rè, thiếu hiểu biết, ích kỷ, chủng tộc, giới tính, tôn giáo, hoàn cảnh và địa vị chúng ta trong xã hội.

Chúng ta chuẩn bị chết bằng cách đẩy tình thương chúng ta càng ngày càng không hạn chế. Trong nghĩa này, chuẩn bị chết là đi vào trọn vẹn trong cuộc sống.

Trong quyển sách Tình Yêu Không Điều Kiện của linh mục dòng Tên John Powell, cha kể câu chuyện một sinh viên trẻ chết vì ung thư. Trong giai đoạn cuối, anh đến gặp cha và nói: “Thưa cha, có lần trong lớp học cha có nói với con một câu làm cho con cảm thấy nhẹ nhàng khi phải chết trẻ. Cha nói: Chỉ có hai thảm kịch trong cuộc sống, chết trẻ không phải là một trong hai thảm kịch này. Hai thảm kịch là: Nếu bạn đi qua cuộc đời và không yêu đời và bạn không nói với những người bạn yêu thương để họ biết bạn yêu thương họ.”

Khi các bác sĩ nói cho con biết bệnh ung thư của con đã đến giai đoạn cuối, con nhận ra con đã được yêu thương rất nhiều. Con đã nói cho gia đình và các bạn bè họ thật đáng kể đối với con. Con đã biểu lộ tình thương. Nhiều người hỏi con: “Mới 24 tuổi mà đã chết, là cái gì vậy?” Con nói với họ: “Cũng không sao, gục lúc 50 tuổi mà không có giá trị thì sao!”

Chúng ta chuẩn bị chết bằng cách yêu thương sâu đậm và biểu lộ tình thương, lòng mến chuộng và lòng biết ơn với người khác. Chúa Giêsu cũng nói vậy. Khi người phụ nữ thành Bê-ta-ni-a đổ chai dầu thơm đắt giá trên chân và lấy tóc lau khô chân Người, Chúa nói về cách biểu lộ lòng yêu thương vô bờ và tâm tình biết ơn của bà bằng câu: “Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng của Thầy.” Nói làm sao để câu này không bị hiểu sai. Chúa không nói: “Thầy sắp chết rồi, mấy thứ này vô ích!” Nhưng đúng hơn Chúa nói: “Khi đến gần giờ chết sẽ dễ dàng hơn, vì lúc đó, Thầy thật sự đã sống. Sẽ dễ dàng để chết hơn khi đã thật sự sống trọn vẹn, dù trong chốc lát.”

Cái gì làm cho chúng ta thấy khó khăn khi phải chết, ngoài bản năng muốn sống bẩm sinh có sẵn trong con người, không phải là sợ có đời sau hay không có đời sau. Cái làm cho chúng ta khó để chết là chúng ta còn nhiều chuyện chưa làm xong và chúng ta phải làm xong với một tình thương sâu đậm hơn và biểu lộ tình thương của chúng ta một cách nhẹ nhàng hơn.

Nếu vị tu sĩ lớn tuổi này dồn Chúa Giêsu vào thế phải trả lời câu hỏi như ông hỏi tôi, tôi ngờ Chúa sẽ trả lời: Con hãy chuẩn bị cái chết của con bằng cách sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Tập yêu thương sâu đậm hơn, ít kỳ thị, nhiều thương mến, nhiều biết ơn hơn. Nói với người thân là con yêu họ và cái chết không bao giờ đến bắt mình như người kẻ trộm trong đêm.”

J.B. Thái Hòa dịch

2890    06-09-2017