Sidebar

Chúa Nhật

03.11.2024

Về tính bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng

kaipilgersl9pylhei3aunsplash660x350
 Photo bởi Kai Pilger từ Unsplash


Matthêu chương 16 thuật lại sự hình thành chức vị Giáo hoàng, khi Simon Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, và Chúa Giêsu đã đặt cho ông tên mới là Phêrô, nghĩa là tảng đá, và mặc khải rằng trên tảng đá này, Người sẽ xây dựng Giáo Hội, và các cửa địa ngục sẽ không thắng thế trước Giáo Hội. Kể từ nền tảng tông truyền đó, đã có 266 vị Giáo hoàng trong lịch sử đạo Công Giáo của chúng ta. Những người đầu tiên trong số các vị này được nhắc đến trong Lễ quy Rôma, đôi khi được sử dụng trong Thánh lễ, “Linô, Clêtô, Clêmentê, Sixtô, Corneliô,…”

Bạn và tôi có thể nhớ lại một số vị Giáo hoàng gần đây hơn, như Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêdictô XVI và vị giáo hoàng hiện tại của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi nhận thức rõ các tác phẩm về Đức Mẹ của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã định tính về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đức Giáo Hoàng Piô X đã hạ thấp độ tuổi rước lễ lần đầu. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã viết nhiều về kinh Mân Côi. Có rất nhiều vị giáo hoàng làm tôi cảm kích khi đọc tác phẩm của các ngài.

Trong suốt lịch sử của Giáo Hội, đã có những vị Giáo hoàng đạo đức và thánh thiện cũng như những vị Giáo hoàng không sống đúng với phẩm giá của chức vị. Đã có những cuộc ly giáo và ngụy giáo hoàng. Trong suốt thời gian đó, cánh cửa địa ngục đã không hề khuất phục được Giáo Hội. Giáo Hội đã vượt qua nhiều cơn bão tố.

Đức Giáo hoàng là vị đứng đầu hữu hình của Giáo Hội, người kế vị Thánh Phêrô, tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng có thẩm quyền giảng dạy đặc biệt. Ngài viết nhiều văn kiện giáo hoàng khác nhau (ví dụ như thông điệp, tông huấn,…), đưa ra các bài phát biểu và giảng thuyết. Một thuật ngữ liên quan đến thẩm quyền giảng dạy của Đức Giáo hoàng là tính bất khả ngộ, nghĩa là Đức Giáo hoàng không thể sai lầm trong những gì mình giảng dạy.

Quyền tối thượng trong giảng dạy của Đức Giáo hoàng đã tồn tại từ lâu trong Giáo Hội, có niên đại từ những năm 800 tại Công đồng Constantinople, vào những năm 1200 với Công đồng Lyons và vào những năm 1400 với Công đồng Florence. Tính bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng đã được Công đồng Vatican I định tín trong Hiến chế Tín lý Pastor Aeternus (Mục Tử Đời Đời) vào năm 1870.

Tính bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng chỉ xảy ra khi ngài tuyên bố ex cathedra (từ ngai tòa Thánh Phêrô) trong tư cách là chủ chăn và thầy dạy của tất cả các Kitô hữu và “định tín, với thẩm quyền giáo hoàng tối cao của mình, một giáo lý liên quan đến đức tin hoặc luân lý mà Giáo Hội hoàn vũ phải tuân theo.”

Có một số người mang niềm tin sai lầm rằng Đức Giáo hoàng luôn bất khả ngộ và luôn nói ex cathedra. Điều này không đúng. Kể từ khi Công đồng Vatican I định tín về tính bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng, điều này chỉ được viện dẫn một lần, và đó là để tuyên bố tín điều thứ tư của Đức Maria về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trong đoạn 44 của Tông hiến “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng quảng đại), Đức Piô XII đã định tín cho giáo lý này như sau:

Nhờ thẩm quyền của Chúa Giêsu Kitô, của các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và nhờ thẩm quyền của chính chúng tôi, chúng tôi công bố, tuyên xưng và định tín đây là tín điều được Thiên Chúa mặc khải: rằng Người Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Thiên Chúa, Đức Maria trọn đời đồng trinh, sau khi hoàn tất cuộc sống trần thế, đã được đưa cả hồn lẫn xác vào vinh quang thiên đàng.

Một số người đã đặt câu hỏi liệu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có đưa ra tuyên bố ex cathedra liên quan đến việc phong chức cho phụ nữ hay không khi ngài viết trong Tông thư Ordinatio Sacerdotalis (Truyền chức Linh mục):

Vì vậy, để xóa tan mọi nghi ngờ về một vấn đề có tầm quan trọng lớn lao, một vấn đề liên quan đến chính định chế thánh thiêng của Giáo Hội, vì sứ vụ của tôi là làm cho anh em vững mạnh (x. Lc 22:32), nên tôi tuyên bố rằng Giáo Hội không có thẩm quyền nào để phong chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này phải được tất cả các tín hữu của Giáo Hội tuân giữ một cách dứt khoát.

Các nhà nghiên cứu về Giáo Hội học tiếp tục trích dẫn rằng trường hợp duy nhất về tính bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng có liên quan đến việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và tuyên bố sau này không phải là tuyên bố bất khả ngộ, ex cathedra, mà là sự lặp lại giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến chức tư tế chỉ dành cho nam giới.

Có một vài điều cần làm rõ thêm về tính bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng.

Đầu tiên, chúng ta đã gặp may mắn vì có được những vị Giáo hoàng là những nhà thần học tuyệt vời. Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI là những gương mẫu điển hình. Khi thực hiện tính bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng, các ngài phải làm như vậy với tư cách là mục tử tối cao của Giáo Hội, chứ không phải là một nhà thần học riêng tư.

Thứ hai, chức vụ giảng dạy của Đức Giáo hoàng là sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, là Đấng gìn giữ khỏi mọi sai lầm.

Thứ ba, khi chứng minh một chân lý mặc khải được định tín một cách bất khả ngộ, phải có bằng chứng từ Kinh Thánh và truyền thống lâu đời của Giáo Hội. Nếu bạn đọc qua tông hiến của Đức Piô XII về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, thì ngài đã chứng minh rằng đây là một niềm tin lâu đời trong nhiều thế kỷ.

Là người Công giáo ngày nay, chúng ta phải tự nhắc nhở bản thân về bản chất thực sự của tính bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng và không nhầm lẫn nó với những gì không phải. Việc biết rằng điều này chỉ được sử dụng một lần kể từ năm 1870 giúp chúng ta xác định các tuyên bố và giáo lý khác nhau của các Đức Giáo hoàng kể từ thời điểm đó. Là thành viên thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô, chúng ta kiên vững trước lời hứa của Chúa Giêsu rằng các cửa của địa ngục sẽ không thắng thế chúng ta. Là những người có đức tin, chúng ta kết hiệp trong lời cầu nguyện cho và xung quanh Đức Giáo hoàng của chúng ta, với tư cách là thầy dạy tối cao về đức tin của chúng ta.

Tác giả: Lm. Edward Looney* - Nguồn: Catholic Exchange (29/10/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

-----------------------------

* Cha Edward Looney, một linh mục thuộc Giáo phận Green Bay, là một nhà thần học về Đức Mẹ Maria, một tác giả, nhà báo, nhân vật truyền thông,..

53    30-10-2024