Ngày 6 tháng 8 này đánh dấu kỷ niệm 30 năm ban hành thông điệp Veritatis Splendor (Ánh Rạng Ngời Chân Lý - VS) của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đây là thông điệp đầu tiên và duy nhất của một giáo hoàng tập chú vào thần học luân lý. Trong khi các giáo huấn của thông điệp thường bị phớt lờ hay thậm chí bị bác bỏ, chúng ta vẫn không thể đánh giá thấp vai trò quan trọng liên lỉ của nó.
Đây là một văn kiện khá đồ sộ và đôi khi gây khó khăn cho việc đọc. Song nó lại trực tiếp hướng dẫn giải quyết sự lẫn lộn thời hậu công đồng về các chân lý nền tảng liên hệ đến luân lý, tự do và lương tâm. Dưới đây là bốn chân lý căn cốt mà Đức Thánh cha đã dạy qua thông điệp này.
1. Con người có thể nhận biết chân lý. Chân lý làm nên con người như người ấy là. Chúng ta được kêu gọi để nhận biết chân lý; và chân lý giải phóng chúng ta.
Những dòng đầu tiên của thông điệp nhấn mạnh: “Ánh rạng ngời của chân lý chiếu tỏa trên hết thảy mọi công trình của Đấng Tạo hóa, và cách đặc biệt là con người, những kẻ được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (x. St 1,26). Chân lý soi lòng mở trí, định hình tự do và đưa dẫn con người đến việc nhận biết và yêu mến Thiên Chúa (VS, số 1).
Đây chính là tóm lược của điều mà chúng ta gọi là “luật tự nhiên”. Như thánh Gioan Phaolô tuyên bố sau đó vài số trong văn kiện, “Chỉ duy Thiên Chúa mới có thể trả lời cho vấn đề sự thiện, bởi vì Người là Sự Thiện. Và Thiên Chúa đã trả lời cho vấn đề ấy: Người đã trả lời bằng việc tạo dựng con người cũng như đặt để khôn ngoan và tình yêu hầu cho họ đạt tới cứu cánh tối hậu, nhờ một luật được khắc ghi nơi trái tim (x. Rm 2,15), tức ‘luật tự nhiên’” (VS, số 12).
Chân lý là điều có thực. Nắm bắt chân lý là nhìn thấy mọi sự cũng như mọi mối tương quan như chúng là, thông qua việc sử dụng lý trí và sự phán đoán đúng đắn. Đối lập với nhãn quan của chủ nghĩa tương đối và thậm chí là thuyết định mệnh đang phổ biến ngày nay, chúng ta được tạo dựng trong chân lý và cho chân lý.
2. Đức Kitô là ánh sáng thật: Thánh Gioan Phaolô bắt đầu bằng việc suy tư về tội tổ tông truyền. Chúng ta bị cám dỗ quay lưng lại với Thiên Chúa và hướng về các ngẫu tượng. Vì thế, “Khả năng nhận biết chân lý của con người thành ra tăm tối, và ý muốn tùng phục chân lý bị suy yếu” (VS, số 1).
Đức Thánh cha khẳng định lối thoát cho cảnh tối tăm ấy chính là “Đức Giêsu Kitô, ánh sáng thật chiếu soi mọi người”. “Câu trả lời dứt khoát” cho mọi vấn đề của chúng ta “được đưa ra bởi Đức Giêsu Kitô, hay đúng hơn là chính Đức Giêsu Kitô”.
Kế đó, thánh Gioan Phaolô tập chú vào tuyên bố của Đức Kitô: “Anh em sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ làm anh em được tự do”, những lời này chứa đựng “một đòi hỏi căn bản lẫn một cảnh báo”. Chúng ta phải tránh thứ “tự do” giả tạo và hời hợt; như thánh Gioan Phaolô viết trước đây trong thông điệp Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc Con Người), chúng ta cần “nhìn nhận Đức Kitô là Đấng đem đến cho con người sự tự do dựa trên chân lý, là Đấng giải phóng con người khỏi những gì gây kìm hãm, làm suy giảm và có thể nói là hủy diệt tận căn sự tự do đó trong tâm hồn, con tim và lương tâm con người (Redemptor Hominis, số 35).
Chương 1 của Veritatis Splendor tập trung vào cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với chàng thanh niên giàu có (x. Mt 19). Điều này đưa chúng ta đến với chân lý thứ ba.
3. Tự do thực sự là thứ tự do hướng về sự thiện. Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng, đối với chàng thanh niên giàu có, “vấn đề chính yếu không nằm ở những luật lệ phải tuân giữ, nhưng về ý nghĩa trọn vẹn của đời sống”. Đây là lý do tại sao Đức Giêsu trả lời anh: “Tại sao ngươi lại hỏi ta về sự lành? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi” (VS, số 6).
Nếu trung thực, chúng ta sẽ thừa nhận khao khát của mình về một Điều hay một Ai đó vượt quá bản thân chúng ta. Những thứ tạm bợ của thế giới này không thể làm chúng ta thỏa mãn. Chúng ta khát mong sự thiện: “Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể trả lời cho vấn đề sự thiện, bởi chính Người là Sự Thiện. Trên thực tế, thắc mắc về sự thiện suy cho cùng có nghĩa là quy hướng về Thiên Chúa, Đấng trọn lành” (VS, số 9).
Nhưng nếu chỉ có mỗi Thiên Chúa là Sự Thiện, thì những nỗ lực thuộc bản tính nhân loại chúng ta, bao gồm việc tuân giữ các giới răn, không thể chu toàn được Lề Luật. “Bản chất của não trạng vụ luật là thứ niềm tin cho rằng chỉ cần làm những điều đúng là đủ”. Vậy chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải tham dự vào chính đời sống của Thiên Chúa, nhờ ân sủng và lòng thương xót của Người, hầu đạt tới chân phúc và hạnh phúc chúng ta ước mong (x. VS, các số 12 và 41).
Nhiều người nhầm lẫn giữa “tự do” và quyền tự chủ cá nhân. Tuy nhiên, tự do thực sự không được trao để con người có thể làm bất kỳ điều gì người ấy muốn, nhưng là để người ấy có thể lựa chọn sự thiện. “Tự do chính thật là biểu hiện nổi bật của hình ảnh Thiên Chúa nơi con người” (VS, số 34).
Tóm lại, tự do đích thực là tự do hướng về sự thiện. Trong sự tự do chân chính này, chúng ta tìm thấy phẩm giá thực sự của mình. Thánh Gioan Phaolô viết, “vì thế, sự tự do được bén rễ trong chân lý về con người, và cuối cùng đưa dẫn đến sự hiệp thông” (VS, số 86).
4. Lương tâm một người sẽ phán xét hành vi của họ. Nhưng nó không định đoạt chân lý luân lý. “Lương tâm” là một từ khóa trong Veritatis Splendor, xuất hiện đến 108 lần. Thánh Gioan Phaolô nhận thấy nhiều người lầm tưởng rằng lương tâm của họ là chỉ dẫn chung cục đưa đến chân lý và sự thiện. Ngài viết, “người ta đã gắn cho lương tâm cá nhân những đặc quyền tối hậu trong phán đoán luân lý, nghĩa là quyền ấn định một cách dứt khoát và không thể sai lầm đâu là điều thiện và đâu là điều dữ” (VS, số 32).
Ngài lưu ý rằng một số người gạt chân lý sang một bên và thay thế bằng “tiêu chuẩn chân thành, xác thực và ‘để yên ổn bản thân’”, tiêu chuẩn này có thể dẫn đến “quan niệm chủ quan triệt để về phán đoán luân lý”.
Thật trớ trêu, khi tuyên bố mình đạt được “chân lý” nhờ viện đến lương tâm, những người ấy thật ra lại chối từ sự hiện hữu của chân lý phổ quát và khách quan. Vấn nạn tồi tệ hơn khi người ta xây dựng nền luân lý dựa trên những ý tưởng bất chợt xa rời khỏi chân lý phổ quát. Lương tâm được gán cho “đặc quyền ấn định những tiêu chuẩn tốt – xấu cách độc lập, và rồi định đoạt hành vi tương ứng”. Điều này phản ánh “một thứ đạo đức duy cá nhân, ở đó mỗi người đối diện với chân lý của riêng mình, vốn khác biệt với chân lý của người khác” (VS, số 32).
Cuối cùng, chủ nghĩa này dẫn đến việc chối bỏ “luôn cả quan niệm về bản tính con người”. Có hai cách thế tiếp cận thực tại: cố gắng tạo ra thực tại cho chính mình, một điều tai hại; hoặc làm cho bản thân tương hợp theo thực tại – theo như nó đúng là.
Và quan trọng hơn cả là lương tâm một người có thể sai lầm! “Lương tâm, với chức năng phán đoán hành vi, không được miễn trừ khỏi khả năng sai lầm” (VS, số 62). Lương tâm không thể tạo ra chân lý luân lý; đúng hơn, nó đưa ra phán đoán được rèn luyện về các hành vi, dựa trên điều đúng và hợp luân lý, bởi vì lương tâm “là một phán đoán luân lý về con người và hành vi của người ấy, tha bổng hoặc lên án, tùy theo các hành vi nhân linh có tuân theo lề luật mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong cõi lòng hay không” (VS, số 59).
Vào năm 1998, Đức Joseph Ratzinger, lúc còn làm Hồng y, đã mô tả Veritatis Splendor như là “một dấu mốc quan trọng trong việc soạn thảo tỉ mỉ thông điệp luân lý Kitô giáo”, trong khi ngài cũng lưu ý rằng “có những đón nhận tích cực nơi các nhà tư tưởng bên ngoài Giáo hội nhiều hơn so với một số nhà luận giải thần học Công giáo”.
Tình trạng ấy vẫn kéo dài cho tới ngày nay. Các chân lý về con người, về Đức Kitô, về sự tự do và lương tâm vẫn đòi hỏi phải có những giải thích rõ ràng và những áp dụng nhất quán. Thông điệp tuyệt vời này vẫn chưa được nghiên cứu, lĩnh hội và áp dụng một cách sâu sắc nhất có thể.
Tác giả: Carl E. Olson - Nguồn: Simply Catholic
Chuyển ngữ: Grêgôriô Võ Trần Nhựt - Nguồn: Giáo Phận Qui Nhơn (06/8/2023)