![]() |
Public domain |
Ngài vẫn giữ liên lạc với nhiều anh em Dòng Tên rải rác khắp lục địa và giúp các thành viên trẻ tuổi tiếp tục học hành.
Vì Dòng Tên đã có ảnh hưởng rất lớn trong thời gian dài, nên một số người có thể ngạc nhiên khi biết rằng Dòng Tên đã từng bị cấm hoạt động nghiêm ngặt và bị trục xuất khỏi hầu như toàn bộ thế giới Kitô giáo. Trong giai đoạn khủng khiếp này, có một người đặc biệt đã giúp bảo tồn Dòng Tên và tạo điều kiện cho Dòng này trở lại. Người đó là Thánh Joseph Pignatelli, với lễ mừng kính vào ngày 14 tháng 11.
Sinh năm 1737 tại Zaragoza, Tây Ban Nha, trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc Ý, Pignatelli giàu có và có địa vị xã hội cao. Nhưng khó khăn đã đến: Ngài mồ côi từ khi còn khá nhỏ và mắc bệnh lao từ rất sớm, một căn bệnh tái phát nhiều lần trong suốt cuộc đời của ngài.
Ngài đã gia nhập Dòng Tên khi mới 15 tuổi. Họ hàng của ngài phản đối mạnh mẽ việc ngài theo đuổi ơn gọi tu trì, nhưng “ngài đã chống lại mọi sự phản đối của họ” và từ bỏ “mọi lợi thế và sự thoải mái của một gia đình quý tộc giàu có và danh giá,” như Konstantin Kempf đã kể lại trong cuốn sách The Holiness of the Church in the Nineteenth Century (Sự thánh thiện của Giáo Hội vào thế kỷ XIX).
Sau khi hoàn thành việc học hành, Pignatelli đã được thụ phong linh mục và cũng phục vụ trong ba năm với tư cách là giáo sư tại Đại học Zaragoza. Anh trai của ngài, Nicolas, cũng sẽ trở thành một tu sĩ Dòng Tên.
Rắc rối nhen nhóm
Tuy nhiên, vào khoảng thời gian này, rắc rối đã nhen nhóm: Dòng Tên đang phải đối mặt với sự phản đối đáng kể ở nhiều nơi tại Châu Âu. Họ đã mất đi sự ủng hộ của một số quốc vương Châu Âu, những người cáo buộc họ gây ra bất ổn chính trị nơi công chúng.
Đến năm 1767, Dòng Tên đã bị trục xuất khỏi Pháp, Bồ Đào Nha, Sicily và Tây Ban Nha, cùng nhiều địa điểm khác. Pignatelli và anh trai của mình, những người vẫn là một phần của giới quý tộc Tây Ban Nha, có thể lựa chọn ở lại quê hương Tây Ban Nha của họ. Nhưng thay vào đó, họ chọn lưu vong cùng những người bạn Dòng Tên của mình.
Đầu tiên, họ chuyển đến Corsica, nơi có hàng trăm người Dòng Tên tụ họp. Nhưng sau đó, những người Dòng Tên bị trục xuất khỏi Corsica. Vì vậy, họ đã tìm đường đến Genoa, chỉ để bị từ chối nhập cảnh. Sau đó, họ chuyển đến Ferrara ở miền bắc nước Ý.
Năm 1773, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIV - dưới áp lực liên tục về mặt chính trị từ các quốc vương bất mãn - đã giải tán hoàn toàn Dòng Tên. (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bản thân là một tu sĩ Dòng Tên, gần đây đã nói đùa với các tu sĩ Dòng Phanxicô về vị giáo hoàng này rằng, ngài là một tu sĩ Dòng Phanxicô.)
Cuối cùng cũng tìm được nơi nương náu
Bị buộc phải di cư một lần nữa, Pignatelli đã đến Bologna, nơi ngài có thể đảm bảo được chỗ nương náu lâu dài. Mặc dù bị cấm đảm nhiệm sứ vụ Công giáo, ngài vẫn duy trì liên lạc với nhiều anh em Dòng Tên hiện đang rải rác khắp lục địa. Ông cũng thu thập các bản thảo quan trọng đối với Dòng, để lịch sử của Dòng được bảo tồn.
Ngoài ra, Pignatelli thấy rằng các tu sĩ Dòng Tên khác, đặc biệt là các thành viên trẻ tuổi nhất, cần duy trì việc học hành thích hợp và các nghi lễ tôn giáo.
Cuối cùng, vào năm 1797, Pignatelli đã nhận được sự cho phép của Công tước xứ Parma để tái lập Dòng Tên trong lãnh thổ đó.
Vào năm 1804, Pignatelli đã xin được phép cho các tu sĩ Dòng Tên hoạt động trong Vương quốc Naples. Theo thời gian, các địa điểm khác, chẳng hạn như Sardinia, bắt đầu nới lỏng lập trường của họ đối với Dòng.
Được khích lệ bởi những biến chuyển này, nhưng cũng kiệt sức vì những nỗ lực liên tục của mình để duy trì Dòng, Pignatelli qua đời tại Rome vào ngày 11 tháng 11 năm 1811, ở tuổi 73.
Vào năm 1814, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã khôi phục Dòng Tên trên toàn thế giới.
Pignatelli được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước vào năm 1933 và được Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên thánh vào năm 1954. Vào thời điểm đó, Dòng Tên đã là một tổ chức hùng mạnh đóng góp to lớn cho nền giáo dục ở nhiều châu lục. Thật đáng quên rằng họ đã gần như bị xóa sổ.
Nhưng những người quen thuộc với lịch sử Dòng Tên đều nhận ra rằng những nỗ lực của Thánh Pignatelli đã giúp mở đường cho sự hồi sinh của Dòng. Và vì vậy, ngài được coi là vị sáng lập thứ hai của Dòng Tên.
Tác giả: Ray Cavanaugh - Nguồn: Aleteia (14/11/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên