Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Viết cho anh, người Giáo lý viên!

Tôi gặp anh giữa tiết trời mát mẻ, trên một bờ biển cát trắng và rừng thông xanh. Nụ cười anh toả sáng trong ánh nắng mùa thu. Anh đang cùng các bạn Giáo lý viên nhảy một vũ điệu nào đó mà lời bài hát được lặp đi lặp lại: “Tuổi trẻ con hăng say rao truyền Lời Chúa, Thần Khí ơi hãy đưa con đi vào đời”. Người ta bảo anh của ngày hôm nay khác hoàn toàn anh của ngày hôm qua theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Anh đã ngoài ba mươi, cái tuổi mà các cụ nói rằng: “tam thập nhi lập”. Và đúng như vậy, anh có một gia đình hạnh phúc, một sự nghiệp ổn định. Anh giữ đúng bổn phận làm người và làm con Chúa. Và có lẽ đối với anh, mọi sự như vậy là quá đủ. Vì thế, trước lời mời gọi trở thành một Giáo lý viên, trong anh có nhiều băn khoăn lo lắng lắm: Liệu rằng anh có đủ sức, liệu rằng anh có đủ tài, liệu rằng làm Giáo lý viên có ảnh hưởng gì đến công việc hằng ngày của anh không, làm Giáo lý viên thì anh được lợi ích gì… Và có ai đó đang thúc bách anh đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên.

Trong những buổi tối đưa đón con đi học Giáo lý, anh để ý hơn đến những người được gọi là “Giáo lý viên”. Có điều gì đó thật khác lạ nơi họ. Họ ở những độ tuổi khác nhau, có người mới ngoài đôi mươi, có những người đã ngoài năm mươi, sáu mười nhưng trong họ có cái “hăng say của tuổi trẻ” và có cái “chững chạc của những người từng trải”. Lúc nào nụ cười cũng thường trực trên môi của họ, họ vui lắm, nhưng không phải cái vui bình thường, chắc đó là cái vui của sự phục vụ, cái vui của sự thánh thiện, anh thầm nghĩ. Và anh khao khát có được niềm vui ấy.

Anh bắt đầu đi học như thời còn thơ ấu, nhưng là đi học để trở thành một người Giáo lý viên. Có chút e thẹn, có chút ngại ngùng trong những buổi học đầu tiên. Nhưng dần dần, những bài học giáo lý thiết thực, những hoạt động vui chơi bổ ích trong các giờ học khiến anh mong chờ từng ngày để lại được đến buổi học Giáo lý viên tiếp theo.

Anh học tập chăm chỉ, anh không ngừng trau dồi các kỹ năng cần thiết để trở thành một người Giáo lý viên. Và sau một thời gian, anh đã được đứng lớp buổi đầu tiên. Anh dành cả tuần để soạn bài Giáo lý sẽ dạy, anh đứng trước gương tập dạy đi tập dạy lại. Chưa có khán giả mà tay chân anh đã run lên thế này, không biết lúc dạy thật thì sẽ ra sao, anh tự nhủ. Anh cầu xin Chúa cho buổi dạy đầu tiên của anh được suôn sẻ và buổi dạy đầu tiên của anh đã thành công ngoài mong đợi. Lũ trẻ cứ cuốn lấy anh để hỏi thông tin. Và điều anh vui nhất đó là những gì anh được học thực sự mang lại hiệu quả cho anh và cho các em thiếu nhi.

Anh không chỉ chăm chỉ trong việc đào sâu kiến thức Giáo lý mà anh còn rất nhiệt tình trong các công việc chung. Dù có dạy Giáo lý hay không, anh vẫn đến các lớp giáo lý hàng ngày. Anh dọn dẹp chung quanh khuôn viên nhà giáo lý, sửa soạn các đồ dùng trong các lớp học, quan sát các bạn Giáo lý viên khác dạy học,… Vì thế, người ta rất tin tưởng khi giao cho anh bất kỳ công việc gì.

Có những lúc chán nản bởi việc anh làm không được người khác thừa nhận, có những lúc anh muốn bỏ cuộc bởi lịch trình các công việc chung quá nhiều nhưng nhìn lại những dấu chân của Chúa trong cuộc đời, anh không lỡ từ chối tiếng gọi yêu thương của Ngài, tiếng Ngài gọi anh trở thành người loan báo Tin Mừng cho Ngài.

Nhìn anh trong giây phút này, tôi cũng muốn được như anh, muốn nhiệt tình hăng say trong việc rao truyền lời Chúa. Và kìa, tôi đang mơ về một ngày có một Giêsu thấp thoáng trong tôi.

Thanh Tâm

1265    08-12-2018