Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Vinh dự sống đời sống đức tin

Vào một đêm kia có một căn nhà bị bốc cháy và mọi người trong nhà đã chạy ra khỏi chỉ trừ một đứa nhỏ ngủ ở tầng thứ hai. Nó chạy ra ban công nhìn xuống dưới đất và thấy cha của nó đứng dưới nhìn lên. Ông giang rộng đôi tay và la lớn, “Con nhảy xuống đi, bố đỡ con.” Lúc ấy khói mù mịt và lửa cũng đang ngùn ngụt bốc lên. Nó sợ hãi, không dám nhảy. Người cha không ngớt kêu nó nhảy xuống. Ông biết chỉ có cách đó mới cứu được con mình. Nhưng nó kêu lên, “Bố ơi, con không thấy bố làm con nhảy xuống?” Người cha trả lời, “Nhưng bố thấy con. Đừng sợ, nhảy xuống đi!” Tin tưởng vào cha mình, sau cùng đứa nhỏ đã lao mình xuống để rơi vào vòng tay của người cha.

Ý nghĩa của câu chuyện này phù hợp với các bài đọc hôm nay – đức tin đem lại sự sống và phải được minh chứng qua những sóng gió, thử thách trong cuộc đời.

Ngày xưa các môn đệ theo Đức Giêsu với một số hiểu biết hạn hẹp về Đức Giêsu khi Người thi hành sứ vụ công khai trong khoảng ba năm. Họ biết Đức Giêsu xuất thân từ làng Nagiarét và là một người thợ làm công nhật để sinh sống. Trong xã hội thời xưa, danh giá của một người thì tùy thuộc gốc gác gia đình. Nếu Đức Giêsu xuất thân từ một gia đình nghèo nàn, bình thường ở ngôi làng nhỏ bé thì danh giá cũng chẳng có gì đáng nói. Do đó, biến cố xảy ra trên biển hồ Galilê trong phúc âm hôm nay, có thể nói, đó là để các môn đệ nhận diện rõ hơn về Đức Giêsu và từ đó vinh dự của Người cũng gia tăng cách xứng hợp.

Các xã hội vùng Trung Đông từ xưa đến nay coi trọng danh dự của một con người, nhất là người đàn ông. Mọi sinh hoạt trong xã hội này đều bị chi phối bởi vinh dự. Người ta phải sống làm sao để đừng mất vinh dự, đừng bị xấu hổ, và một trong những điều xấu hổ là sự sợ hãi. Đàn ông con trai thì phải can đảm, không sợ gì cả. Thế nhưng các môn đệ hôm nay đã sợ hãi khi sóng gió bất chợt nổi lên ở biển hồ khi họ đang ở trong một con thuyền.

Sự xấu hổ của họ ở hai điểm. Thứ nhất, ai hành nghề đánh cá ở vùng biển hồ này thì không lạ gì với những cơn gió mạnh bất chợt. Đó là một đặc điểm của biển hồ này. Sóng gió là chuyện thường tình ai cũng biết, bởi thế, sự sợ hãi khi bị sóng gió có nghĩa không có kiến thức gì về thời tiết ở vùng này và đó là một sự xấu hổ đối với các ngư dân ở các thuyền lân cận.

Sự xấu hổ thứ hai là đối với Đức Giêsu. Các môn đệ đã từng thấy Đức Giêsu trừ quỷ, chữa lành người bệnh tật, người cùi hủi, người bại liệt nhưng lại cuống cuồng lo sợ khi ở với thầy của mình trong cơn sóng gió. Họ đã không tin vào khả năng của thầy mình trong sự thử thách, đó là một sự xấu hổ đáng khiển trách của một người đi theo Đức Kitô.

Thái độ của Đức Giêsu thì hoàn toàn trái ngược với các môn đệ. Dù trong cơn sóng gió, Người vẫn ngủ, vẫn giữ được danh dự của một người đàn ông. Thái độ điềm tĩnh đó cộng với sự sai khiến gió biển của Đức Giêsu đã đưa vinh dự của Người lên thật cao.

Chúng ta thử áp dụng cái nhìn này vào đời sống để nhận ra những gì giúp chúng ta có vinh dự và những gì khiến chúng ta phải xấu hổ.

Vinh dự đầu tiên là được trở nên một người theo Chúa Kitô. Sau khi lãnh nhận các bí tích tháp nhập, qua lớp giáo lý khi còn nhỏ, hay lớp Giáo Lý Dự Tòng khi trưởng thành, chúng ta biết được những điều căn bản về Kitô Giáo, Thiên Chúa, Giáo Hội, và các bí tích, v.v. Những kiến thức đó tạo thành nền tảng cho đức tin của chúng ta. Nhưng đức tin này chưa hẳn thuộc về chúng ta mà đó là đức tin của cha mẹ, của giáo lý viên trao lại cho chúng ta.

Làm thế nào để đức tin ấy trở nên đức tin của mình? Điều tiên quyết là chúng ta hãy đưa những điều dạy bảo của Đức Giêsu vào đời sống – thường được gọi là sống đức tin. Nếu Chúa dậy hãy yêu mến tha nhân, chúng ta phải tập thay đổi cái nhìn của mình đối với những người khác với chúng ta về mầu da, ngôn ngữ, tôn giáo và chính kiến. Nếu Chúa dạy hãy tha thứ cho kẻ thù, chúng ta phải cố quên đi những đau thương, những thiệt hại do người khác gây ra cho chúng ta. Nếu Chúa dạy hãy hy sinh cho nhau thì cha mẹ đừng chửi rủa con cái khi chúng thiếu sót bổn phận, vợ chồng thông cảm nhau về sự lười biếng của bản tính con người, hoặc khi hoạt động tình nguyện trong các đoàn thể đạo đức, sự hy sinh có nghĩa chúng ta đừng nghĩ đến danh vọng, chức vụ hay quyền thế.

Sống đức tin không phải là một sự thiệt hại như thường được nghĩ mà trái lại rất có lợi cho bản thân chúng ta. Bởi vì khi sống đức tin chúng ta sẽ kiểm chứng được giá trị lời Chúa dạy, thấy được những gì là chân thật và giả dối trong sinh hoạt con người, và nhận ra được ý nghĩa sâu xa của sự đau khổ. Khi thực sự sống đức tin, con người của chúng ta sẽ thay đổi để trở nên một người có bình an, có niềm vui, và có vinh dự bởi vì sự quảng đại, sự tha thứ, sự hy sinh giúp chúng ta chế ngự được những phản ứng tự nhiên của con người để thực sự làm chủ chính mình. Chúng ta không dễ bốc đồng, thiếu suy nghĩ khi hành động. Chúng ta kiên nhẫn chịu đựng những nghịch cảnh để nói lên đức tin của chúng ta. Và đời sống chính trực của chúng ta sẽ thu hút nhiều người đến với Chúa Kitô. Sống đức tin là chứng tỏ vinh dự của một người theo Chúa Kitô.

Khi không sống đức tin sự nguy hiểm là chúng ta sẽ trở nên người giả hình – chúng ta xưng mình là người Công Giáo nhưng đời sống của chúng ta thì không khác người ngoại giáo. Đó là một sự xấu hổ. Nguy hiểm hơn nữa là chúng ta sẽ không thấy được những gì là chân lý trong đạo và vì thế đức tin của chúng ta dễ bị lung lay trước những thử thách.

Trước những sự kiện khó hiểu trong đời sống như bệnh tật, đau khổ, chúng ta thấy dường như không có Thiên Chúa, đức tin của chúng ta chao đảo như con tầu trong cơn bão, không biết bám víu vào ai. Rất có thể chúng ta giống như ông Gióp trong bài đọc một đã lên tiếng chất vấn Thiên Chúa rằng “tại sao những người tốt lành, vô tội lại phải đau khổ?” nếu Thiên Chúa từ bi và hay thương xót?

Thực tế cho thấy, sự tin tưởng vào Thiên Chúa nhiều khi có nghĩa thách thức Thiên Chúa, “nếu Chúa có thật thì hãy làm điều này điều nọ” theo ý muốn của chúng ta. Nhưng trong bài đọc một hôm nay, câu hỏi vả câu trả lời của Thiên Chúa cũng dành cho chúng ta, “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu? … Đường ranh giới của nó chính Ta vạch sẵn… đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành” (Gióp 38:8-11). Thiên Chúa nhắc cho ông Gióp và chúng ta nhớ rằng Người có toàn quyền trên vũ trụ mà loài người chỉ là tạo vật, do đó, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận rằng đường lối của Thiên Chúa thì tốt đẹp hơn dù chỉ thấy đau khổ trước mắt. Đó là lý do chúng ta cần đến đức tin.

Hành trình đức tin của mỗi người theo Chúa đều có những đường nét độc đáo khác nhau tùy hoàn cảnh. Nói chung có những người “đạo gốc”, có những người “đạo theo”. Dù “đạo gốc” hay “đạo theo”, chỉ khi gặp đau khổ, gặp gian nan, thử thách trong cuộc đời, lúc ấy chúng ta mới biết được đức tin của mình như thế nào – có lớn bằng “hạt cải” hay không?

Cũng như các môn đệ, qua cơn sóng gió mới thấy được lòng tin của mình vào Đức Kitô thì những đau khổ, gian nan, những thử thách trong đời sống chưa hẳn là xấu bởi vì nó giúp các môn đệ, cũng như chúng ta, nhìn lại niềm tin của mình trước khi quá trễ – đó là khi đối diện với sự chết, đó là khi con tầu sắp sửa chìm!

Trong ý nghĩa này, những giông tố cuộc đời có thể là Thiên Chúa để xảy ra nhằm củng cố đức tin của chúng ta, tương tự như các môn đệ xưa, họ đã được tăng thêm đức tin sau cơn bão mà nhờ đó họ biết rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai có thể sai khiến cả thiên nhiên.

Theo đạo là theo một con đường dẫn đến sự sống. Con đường ấy là Chúa Kitô. Chúng ta hãy hãnh diện làm con Chúa bằng một đời sống đức tin.

Hôm nay xã hội Hoa Kỳ nhớ đến các người cha để cảm ơn và cầu nguyện cho các đấng. Vai trò làm cha là một vinh dự bởi vì hình ảnh người cha trần thế nhắc nhở chúng ta về người Cha trên trời. Chúng ta hãy cầu xin cho tất cả những người làm cha trên thế giới này sẽ chu toàn bổn phận của mình cách tốt đẹp. Và nếu chúng ta là những người làm cha, hãy cố gắng duy trì vinh dự làm cha bằng một đời sống đức tin. TVN

693    22-06-2021