Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Vô cảm với người thân

“2 giờ sáng, đang ngồi ăn thì thấy xuất hiện một ông cụ mặc bộ đồ ngủ màu trắng sọc caro, một tay cầm túi nilon, một tay chống gậy lụ khụ vừa đi vừa ra hiệu xin đi nhờ mỗi khi thấy có xe chạy ngang qua. Dòng người hối hả cứ vùn vụt chạy qua mà chẳng ai thèm nhìn hay quan tâm đến ông lão. Tới trước cửa quán, ông dừng lại hỏi tôi mấy giờ, sau đó lại tiếp tục những bước đi chậm rãi, yếu ớt. Bỏ dở tô phở, chạy theo để hỏi thì ông cho biết đang cần quá giang đến bến xe buýt để bắt xe đi bệnh viện vì ông bị viêm phổi, đau quá không thể chịu nổi nữa.

Ông năm nay 77 tuổi, bà thì 75. Hai ông bà lủi thủi nương tựa vào nhau. Con cháu ở xa nên đau bệnh ông phải tự đi bệnh viện. Tôi hỏi sao ông không nói con mua cho cái điện thoại để mỗi khi đau ốm hay có gì đột xuất còn liên lạc để nhờ con, nhờ cháu thì ông trả lời bằng giọng run run: “Lễ vừa rồi chúng nó có về thăm, biết rõ tôi bệnh từ vài năm nay nhưng chưa một lần đưa tôi đi khám vì chúng nó bận quá không có thời gian. Chúng nó nói thế thì dù có điện thoại cũng bằng thừa thôi. Số tôi khổ lắm chú ơi”.

Tới chỗ bắt xe buýt, ông nói để ông bắt xe buýt đi nhưng tôi từ chối và chở ông tới trước cửa bệnh viện. Tới nơi, mời ông đi ăn thì ông từ chối và nói có để sẵn 2-3 cái bánh quy trong túi rồi, đói thì lấy ra ăn, nhất quyết không đi. Tôi cẩn thận gửi ông vài đồng để chi trả viện phí nhưng ông không nhận với lí do “Tôi có đủ 80 nghìn để khám rồi, giấy chẩn đoán bệnh, đơn thuốc bác sĩ cho hôm trước cũng mang theo cả ở đây”. Tôi cố nài để ông cầm nhưng ông vẫn nhất quyết không nhận.

Nán lại trước cổng bệnh viện chờ ông đi vào hẳn rồi về thì chị bán nước trước cổng nói: “Ông cụ hay tới viện giờ này lắm, nhưng sao mỗi lần lại một người khác chở tới, mấy lần trước cũng toàn người đi đường như em cho quá giang tới thôi”.

Nghe xong, chợt giật mình vì sự vô tâm đến lạnh người của phận làm con và xót xa cho nỗi buồn khó tả của những người làm cha, làm mẹ. (Theo lời kể của Nguyễn Mai Công Sơn – danhngondoisong.com)
Có lẽ sự vô cảm của thầy Tư tế và thầy Lêvi khi làm ngơ trước người gặp nạn cần sự giúp đỡ trong câu truyện Người Samari nhân hậu chẳng đáng trách bằng sự vô cảm của những đứa con đối với chính cha mẹ của mình hay sự vô cảm của chồng, của vợ đối với chính người bạn đời của mình.

Vô cảm khi cha mẹ vất vả kiếm từng đồng mà con cái đòi phải có điện thoại xịn, xe tay ga, xài đồ hiệu cho bằng bạn bằng bè. Vô cảm khi cha mẹ phải kiếm từng đồng cho con ăn học mà con chỉ biết vùi đầu vào game, vào điện thoại, mặc cho cha mẹ vất vả, khổ cực. Vô cảm khi không nghe được tiếng thở dài trong đêm của cha, không thấy được ánh mắt đượm buồn của mẹ khi bị con nặng lời, gắt gỏng. Vô cảm khi chẳng bao giờ cho cha mẹ một đồng uống thuốc nhưng lại nướng tiền triệu vào những chầu nhậu để lấy le với bạn bè. Vô cảm khi cha mẹ đau bệnh mà chẳng hỏi han, chăm sóc.

Vô cảm khi không biết sẻ chia gánh nặng với vợ khi vợ đầu tắt mặt tối với việc chăm con, đi làm, về nhà lại cơm nước còn chồng thản nhiên xem tivi, lướt điện thoại. Vô cảm khi không thấy được những gánh nặng của chồng khi chồng vất vả kiếm từng đồng để lo cho gia đình mà vợ lại ăn xài, chưng diện. Vô cảm khi buông những lời khiến nhau phải đau lòng, chua xót.
Cha mẹ hay người thân chẳng ở bên mãi mình đâu vì cuộc đời này ngắn ngủi lắm. Đi được với nhau ngày nào thì quý ngày đó. Hãy trân trọng những gì mình đang có. Đừng vô cảm với cha mẹ để rồi một mai cha mẹ không còn nữa, lúc đó có hối tiếc thì cũng đã muộn màng. Đừng vô cảm với người bạn đời của mình vì sự vô cảm là liều thuốc độc cho tình yêu. Đừng để tình yêu chết rồi mới hối tiếc. Đừng để hạnh phúc qua đi rồi mới hối hận.
Khi mình vô cảm với một người xa lạ đang cần sự trợ giúp thì đáng bị lên án rồi. “Khi xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn. Ta khát, các ngươi đã không cho uống. Ta là khách lạ các ngươi đã không tiếp đón. Ta trần truồng các ngươi đã không cho mặc. Ta đau yếu, tù đày các ngươi đã không viếng thăm. Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời”. Sự vô cảm với chính người thân của mình còn đáng sợ và đáng bị lên án nhiều hơn.
Xin Chúa giúp chúng con biết trân trọng, yêu thương những người thân bên cạnh chúng con, biết cư xử tốt với những người xung quanh, biết giúp đỡ những ai đang cần sự giúp đỡ. Xin Chúa chúc lành cho chúng con. Amen.

Tác giả: Lm. Mart. Nguyễn Hoàng
384    11-07-2022