Sidebar

Thứ Hai
21.04.2025

Ý nghĩa đích thực của sự thánh thiện

sttdt1
 Hình vẽ Thánh Thomas Aquinas bên trong Nhà thờ Santa Maria Novella ở Florence, Ý.
(ảnh: Zvonimir Atletic / Shutterstock)


Sự thánh thiện không dành riêng cho giới tinh hoa - đó là lời mời gọi dành cho mọi Kitô hữu để sống trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa.

Thế giới trần tục của chúng ta có kỳ vọng rất thấp đối với công dân của mình.

Sự thánh thiện dường như ngoài tầm với và do đó là không thực tế. “Chúc một ngày tốt lành,” “Đừng dùng ma túy,” “Đừng uống rượu và lái xe” và “Đừng mặc màu trắng sau Ngày Lao động” là những đòi hỏi về mặt đạo đức ngày nay. Chúng đại diện cho một loại chủ nghĩa tối giản về luân lý. Những người Công giáo viết và nói về sự thánh thiện dường như đang rao giảng về điều viển vông. Nhưng những gì còn chưa được thảo luận thì vẫn chưa được biết đến. Thật ra, sự thánh thiện vừa thực tế lại vừa có thể đạt được. Nó rất đáng để truyền bá.

Người đoạt giải Nobel Saul Bellow đã khẳng định rằng sự tồn tại của nền văn hóa Do Thái sẽ là không thể tưởng tượng được nếu không có những câu chuyện nêu bật quan điểm và mục đích cho truyền thống Do Thái. Những câu chuyện có thể mang tính giáo dục. Chúng có thể truyền cảm hứng cho mọi người sống cuộc đời tốt đẹp hơn. Kinh Thánh chứa đầy những câu chuyện như vậy. Một trong những minh họa yêu thích của tôi về sự thánh thiện đến từ truyền thống Do Thái và vừa mang tính hướng dẫn vừa mang tính giáo dục.

Có một giáo sĩ Do Thái ở một ngôi làng Do Thái nhỏ tại Nga vốn nổi tiếng là thánh thiện. Theo người dân thị trấn, ông rời khỏi cộng đồng của mình vào mỗi sáng thứ Sáu và lên thiên đàng để trò chuyện với Thiên Chúa.

Một người mới đến làng và chế giễu câu chuyện buồn cười này. Anh ta coi đó là sản phẩm từ sự cả tin của dân làng. Tuy nhiên, để theo đuổi sự hoài nghi của mình, anh ta quyết định chứng minh rằng danh tiếng cao cả của vị giáo sĩ Do Thái chỉ là một huyền thoại. Anh ta quyết định đi theo vị giáo sĩ Do Thái và tự mình chứng kiến người đàn ông mà mình theo dõi không hề lên thiên đàng vào mỗi sáng thứ Sáu.

Sáng thứ Sáu đã đến. Người hoài nghi quan sát thấy vị giáo sĩ Do Thái thức dậy, mặc quần áo nông dân và với lấy chiếc rìu của mình. Chiếc rìu được dùng để chặt củi. Sau đó, người đàn ông được cho là thánh thiện này mang một bó củi đến cho một người phụ nữ và đứa con ốm yếu của bà đang sống trong một túp lều đổ nát ở khu nghèo nhất của thị trấn. Lượng gỗ sẽ đủ dùng trong một tuần cho đến khi vị giáo sĩ trở lại và bổ sung nguồn cung cấp. Vị giáo sĩ trở về nhà một cách không nghi lễ và lặng lẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình. Người hoài nghi tiếp nhận tất cả những điều này với sự ngưỡng mộ ngày càng gia tăng - cho đến khi anh ta thấy mình trở thành đệ tử của vị giáo sĩ.

Sau đó, khi được hỏi liệu vị giáo sĩ này có thực sự lên thiên đàng vào mỗi sáng thứ Sáu để ở bên Chúa không, câu trả lời đơn giản của anh ta là, “Chẳng thể nào lên cao hơn nữa.”

Vị giáo sĩ là người mà chúng ta nên muốn noi theo. Sự kết hợp giữa lòng khiêm nhường và sự quan tâm đến người khác làm cho nhân đức trở nên lôi cuốn.

Theo từ nguyên, sự thánh thiện có nghĩa là “toàn vẹn.” Tất cả những gì một người cần để trở nên thánh thiện là hoàn toàn là chính mình hoặc “không bị hư hỏng,” theo nghĩa của từ này trong tiếng Hy Lạp. Một người thánh thiện là người không bị thế gian làm ô uế. Người đó sống trong sự hiệp nhất với Chúa nhưng không phải là không quan tâm đến nhu cầu của người khác. 

Đối với Thánh Tôma Aquinô, sự thánh thiện biểu thị hai điều: “trong sạch” và “kiên vững.” Người thánh thiện không bị thế gian làm hoen ố và vẫn kiên vững trong sự hiệp nhất với Chúa.

Chúng ta nghĩ về chữa lành như một hình thức điều trị, đem đến sức khỏe cho một người. Chúng ta cũng có thể nghĩ về từ này kết hợp với các từ đồng nguyên của nó - toàn vẹn và thánh thiện. Chữa lành có thể được áp dụng để làm cho một người thánh thiện hơn. Đây là mục đích của các bí tích. Người thánh thiện không coi mình là người cao trọng, mà là một người tôi tớ khiêm nhường của Thiêm Chúa và người lân cận. Sức khỏe, chữa lành, toàn vẹn và thánh thiện đều có mối quan hệ về mặt từ nguyên với nhau.

Đối với Aristotle, mục đích của con người là hạnh phúc. Đối với các Kitô hữu, đó là sự thánh thiện. Sự thánh thiện không thay thế hạnh phúc mà nâng nó lên một tầm cao hơn. Aristotle không nhận thức được ân sủng của Thiên Chúa. Hạnh phúc thuộc về cá nhân; sự thánh thiện thuộc về cộng đoàn. Sự thánh thiện mong muốn làm cho người khác hạnh phúc.

Trong bài giảng ngày 18 tháng 9 năm 2010, tại Nhà thờ Westminster trong chuyến tông du đến Vương quốc Anh, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói, “Chúng ta cần biết bao, trong Giáo Hội và trong xã hội, những chứng nhân về vẻ đẹp của sự thánh thiện, những chứng nhân về sự huy hoàng của chân lý trong niềm vui và sự tự do phát sinh từ mối tương quan sống động với Chúa Kitô.”

Thật sai lầm khi nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành riêng cho giới tinh hoa. Như Mẹ Angelica, người sáng lập EWTN, đã nhắc nhở chúng ta, “Sự thánh thiện của cuộc sống không phải là đặc quyền của một số ít người được chọn - đó là nghĩa vụ, là tiếng gọi và là ý muốn của Thiên Chúa đối với mọi Kitô hữu.”

Jerry Bridges, tác giả của The Pursuit of Holiness (Theo đuổi sự Thánh thiện), có thể chưa bao giờ xuất hiện trên EWTN, nhưng ông đồng ý với Mẹ Angelica khi ông nhận xét, “Chúng ta chịu trách nhiệm 100% cho việc theo đuổi sự thánh thiện, nhưng đồng thời chúng ta cũng phụ thuộc 100% vào Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta theo đuổi điều đó. Việc theo đuổi sự thánh thiện không phải là cách tiếp cận tự mình vươn lên trong đời sống Kitô hữu.”

Plato, trong cuộc đối thoại ở cuốn Euthyphro của mình, đã nêu ra một trong những câu hỏi cơ bản nhất của triết học: “Một điều gì đó là thánh thiện vì nó được yêu, hay một điều gì đó được yêu vì nó thánh thiện?”

Nếu một điều gì đó là thánh thiện vì nó được yêu thương, thì sự thánh thiện mất đi tính ưu việt của nó và trở nên thụ động trong tiếp nhận một điều gì đó bên ngoài nó. Mặt khác, nếu một điều gì đó được yêu thương vì nó thánh thiện, thì sự thánh thiện trở thành chính yếu trong khi tình yêu phục tùng nó.

Tương tự như vậy, chúng ta yêu một người khác vì người đó tốt. Không phải tình yêu làm cho một người trở nên tốt, mà bản thân điều tốt là tốt. Sự thánh thiện tự nó là tốt và nó phải thu hút tình yêu của chúng ta, giống như Thiêng Chúa tốt lành và thu hút chúng ta đến với Người.

Sự thánh thiện không gì khác hơn là toàn bộ con người trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Đó là sự hoàn thành những khát vọng sâu sắc nhất của chúng ta.

Tác giả: Ts. Donald DeMarco - Nguồn: National Catholic Register (28/02/2025)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

112    11-03-2025