Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Chúa Nhật IV Phục Sinh A_5

CHÚA CHIÊN CỦA TÔI 
Jn 10:1-10

Mấy năm trước đây, một bé gái 5 tuổi được đưa vào viện mồ côi. Mấy ngày trước đó, bố mẹ của em đã cãi vã với nhau, rồi bố em đã bắn chết mẹ em, rồi quay súng lại mà tự vẫn. Tất cả xảy ra trước sự chứng kiến của em. Đến ngày Chúa Nhật sau đó, em được đưa đến Nhà thờ Công Giáo để tham dự thánh lễ và sau đó, dự lớp Giáo lý. Vì sợ cô giáo không hiểu hoàn cảnh của em, người coi sóc viện mồ côi đã phải căn dặn cô giáo: Bố mẹ của em là người vô thần, nên chắc chưa bao giờ bé được nghe về Thiên Chúa, vì vậy, xin cô giáo nhẫn nại với em. Trong buổi học đầu, cô giáo đã giơ cao một bức hình Chúa Giêsu và hỏi cả lớp: "Có em nào biết đây là ai không?" Cô bé giơ tay trả lời: "Em biết, đó là người đã ôm em vào lòng sau khi ba má em chết."

Câu chuyện của em bé trên đây chỉ là một trong ngàn vạn câu chuyện thương tâm khác đang xảy ra trong xã hội ngày nay. Chồng giết vợ, mẹ giết con, con giết bố mẹ, bạn bè thanh toán nhau, nhân công ám hại nhau, là những mẩu tin chúng ta thường đọc thấy trong báo hằng ngày. Trong những ngày tháng gần đây, nạn khủng bố đã gây tang tóc thương đau cho biết bao gia đình. Những lá thư hăm dọa đã khiến cho con người sống trong lo sợ. Quân khủng bố đã bất chấp thủ đoạn khi hành động. Tháng Giêng vừa qua tại Do Thái, lần đầu tiên một phụ nữ đã nổ bom tự sát để giết người. Sau đó, người ta tìm ra chị ta là một trong những nhân viên cứu thương của thành phố. Hôm trước cứu người; hôm sau giết người. Thật là khó hiểu. Hơn nữa, họ còn coi đây là thánh chiến. Lắm lúc nghĩ cũng thấy buồn. Ba tôn giáo lớn trên thế giới: Kitô giáo, Hồi giáo, Do thái giáo cùng tôn thờ một Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, thế mà đã mười mấy thế kỷ chém giết nhau. Con cháu tổ phụ Abraham ngày nay đã đông như sao trên trời như cát dưới biển, đúng như Lời Chúa đã hứa, nhưng tiếc thay con cháu tổ phụ lại cắn xé nhau, để rồi gây tan tác cho đoàn chiên của Chúa.

Khi xưa, Chúa Giêsu sống trong một xã hội tuy không hận thù khủng bố, nhưng cũng mang đầy những thù ghét, chia rẽ, kỳ thị và bất công. Những người Samaritanô, tuy cũng mang giòng máu Do thái, nhưng lại bị người Do thái coi là dân ngoại; những người thu thuế bị coi là người tội lỗi, nên tuyệt đối bị những người "ngoan đạo" xa tránh; những người phong cùi bị đuổi ra sống bên ngoài xã hội. Đứng trước thảm trạng đó, Chúa Giêsu đã đến và đã ví mình như gà mẹ túc con dưới cánh để bảo vệ và vỗ về. Chúa đã tỏ tình thương và mối quan tâm đặc biệt đối với những người tội lỗi, nghèo khó, bệnh tật, những người sống bên lề của xã hội. Chúa cũng ví mình như một Chủ Chiên đến để qui tụ đoàn chiên đã bị chia ly phân tán, và để đem lại sức sống và niềm hy vọng cho đoàn chiên: "Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào." 

Với hiện trạng của thế giới, Lời Chúa vẫn còn mang một ý nghĩa đặc biệt cho con người ngày nay. Thật vậy, Chúa Giêsu, Chúa Chiên của chúng ta, đã đến để chúng ta được sống, nhưng không phải sống trong chán chường tẻ lạnh, một cuộc sống vô nghĩa. Chúa đến là để chiên của Ngài được sống một cách dồi dào, nghĩa là một cuộc sống đầy yên vui, an bình, và yêu thương. Đó là điều Chúa đã hứa ban cho mỗi người chúng ta, và Ngài đã và đang thực hiện lời hứa của Ngài nơi những con chiên đáp lại lời mời gọi của Ngài và vâng theo sự hướng dẫn của Ngài.

Với tình thương bao la của người, Chúa đã đến kêu gọi mỗi người chúng ta hãy tiến bước theo Ngài, hãy nhập đoàn chiên của Ngài. Đây không phải là lời mời gọi một cách chung chung, nhưng là lời mời có tính cách cá nhân và trực tiếp. Cũng như ngày xưa Chúa đã đến gặp Nicôđêmô, Giakêu, Matthêu, người đàn bà Samaritanô bên bờ giếng Giacob, và người bất toại bên bờ Bếtsaiđa, thì ngày nay Chúa cũng vẫn còn đến để phù trợ, chữa lành, gặp gỡ, hướng dẫn, và chỉ bảo chúng ta trong cuộc sống. Ngài ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta để an ủi, nâng đỡ, giúp sức, và sự khôn ngoan, để chúng ta có đủ sức đối diện với mọi khó khăn trong cuộc đời. Qua Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, Ngài bảo vệ và ban ơn giúp chúng ta thoát khỏi nanh vuốt của thần dữ, như những kẻ trộm, đang bày trò hãm hại chúng ta. Và những khi chúng ta vấp ngã, qua Bí tích Xá giải, Ngài sẵn sàng ôm chúng ta vào lòng để tha thứ yêu thương, như người cha nhân lành đối xử với đức con phung phá.

Ước chi chúng ta hãy đáp lại lời mời của Ngài. Hãy luôn nhận Ngài là Chúa Chiên của mình và luôn tin tưởng vào sự hướng dẫn phù trợ của Ngài. Có Chúa ở cùng, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, tâm hồn chúng ta vẫn tìm được sự bình an. Không phải là chúng ta sẽ hết phải đau khổ, nhưng vì chúng ta có Chúa là sức mạnh và là nguồn ủi an cho chúng ta, nên không gì lấy mất đi niềm hy vọng và sự bình an trong tâm hồn chúng ta được. "Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng tôi" (Tv 23)

Lm John Vũ Nghi, CMC

ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI CHĂN CHIÊN TỐT LÀNH
Ga 10, 1-10

Hình ảnh người chăn chiên đang dẫn đàn chiên đi ăn cỏ trên các cánh đồng cỏ xanh tươi, hay đưa đàn chiên tới các dòng suối nước trong lành làm cho ta gợi nhớ tới xã hội Do Thái khi xưa, nhớ tới khung cảnh Chúa Giêsu sống trong đất nước Do Thái cách đây 2002 năm. Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên ở đất nước Do Thái, nên Ngài đã được thừa hưởng nền văn hoá và quan niệm tôn giáo Do Thái vì thế Ngài đã dùng những dụ ngôn, những ví dụ rút ra từ những hoàn cảnh cụ thể của người Do Thái để dậy dỗ, giáo huấn các môn đệ và nhân loại. Chúa Giêsu đã dùng chính ngôn ngữ của người Do Thái, đã dùng những hình ảnh quen thuộc nhưng rất ấn tượng để nói lên một sứ điệp, một lệnh truyền hay để giới thiệu về chính Ngài. Hình ảnh người chăn chiên tốt lành là hiện thân của Ngài. Qua hình ảnh sống động, gợi cảm và hết sức ấn tượng của người chăn chiên can đảm, nhiệt thành, nhân từ, chạnh lòng thương xót, Chúa Giêsu muốn nói lên sứ mạng cứu thế của Ngài. 

I. CHÚA GIÊSU LÀ MỤC TỬ VÀ LÀ CỬA CHUỒNG CHIÊN :

Xuyên suốt lịch sử dân Do Thái, Thiên Chúa luôn tự giới thiệu mình như là vị mục tử của dân Người Hình ảnh Đavít mà sách 1 samuen đoạn 17, câu 34 tới 36 diễn tả là hình ảnh tiên trưng của Chúa Giêsu trong Tân ước.Đavít chăn dắt đàn chiên, yêu thương từng con chiên một, Người sẵn sàng chống lại thú dữ khi chúng tấn công bầy chiên. Sau này, Đavít đã chiến thắng Golíat bằng một chiếc ná cao su, nhắm bắn ngay vào trán Golíat hung hăng, kiêu ngạo. Hình ảnh của một Đavít nhỏ bé, với tóc hoe vàng đã trở nên dũng mãnh, cao trọng khi Thiên Chúa cất nhắc Đavít lên làm vua,xức dầu phong vương để Đavít làm vua lãnh đạo dân Thiên Chúa. Hình ảnh mục tử còn được diễn tả cách tỉ mỉ, gẫy gọn khi tiên tri Ezékiel nhân danh Chúa nói lên: "...Ta,vị Chủ tể tối cao,Ta tuyên bố rằng...Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi...Ta sẽ giao chúng cho một vì vua giống như Đavít tôi tớ ta để làm mục tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng " ( Ez 34, 23 ). Vâng, chính Thiên chúa sẽ chọn cho mình những tôi tớ, những môn đệ cũng gọi là "mục tử " để Ngài trao cho họ trách nhiệm chăn dắt dân theo ý của Người. Tuy nhiên, vì các mục tử đã bị băng hoại, họ chỉ lo cho lợi ích riêng, tìm lợi nhuận cho mình và cho thân nhân, gia đình của mình, họ trở nên bất xứng với sứ vụ đã lãnh nhận, nên Thiên chúa đã sai các ngôn sứ loan truyền sẽ tới thời chính Đấng Thiên sai là Chúa Giêsu sẽ đến để lãnh đạo dân Người. 

Chúa Giêsu đã tuyên bố với dân Do Thái: "Ta là mục tử tốt lành" ( Ga 10, 11 ).Ngài là hiện thân của Thiên Chúa,Người được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, qui tụ mọi con chiên. Người biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài ( Ga 10, 14-15 ). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi ( Ga 10, 3 ). Điều hết sức quan trọng là Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên :"Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu " ( Ga 15, 13 ) hoặc " Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta ". Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị mục tử tốt lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt ( Ga 10, 9 và 16 ).

Khi minh định Ngài là cửa chuồng chiên, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng bất cứ con chiên nào không qua Ngài không thể tới Chúa cha được. Dân Thiên Chúa phải đi qua cửa duy nhất là Đức Giêsu. Đi qua Ngài, dân Chúa mới có tự do và đạt được cuộc sống viên mãn. Bước qua ngưỡng cửa là Đức Giêsu, dân Chúa hay con người mới 

nhận được ơn cứu độ, sự sống mới, sự sống sung mãn Chúa ban cho. Ngoài Chúa Giêsu, nghĩa là không bước qua cửa chuồng chiên, con người không có sự sống dồi dào. Như vậy, người chăn chiên đích thực nào cũng phải ngang qua Chúa Giêsu, vì Ngài là hàng rào bảo đảm sự an bình, an toàn cho chiên của Ngài. Kẻ nào không ngang qua Ngài, chiên sẽ không biết, không nghe và không theo kẻ đó vì họ là kẻ lường gạt, trộm cắp. 

II. CÁC MỤC TỬ PHẢI NOI THEO GƯƠNG VỊ MỤC TỬ DUY NHẤT LÀ ĐỨC KITÔ.

Chúa Giêsu phục sinh vẫn hiện diện với nhân loại, Người không còn có mặt bằng xương bằng thịt như trước nữa, nghĩa là không còn như lúc Người sống với các tông đồ, cùng ăn, cùng làm cùng chia sẻ những ưu tư, suy nghĩ. Nay, Chúa đã chịu chết, đã phục sinh, Người là Đấng vô hình dù rằng Chúa Giêsu vẫn còn mang dấu tích của cuộc thương khó. Đời sống cụ thể của nhân loại cần phải có sự dìu dắt, chăm sóc cách hữu hình. Sứ mạng ấy, chúa phục sinh đã trao cho Hội Thánh. Phêrô là vị tông đồ, Chúa trao làm nền tảng của Giáo Hội sau lời tuyên tín đầy sáng suốt của Phêrô mà Chúa nói là do Chúa Cha mạc khải ( Mt 16, 18 ). Thánh Gioan nhấn mạnh thêm khi Phêrô thưa ba lần với Chúa rằng Ong yêu mến Chúa, Chúa trao trách nhiệm chăm sóc đàn chiên, chăm sóc Giáo Hội của Chúa ở trần gian ( Ga 21, 15-17 ).Tuy nhiên khi trao sứ mạng nặng nề, cao quí cho Phêrô và các tông đồ, Chúa muốn các Ngài trở nên những kẻ hầu hạ,những người phục vụ ( Mc 10, 41-45 ). Chúa nhấn mạnh : "Hãy học cùng ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng ". Hiền lành và khiêm nhượng là đức tính căn bản, tối cần của các mục tử Chúa Kitô. " Người chăn chiên tốt chính là Ta "( Ga 10, 14 ).Các vị mục tử phải là những người gắn bó mật thiết với Chúa Kitô, nghe tiếng Người, giảng dậy, cắt nghĩa giáo lý, chân lý của Người. Hình ảnh người chăn chiên cầm tù và, thổi tụ họp đàn chiên, mệt lả vác chiên lạc trên vai khi tìm thấy, luôn phải là hình ảnh sống động của các mục tử Chúa, đang nối tiếp sứ vụ của Chúa phục sinh giữa trần gian này. Đức tính căn bản của người mục tử tốt lành là tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu,một tình yêu luôn ước ao và chờ đợi con người đáp trả. 

III. MỖI NGƯỜI CHÚNG TA ĐỀU CÓ MỘT ƠN GỌI PHẢI ĐÁP TRẢ VÀ ĐƯỢC KÊU MỜI TRỞ NÊN NGƯỜI CHĂN CHIÊN TỐT LÀNH :

Là người Kitô hữu,chúng ta có Đức Kitô là Vị Mục Tử duy nhất luôn muốn qui tụ tất cả về đoàn chiên duy nhất của Người, nghĩa là không phân biệt dân được tuyển chọn hay dân ở ngoài lề. Ngài muốn tụ họp tất cả vào Giáo Hội của Ngài, Ngài muốn ban ơn cứu rỗi cho mọi người dù họ là dân ngoại hay dân của chúa. Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên chúa Cha luôn kéo mọi người về với Ngài, dẫn mọi người thành tâm thiện chí về đồng cỏ xanh để mọi người có thể nhận ra tiếng của Ngài. 

Trong thánh lễ sáng nay, thánh lễ dành riêng cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ chúng ta ý thức rằng mỗi người chúng ta phải nhiệt thành cầu nguyện cho các mục tử Chúa luôn noi gương bắt chước Chúa là mục tử mẫu mực, lý tưởng. Vị mục tử can đảm,nhân hậu, đầy lòng trắc ẩn hay rộng tình thương xót, vị mục tử thánh thiện, hoàn hảo, chân thành, luôn kết hợp mật thiết với Thiên chúa cha và mọi người, vị mục tử đầy tình yêu, tình yêu bền bỉ, vững chắc, yêu cho đến cùng ( Ga 15, 13 ).Và như thế,chính chúng ta cũng được mời gọi đáp trả lại tình yêu vô biên của vị mục tử tốt lành, đồng thời ta cũng được kêu mời học hỏi và tập những đức tính cao đẹp, quí báu nhất của Đức Kitô nhân hậu và trở nên muôn người như một thành những vị mục tử tốt Như Chúa Giêsu. 

Chúng ta có thể cùng với tác giả thánh vịnh 23 ca ngợi và hướng về trời cùng cất tiếng ca : "Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì,Ngài cho tôi nằm nghỉ ...Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi". Đồng thời, chúng ta cảm nghiệm rằng sứ điệp cao cả, sứ điệp cứu độ Chúa Giêsu muốn loan báo cho nhân loại, cho mọi người : "Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy,Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian,không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ". ( Ga 3, 16-17 ).

Vâng, sứ mạng chúa trao phó cho Giáo Hội là qui tụ, cứu vớt mọi người như chúa Giêsu Kitô đã làm. Sứ mạng ấy sẽ mang lại kết quả tốt đẹp nếu mỗi người chúng ta biết qui tụ, phục vụ như Chúa Giêsu là Đấng chăn chiên nhân hậu.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

TA LÀ MỤC TỬ TỐT LÀNH 
Ga 10,1-10

"Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào" (Gn 10,10)

Chúa nhật 4 Phục sinh thường được gọi là Chúa nhật kính Chúa Chiên lành. Các bài đọc nhấn mạnh đến Chúa Giêsu như người Mục Tử nhân ái hằng chăm sóc lo lắng cho đoàn chiên, đến độ dám thí mạng để chiên "được sống và sống dồi dào".

Chúa nhật hôm nay cũng được gọi là Chúa nhật Ơn Thiên Triệu. Giáo hội kêu mời mọi người Kitô hữu hãy để tâm nâng đỡ, khuyến khích, và cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi, hầu có nhiều người can đảm dâng hiến đời mình cho sự sống phong phú của Dân Chúa.

Khi Giáo hội kêu mời giáo dân cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu là hàm ẩn trong đó một nhu cầu khẩn thiết. Không phải các nơi đã có đủ linh mục cho đoàn chiên; nhiều chỗ còn đang thiếu hụt, thậm chí thiếu hụt trầm trọng. Không phải các linh mục đều đã là mục tử tốt lành dám thí mạng như Đức Giêsu mong muốn; có người khô khan, đào ngũ, thậm chí còn giống như "kẻ chăn thuê hay trộm cướp."

Thế nên cần lắm thay những lời cầu nguyện trợ lực liên lỉ để các linh mục tu sĩ được trung thành, chân thành, và nhiệt thành hơn trong sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của mình.

Mặc dầu linh mục là những con người được tác thánh để thuộc về Thiên Chúa và làm công việc của Ngài, họ vẫn mang trên mình thân phận con người với bao cảm xúc và suy nghĩ rất người, họ vẫn phải chiến đấu gian nan với bao thách đố khó khăn để đáp trả đến cùng ơn gọi, họ vẫn phải nỗ lực mỗi ngày để nên giống Đức Kitô hơn trong đời sống mục tử nhân lành. Thế nên một tâm tình mến yêu và xây dựng của người tín hữu sẽ như bàn tay khai mở cho dòng ơn thánh chảy tuôn tràn hơn lên trong cuộc đời linh mục.

Ơn gọi dấn thân là ơn gọi tuyệt đẹp. Hạt giống thiên triện là hạt giống vô cùng cao quí. Nhưng hạt giống ấy lại rất cần thời gian để nảy mầm và phát triển. Hạt giống càng được gieo vào tâm hồn sớm bao nhiêu càng có hy vọng trổ sinh hoa trái đúng mùa bấy nhiêu. Biết bao Kitô hữu bước vào đời sống linh mục hay tu sĩ vì đã nhận được hạt giống ơn gọi từ thuở ấu thơ. Những hình ảnh tốt lành thánh thiện của các vị chủ chăn, những khuyến khích hướng dẫn chân thành của ông bà cha mẹ, những việc làm dấn thân phục vụ của bao Kitô hữu đã hun đúc tâm hồn và chuẩn bị con em mình thành các tông đồ tương lai cho Nước Trời.

Tất nhiên những gương xấu của người có trách nhiệm, thái độ ngại khổ sợ khó của kẻ chăn thuê, lời nói hành vi quá khích với hàng mục tử, đều làm thui chột biết bao hạt giống ơn gọi cao quí trong tâm hồn tha nhân.

Người mục tử tốt lành phải cương quyết ngăn ngừa sói dữ giết hại đàn chiên. Người mục tử ấy sẽ "đi trước" và "chiên theo sau." Ơn gọi của người mục tử bao giờ cũng là ơn gọi trở nên gương mẫu như người "đi trước" cho chiên bước theo. Đây là một thách đố gay go đòi hỏi nhiều từ bỏ hy sinh. Nhưng nếu không dám "thí mình" chấp nhận thách đố sẽ không bao giờ trở thành mục tử tốt lành.

Có thí mạng cho chiên chứng tỏ mục tử có lòng thương chiên. Tình thường mầu nhiệm và cao cả này chỉ phát xuất từ cung lòng Thiên Chúa. Thế nên gắn bó với Thiên Chúa để đón nhận "Tình Yêu Mục Tử" phải là hành trình thường xuyên của người chăn chiên. Khi ham mê công việc mà bỏ bê đời sống nguyện cầu, người mục tử khó lòng thương yêu cho đúng nghĩa, nếu không phải là dễ rũ áo ra đi.

Thường khi nói tới "mục tư", người ta hay liên tưởng đến các giám mục, linh mục. Điều đó rất đúng. Nhưng trong chiều kích "bí tích Rửa tội", tất cả mọi Kitô hữu đều mang chức vị mục tử, và trong chiều kích thực tế cuộc sống thì mọi người đều là mục tử: cha mẹ là mục tử của con cái; thầy cô là mục tử của học sinh; ông chủ là mục tử của công nhân...

Đặc tính của người mục tử tốt không thuần túy ở nơi cung cấp cơm ăn, áo mặc, kiến thức, công việc, nhưng còn phải thông chuyển tình thương như sức sống dồi dào cho đoàn chiên; không chỉ giúp tăng trưởng thân xác nhưng còn phải làm phong phú tâm hồn. Song nếu đời mục tử không ngay chính, tâm hồn đầy u mê thì chiên sẽ nhận được điều chi?

Không thể nào cho đi điều tôi không có. Không có yêu thương, bình an, niềm vui, tôi chỉ có thể mang lại hận thù, bất an và u sầu. Nhưng để có được yêu thương và sự sống, tôi phải biết lắng nghe sự hướng dẫn của chính Chúa, chứ không phải của thế gian; bước theo lời dạy bảo của Giáo hội chứ không phải của đam mê trần tục.

Lạy Chúa, xin ban cho Giáo hội hôm nay có nhiều mục tử tốt lành, nhưng trước hết, xin ban cho các gia đình là những Giáo hội thu nhỏ có được các mục tử nhân ái và kiên trung.

Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR

CHÚA GIÊSU LÀ CỬA RÀN CHIÊN 
Ga 10, 1-10

Ngay sau khi chữa cho anh mù từ thưở mới sinh được sáng, Chúa Giêsu liền giới thiệu Người chính là Cửa ràn chiên, là Mục tử nhân lành. Điều này không có gì lạ. Lý do là bởi vì, anh mù kia đã không được những người Pharisêu - vốn được xem là chủ, là lãnh đạo- chăm sóc; trái lại, còn hắt hủi, trục xuất anh ra khỏi cộng đoàn; thì nay, Chúa Giêsu đã đưa anh về, băng bó, chăm sóc và chữa chạy bệnh tật cho anh. Chính vì thế, cách gián tiếp, thánh sử Gioan không chỉ cho thấy Chúa Giêsu chính là Cửa ràn chiên, là Vị mục tử nhân lành mà còn cho biết ai là kẻ chăn thuê chăn mướn đoàn chiên.

Chúng ta biết miền Paletine là nơi dân chúng nuôi chiên rất nhiều. Mỗi một đàn chiên được chăm sóc bởi một hay vài chủ chiên tuỳ theo số lượng nhiều hay ít. Vì chiên là loài vật hiền lành, rất dễ bị thú dữ ăn thịt hoặc bị trộm cướp và do không thể làm chuồng trại kiên cố cho từng đàn chiên nên các chủ chiên ban ngày dẫn chiên đi ăn, đêm về thường gửi chúng vào trong một trại lớn được gọi là ràn, có tường bao bọc kiên cố và có người canh gác cho an toàn. 

Chính vì cách bố trí này nên chúng ta thấy ràn chiên và cửa ràn chiên chiếm một vị trí rất quan trọng. Thật vậy, chỉ có một ràn chiên và chỉ có một cửa chiên, còn mục tử và đàn chiên thì nhiều. Lẽ dĩ nhiên sẽ không có gì phải bàn nếu như các mục tử cứ đường đường chính chính bước qua cửa mà vào để dẫn dắt đàn chiên mình. Nhưng vì có những mục tử giả, tức là những kẻ trộm kẻ cướp, muốn bắt chiên để thịt nên thực tế đã có nhiều kẻ trèo qua lối khác mà vào hòng lôi kéo chiên về với mình. Cũng may, chiên là loài vật rất nhậy cảm với tiếng chủ, nên ngoài đồng cỏ hoặc ở trong ràn, chúng có thể đi tứ tán để kiếm ăn hoặc nghỉ ngơi, nhưng khi nghe tiếng gọi của chủ, ngay lập tức chúng chạy về, ngoan ngoãn bước theo chủ.

Như thế, vị mục tử có một sứ mệnh rõ ràng, là chăn dắt đàn chiên, lo lắng và chăm sóc cho chiên, tự do ra vào cửa ràn chiên mà không sợ người canh giữ. Người mục tử đưa chiên qua cửa để chiên được nghỉ ngơi bồi dưỡng và đồng thời bước qua cửa đó để cùng đàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, đến suối mát trong lành. Cánh cửa đó như có phép mầu khiến cho tất cả mục tử và đàn chiên đều cảm thấy an bình thư thái, nhưng ngược lại, cũng khiến cho những kẻ không qua cửa đó đều trở nên đầu trộm đuôi cướp, không đáng để chiên bước theo. Chúa Giêsu tự ví mình là Cửa cho chiên ra vào- nơi mà ở đó, cả chủ chiên và chiên đều cảm nếm được nguồn bình an đích thực. Vâng, Chúa Giêsu chính là Cửa ràn chiên. Và Người hứa rằng, tất cả những ai bước qua cửa ấy đều được no đầy ân sủng, lương thực và sự sống đời đời.

Chúng ta thấy gì qua hình ảnh Chúa Giêsu là "Cửa ràn chiên cho chiên được ra vào"? Đây là hình ảnh thật tuyệt vời, là bài học quý giá cho tất cả chúng ta. Theo đó, bước qua Cửa ràn chiên, tức là kinh qua Lời giáo huấn của Chúa Giêsu đã dạy; bước qua Cửa ràn chiên là bước theo con đường Người đã đi trong tình yêu và vâng phục; bước qua Cửa ràn chiên cũng chính là bước qua Khổ nạn thập giá mà Người đã chấp nhận; cuối cùng, bước qua Cửa ràn chiên cũng chính là bước đến vinh quang- nơi Chúa Cha ban tặng triều thiên sự sống. Như thế đã rõ, những ai không đi qua Cửa ấy, tức là những người xa rời Thiên Chúa, đi ngược lại giáo huấn của Chúa Giêsu và sống bất chính sẽ được xem là những mục tử bất lương, trèo tường trộm cướp.

Chúa Giêsu là Cửa ràn chiên. Điều đó thật hiển nhiên. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo hội, cầu nguyện cho các vị mục tử và cũng cầu nguyện cho chính chúng ta nữa được bước đi, bước qua và bước đến với Chúa Giêsu trong tình yêu dâng hiến, chấp nhận hy sinh và tận hưởng nguồn sung mãn vinh quang.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

CHỦ CHĂN TỐT LÀNH
Ga 10,1-10

Hình ảnh chuồng chiên là một hình ảnh rất quen thuộc đối với người dân sinh sống tại vùng đất Pa-lét-tin thời Chúa Giêsu. Đó là những dải hàng rào chắc chắn được quây lại theo hình vuông hay hình chữ nhật với một cửa ra vào duy nhất. Cứ chiều đến, các chủ đoàn chiên lùa chiên vào chuồng qua cửa duy nhất này, rồi trao phó việc canh giữ chuồng chiên cho những người được thuê mướn làm công việc này. Sáng sớm hôm sau, các chủ đoàn chiên lại đến để đưa chiên ra khỏi chuồn đi ăn nơi những đồng cỏ. Chuồn chiên là nơi bảo vệ an toàn cho đoàn chiên.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc này khi so sánh Ngài với cửa chuồn chiên và với người chăn chiên tốt lành để mạc khải lòng yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa đối với con người nói chung, và nhất là sự chăm sóc bảo vệ của Ngài đối với những ai tin nhận Ngài nói riêng, vì Ngài là Mục tử tốt lành. Thế nào là một mục tử tốt lành ? Chính Chúa Giêsu đã phát họa bằng ba vẻ đẹp :

Ân cần chăm sóc các chiên của mình :Vẻ đẹp này đã được diễn tả bằng hình ảnh một người thanh niên đang chăn chiên trên một cánh đồng lớn, có những cỏ non xanh, có những giòng suối mát, và người thanh niên ấy vác trên vai một con chiên đau bệnh. Sự chăm sóc của Chúa Giêsu mục tử đó là một vẻ đẹp có sức hấp dẫn.

Sẵn sàng hy sinh, liều mạng cho đoàn chiên : vẻ đẹp này thường được diễn tả bằng hình ảnh con bồ nông mẹ, nhỏ từng hạt máu của mình vào miệng những đứa con non nớt để nuôi dưỡng chúng cho đến hạt máu cuối cùng rồi lăn ra chết. Mẹ chết để cứu đoàn con. Sự hy sinh của Chúa Giêsu mục tử là một vẻ đẹp có sức đánh động những trái tim khô cứng.

Hiểu biết từng con chiên mình : Vẻ đẹp này đã được diễn tả bằng hình ảnh một người cha ôm hôn đứa con ngỗ nghịch trở về. Bởi vì mắt cha nhân từ, hiểu biết sự yếu đuối dại khờ, nông nổi của đứa con, và hiểu thiện chí tối thiểu của đứa con mình. Đây là một vẻ đẹp phản ảnh tình yêu cứu độ của Chúa.

Ba vẻ đẹp trên đây đều nói lên vẻ đẹp duy nhất của Thiên Chúa, đó là tình thương xót. Tình thương xót là chân dung của Chúa, và dung mạo của Chúa, là khuôn mặt của Chúa.

Vì thế, khi so sánh mình với người mục tử tốt lành, Chúa Giêsu muốn cho mọi người hiểu rằng : Ngài chính là tiêu chuẩn, là mẫu mực để xác định sứ mạng đích thực của những người được gọi và tuyển chọn cộng tác với Ngài trong sứ mạng coi sóc đoàn chiên là cộng đoàn những kẻ tin Chúa. Những người được chọn cho sứ mạng chăn dắt đoàn chiên nếu không vào qua cửa là Chúa Giêsu thì không phải là những chủ chăn đích thực. Nói rõ hơn, những chủ chăn đích thực phải được chính Chúa tuyển chọn.

Điều này đã được thực hiện từ khi Chúa thiết lập Giáo Hội cho đến ngày nay, như Công Đồng Vaticanô II, trong hiến chế về Giáo Hội đã tuyên bố : "Chúa Giêsu đã chọn các tông đồ và Ngài muốn các người kế vị, tức là các giám mục, làm chủ chăn trong Giáo Hội cho đến tận thế". Nhưng để chức giám mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa đã đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh các tông đồ khác. Vì thế các Đức Giáo Hoàng là những người kế vị thánh Phêrô là thủ lãnh hữu hình của toàn thể Giáo Hội. Như vậy, quyền bính trong Giáo Hội được Chúa trao phó cho Đức Giáo Hoàng, Đấng kế vị thánh Phêrô, và các giám mục kế vị các tông đồ. Tuy nhiên, gần gủi chúng ta hơn cả còn có các linh mục, là những cộng tác viên đã được các giám mục ủy quyền chăm sóc đoàn chiên.

Do đó, chúng ta thấy sự tương quan giữa chúng ta và hàng giáo phẩm, tức là giữa đoàn chiên và các vị chủ chăn : qua linh mục chính xứ, chúng ta liên hệ với giám mục giáo phận. Qua Đức Giám Mục, chúng ta liên hệ với Tòa Thánh, với Đức Giáo Hoàng. Như vậy, linh mục là người thi hành nhiệm vụ chủ chăn trực tiếp với chúng ta, là người sống gần gũi chúng ta, đáng cho chúng ta thông cảm, chia sẻ, cộng tác và cầu nguyện cho các ngài.

Hy vọng rằng sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẻ đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội. Nhờ sự liên lạc đó giáo dân ý thức trách nhiệm của mình hơn, lòng hăng say được phát triển và góp sức dễ dàng hơn vào công việc của chủ chăn. Phần chủ chăn, nhờ giáo dân, có thể phán đoán minh bạch và đúng đắn hơn về những vấn đề thiên liêng cũng như trần thế. Như vậy, toàn Giáo Hội được vững mạnh và càng ngày càng tốt đẹp hơn.

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP. (Sưu Tầm vietcatholic.org)

1466    12-05-2011 18:21:08