Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Chúa Nhật IX TN A

  1. Hãy Chọn Chúa
  2. Đừng Nhiều Lời Khi Cầu Nguyện
  3. Tầm Quan Trọng Của Lời Chúa Trong Cuộc Sống Của Con Người
  4. Xây Nhà Trên Đá
  5. Nên Sống Theo Ý Mình hay Theo Ý Chúa
  6. Khôn Ngoan
  7. Khôn Khờ
  8. Người Mộn Đệ Đích Thực
  9. Bởi Tin Chứ Không Phải Bởi Việc Làm Luật Dạy

Hãy Chọn Chúa
Mt 7, 21-27

Mỗi ngày trên các trang báo đều có những vụ tham ô, lừa đảo, lừa tình. Cuộc sống xem ra quá khổ đau khi mà ai cũng đặt đồng tiền lên trên mọi giao tế, trên cả tình người. Con người xây dựng đời mình trên đồng tiền nên đối xử với nhau thường phi nhân bất nghĩa. Hậu quả là thân tàn danh liệt. Kẻ tử hình. Người chung thân hay cũng bị vào trại tập trung vì đặt nền móng đời mình thiếu cái "đức" nên dễ siêu đổ trước những ma lực của đồng tiền, của danh vọng và lạc thú.

Năm 2010 được coi là năm đại hoạ đối với ngành đóng tàu của Việt Nam. 80.000 tỉ đồng nợ các ngân hàng. Đó là tổng số nợ của Vinashin mà đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết tại cuộc họp báo ngày 2-7-10. Sự tham tiền dẫn đến tham nhũng và làm thất thoát tiền của nhân dân của các quan chức Vinashin không chỉ là thảm hoạ của ngành đóng tàu mà còn là thảm hoạ của cả dân tộc khi phải gồng gánh nhau để cùng trả nợ cho ngành kinh tế mũi nhọn Việt Nam.


Điều tệ hại nhất của Việt Nam lúc này là tình trạng "buôn hoa bán phấn". Hằng ngày trên các trang báo đều có những tin nóng về việc công an của tỉnh này hay tỉnh nọ đã kiểm tra các tụ điểm ăn chơi như: tụ điểm Karaoke, các quán bar, khách sạn. . . Họ đã bắt được rất nhiều các cô gái còn rất trẻ đang bán đời mình cho khách mua vui để đổi lấy đồng tiền và lạc thú. Họ tưởng rằng: họ có thể xây dựng đời mình trên đồng tiền dơ bẩn kiếm được từ thân xác của mình. Họ tưởng rằng nhờ đồng tiền hoen ố đó, họ có thể thay đổi vận mạng cuộc đời của mình. Tất cả đã vỡ mộng khi họ phải vào trại phục hồi nhân phẩm, nơi dành cho các cô gái nghiện ngập sa đoạ. Họ là những người đã xây dựng ngôi nhà cuộc đời mình trên cát, trên của phù dù, chỉ một cơn gió thoảng cũng đủ làm tiêu tan cuộc đời tươi trẻ của họ.


Lời Chúa hôm nay là lời cảnh tỉnh cho thái độ sống của chúng ta. Chúng ta đang sống trên nền tảng lời Chúa hay trên những của cải phù du? Chúng ta có thực sự để cho Lời Chúa nhào lặn cuộc đời chúng ta hay chúng ta đang để cho vòng xoáy của đồng tiền nhào lặn chúng ta?


Ngày xưa Adam, Eva vì quá tin lời dụ ngọt của ma quỷ để chạy theo quyền bính. Họ gạt Thiên Chúa ra bên ngoài để tự quyết định vận mạng cuộc đời mình. Họ đã lầm. Họ loại trừ Thiên Chúa là đá tảng cuộc đời nên họ chẳng còn gì để bám víu. Họ gạt bỏ Thiên Chúa nên họ cũng xa rời nhau. Adam đã kết án Eva. Cain đã giết chết Abel. Tội lỗi đã đi vào trần gian. Con người xem ra càng củng cố, xây dựng đời mình trên danh lợi thú thì càng đánh mất phẩm giá của chính mình và đánh mất tình liên đới giữa người với người. Thân phận của họ như "dã tràng xe cát biển đông". Có cố gắng vun quén, cất chứa cho đầy lòng tham của mình rồi một ngày kia: một con sóng nhỏ cũng khiến họ mất tất cả. Của "thiên trả địa". Mất cả những gì mình tích góp bằng sự bất chính và điều tệ hại nhất là cả hạnh phúc đời này lẫn đời sau. Thực ra, tiền, tình, quyền là những thứ cần thiết trong cuộc sống, nhưng nó không thể là nền móng xây dựng cuộc đời chúng ta. Nó chỉ là phương tiện để phục vụ nhu cầu con người. Nó chỉ đóng vai trò điểm tô cho cuộc sống của mình thêm tốt hơn. Thế nhưng, nhiều người đã tôn sùng đến mức độ vì danh vọng, địa vi họ bỏ đạo, bỏ Chúa. Nhiều người đã tôn sùng đồng tiền đến độ bán rẻ lương tâm của mình để đổi lấy bạc tiền. Nhiều người vì đam mê lạc thú đã đánh mất phẩm giá của mình và chà đạp lên phẩm giá của tha nhân.


Xin Chúa cho chúng ta đủ khôn ngoan để chọn Chúa hơn là những phù hoa thế gian do ma quỷ ban tặng. Xin giúp chúng ta biết đặt nền tảng đời mình trên lề luật và lời Chúa hơn là những của cải, danh vọng trần gian. Xin lề luật của Chúa dẫn dắt chúng ta đi trong chân lý vẹn toàn và Lời Chúa củng cố đời sống chúng ta luôn sông đúng phẩm giá làm người và làm con Chúa.

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Đừng Nhiều Lời Khi Cầu Nguyện
Mt 7, 21-27

Sống ở trần gian này, người ta cứ tưởng phải nói nhiều mới có tác dụng, phải nói lắm lời mới được người khác nghe vv..." Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau ". Do đó, sống, tiếp xúc cư xử với nhau là cả một nghệ thuật. Biết cư xử, biết tiếp cận với nhau, biết sống với nhau luôn có một ý nghĩa quan trọng. Còn đối với Chúa, lời cầu nguyện của con người cũng phải được con người thành thực nói ra từ cõi lòng. Chúa Giêsu đã quả quyết: " Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: " Lạy Chúa! Lạy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi " ( Mt 7, 21 ).

Thực tế, lời nói mau qua, gương lành sáng chói. Ở đây, chúng ta phải nhớ rằng " Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo ". Bao giờ việc làm tốt, gương tốt luôn luôn có sức mạnh tỏa sáng, luôn thuyết phục được con người. Người Israel có truyền thống như sau: " Hãy nghe đây, hỡi Israel ? Chúa là Thiên Chúa ngươi, Chúa duy nhất ? Do đó các ngươi sẽ yêu mến Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi ", những ngôn từ, những lời này rất quan trọng khi Môsê dạy dân chúng: " Hãy ghi nhớ những lời của tôi vào trái tim và linh hồn các ngươi ". Và Môsê nói tiếp:" Hãy buộc chúng nơi cổ tay các ngươi như một dấu hiệu, hãy đeo chúng như đồ trang sức trên trán của các ngươi ". Đây là tục lệ của người Do Thái, một hình thức diễn tả lòng đạo đức và sốt sắng của những người Do Thái sốt sắng.


Chúa Giêsu thường lên án thói giả hình của những người Biệt phái, Kinh sư và Pharisêu. " Họ nói nhiều " " Họ ra luật tỉ mỉ ", nhưng không làm không thực hiện. Họ chất trên vai người khác những gánh nặng, còn mình thì không giơ ngón tay mà lay thử ! Đó là sự giả hình nguy hiểm. Ra đường họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo vv...Lời nói của những người giả hình không đi đôi với việc họ làm. Chính vì thế, lời nói của họ là những lời đạo đức giả, những lời không có giá trị. Thánh Phêrô, tuyên xưng: " Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống ", nhưng liền sau đó lại ngăn cản ý định cứu độ thế giới, loài người của Thầy. Hiểu được hai mặt của vấn đề này, thánh Giacôbê viết: " Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết " ( Gc 2, 26 ). Chúa Giêsu khi nào cũng làm gương cho con người. Ngài không bao giờ rao giảng điều gì mà không thi hành, không thực hiện điều ấy trước. Chúa Giêsu luôn thực thi thánh ý của Cha Ngài: " Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người " (Ga 4, 34 ). Ngài nói tiếp: " Tôi đến không phải để làm theo ý Tôi, mà là làm theo ý Đấng đã sai Tôi " ( Ga 5, 30 ). Chúng ta có thể hiểu được rằng cả cuộc đời của Chúa Giêsu là làm đẹp lòng cha, Ngài luôn sống tình con thảo đối với Thiên Chúa Cha. Ngài luôn cho chúng ta thấy Ngài đến vì thánh ý Cha Ngài và đến trần gian để thực thi thánh ý Cha của Ngài: " Này con đến để thực thi ý Cha " ( Dt 10, 7 ). Ngay trên Thập giá, Chúa Giêsu cũng luôn một mực làm theo thánh ý Thiên Chúa: " Lạy Cha, xin đừng theo ý Con mà là theo ý Cha " ( Mt 26, 39 ).


Người Kitô hữu thực sự sống sự sống của Chúa khi họ hiểu được lời truyền phép: " Đây là Mình Ta " " Đây là Máu Ta ". Từ Lời này: " Bánh trở nên Mình " và " Rượu trở thành Máu Chúa Kitô ". Bí Tích Thánh Thể làm hiện thực hóa lời xác quyết của Chúa Giêsu: " Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu " ( Ga 15, 13 ).


Giữ lòng trung tín với Chúa, sống mật thiết với Chúa qua lời cầu nguyện và hiệp nhất với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu, người Kitô hữu sẽ không ngần ngại thưa với Chúa: " Lạy Chúa, Lạy Chúa ". Nhưng những lời này phải phát xuất tự cõi lòng chân thành và trung tín với Chúa của chúng ta.


Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết sống yêu thương và dám chết cho yêu thương như Chúa: " Yêu như Thầy đã yêu " ( Ga 15, 12 ). Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Tầm Quan Trọng Của Lời Chúa Trong Cuộc Sống Của Con Người
Mt 7, 21-27

Sách Sáng thế Ký cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa tạo dựng trời đất, biển khơi, và muôn vàn vạn vật bằng chính Lời của Ngài. Hãy có ánh sáng, liền có ánh sáng; hãy có cây cối và vạn vật, v.v... và mọi sự liền có như lời Ngài phán bảo. Nhưng, điều đáng chú ý là Thiên Chúa Sáng tạo nên loài người qua một tiến trình từ một cuộc thảo luận bằng lời nói đến hành động của Ngài. Chúng ta hãy tạo nên con người giống hình ảnh chúng ta. Và Ngài đã tạo nên Adam từ bụi đất và thổi hơi vào cho Adam có sự sống. Nhưng Adam lại cô đơn giữa muôn vàn vạn vật, nên Chúa đã tạo nên bà Eva từ cạnh xườn của Adam.

Những gì Thiên Chúa sáng tạo nên bởi lời của Ngài đều tốt đẹp. Thiên Chúa yêu thích những gì Ngài tạo dựng nên vì đó là công trình và kết quả của lao công của Ngài. Thánh Ênri nê đã diễn tả hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương taọ vật của Ngài qua hình ảnh của một người đang giang tay ôm ấp trọn cả tạo vật vào lòng mình. Tin Mừng của thánh Gioan cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa Yêu thế gian đến nỗi đã trao con một của Ngài để ai tin vào Người sẽ được sống vỉnh cửu. Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, nhập thể và sống kiếp phàm nhân. Ngài kết quả của tình yêu Chúa Cha trao ban cho thế gian, là hiện diện của Nước trời nơi trần thế. Lời của Chúa Giê su chính là lời của Chúa Cha hiện diện nơi Ngài qua tác động của Chúa Thánh Linh.


Chính vì thế, bài Tin Mừng của thánh Mathew hôm nay diễn tả tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc sống của con người. Nếu chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành thì cuộc sống của chúng ta sẽ vững vàng như ngôi nhà được xây trên nền đá. Dù cho thử thách, gian nan, cám dỗ và đe dọa đến mạng sống cũng không hề hấn gì. Lời Chúa mà chúng ta lắng nghe và đem ra thực hành không chỉ là những nổ lực của cá nhân chúng ta nhưng còn là sự dẫn dắt của Thánh Linh. Chính Chúa Thánh Linh là Ân Sủng trao ban cho thế gian nhưng không để dẫn dắt chúng ta đi đúng theo ý Chúa như Lời thánh Phao lô nói trong bài đọc hai. Con người chúng ta nên công chính vì chúng ta đã tin vào Đức Giê su Ky tô và thực thi lời của Ngài trong cuộc sống chứ không phải là do giữ luật nghiêm ngặt.


Nhưng làm sao chúng ta phân định Lời Chúa muốn nói với chúng ta qua cuộc sống bận bịu hàng ngày ? Ma quỷ cũng có thể bắt chước lời Chúa để cám dỗ chúng ta làm biết bao điều gian ác. Lịch sử cũng đã minh chứng nhiều sự kiện con người nhân danh Chúa và dùng Lời Chúa để làm bao điều bất công, gian ác, và để tàn sát lẫn nhau. Thánh Tê rê sa thành Avila kinh nghiệm rằng những gì đến từ Thiên Chúa thì vỉnh cửa, nhưng cũng đem lại bình an và hoan lạc thiết thực trong tâm hồn chúng ta. Những gì đến từ ma quỷ chỉ đem đến cho chúng ta sự bối rối, bất an, sự tham lam và gian ác.


Khi đọc Lời Chúa, chúng ta tin những gì chúng ta đọc và chúng ta công bố những gì chúng ta tin. Ước gì lời Chúa là ngọn đèn soi bước và dẫn đường chúng ta đi theo ý Chúa. Xin cho lời Chúa là chính lộ, là thành lũy, là núi đá che chở chúng ta trong những gian nan thử thách. Nguyện cho ý Chúa được thể hiện trong mỗi người chúng ta để vinh quang Chúa được cả sáng và nước Chúa trị đến nơi mọi nẻo đường chúng ta bước đi.

Nguyễn Q Hoàng, O.Carm.

NHÀ XÂY TRÊN ĐÁ
Mt 7, 21-27

(Cha Raniero Cantalamessa, OFM  Cap.)

Vào thời Chúa Giêsu ai cũng biết rằng thật là khờ dại khi xây nhà trên cát, dưới đáy thung lũng thay vì xây trên đá ở trên cao.


Sau mỗi trận mưa lớn một dòng nước lũ được tạo thành hầu như cuốn ngay đi tất cả những gì nằm trên đường nước chảy của nó. Chúa Giêsu dùng nhận xét này để đưa ra dụ ngôn hôm nay về hai ngôi nhà, như là một dụ ngôn, có hai mặt.


"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá" (Mat 7:24-25).


Bằng một sự cân đối hoàn toàn, chỉ thay đổi vài chữ, Chúa Giêsu trình bày cùng một cảnh trí ấy cách tiêu cực: "Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn" (Mt 7:26-27).


Xây nhà của bạn trên cát có nghĩa là đặt hy vọng và niềm xác tín của bạn vào những gì không chắc chắn và không lường trước được, là những điều không đứng vững trước những vùi dập và chê bỏ của thời gian, những lần đổi ngược thời vận. Tiền tài, danh vọng, sức khỏe là những điều ấy. Kinh nghiệm chứng tỏ cho chúng ta thấy điều ấy hằng ngày: Chỉ cần một xung đột, một động mạch nhỏ bị tắc nghẽn, là tất cả sẽ bị xụp đổ, như triết gia Blaise Pascal đã nói.


Ngược lạin xây nhà của bạn trên đá nghĩa là gắn liền đời sống và hy vọng của bạn vào điều mà "kẻ trộm không lấy được và rỉ xét không soi mòn được," vào điều không thể qua đi được. Chúa Giêsu đã nói: "Trời và đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy sẽ chẳng qua đi."


Vậy xây nhà trên đá đơn thuần là xây trên Thiên Chúa. Ngài là Đá Tảng. Đá Tảng là một trong những biểu tượng mà Thánh Kinh dùng để chỉ Thiên Chúa: "Thiên Chúa chúng ta là Đá Tảng vĩnh cửu" (Is 24:6); "Ngài là Đá Tảng, các công trình của Ngài đều hoàn hảo." (ĐNL 32:4).


Ngôi nhà xây trên đá đã sẵn có; chúng ta chỉ cần bước vào trong đó! Ngôi nhà ấy chính là Hội Thánh. Đương nhiên đó không phải là ngôi nhà xây bằng gạch, vữa, nhưng bằng "những viên đá sống động," là các tín hữu, được xây trên tảng đá góc tường, là Đức Chúa Giêus Kitô. Ngôi nhà được xây trên đá là ngôi nhà mà Chúa Giêsu đã ám chỉ khi Người nói với ông Simon: "Con là Đá và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy" (Mt 16:18).


Như thế xây đời mình trên đá có nghĩa là sống trong Hội Thánh, chứ phải không sống ở ngoài để luôn luôn chỉ tay vào những mâu thuẫn và khuyết điểm của diện nhân loại của Hội Thánh. Chỉ có một ít linh hồn được cứu rỗi trong trận Đại Hồng Thủy, là những người lên tàu ông Noe; chỉ có những người vào Hội Thánh sẽ được cứu khỏi trận Đại Hồng Thủy của thời gian là trận lụt nuốt chửng mọi sự (x. Phr 3:20).


Điều này không có nghĩa là tất cả những người ở ngoài Hội Thánh sẽ không được cứu độ; Công Đồng Vatican II nói về những người không biết Đức Kitô, nhưng sống theo tiếng lương tâm rằng có cách khác để thuộc về Hội Thánh mà "chỉ một mình Thiên Chúa biết."


Chủ đề của Lời Thiên Chúa, là trọng tâm của các bài đọc Chúa Nhật này, và là đề tài mà Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ bàn đến vào tháng Tám, đưa ra cho tôi một áp dụng thực tiễn. Thiên Chúa dùng Lời để truyền thông sự sống và mặc khải chân lý cho chúng ta. Còn chúng ta thường dùng lời để giết và che đậy chân lý!


Trong phần vào đề của tác phẩm nổi tiếng "Dizionario delle opere e dei personaggi," Ông Valentino Bompiani kể lại tình tiết sau đây. Vào tháng Sáu năm 1939, có một hội nghị quốc tế của các chủ bút mà ông được tham dự. Chiến tranh đang xảy ra trên không trung và chính quyền Nazi chứng tỏ rằng họ là sư phụ về việc thao túng lời nói để tuyên truyền. Vào ngày thứ hai trước ngày cuối cùng của hội nghị, ông Goebbels, là tổng trưởng tuyên truyền của Đức Quốc Xã đã mời các tham dự viên đến đại sảnh quốc hội. Các đại diện của các quốc gia khác nhau được mời nói lên lời chào mừng.


Một chủ bút từ Thụy Điển đi lên bục khi đến phiên ông, và đã nói những lời này với một giọng trịnh trọng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, con phải thuyết trình bằng tiếng Đức. Con không có đủ ngữ vựng và văn phạm, và khi nói đến giống và danh từ thì con hoàn toàn lạc lối. Con không biết 'tình bằng hữu' là giống cái hay 'ghét' là giống đực, hoặc có phải 'danh dự', 'trung thành' và 'hòa bình' là giống giở không. Vậy Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin hãy cất đi lời nói của chúng con và để lại cho chúng con lòng nhân đạo. Đương nhiên là chúng con sẽ có thể hiểu nhau và cứu nhau." Cả hội trường vỗ tay như sấm, trong khi đó ông Geobbels hiểu ý và tức tối rời đại sảnh.


Có một hoàng đế nước Tàu, khi được hỏi về điều gì là điều cấp bách nhất cần phải cải tiến trên thế gian, đã không ngần ngại trả lời: Hãy sửa đổi lời nói! Điều nhà vua muốn nói là: Hãy trả lại cho những lời nói ý nghĩa thật sự của chúng. Vua nói đúng. Có những lời dần dần đã hoàn toàn mất ý nghĩa nguyên thủy của nó và được người ta gán cho một ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Sử dụng chúng có thể làm chết người. Giống như là dán một nhãn hiệu nói rằng "rượu sau bữa ăn tối" vào mọt chai ác-xít arsenic: Thể nào cũng có một số người bị ngộ độc.


Nhiều quốc gia ra luật nghiêm khắc chống lại những người làm bạc giả, nhưng không có quốc gia nào ra luật chống lại những người dùng lời giả. Điều đã xảy ra cho từ "yêu" cũng đã xảy ra cho những từ khác. Một người đàn ông hiếp một người phụ nữ lấy cớ là anh ta làm vì yêu để bào chữa. Từ ngữ "làm tình" [ngoài hôn nhân] thường ám chỉ một hành động thô tục nhất của tính ích kỷ trong đó một người chỉ nghĩ đến việc thoả mãn xác thịt mình, coi thường người khác, và hạ giá người kia xuống thành một vật dụng.


Như chúng ta thấy, suy niệm Lời Thiên Chúa cũng có thể giúp chúng ta sửa đổi và cứu vãn những lời của loài người khỏi sự vô nghĩa.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nên Sống Theo Ý Mình hay Theo Ý Chúa
Mt 7, 21-27

1. Mọi sự đều tuân theo qui luật

Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ càn khôn và Người truyền cho mọi vật phải tuân theo qui luật mà Người đã định sẵn. Nhờ đó, vạn vật được vận chuyển trong trật tự hài hoà và sự sống mới được duy trì.


Trái đất phải quay quanh mặt trời theo đúng quỹ đạo đã được qui định cho nó và cứ 365 ngày và 6 giờ thì giáp một vòng và nó đã tuân theo như thế luôn mãi không hề sai chậy một giây.


Mặt trăng phải quay quanh trái đất theo một quỹ đạo nhất định với một vận tốc không đổi và cứ 29 ngày rưỡi thì giáp một vòng và cứ thế không nhanh, chậm một giây phút nào suốt niên đại nầy sang niên đại khác.


Tất cả các ngôi sao trên trời đều di chuyển theo đúng quỹ đạo, theo đúng vận tốc đã quy định cho chúng không bao giờ sai lệch.


Chính vì các hành tinh luôn luôn vận hành theo đúng quy luật một cách tuyệt đối, nên các nhà thiên văn mới có thể xác định cách chính xác về thời gian và địa điểm các hiện tượng nhật thực hoặc nguyệt thực sẽ xảy ra trong tương lai hàng trăm năm tới.


Nói chung, mọi sự trên đời (ngoại trừ con người vì con người có tự do) đều răm rắp tuân theo các qui luật mà Thiên Chúa đã qui định cho chúng.


Nước gặp nhiệt độ cao thì phải bốc hơi, gặp lạnh thì phải đông lại; kim loại bị nung nóng thì giãn nở ra theo trị số nhất định; cây nào sinh trái đó, loài ong phải lo xây tổ, hút mật; loài kiến phải cặm cụi tha mồi; loài cá phải sống trong nước v.v...


Ngay cả ngôn ngữ của loài người cũng bị chi phối bởi qui luật, đó là ngữ pháp. Nói hay viết không theo quy luật ( tức không đúng ngữ pháp) thì sẽ gặp rối loạn trong giao tiếp. Âm nhạc cũng phải được sáng tác theo qui luật của nó, đó là nhạc lý.


2. Thuận theo quy luật thì sống, đi trái quy luật thì tiêu vong.


Nếu trái đất đi trệch ra ngoài quỹ đạo của mình, hoặc vận hành nhanh hay chậm hơn vận tốc mà Đấng Tạo Hoá đã quy định, thì lúc ấy là ngày tận thế.


Nếu các ngôi sao khác trên vòm trời "từ chối" đi theo con đường Thiên Chúa đã vạch thì đại hoạ sẽ đến với vũ trụ nầy.


Nếu máy bay, tàu biển, xe cộ không vận hành đúng quy luật hàng không, quy luật hàng hải hay quy luật giao thông đường bộ thì các phương tiện nầy sẽ ngốn nhiều nhân mạng hơn tất cả mọi cuộc chiến trên thế gian.


Thỉnh thoảng báo chí đưa tin một vài chiếc tàu lửa đi trật đường rầy nên đã gây hậu quả vô cùng thảm khốc.


Tàu lửa đi trật đường rầy gây hậu quả đau thương thế nào thì mỗi người nói riêng và loài người nói chung đi "trật đường rầy" cũng phải gánh lấy hậu quả tai hại không kém.


Chính vì thế nên Chúa Giê-su dạy: "những ai chẳng thực hành lời Thiên Chúa, được ví như người dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành"


3. Đâu là 'quỹ đạo' của con người?


Muôn vì trăng sao, tinh tú phải đi đúng quỹ đạo của mình thì mới khỏi gây ra va chạm, đổ vỡ và diệt vong. Loài người cũng phải đi đúng 'quỹ đạo' của mình mới mong được sống còn và thăng tiến.


Vậy đâu là con đường mà con người phải theo để đạt tới cùng đích đời mình?


Đó là thực hành lời Chúa, tuân giữ các giới răn.


Khi có người đến gặp và hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu đáp: "Ngươi hãy giữ các giới răn" và cũng có nghĩa là thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.


Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su mạnh mẽ khẳng định rằng: chỉ có những ai đi theo con đường Thiên Chúa đã vạch, tức thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha, thì mới được cứu rỗi, mới được vào Nước Trời mà thôi: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa, lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi."


Một khi đã "đi trật đường rầy", tức không thi hành ý Chúa, thì dù có tạo được kỳ công như nói tiên tri, xua trừ ma quỷ hay làm phép lạ cũng chỉ là không:


"Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà xua trừ ma quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều ác!"


Tuân giữ các giới răn bao gồm trong luật yêu thương là 'quỹ đạo' của con người, là con đường đưa chúng ta tới cùng đích của cuộc đời chúng ta.


Nếu chúng ta đi "trật đường rầy", " đi sai quỹ đạo", nghĩa là làm trái điều răn của Chúa, chúng ta sẽ lãnh lấy hậu quả đau thương.

LM Inhaxiô Trần Ngà

1829    02-03-2011 11:58:28