Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Chúa Nhật XXIX TN A_2

CÁI GÌ CỦA CÊSAR HÃY TRẢ CHO....
Mt 22, 15-21

Anh chị em thân mến,
Đức TGM Ngô Quang Kiệt, ngày 20. 09. 2008, trong bài phát biểu tại UBND TP. Hà nội, trước một cử tọa khá đông người, Ngài đã nói: " Chúng tôi đi ra nước ngoài rất nhiều. Chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét. Chúng tôi buồn lắm chứ. Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh..." Vậy mà hôm sau báo đài Việt Nam đã loan tin ầm lên, trong khi họ chỉ trích có một phần nhỏ câu nói của ngài: "Chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam ..." Thói đời là thế, khi người ta không ưa ai, muốn hạ bệ ai, nhất là khi người ta chẳng tôn trọng sự thật, chẳng sợ lương tâm gì cả... Câu chuyện hôm nay của Tin mừng cũng tương tợ thế, khi phái Pharisêu muốn gài bẫy để bắt bẽ Chúa Giêsu, cả muốn hạ bệ Người nữa. Kính mời anh chị em cùng suy niệm.

a/. Có hai điễm chúng ta cần lưu ý:

* Câu hỏi của người Do thái: "chúng tôi có được nộp thuế cho người La mã không?" Phái Pharisêu cùng bàn mưu với phái Hêrôđê; họ tìm cách bắt bẽ Chúa Giêsu. Họ hỏi Người: "chúng tôi có phải nộp thuế cho La mã không?" Thực ra, họ ghét cay ghét đắng người Lamã và cả phái Hêrôđê.... Qua câu hỏi này, họ đặt Chúa trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cái bẫy được gài rất chu đáo: Trả lời có cũng mắc bẫy, vì họ sẽ tố cáo Chúa không trung thành với hoàng đế. Trả lời không cũng dính luôn, vì nhóm pharisêu sẽ tố cáo Chúa không trung thành với dân tộc, muốn bán đứng quê hương mình. Họ nghĩ rằng thế nào Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi cái bẫy đã giăng. Nhưng họ không ngờ....!

* Câu trả lời của Chúa Giêsu: "Cái gì của Xêda, hãy trả cho Xêda, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa." Trước cái bẫy đang chờ sẵn, Chúa Giêsu rất bình tĩnh, tự chủ, không khiêu khích, cũng không sợ sệt, Ngài bảo họ đưa đồng tiền cho xem và hỏi: hình và danh hiệu này là của ai? Họ trả lời: của Xêda. Chúa liền nói: "Vậy thì của Xêdahãy trả về cho Xêda, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Câu trả lời làm cho hai phe nhóm phải bĩ mặt, đầy kinh ngạc. Họ không ngờ câu trả lời đầy khôn ngoan và kỳ diệu của Chúa...

b/. Câu trả lời của Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?

* Cái gì của Xêda, hãy trả cho Xêda: người Kitô hữu thuộc về Chúa, nhưng không ở ngoài guồng máy xã hội. Chúa xác định rõ rệt và tổng quát về vai trò của nhà nước, của các quyền bính xã hội trần thế. Triều đại Nuớc Thiên Chúa đã khai mở khi Chúa Giêsu ra đi rao giảng công khai, nhưng quyền bính trần thế vẫn còn cần thiết và chính đáng để duy trì và ổn định phát triển xã hội. Thiên Chúa hoàn toàn không lệ thuộc cũng không chống đối xã hội trần thế. Vì thế, CĐ Vatican II xác định: người kitô hữu có nhiệm vụ vừa tìm kiếm Nước Thiên Chúa, vừa có bổn phận xã hội là một công dân góp phần xây dựng xã hội công bằng, thịnh vuợng và đầy tình thương (HC Lumen Gentium).

* Cái gì của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa: sứ mạng của Chúa đến trần gian là sứ mạng tôn giáo, không phải là chính trị. Với sứ mạng tôn giáo, Chúa nhắc nhở mọi người có nghĩa vụ trở về với Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói vói Philatô: Nuớc tôi không thuộc về thế gian này; nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi sẽ chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái... Những người chất vấn Chúa Giêsu muốn nhìn Chúa dưới góc độ chính trị, nhưng chính Chúa lại muốn họ thấy Chúa là con người của tôn giáo.

Câu chuyện: Vua Henri nước Anh đã có vợ rồi; nhưng vua muốn bỏ vợ mình để cuới bà Anne Boleyne. Vua buộc các quần thần phải ký vào bản tuyên ngôn công nhận việc vua làm là đúng. Sau vua tuyên bố ly khai với Tòa Thánh, và lập Anh giáo. Thomas More (1478-1535) quan chưởng ấn rất mực trung thành của nhà vua, đã không nhận ly khai với Tòa Thánh, để theo Anh giáo. Ông đã bị kết án. Đây chính là tấm gương can đảm, dám nói lên sự thật: cái gì của Xêda, hãy trả cho Xêda, cái gì của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa. Chính vì thế mà Ông bị hành quyết và đã trở thành một vị thánh.

Thánh Gioan Tẩy giả cũng thế, vì lời nói ngay thật đã phải chết dưới lưỡi đao oan nghiệt của vua Hêrôđê... Tất cả mọi điều này để minh chứng câu nói của Chúa Giêsu: cái gì của Xêda phải trả lại cho Xêda, cái gì của Thiên Chúa phải trả cho Thiên Chúa.

c/. Gợi ý sống và chia sẻ:

Là người công giáo, trong cuộc sống bình thường, chúng ta có can đảm sẵn sàng tuyên xưng Chúa trước mặt mọi người, bằng lối sống ngay thật, không gian dối, không bè phái không? Sống trong xã hội, chúng ta vẫn phải có bổn phận tôn trọng luật pháp phần đời, nhưng vẫn luôn ý thức cuộc sống của ta là của Thiên Chúa, và ngày nào đó, ta phải trở về với Thiên Chúa không?

XIN THẦY CHO BIẾT Ý KIẾN
Mt 22. 15 21

Khi nói đến từ "bổn phận" thì tất chúng ta đều nghĩ ngay đến hai việc cần phải làm tròn, đó chính là bổn phận với Chúa và với người đời. Nhưng trong thực tế không phải người ta không biết về điều này nhưng đôi khi họ cố tình quên hoặc cố tình không hiểu, để rồi họ thắc mắc xem bên nào trọng hơn, bên nào kém hơn. Chính câu trả lời của Chúa Giêsu hôm nay đã làm thõa mãn biết bao người, đã làm sụp đổ ý đồ bắt bẻ xấu xa của bọn Pharisêu: "Của Xêsa hãy trả cho Xêsa, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa". Đó là câu trả lời đầy ý nghĩa sâu xa của Chúa Giêsu cho những người đối nghịch muốn gài bẫy để có cớ bắt bẻ Ngài.

Những người ấy chính là bọn Pharisiêu và những kẻ theo phái Hêrôđê. Trong thực tế, hai nhóm người này có trường phái ngược nhau; nhóm Pharisiêu thì chỉ muốn bênh vực truyền thống sống đạo của cha ông họ mà thôi. Họ coi đó là cách thế duy nhất để làm đẹp lòng Thiên Chúa, và trên phương diện chính trị thì họ không chấp nhận sự hiện diện của chính quyền Rôma đang nắm quyền cai trị vùng đất Palestine lúc đó.

Bấy giờ, vua Hêrôđê được hoàng đế Rôma bổ nhiệm nắm chính quyền, vua Hêrôđê này không phải là người Do Thái, nhưng ông là người dân ngoại không thuộc Do Thái giáo. Còn những người Pharisiêu thì không chấp nhận sự thống trị của chính quyền Rôma trên đất nước Palestine. Theo lẽ thường thì hai nhóm người này không hoà hợp được với nhau. Thế nhưng, trớ trêu thay, để chống lại Chúa Giêsu thì họ liên kết với nhau, những người Pharisiêu liên kết với những người của vua Hêrôđê.

Mặt khác, những người của Hêrôđê thì lại ủng hộ tập trường của vua Hêrôđê, tức của hoàng đế Rôma để chấp nhận sự thống trị của vua. Nhưng hai nhóm người này liên kết với nhau để đặt ra một vấn nạn mà họ cho là phức tạp nhất: "Có nên nộp thuế cho hoàng đế Xêsa hay không?". Nếu Chúa Giêsu trả lời là không, thì nhóm người Hêrôđê sẽ bắt Chúa vì tội xúi giục dân chúng làm loạn không nộp thuế cho hoàng đế Rôma. Còn nếu Chúa trả lời "có" thì những người phe Pharisiêu sẽ có cớ để tố cáo Chúa với dân chúng là Chúa đi với người ngoại bang, không đáng là một vị lãnh đạo tôn giáo.

Đối với họ, theo cái nhìn và suy luận của họ thì Chúa Giêsu chắc chắn sẽ rơi vào bẫy, vì không có câu nào khác để trả lời: Một là phải nộp thuế hai là không nộp thuế. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu làm cả hai hạng người này không bắt bẻ được Ngài, đồng thời Chúa Giêsu còn xác quyết một chân lý sự thật đầy mới mẻ, đó là: "Những gì của Xêsa hãy trả cho Xêsa và những gì của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa. Hãy tìm nước Thiên Chúa trước, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho anh em dư đầy".

Thử hỏi xem có một cái gì hay vật gì trong vũ trụ này mà lại không thuộc về Thiên Chúa? Trái đất và vũ trụ này do Thiên Chúa tạo dựng nên, và chính con người cũng được Ngài tạo dựng. Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận sự sống từ Ngài, bởi vì không có gì mà chúng ta đang dùng mà lại không do Ngài ban cho.

Vậy, nếu không trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài, không hướng về Ngài tất cả những gì trong vũ trụ hay tất cả những gì ta đang hưởng dùng thì đó là thái độ phản loạn của con người. Con người muốn chiếm hữu lấy chỗ của Thiên Chúa và qui mọi sự về chính mình, lấy mình làm chủ, làm tiêu chuẩn cho mọi sự, những thái độ kiêu ngạo sai lầm này chỉ dẫn đưa đón những tranh chấp, hận thù, bạo lực và xa rời Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, bao lâu mỗi người chúng ta không nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng chủ tể của mình, không trả lại cho Ngài và không qui hướng về Ngài tất cả những gì thuộc về Ngài, không để cho Thiên Chúa chiếm chỗ nhất trong cuộc sống của mình, thì bấy lâu con người không thể xây dựng một xã hội nhân bản xứng đáng là con người, không thể nào xây dựng một xã hội hoà hợp, trong đó mọi người nhìn nhận nhau như là anh chị em trong đại gia đình có Thiên Chúa là Cha: "Hãy trả cho Xêsa những gì của Xêsa, và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa".

Ngày hôm nay Giáo Hội tha thiết mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy dấn thân nhiều hơn nữa, đặt Chúa vào chỗ nhất trong cuộc sống của mình, đặt Chúa vào chỗ nhất trong mọi sinh hoạt xã hội của mình. Tất cả mọi biến cố, tất cả những gì chúng ta đang thừa hưởng là đến từ Thiên Chúa và đều do tình yêu thương của Ngài trao ban.

Lạy Chúa, chúng con vâng lời ca tụng những hồng ân Chúa ban, xin Chúa ban cho con nhiều sức mạnh để con vừa là tính hữu tốt, vừa là một công dân tốt, mải là một người sống "tốt đạo đẹp đời" . Amen

SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM
Mt. 22, 15 - 21.

Anh chị em thân mến.
Trong trận chiến nam bắc của mỹ, có một người lính dũng cảm dưới thời của tướng Abraham lincoln. Sau khi thống nhất đất nước, anh lính trẻ được đưa về phục vụ kề cận bên tổng thống. Hằng ngày anh ta đến văn phòng làm việc với bộ quần áo chỉnh tề, làm việc theo giờ giấc hẳn hoi, giữ mọi nghi lễ phép tắc của nơi làm việc. Đồng thời phải hoàn thành công việc theo mọi người đòi hỏi. Anh làm việc được mọi người thương yêu và kính trọng, vì sự nhiệt tình đồng thời còn là người của tổng thống. Nhưng anh ta cứ khó chịu vì công việc cứ lập đi lập lại hằng ngày. Với sức lực của một người trẻ, anh ta thấy công việc văn phòng dường như không thích hợp và có vẽ như vô ích cho anh. Một hôm anh gặp tổng thống và nói: "Xin hãy trao cho tôi một công việc như thế nào cũng được, khó khăn như thế nào tôi cũng không sợ, tôi sẵn sàng chết cho tổ quốc, chứ đừng dể tôi làm công việc nhàm chán này". Vị tổng thống bèn vỗ vai thân mật và nói với anh ta: "Anh muốn chết cho tổ quốc, chứ anh không muốn sống để phục vụ tổ quốc sao?"

Sau đó vị tổng thống bỏ đi, anh lính trẻ chắc cũng hiểu ra lời nói với anh, anh lo sống cho xứng đáng với trách nhiệm hiện tại để sống phục vụ cho tổ quốc.

Những người biệt phái và những người thuộc phái Hêrôđê họ họp nhau bàn tính để hại Chúa Giêsu. Họ là những người Do Thái đạo đức, họ đang trông chờ Đấng cứu thế. Vậy mà Đấng cứu thế ở bên họ, họ không chấp nhận, họ muốn loại trừ vì họ chỉ muốn sống theo như những gì mình muốn. Họ muốn sống đạo đức theo cách của họ, chứ không phải đạo đức như Thiên Chúa muốn. Họ đến bên Chúa Giêsu để hỏi về cách sống hiện tại, nhưng họ cũng không thuộc về hiện tại. Họ không chấp nhận được cái hiện tại mình đang sống, họ không chấp nhận được hoàn cảnh sống, họ không muốn thi hành những gì hoàn cảnh đòi buộc họ. Những người đó họ chỉ muốn thực hiện những gì theo ý riêng mình, họ không cần biết những gì họ muốn có hợp lý hay không.

Chúa Giêsu cho họ bài học về cuộc sống: "của César hãy trả cho César, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa". Ngài muốn nói với họ: họ đang dùng những gì mà trần thế ban cho họ, thì hãy chu toàn trách nhiệm mà trần thế đòi hỏi nơi họ, không được trốn tránh. Còn những gì của Thiên Chúa mà con người nhận biết được, thì cũng phải đền đáp cho xứng đáng với những gì họ nhận được từ Thiên Chúa. Nhưng họ cũng không chu toàn được.

Những người xưa là như thế. Còn những người của ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta; Thiên Chúa cũng cho mỗi người một địa vị, một hoàn cảnh sống, Thiên Chúa muốn mỗi người sống tốt trong hoàn cảnh địa vị của mình. Chúng ta nhìn lại xem: chúng đang là những người biệt phái, chúng ta đang tự hào mình là người đạo đức, nên tự cho mình cái quyền chê bai, chỉ trích người khác. Trân tráo hơn nữa, chúng ta còn cho mình một quyền hạn lớn lao hơn là bắt mọi người phải thi hành theo những gì mình gọi là đạo đức. Nếu người khác không chấp nhận thì làm đủ mọi cách để loại trừ và chê họ là quân vô đạo. Nhưng có khi nào chúng ta chịu nhìn lạixem, những gì mình nghĩ, mình muốn, đó có phải là những gì Thiên Chúa muốn không. Hay chúng ta chỉ đòi hỏi những gì không phải của hiện tại, không bằng lòng với những gì đang có; như vậy chúng ta giống như anh lính trẻ của vị tổng thống hoa kỳ: muốn chết cho tổ quốc, chứ không muốn sống để phục vụ tổ quốc.

Nếu chúng ta nhìn thấy được trách nhiệm của mình trong hiện tại, nhìn thấy được những gì mình cần phải làm, nhìn thấy được công việc mình phải chu toàn với tất cả trách nhiệm, để rồi bắt tay vào việc và hành động với tất cả trách nhiệm cần phải có. Khi đó chúng ta hoàn thành trách nhiệm những gì Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Khi đó chúng ta đang trả cho Thiên Chúa những gì là của Ngài. Nếu chúng ta nhận ra được những người chung quanh mình đang cần gì và không ngần ngại đáp ứng nhu cầu của họ, vì nhận ra Thiên Chúa nơi họ. Khi đó thật hạnh phúc cho chúng ta, vì lời của Chúa Giêsu: "của César hãy trả cho César, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa" đang được thực hiện một cách trọn hảo nơi chúng ta.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban ơn soi sáng và sức mạnh cho mỗi người, biết nhận ra trách nhiệm của mình đối với Chúa và với mọi người để biết thi hành cho tốt đẹp.

BỔN PHẬN ĐỐI VỚI CHÚA VÀ XÃ HỘI
Mt 22. 15 21

Nói đến loài người, chúng ta không thể nào bỏ qua vấn đề bổn phận. Vì con người tồn tại được là nhờ ơn Chúa và con người lớn lên nhờ có cha mẹ, tha nhân, xã hội chăm lo. Do đó, mọi người đều có bổn phận đối với Chúa và đối với đồng loại. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho người Do thái cũng là cho chúng ta hiểu thêm về vấn đề này.

Để hiểu đúng lời Chúa Giêsu dạy, trước nhất, chúng ta hãy xét đến bối cảnh của đoạn Tin Mừng này: Đất nước Do thái trong cảnh đô hộ, do người Rôma cai trị, ngoài việc phải đóng góp riêng cho đền thờ như luật Chúa truyền, họ còn phải nộp thuế cho đế quốc. Người Do thái nói chung không chấp nhận sự đô hộ này và coi việc nộp thuế là điều sỉ nhục, vì là dấu họ bị nô lệ cho dân ngoại. Thực ra, việc nộp thuế cho Rôma là vấn đề phức tạp, phái Hêrôđê và biệt phái không đồng quan điểm với nhau trong chuyện này. Người Do thái yêu nước không thể chấp nhận việc nộp thuế mà chỉ làm vì ép buộc, còn những người thuộc phái Hêrôđê thì đồng ý với đế quốc Rôma. Cả hai nhóm này tuy không đồng quan điểm nhưng hôm nay vì muốn chống Chúa Giêsu nên họ cùng đến để dò xét và tìm cách bắt bẻ Người.

Khi Do thái còn nô lệ Rôma thì không thể trốn tránh việc nộp thuế! Nhòm Biệt Phái và Hêrôđê biết rõ là vấn đề này chưa thể giải quyết được nên đã đưa ra hỏi với ý gài bẫy Chúa Giêsu. Hiểu được thâm ý của họ, Ngài bảo họ: "Cho Ta xem đồng tiền nộp thuế! " Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? " Họ đáp: "Của Xê-da." Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." (x. Mt 22, 19-22) Một khi đã chấp nhận xài tiền tức là chấp nhận mặc nhiên quyền của Cêza nhưng những người này vẫn làm ra vẻ như không chấp nhận. Ở đây, Chúa Giêsu vừa trả lời cho họ vừa muốn dạy họ phân định hai thực quyền khác nhau nhưng bổ túc nhau. Đó là:

Thế quyền có bổn phận điều hành, lo công ích xã hội, bảo đảm ổn định đời sống vật chất cho dân chúng. Người Do thái đã nhận sự điều hành này thì tất nhiên họ phải tuân theo những luật lệ chính đáng của chính quyền La mã.

Thần quyền vượt trên mọi quyền nhân loại, lo cho lợi ích đời đời của con người, con người phải tôn thờ, kính mến và tuân phục thiên Chúa qua những người đại diện Giáo hội.

Như vậy, sống trên đời này, con người có bổn phận tuân phục Chúa và những luật lệ hợp lý của xã hội nữa. Chúng ta không thể bỏ qua nhiệm vụ với xã hội khi sống đạo và khi lo bổn phận trần thế chúng ta không được đặt nhẹ bổn phận đối với Chúa. Chúng ta phải luôn tuân theo lời Giáo huấn của Chúa trong Giáo hội, giữ các giới răn, sống 8 Mối Phúc và năng lãnh các Bí tích.

Thế quyền có bổn phận lo an sinh và phát triển kinh tế, gìn giữ an ninh, bảo đảm trật tự xã hội cho chúng ta an ổn làm ăn sinh sống. Do đó, chúng ta có bổn phận đóng góp công sức cho xã hội theo lẽ công bằng và mưu ích hạnh phúc cho toàn xã hội trong đó có chúng ta.

Là những người con cùng một Cha, chúng ta đừng chỉ lo cho mình mà quên đi quyền lợi của người khác. Còn đối với chính mình, chúng ta biết lo nuôi xác thì cũng phải biết nuôi hồn cho tương xứng vì chúng ta là loài có xác và hồn. chúng ta phải sống sao để làm tròn bổn phận và đặt bổn phận vâng phục Chúa ưu tiên trên tất cả.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy cho chúng con hiểu đúng bổn phận của mình đối với Chúa và đối với trần thế. Xin cho chúng con biết thi hành bổn phận này trong cuộc sống để mưu cầu hạnh phúc cho chính mình cũng như cho tha nhân trong xã hội mình đang sống.

CHÚA NHẬT THỨ HAI MƯƠI CHÍN MÙA THƯỜNG NIÊN
Mt 22, 15-21

1. Tình trạng hai «bản tịch» của Đức Giê-su

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự xung đột giữa hai «
bản tịch» của Đức Giê-su cũng như của mọi Ki-tô hữu có quê hương dân tộc, nghĩa là vừa là tín đồ của một tôn giáo, tức «giáo tịch», vừa là người dân của một đất nước, tức «quốc tịch». Ngài cũng như chúng ta, vừa phải yêu mến Thiên Chúa và có những bổn phận tôn giáo (như thờ phượng Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội, hành xử theo lương tâm…), vừa phải yêu quê hương đồng bào và có nghĩa vụ đối với đất nước của mình (như tôn trọng pháp luật, đóng thuế, quân dịch…). Hai thứ trách nhiệm này thường phù hợp với nhau, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp chúng xung đột nhau: trung thành với tôn giáo thì có vẻ như phản bội đất nước, và ngược lại.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, người Pha-ri-siêu và phe đảng Hê-rô-đê hợp nhau đặt bẫy Đức Giê-su. Người Pha-ri-siêu là phe chủ trương trung thành với Do Thái giáo và đất nước Do Thái, vì thế, họ âm thầm chống lại người Rô-ma đang cai trị đất nước họ. Còn phe đảng Hê-rốt là người của Hê-rô-đê An-ti-pa - tiểu vương miền Ga-li-lê - chủ trương ủng hộ chính sách đô hộ của Rô-ma. Vì thế, hai phe này thường chống đối nhau kịch liệt: người Pha-ri-siêu coi phe Hê-rô-đê là phản Thiên Chúa và phản quốc; còn phe Hê-rô-đê là tay sai của đế quốc, tìm cách giết chết từ trong trứng nước những mầm mống chống lại đế quốc trong dân Do Thái.


Điều rất lạ là trong bài Tin Mừng này hai phe chống đối nhau ấy lại hợp sức với nhau hãm hại Đức Giê-su, bằng cách đặt Ngài vào một trường hợp thật khó xử là sự xung đột giữa hai «
bản tịch» ấy. Họ chất vấn Ngài: «Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?» Trả lời thế nào Ngài cũng đều bị kết án. Nếu nói «được phép», Ngài sẽ bị người Pha-ri-siêu lên án là ủng hộ người Rô-ma là kẻ thù của dân tộc, đồng thời chống lại Thiên Chúa mà tín đồ Do Thái giáo coi là vị Vua duy nhất. Còn nếu bảo «không được» thì người của Hê-rô-đê sẽ bắt Ngài nộp cho chính quyền Rô-ma vì tội tuyên truyền phản động, chống lại chính sách của đế quốc. Nhưng Đức Giê-su đã trả lời họ một cách thật tài tình, khiến cho cả hai phe không bắt bẻ Ngài được, đồng thời cho chúng ta một nguyên tắc để hành xử khi mang hai «bản tịch» trên. Đó là «của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa».

2. Thần quyền hợp với thế quyền bách hại Đức Giê-su


Người mang hai «
bản tịch» như thế bị chi phối rất nhiều bởi hai lực lượng: thần quyền bên tôn giáo và thế quyền bên đất nước, xã hội. Lý tưởng nhất là hai lực lượng này cùng quan tâm đến những thiện ích chung của mọi người để cùng cộng tác với nhau, mưu lợi ích và hạnh phúc cho toàn dân. Đó là điều đại hạnh phúc cho mọi người dân, mọi tín đồ. Nhưng tại nhiều quốc gia, thần quyền và thế quyền chống đối nhau, nhất là khi hai bên có những quan điểm căn bản ngược lại nhau. Chẳng hạn khi thế quyền chủ trương vô tôn giáo, hoặc nghiêng hẳn về một tôn giáo nào đó, coi tôn giáo đó là quốc giáo, khiến tín đồ các tôn giáo khác lâm vào thế bị bạc đãi. Lúc đó, những người dân hai «bản tịch» bị ngược đãi ấy bị buộc phải chọn một bên và bỏ một bên một cách thật đau lòng. Đau lòng là vì họ chẳng muốn bỏ một bên nào, bên nào cũng hết sức thân thiết với họ. Họ lâm vào thế kẹt: hễ trung thành với tôn giáo thì bị nhà nước kết án, mà trung thành với nhà nước thì bị tôn giáo kết án.

Nhưng cũng có những trường hợp thần quyền và thế quyền hợp với nhau áp bức và bóc lột người dân vốn thấp cổ bé miệng, như trường hợp bài Tin Mừng hôm nay. Lúc đó thần quyền có thể trở thành công cụ của thế quyền hoặc ngược lại: hai bên lợi dụng thế của nhau để áp bức người dân, để cùng có lợi. Hai bên có thể thỏa hiệp với nhau, bênh vực hay tương nhượng lẫn nhau, hoặc bên này im lặng để mặc bên kia tự do hành động sai trái, bất chấp quyền lợi chung của đất nước, tôn giáo, hay người dân.


Thần quyền cũng như thế quyền đều được lập nên nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung của dân chúng và của các tín đồ. Thần quyền còn nhằm phụng sự Thiên Chúa. Nhưng lịch sử các quốc gia và các tôn giáo, cũng như cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy: không phải lúc nào thần quyền và thế quyền cũng đi đúng mục đích của mình. Nhiều trường hợp họ theo đuổi những mục đích cá nhân hay tập thể nhỏ của họ. Thiết tưởng các Ki-tô hữu chân chính, tức những môn đệ đích thực của Đức Giê-su, cho dù hoạt động trong thần quyền hay thế quyền, cũng luôn luôn đặt quyền lợi của Thiên Chúa, của đất nước, của tôn giáo và của dân chúng lên trên hết. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân, quyền lợi cá nhân cũng như tập thể nhỏ của họ cho mục đích cao cả ấy. Nếu không thì càng giữ chức vụ cao, họ càng trở thành công cụ của Xa-tan, của sự ác, và đương nhiên chức vụ cao ấy sẽ là nhân duyên tạo nên sự trừng phạt của Thiên Chúa dành cho họ.


3. Áp dụng nguyên tắc của Đức Giê-su


Là tín đồ của một tôn giáo trong một đất nước, chúng ta có hai «
bản tịch» với hai loại nghĩa vụ: một là đối với Thiên Chúa, Giáo Hội, đời sống tâm linh, lương tâm con người; hai là đối với quốc gia, xã hội. Người Ki-tô hữu cần cố gắng thi hành trọn vẹn chừng nào có thể hai loại nghĩa vụ ấy. Việc này sẽ dễ dàng nếu hai thế lực đạo và đời cùng đồng quan điểm và cùng hợp lực với nhau vì ích lợi chung. Lúc đó, cả hai thế lực đều là những công cụ phục vụ điều thiện, vì thế, tuân theo mệnh lệnh của những thế lực ấy cũng chính là vâng lời Thiên Chúa. Thánh Phê-rô đưa ra nguyên tắc: «Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua» (1Pr 2,16). Đối với nhà nước phục vụ ích lợi chung như thế, thánh Phao-lô nói: «Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt» (Rm 13,1-2). Đó chính là áp dụng lời của Đức Giê-su: «Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa», nghĩa là nghĩa vụ thuộc bên nào thì hãy chu toàn nghĩa vụ ở bên nấy.

Tuy nhiên, lý tưởng trên nhiều khi không xảy ra, lúc đó người dân hai «
bản tịch» sẽ gặp nhiều khó khăn. Là người Ki-tô hữu, chúng ta cần phải đặt thánh ý Thiên Chúa và lương tâm con người lên trên hết. Và kế đó là phải phân biệt giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của hai thế lực đạo, đời ấy. Chủ trương và động lực của hai thế lực này không phải luôn luôn phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa và lương tâm con người. Hai thế lực ấy vốn là bề trên, là bậc cha mẹ mà bình thường ta phải tuân phục. Đức vâng phục Ki-tô giáo đòi buộc chúng ta phải tuyệt đối vâng lời bề trên bao lâu chúng ta biết mệnh lệnh của bề trên phản ảnh thánh ý của Thiên Chúa. Chừng nào chúng ta thấy mệnh lệnh của bề trên không còn phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa, thì dù bề trên ấy là thần quyền hay thế quyền, chúng ta không phải tuân phục. Vì «phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm» (Cv 5,29). Nếu ta biết ý của bề trên phản lại ý muốn của Thiên Chúa mà vẫn nhắm mắt vâng lời là ta đã phạm tội đồng lõa với họ. Hãy xem gương dân Do Thái, chính vì hùa theo giới lãnh đạo tôn giáo giết Đức Giê-su và các ngôn sứ, mà hậu quả là nước Do Thái đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới gần 20 thế kỷ.

Điều quan trọng là chúng ta phải thực hành thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện qua lương tâm ngay thẳng và được giáo dục của mình, bất chấp làm như thế có ý nghĩa chính trị hay thương mại hay gì gì khác nữa. Chúng ta không chủ trương làm chính trị hay thương mại, mà chỉ chủ trương làm theo thánh Thiên Chúa hay lương tâm. Không thể vì một bổn phận nào đó mang ý nghĩa chính trị hay thương mại mà chúng ta có quyền miễn làm theo thánh ý Thiên Chúa hay theo tiếng nói của lương tâm. Trước những xung đột như thế, hãy tự hỏi: ta phải làm theo ý Thiên Chúa hay theo ý muốn của con người?


Cầu nguyện


Lạy Cha, chúng con đang sống trong một thế gian đầy phức tạp, việc sống theo ý muốn của Cha không phải là đơn giản, vì rất nhiều khi các nguyên tắc chồng chéo và mâu thuẫn nhau. Chính vì thế, chúng con phải biết nguyên tắc nào là cao nhất. Nguyên tắc cao nhất mà Kinh Thánh mặc khải cho, chính là: «
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm» (Cv 5,29), hay «Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào Nước Trời mà thôi» (Mt 7,21). Xin cho con biết tuân thủ nguyên tắc ấy qua lương tri và lương tâm của con. Amen.

John Nguyễn


CÁI GÌ CỦA CÊSARÊ THÌ TRẢ CHO CÊSARÊ....
Mt 22, 15-21

Đọc bài Phúc âm hôm nay, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu, thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi của đối phương đề cập đến pháp luật của hoàng đế La Mã và chuyện có nên nộp thuế cho Cêsarê hay không thì Ngài lại nói đến quyền hành của Thiên Chúa.

Thực tế mà nói, vấn đề nộp thuế là chuyện đương nhiên, không cần phải bàn. Vả lại câu hỏi được đặt ra cũng không đúng vào đâu, chẳng qua đối phương muốn bàn mưu để bắt bẻ và ám hại Chúa mà thôi. Cái gút mắc của vấn đề là: dân Do Thái thời bấy giờ đang bị đế quốc La Mã xâm chiếm và đô hộ, vì thế họ xem người La mã như dân vô đạo và thù nghịch, vậy thì nộp thuế cho hoàng đế Cêsarê (một kẻ ngạo mạn phách lối dám tự cho mình là thần thánh) là một hành vi nhục mạ điều luật Thiên Chúa (vì ngươi chỉ tôn thờ một Chúa duy nhất mà thôi). Cho nên: nếu bảo rằng phải nộp thuế, Chúa Giêsu sẽ bị họ tố cáo là kẻ phiến loạn. Trước câu hỏi đầy mưu mô của đám Hêrôđê và biệt phái. Chúa Giêsu lên tiếng: "
Hãy trả cho Cêsarê những gì Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa những điều thuộc về Thiên Chúa". Qua câu trả lời này, ta thấy Chúa phân biệt rõ quyền hạn của Cêsarê và quyền lực của Thiên Chúa.

Mối tranh chấp giữa thần quyền và thế quyền, giữa đạo và đời đã xảy ra từ thời của Chúa Giêsu cũng như từ muôn thuở. Một thí dụ điển hình trong lịch sử Pháp quốc: vào năm 1801, một "
hoà thân điều ước" (concordat) đã được ký kết giữa hoàng đế Nã Phá Luân đệ I và Đức Giáo Hoàng Piô VII; cho đến năm 1905 thì sự tách lìa hai quyền bính thiêng liêng và trần thế đã được tuyên bố dứt khoát.

Trở lại bài Phúc Âm, Chúa Giêsu khi rao giảng Tin Mừng, Ngài không muốn được coi như vị cứu tính chính trị theo ý của người Do Thái. Ngài không đến để nắm lấy chính quyền, đảm nhận trách nhiệm và chúc vụ như một vị hoàng đế Cêsarê hay như một vị vua Hêrôđê. Trong thực tại, Ngài phân biệt rõ thần quyền và thế quyền, tuy công nhận quyền hành chính trị như một điều tất nhiên, nhưng Ngài tự đặt mình vào mức độ khác. Nước Trời mà Ngài đang rao giảng và đang thể hiện nơi Ngài hoàn toàn khác biệt và không cạnh tranh với đế quốc của Cêsarê, vì Nước Trời là vương quốc trường tồn của Thiên Chúa dành cho tất cả, nơi đó không có áp chế, không phân chia kẻ đô hộ và người bị trị.


Thái độ của Chúa cho thấy rõ chính trị có giá trị riêng của nó. Các xã hội ngày nay cần phải có sự tổ chức theo phương diện chính trị, nhưng Thiên quốc không được lẫn lộn với bất cứ thể chế hoặc cơ cấu tổ chức trần thế nào, cho dù chế độ đó có hoàn mỹ chăng nữa.


Chính trị là nghệ thuật và khoa học bảo đãm đời sống con người một cách hài hòa trong một xã hội. Mục đích chủ yếu là: kiếm tìm ấm no hạnh phúc cho từng người, tôn trọng và bảo vệ an ninh trật tự cho mọi công dân v..v... Những mục tiêu này cần phải hoà hợp với các tôn chỉ của Nước trời nơi mà tình yêu và sự kính trọng Thiên Chúa được gắn liền với tha nhân. Nơi nào có liên hệ đến số mệnh của con người thì nơi đó có Thiên Chúa. Vì thế Giáo hội vẫn kêu gọi các tín hữu không nên khinh thường sứ mệnh và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo quốc gia, đồng thời phải thi hành đúng bổn phận người công dân (nộp thuế, nghĩa vụ...) cũng như tích cực góp phần xây dựng xã hội cho tốt đẹp hơn.


Để đạt mục đích này, các xã hội trần gian sử dụng nhiều phương thế khác nhau, có những chính sách phức tạp và cơ cấu tổ chức đa diện đôi khi cũng tương phản nữa... Nhưng trong lãnh vực chính trị, Giáo hội luôn tôn trọng sự tự trị của quyền bính thế trần với mỗi cách thức riêng biệt của nó, và dĩ nhiên Thiên Chúa không tự biểu lộ dưới hình thức các đảng phái chính trị: thật là sai lầm khi gán ghép Thiên Chúa trong phe tả hoặc phe hữu. Tiếc rằng trên chính trường thế giới ngày nay, ta thấy có những chính thể dám khinh thường và chống chọi quyền bính của Thiên Chúa, hoặc ngược lại tuyên bố hữu thần nhưng ngang nhiên áp bức, bốc lột, chà đạp phẩm giá và tự do của con người. Và chúng ta đã thấy rõ nơi nào mà tất cả không được tôn trọng thì nơi đó con người cũng không được đề cao. Khi quyền lực của một quốc gia coi rẻ nhân phẩm thì đương nhiên công dân sẽ bị áp bức chà đạp. Một chính thể vô thần thì cũng vô nhân đạo một cách bi thảm.


Vì thế, những gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê và những gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa. Chúng ta đều biết Cêsarê là hiện thân cho một đế quốc hùng lực và giàu mạnh của thời lịch sử đã qua, nhưng Cêsarê cũng còn là biểu tượng cho thế lực tiền bạc hay tham vọng quyền bính và lợi danh dưới mọi hình thức trong xã hội ngày nay đối với mọi người... nhưng xin đừng lên án vội, vì Cêsarê có thể là kẻ khác mà cũng có thể là chính mỗi người chúng ta. Cho nên trong cái phức tạp của đời sống, trong sự giằng co thường nhật, Thiên Chúa mời gọi chúng ta nên nhận thức rõ vấn đề chọn lựa và chu toàn trách nhiệm.


Trước một câu hỏi chỉ nêu lên vấn đề pháp lý trần thế, Chúa đã khéo léo nhắc đến bổn phận của con người đối với Thiên Chúa. Vậy thì lúc mà chúng ta chu toàn công việc hằng ngày là lúc mà chúng ta đang trả cho Cêsarê những gì thuộc về Cêsarê, và đến lúc tham dự Thánh Lễ, khi bánh và rượu mà Chúa ban cho chúng ta được dâng lên trước bàn thờ, thì lúc đó chúng ta đang dâng lên Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài.

Paul-Maurice Lâm Thái Sơn (nguồn vietcatholic.org)

2975    14-10-2011 06:25:31