Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Chúa Nhật XXVI Thường Niên B năm 2015

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN B
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48

“Đừng ngăn cản người ta” (Mc 9, 39)

Môn đệ của Chúa Giêsu lấy làm khó chịu khi có người nhân danh thầy mình mà trừ quỷ, cụ thể là Gioan, môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến một cách đặt biệt nhưng Chúa Giêsu giải thích cho môn đệ của mình: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Có hai cái nhìn về một sự việc: cởi mở và đố kỵ, cái nhìn của con người và cái nhìn của Chúa.

Phản ứng của Gioan tuy chưa đến mức độ gay gắt nhưng cũng cho thấy ẩn tàng thái độ tranh giành hơn thua và loại trừ người khác. Những ai không cùng phe cùng nhóm với mình thì khó lòng chấp nhận hành động của họ cho dù họ làm đúng, làm tốt. Ông ỉ lại sự ưu ái của Chúa và khư khư giữ chân lý dành cho mình. Con người thường hay đố kỵ, ganh tỵ với thành công, ưu điểm của người khác, sợ ảnh hưởng của mình bị chi phối. Lòng đố kỵ và cái nhìn nhỏ hẹp làm cho đời sống con người không thể phát triển, nhất là đời sống đức tin không thể trưởng thành và những người xung quanh không thể nhận ra hình ảnh của Chúa. Co cụm trong suy nghĩ và hành động chỉ thêm cho mình sự cằn cõi và ù lì.

Ngược lại, Chúa Giêsu nhìn sự việc rất cởi mở và thanh thoát, người khác nhân danh mình để làm điều tốt đó là một thành công và uy tín được xác định, nhưng Chúa Giêsu không quan tâm đến điều đó. Ngài mời gọi sự hoà hợp và đón nhận nhau khi làm việc tốt và nhất là loại trừ cái xấu, đó là “trừ quỷ” , cùng nhau xây dựng, bảo vệ cái tốt. Đặc biệt hơn trong lòng mỗi người phải giữ cho mình một thứ “muối” thật mặn để ướp cuộc sống thêm mặn mà, nồng ấm tình người hơn và “sống hoà thuận” với nhau. Khi con người đón nhận ưu điểm, ngay cả giới của nhau và nhìn cuộc sống với tấm lòng rộng mở thì cuộc sống trở nên tốt đẹp.

Sống cởi mở, đón nhận nhau cùng nhau lên tiếng bảo vệ sự thật, lên án bất công và cái xấu là điều cần phải làm cũng như không thể vì lòng đố kỵ mà cản trở người khác đang xây dựng một môi trường sống tốt đẹp. Với Chúa Giêsu mỗi người cùng nhau mang hạnh phúc, bình an và chan chứa tình huynh đệ cho cuộc sống ngày hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho con có tấm lòng quảng đại như Chúa để thật lòng đón nhận ưu khuyết điểm của người khác, sống hoà thuận và yêu thương để cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.

CÙNG NHAU RAO TRUYỀN CHÂN LÝ
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48

Mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin cho danh Chúa cả sáng, nước Chúa trị đến trên thế giới cũng như trong lòng mỗi người, cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là chân lý tối hậu hầu được ơn cứu độ.

Thế nhưng trong việc rao truyền chân lý, Chúa không chỉ trao cho một số người, nhưng kêu gọi mọi người hãy sống và làm chứng cho Sự thật, ai đứng về phía Sự thật thì nghe tiếng Chúa. Sự thật là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết và sống lại để cứu chuộc loài người. Tất cả những ai nghe biết Tin mừng này đều được phép và có bổn phận loan báo cho mọi người xung quanh.

Ngay từ thời Cựu ước, trong Bài đọc I, chúng ta thấy Thiên Chúa lấy thần trí của Môsê ban cho 70 vị bô lão để họ cùng với Môsê lo cho dân Chúa. Tuy nhiên, lúc đó có một số người ganh tỵ dùm cho Môsê và xin Môsê cấm các ông bô lão nói tiên tri. Môsê đã tỏ rõ lập trường của mình: “chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban thần trí Người cho họ”. Môsê không dành độc quyền cho mình trong việc giảng dạy nhưng sẵn sàng cho nhiều người cộng tác với mình, miễn sao cho danh Chúa được cả sáng.

Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa giêsu cũng không dành độc quyền giảng dạy và chữa bệnh cho nhóm tông đồ mà sẵn sàng cho phép những ai tin mến Chúa được cộng tác vào công việc này. Chúa giêsu đã sửa lại quan niệm độc quyền của các ông :“đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh thầy làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu thầy. Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con”. Ai nhân danh Chúa làm điều tốt thì Chúa ủng hộ, còn ai làm điều xấu thì đáng bị phạt, nhất là khi điều xấu đó làm ảnh hưởng đến người khác và trở nên gương xấu cho những kẻ bé mọn.

Như vậy, mọi người trên thế giới dù thuộc tôn giáo hay dân tộc nào cũng hãy sống tốt, sống nhân hậu, hợp tác với nhau để chân lý được sáng tỏ như vầng hồng chính ngọ, chân lý về một Thiên Chúa nhân từ hay xót thương nhưng công bằng vô cùng. Ngài là Đấng tạo dựng nên muôn loài và cũng là Đấng ban ơn cứu chuộc cho nhân loại. Những ai rao truyền chân lý, trước tiên hãy là tấm gương phản chiếu lòng nhân từ, yêu thương, công bình của Thiên Chúa nơi chính mình, Nhờ đó, mọi người nhận thấy Thiên Chúa trong công việc và đời sống của mình, họ sẽ ca khen Thiên Chúa và đáp trả lại tình thương của Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô và các môn đệ của Người.

Những ai còn sống trong đố kỵ, phân biệt giai cấp, kỳ thị chủng tộc, loại trừ người khác là đang làm ngược lại ý Chúa và đang tiêu diệt chính mình. Chuyện kể rằng : có 6 người đi lạc giữa đêm giá lạnh vùng băng tuyết. Họ xúm xít nhau bên đống lửa để đỡ giá lạnh. Nhưng điều lạ là đống lửa sắp tàn, và mỗi người đang cầm một thanh củi trên tay mà không ai bỏ vào lửa cho nó tiếp tục cháy.

Người thứ nhất là một quả phụ. Bà thấy người ngồi bên cạnh là một thanh niên da đen. Bà tự nhủ: tại sao mình hy sinh thanh củi này để sưởi ấm ngoại kiều?

Người thứ hai thấy người gần bên là một kẻ thuộc phe đối lập nên nghĩ: tại sao mình phải hy sinh khúc củi này để sưởi ấm kẻ thù?

Người thứ ba là một người nghèo khổ đói rách, nhìn thấy bên mình là một người giàu có sang trọng. Anh tự nhủ: tại sao mình phải hy sinh miếng củi này để sưởi ấm cho hạng giàu sang ích kỷ?

Người thứ tư chính là kẻ giàu sang đó. Anh thấy kẻ nghèo khó bên cạnh thì nghĩ: dại gì mình bỏ thanh củi mình ra, để sưởi ấm cho hạng cùng đinh lười biếng này.

Người thứ 5 chính là anh thanh niên da đen. Anh nghĩ người da trắng hay hà hiếp người da màu, anh dứt khoát không bỏ thanh củi của mình vào đống lửa để trả thù bọn da trắng.

Người sau cùng thuộc nhóm xã hội đen, không tin ai và cũng chẳng làm việc gì cho ai nếu không có lợi. Hắn tự nhủ: nhất định mình không bỏ khúc củi của mình vào đống lửa để cho bọn đó sưởi ấm.

Do đó, đống lửa từ từ tàn hết. Cuối cùng cả sáu người đều chết cóng vì giá lạnh, không chỉ vì giá lạnh bên ngoài mà vì sự giá lạnh của tâm hồn ích kỷ, hẹp hòi, phe phái…

(x. Minh Hoạ Lời Chúa - LMTV- Tập 3, tr.142, “Tinh thần đoàn kết xây dựng”)

Nếu mọi người biết bỏ qua những khác biệt nhỏ nhen và những tính toán ích kỷ thì thế giới ngày càng phát triển trong ổn định. Nếu loài người biết noi gương Chúa Giêsu sống yêu thương, quãng đại, hy sinh, nếu loài người biết loại bỏ óc bè phái và sống cho Sự Thật, thì Nước Chúa được trị đến và nhân loại hạnh phúc biết chừng nào.

NHÃN HIỆU KHÔNG CẦN ĐĂNG KÝ CHỦ QUYỀN
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48

Trong việc kinh doanh, ai cũng muốn có lợi. làm lợi một cách ngay thẳng do tài khéo, công sức, do chất xám là một việc đáng hoan nghênh. thế nhưng có những người làm lợi một cách phi pháp, làm hàng nhái, hàng giả, hàng dỏm, làm hại người khác thì đáng chê trách và đáng phạt.

Chính vì thế mà các nhà cầm quyền buộc người kinh doanh phải đăng ký bản quyền, đăng ký chất lượng, đăng ký mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm…..cốt bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả nhà sản xuất.

Không biết luật độc quyền kinh doanh này đã có từ bao giờ mà ở đây, chúng ta thấy các tông đồ đã áp dụng luật “nhãn hiệu độc quyền”rồi. Khi thấy người ta nhân danh thầy để trừ quỷ, các ông đã ngăn cấm, không cho phép họ sử dụng danh của thầy mình để làm chuyện đó. Có lẽ các ông lo xa, sợ người ta xử dụng danh Thầy một cách bừa bãi, làm chuyện không tốt nên đã cấm như vậy. Chủ ý tốt, nhưng dường như đã không được Chúa Giêsu tán thưởng. Tại sao ?

  • Việc làm của Chúa Giêsu là việc làm từ thiện giúp người, đó không phải làm việc làm để trục lợi cho cá nhân, mà đã là từ thiện giúp đời thì càng nhiều người làm càng tốt, không nên độc quyền làm gì, như thế sẽ hạn chế hiệu quả, như thế không còn từ thiện thực sự mà ngược lại nhiều khi còn bị rơi vào cám dỗ về danh và lợi. Không ít những cá nhân, những tổ chức lấy danh nghĩa làm từ thiện để được nổi danh, để được ủng hộ, sau đó, trích lại một phần để bỏ túi riêng, chia chác cho nhau. Lúc đầu là làm từ thiện nhưng sau đó đổi lại là thiện từ từ ( từ Hán- Việt, thiện có nghĩa là ăn.)
  • Lý do thứ hai: Chúa Giêsu không sợ bị người ta lợi dụng danh của mình để làm bậy. Bởi vì vàng thật thì không sợ lửa. Nếu như có ai đó giả danh Người để trục lợi, để làm chuyện xấu thì sớm muộn mọi việc cũng được phơi bày, bởi vì Ngài chính là sự thật, sự thật thì không thẻ bị lẫn lộn với gian trá được, dù cho gian trá có xảo huyệt tới mức nào. Không phải là chúng ta đã từng thấy những kẻ hô hào, khua môi múa mép thay trời hành đạo, nhưng rồi ai cũng thấy rõ đó chỉ là “hàng giả”! chỉ là lường gạt đó sao ? Bác ái thật chỉ có ở nơi Chúa, bởi vì Chúa chính là Tình Yêu và những kẻ ở trong tình yêu thì thuộc về Chúa. Những kẻ tâm địa bất chính thì không thuộc về Chúa, dù có che đậy, hóa trang cách cũng không thể giống Chúa được, vậy thì việc gì phải lo sợ người la đội lớp giả danh ?

Tóm lại khi bảo các tông đồ không nên cấm người ta nhân danh chúa để trừ quỷ, Chúa Giêsu đã mở đường, cấp phép cho mọi người được tự do làm việc thiện giúp ích cho đời, đem lại hạnh phúc cho con người. Người cũng thách thức những kẻ có dã tâm muốn mượn danh đội lớp Chúa để làm chuyện xấu, vì không ai có thể mạo danh sự thiện để làm điều ác mà không bị lật tẩy.

HƯỚNG TÂM HỒN LÊN
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48

Cha Zundel đã có định nghĩa nghe rất lạ tai nhưng cũng rất hay rằng: “Thiên Chúa là khi bạntốt”. Nói như thế có nghĩa là bất kì khi nào chúng ta “tốt”, chúng ta đều là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa, trong suốt với Thiên Chúa và trở nên giống Thiên Chúa mọi đàng. Nhưng thế nào là tốt? Một người được gọi là tốt thì phải như thế nào? Nếu liệt kê từng chi tiết nhỏ thì có lẽ chúng ta không thể ra hết được. Nhưng chúng ta có thể nói, một người tốt là người sống theo tinh thần Phúc Âm, mà cụ thể là sống theo tình yêu thương như Chúa đã yêu.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta một tiêu chuẩn, một phương thế để sống tình yêu là không ghen tị và ghen tương; không sống tinh thần cục bộ. Biết sống đoàn kết trong tổ chức, trong nội bộ của mình là tốt, nhưng chưa đủ. Do đó, chúng ta còn phải biết hướng nhìn về những người khác nữa. Nói cách khác, chúng ta không được phép loại trừ những người khác phe nhóm với mình, khác tổ chức của mình. Chúng ta cần phải sống tinh thần mà Chúa Giêsu dạy chúng ta hôm nay: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

Các tông đồ của Chúa Giêsu ngày xưa cũng phạm phải tội ghen tương và đầu óc cục bộ khi thấy có những người không thuộc nhóm các ông lại nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ. Các ông nói với Chúa Giêsu câu chuyện ấy với ý định là nhờ Chúa Giêsu cấm những người ấy không được phép làm những chuyện mà các ông đang làm nhân danh Chúa, vì các ông nghĩ rằng chuyện trừ quỷ là ân huệ chỉ dành riêng cho ông mà thôi. Nhưng Chúa Giêsu không những không làm theo ý các môn đệ của mình mà còn sửa dạy các ông, giúp các ông biết mở lòng ra và hướng tâm hồn lên để “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Ghen tị, ghen tương, đầu óc cục bộ không làm cho con người ta lớn lên được mà chỉ quanh quẩn trong những chuyện nhỏ nhặt, kéo ghì con người xuống. Vì thế, chúng ta rất cần sống tinh thần vui với người vui, khóc với người khóc mà Thánh Phaolô đã dạy chúng ta. Điều này, mới nghe tưởng dễ nhưng thực hành là điều rất khó. Có thể, chúng ta “khóc với người khóc thì dễ hơn vì khi đó, chúng ta thấy mình ở trên người khác; may mắn hơn người khác, thành công hơn người khác. . . Nhưng vui với người vui thì khó hơn nhiều. Bởi lẽ, khi thấy người ta thành công hơn mình, may mắn hơn mình, ở vị trí cao hơn mình thì khó lòng mà vui theo người ta được lắm. Nếu có thì chỉ ơ bên ngoài mà thôi, còn trong lòng có thể mình đang bực tức lắm đây. Con người ta phức tạp lắm. Vì thế, chúng ta cần phải hướng tâm hồn lên, bay cao lên trên những tình cảm tự nhiên của chính con người mình để chúng ta không bị lệ thuộc vào những chuyện nhỏ nhen, ích kỷ nơi ta, là nguyên dân làm tâm hồn ta không thể nâng lên cùng Chúa được.

Câu chuyện có tính cách ngụ ngôn sau đây đã xảy ra tại thế kỷ thứ 16 tại Ấn Độ. Trong triều đình có hai viên sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tị, một người thì tham lam.

Để chữa trị những tính xấu ấy, vua cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều đình. Vua thông báo sẽ tưởng thưởng hai viên sĩ quan vì những phục vụ của họ trong thời gian qua. Họ có thể xin gì được nấy, tuy nhiên, người mở miệng xin đầu tiên chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.

Cả hai viên sĩ quan đều đứng thinh lặng trước mặt mọi người. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị thì lý luận: thà tôi không được gì còn hơn là mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi... Cứ thế, cả hai đều suy nghĩ trong lòng và không ai muốn lên tiếng trước. Cuối cùng, vua mới quyết định yêu cầu người ganh tị nói trước. Người này lại tiếp tục suy nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam kia được gấp đôi. Nghĩ như thế, hắn mới dõng dạc tuyên bố: "Tôi xin được móc một con mắt...!". Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị móc hai con mắt.

Lắm khi chúng ta không hài lòng về cái mình có và chúng ta cũng không sung sướng khi người khác gặp nhiều may mắn hơn chúng ta. Không bằng lòng về chính mình, chúng ta không được hạnh phúc, mà bất mãn về người khác, chúng ta lại càng đau khổ hơn.

Tình trạng phe này đối nghịch với phe khác, đoàn thể này không hợp với đoàn thể kia. . . hình như ngày nay càng càng gia tăng, đặc biệt là trong xã hội văn minh và hiện đại như hôm nay. Ai cũng muốn cho công việc của mình là độc quyền, không ai có thể thay thế được. Sợ rằng mình bị mất ảnh hưởng, sợ mình không còn được ai nhắc đến, cần đến hay hết còn được đề cao nữa. Có một số người nhất quyết không truyền lại “nghề” của mình cho bất cứ ai dù là con hay cháu của mình. Gần đây, chúng ta chắc có nghe đến chuyện hai tập đoàn viễn thông Viettel và Mobifone kiện cáo nhau vì cho rằng đối tác của mình “chơi xấu” mình khi cố tình nói ra những chuyện không tốt của nhau, để rồi cuối cùng ai cũng bị thiệt hại nặng nề cả! Vậy mà họ vẫn thấy vui khi mình chỉ ra được cái xấu của người khác. Một niềm vui không quân tử và không thánh thiện chút nào!

Chúng ta cũng dễ thấy tình trạng tôn giáo này nói xấu tốt giáo khác, mục đích là loại trừ người khác và để nâng mình lên. Thật ra, truyền giáo bằng cách nói xấu đạo khác, chê bai, chỉ trích người ta thì chắc chắn không được ai kính trọng và nể phục bao giờ. Đó là chuyện làm của trẻ con quen làm, chuyện của những đầu óc tiểu nhân, suốt đời chỉ mong làm những chuyện chia rẽ, hạ bệ, gây đau khổ cho người khác.

Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy sống hết lòng cho tình yêu của Chúa và vui lòng chấp nhận anh em mình với những hoàn cảnh và tình trạng của họ đang có. Đó là thái độ khôn ngoan của con người và là phương cách tốt nhất giúp ta nâng cao tâm hồn mình lên để đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Chúng ta hãy trở nên tốt để chúng ta được chia sẻ hạnh phúc êm đềm với Chúa mãi mãi, vì “Thiên Chúa là khi bạn tốt”. Amen.

HIỆP THÔNG ÐỂ LÀM SÁNG DANH CHÚA
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48

Tự bản chất Giáo hội Công giáo là hiệp thông. Hiệp thông trong cùng một đức tin và một phép rửa. Hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa. Dĩ nhiên, trong sự hiệp thông này mỗi người vẫn còn giữ được nét độc đáo của mình. Miễn sao mỗi người cùng hướng về một mục tiêu chung. Mục tiêu ấy là làm sáng danh Chúa.

Thánh Gioan trong đoạn Tin mừng hôm nay đã chưa hiểu và đã chưa sống tốt sự hiệp thông này. Ông đã ngăn cản một người lấy danh Chúa Giêsu để trừ quỷ. Mà người này lại không thuộc về nhóm các môn đệ của Chúa Giêsu. Làm xong chuyện đó, ông đã hồ hởi về trình báo cho Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” (Mc 9, 38b)

Không những ông không được khen mà ông còn được Chúa Giêsu dạy cho bài học về sự hiệp thông: “Ðừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 39 – 40)

Chúa Giêsu tin tưởng vào người đã lấy danh của Người để trừ quỷ vẫn hiệp thông với Người. Trong việc ấy người này đã làm sáng danh Chúa. Các Tông đồ khi hiểu được điều này nên các ông đã cố gắng hết sức mình để làm sáng danh Chúa mặc dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Trong Giáo hội luôn có nhiều ơn gọi khác nhau. Có nhiều dòng tu và tu hội với những đặc sủng khác nhau. Dầu vậy dù đặc sủng nào thì tất cả đều nhắm tới mục tiêu làm sáng danh Chúa.

Trong một họ đạo có nhiều thành phần khác nhau. Nhưng nếu như tất cả mọi người đều hiệp thông đoàn kết yêu thương nhau để xây dựng và phát triển họ đạo thì đó là điều tốt để làm sáng danh Chúa.

Trong từng tập thể lớn nhỏ của Giáo hội nếu biết cùng nhau từ bỏ ý riêng để cùng cộng tác làm một công việc nào đó thì danh Chúa sẽ được rạng rỡ biết bao.

Trong một gia đình, nếu mỗi sáng tối các thành viên cùng ngồi lại trước bàn thờ Chúa để cùng nhau đọc kinh thì đó cũng là cơ hội tốt để làm sáng danh Chúa.

CHIẾN HỮU CỦA THIÊN CHÚA
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48

Ông Gioan nói với Đức Giê su: Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta. Đức Giêsu đáp: Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ. Rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

Xem ra Tổng Lãnh Thiên Thần MICAEN, được mô tả như là chiến hữu của Thiên Chúa tay cầm lưỡi đòng, đạp trên mình satan ác quỷ. danh hiệu của Ngài cho người đời đủ biết rằng Ngài luôn sát cánh cùng với Thiên Chúa; trong cuộc chiến không khoan nhượng với tội lỗi ma quỷ.

Các Tông Đồ và môn đệ là chiến hữu của Chúa Giêsu. Các ngài được Chúa yêu thương bảo bọc như ta đã biết, qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Cuộc chiến của Chúa Giêsu chống lại Satan và tội lỗi là cuộc chiến chỉ kết thúc khi trời mới đất mới mở ra, mà chính những người theo Chúa, có nhiệm vụ đem trời mới đất mới đó mở mang trên thế giới này!

Thật ra, phải nhìn nhận cách chính xác và hết sức nghiêm túc rằng: các Tông và các môn đệ là những vị tướng tiên phong trong cuộc chiến đó. cho nên, những ai đón tiếp các ngài, đối xử tử tế với các ngài, khác nào đón tiếp và đối xử tử tế với Chúa, khác nào góp phần làm cho cuộc chiến chống lại tội lỗi ngày càng oanh liệt để nước Trời hiện trên trần gian này,

Thế nhưng hết sức nghiêm khắc, Chuá Giêsu là Đức Vua, nhắc nhở các vị tướng lãnh của mình phải tuyệt đối trung thành với sứ mạng: LOAN BÁO TIN MỪNG TÌNH YÊU THIÊN CHÚAcho chư dân! Muốn nói điều gì với người khác, thuyết phục người khác tin, thì chính bản thân mình phải sống điều đó! Muốn kêu người ta bỏ đàng tội lỗi, chính mình phải bỏ trước; chưa đủ, còn phải sống gương mẫu, nếu làm cho người ta sa ngã thì theo cách nói nhấn mạnh trách nhiệm của ta đối với Chúa Giê su thà buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn! vậy chúng ta hãy cố gắng sống theo ý Chúa như các trẻ em về niềm tin của các em vào Đức Giêsu?

GỢI Ý SỐNG :

1. Đoạn Tin Mừng trên đây dạy ta điều gì về cách thức ta phải đương đầu với cơn cám dỗ ?
2. Chúng ta có nghiêm túc lưu ý về tội lỗi như Thiên Chúa muốn không?
3. Tin Mừng hôm nay trình bày thế nào về trách nhiệm của ta đối với tha nhân cách rêng là đối với trẻ em, Về niềm tin của các em về ĐỨC GIÊSU?

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN B
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
Lm Trần Bình Trọng, USA

Bất cứ khi nào ta bận tâm so sánh mình với người khác, ta thường nảy sinh ra những cảm giác ghen tị. Phụng vụ lời Chúa hôm nay dạy ta phải vui mừng khi thấy có người làm việc thiện hảo và cộng tác với người khác trong việc làm sánh danh Chúa. Ta thấy trong bài trích sách Dân số, ông Gio-su-ê đã hiểu lầm khi thấy ông Môi-sen thông đạt thần trí của Thiên Chúa đến với người khác. Việc đó đã gây thắc mắc cho ông Gio-su-ê. Ông Gio-su-ê lo lắng là có quá nhiều người được ơn tiên tri. Môi-sen khuyên Gio-su-ê đừng quan tâm, vì càng nhiều người nói tiên tri, càng làm sáng danh Thiên Chúa.

Đến lượt thánh Gio-an tông đồ cũng hiểu lầm về việc Chúa Giê-su ban tặng quyền năng cho người nghe. Ông Gio-an sinh ghen tuông vì có người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh Chúa để trừ quỉ. Ông Gio-an có ý nói, có người nào khác cũng đã hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Và ông tưởng đó là sai, và không được phép vì người đó không thuộc nhóm các tông đồ. Chúa bảo Gio-an là: Ai không chống lại các con là ủng hộ các con (Mc 9:40). Chúa không nói là người đó không cần tìm kiếm sự hiệp nhất với các tông đồ. Chúa chỉ bảo ông Gio-an phải vui mừng khi có người làm việc thiện và việc lành, dù người đó không phải trong nhóm, hay mình không thích người đó.

Theo lời Chúa dạy trong Thánh kinh hôm nay, thì ta cần cộng tác với những người có thiện chí và thiện ý trong việc làm giảm bớt nỗi thống khổ của nhân loại, làm tăng phẩm giá con người, và làm việc cổ võ công bình bác ái. Cộng tác với người khác, với các hội đoàn trong việc bác ái xã hội, không có nghĩa là ta phải nhượng bộ những điều ta tin tưởng về đạo giáo. Trái lại ta phải giữ vững lập trường về đức tin truyền thống công giáo. Nếu Chúa dạy ta phải vui mừng với người làm việc thiện và cộng tác với họ, thì Chúa cũng bảo ta phải xa tránh sự dữ và gương xấu. Chúa dặn bảo ta không được làm cớ vấp phạm cho người khác, không làm gương mù gương xấu, nhất là cho người yếu đức tin. Chúa bảo ai làm cớ vấp phạm cho người yếu đức tin thì đáng trách phạt. Nếu Chúa bảo ta phải cộng tác và cổ võ công việc thiện hảo, thì Người cũng bảo ta phải tẩy chay việc dữ, tẩy chay những tệ đoan, những bất công trong xã hội loài người. Nếu sự việc ta làm, sự vật ta có, nếu chi thể ta gây dịp tội, gây nguy hại cho đức tin, cho sự cứu rỗi, Chúa bảo ta phải kiểm soát và canh chừng, phải làm chủ chính mình và làm chủ tình thế, chứ không để mình làm nô lệ cho dục vọng và ham muốn.

Như vậy nếu truyền hình phim ảnh, sách báo có thể làm sa đoạ đời sống tinh thần, làm suy giảm đức tin, làm cản trở mối liên hệ với Chúa, và làm nguy hại cho phần rỗi linh hồn, người ta phải kiểm soát. Ta có thể cảm thấy khó tin lời Chúa, bởi vì đường lối của Chúa khác với đường lối loài người, và những giá trị siêu nhiên khác với những giá trị trần thế. Tuy nhiên lời Chúa vẫn là sự thật, và lời Chúa là lời ban sự sống. Chúa đến để làm đảo lộn những giá trị của loài người. Trong cái bậc thang giá trị thì những giá trị vật chất phải nhường chỗ cho những giá trị tinh thần, và những giá trị tinh thần phải nhường chỗ cho những giá trị thiệng liêng. Khi ta đặt đúng mức độ ưu tiên cho cái bậc thang giá trị, ta sẽ cảm nghiệm được phần thưởng mà Chúa dành để cho ta ngay tại đời này.

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN B
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Con người sinh ra và lớn lên vẫn muốn cho mình được nhiều đặc lợi, đặc quyền. Một lối sống đầy đủ, thoải mái, hạnh phúc ai cũng muốn có được. Đã có một lối sống tốt với nhiều quyền lợi, con người ít muốn để luột mất. Vì thế, bảo vệ các đặc quyền, đặc lợi là một khuynh hướng chúng ta có thể gặp thấy nơi chính những con người được Chúa tuyển chọn. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Con người thường muốn kéo người này người kia vào phe nhóm của mình. Đã là nhóm, là phe, con người thường muốn giữ cho mình cái gì riêng biệt và muốn cho mình cái quyền hơn người khác mà nếu một con người nào đó không thuộc phe của mình họ không được cái quyền như mình.

Ở đây ta có thể thấy nơi bài đọc I tức là thời Cựu Ước, Gioduê, tùy tùng của Môsê đã muốn dành cho mình cái quyền nói ngôn sứ cho một số người và quyền này, Giôduê đã không muốn cho bất cứ người nào ngoài phe ông, nghĩa là không thuộc nhóm ông được có quyền này. Thời Chúa Giêsu, các môn đệ thuộc nhóm 12 cũng không khá hơn Gioduê là bao, các môn đệ đã ngăn cấm bất cứ người nào không thuộc nhóm 12 nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỉ. Các môn đệ của Chúa, cũng như Gioduê thời xưa, đã để lộ chân tướng thiển cận, cái nhìn hẹp hòi, cục bộ và bảo thủ về quyền năng Chúa ban cho các ông. Gioduê và các môn đệ cứ tưởng rằng chỉ có mình có quyền nói ngôn sứ hay quyền nhân danh Chúa mà trừ quỉ vì các ông thuộc nhóm 12 và được tuyển chọn. Các môn đệ đã làm cho Chúa bị che mờ và làm cho Chúa bị giới hạn trong phe nhóm 12, nghĩa là những người được chính Chúa Giêsu tuyển chọn... Nói ngôn sứ là do Chúa ban và trừ quỉ là nhân danh Chúa mà trừ, chứ không phải tự ý các ông làm được việc đó. Nên, sống cục bộ trong phe nhóm, trong cộng đoàn là tự đặt mình tiếm đoạt vinh quang và quyền năng của Chúa.

Chúa Giêsu không muốn con người, hay các môn đệ của Ngài đóng khung Ngài, đóng chốt quyền năng của Ngài trong nhóm này, nhóm kia, trong cộng đoàn này, cộng đoàn nọ. Chúa cũng không muốn bất cứ ai nhân danh Ngài để chiếm đoạt quyền năng của Ngài làm riêng của mình. Môn đệ có thể trừ quỉ được là do quyền năng của Chúa ban cho, chứ không phải vì họ thuộc nhóm 12 và được Chúa tuyển chọn. Chúa đưa các tông đồ trở về với thực tế và sự thật:” Không ai nhân danh Ta làm phép lạ rồi lại nói xấu Ta “. Sở dĩ con người hay môn đệ có làm được gì hay làm được phép lạ là do họ tin vào quyền năng của Thiên Chúa, được thi thố ra nơi người Con của Ngài là Đức Giêsu, Đấng chiến thắng ma quỉ tà thần, satan, sự dữ, tin vào Chúa Giêsu, tin vào sứ mạng cứu thế của Chúa. Như vậy con người có làm được gì là do tin vào Chúa Giêsu và tin vào quyền năng của Ngài... Các môn đệ của Chúa có là gì, có làm được gì là do họ thuộc về Chúa và tin vào Ngài. Như thế, làm được gì : trừ quỉ, làm phép lạ là do Chúa, chứ không phải tự ý con người hay tự con người mang một cái nhãn hiệu nào đó, rồi tự nhãn hiệu ấy giúp con người có thể làm được việc này việc kia.

Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ bài học đích đáng, bài học đó cũng là gương cho nhân loại ở muôn thời. Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thân tín của Ngài hiểu rằng tự sức mình, tự con người mình, các môn đệ không thể làm được gì. Cái nhìn này cũng giống quan niệm của người Việt Nam:” Không thầy đó mày làm nên”. Chúa Giêsu muốn vạch cho các môn đệ thấy phải tin vào Chúa, phải tin vào Danh của Ngài, lòng tin sẽ giúp các ông thắng vượt và làm được nhiều việc cao cả kể cả phép lạ và trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ rằng đừng quá bảo thủ, cục bộ: lo bảo vệ đặc quyền, đặc lợi, bảo tồn những nét riêng biệt của nhóm, của phe mà loại trừ kẻ khác dẫu cho họ cũng tin vào Chúa và nhân danh Chúa. Những người này cũng phải được trân trọng, kính nể:” làm phước cho ai dù chỉ cho họ uống một ly nước lạnh, tiếp đón, cho khách đỗ nhờ cũng đáng được trọng thưởng và làm cớ vấp phạm cho một em nhỏ cũng đáng bị trừng phạt, xô ngã”.Chúa muốn chỉ ra rằng Giáo Hội của Ngài do Ngài thiết lập luôn tồn tại vì có Chúa Thánh Thần ở cùng:” Giáo Hội Chúa là Giáo Hội duy nhất, thánh thiện và tông truyền “, nên Hội Thánh không được tự đóng khung và loại trừ những ai không thuộc tổ chức của mình.Ơn cứu độ được trao ban cho mọi người nơi thập giá của Chúa Giêsu. Tin vào Chúa và nhân danh Chúa để phục vụ là tin nhận chính Đức Giêsu Kitô đang điều khiển Giáo Hội và chính Ngài đang tiếp tục làm phép lạ, xua trừ ma quỉ, xua trừ satan, sự dữ để mang lại hạnh phúc và an bình cho mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn tin nhận Chúa là Đấng quyền năng và hay chạnh lòng thương xót.

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN B
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
John Nguyễn

1. Khuynh hướng bè phái và muốn độc quyền của các tông đồ
Một trong những khuynh hướng rất thông thường nơi con người, đó là óc bè phái và ham muốn độc quyền. Khuynh hướng này được biểu lộ nơi các môn đệ Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Trên con đường loan báo Tin Mừng, các môn đệ Ngài thấy có những người không thuộc nhóm của mình lại nhân danh Ngài mà làm được những phép lạ như trừ quỉ, chữa bệnh… Theo quan niệm của các ông, chỉ những ai ở trong nhóm 12 như mình mới có quyền nhân danh Thầy mình để làm phép lạ, trừ quỉ, chữa bệnh… Nếu có ai khác làm điều ấy được, lập tức các ông nhận thấy độc quyền của mình bị xâm phạm. Có lẽ các ông cảm thấy bực bội vì điều ấy nên đã cố ra tay ngăn cản họ. Đức Giêsu đã tỏ ra không tán thành khuynh hướng bè phái muốn độc quyền ấy của các ông.

2. Cám dỗ mang tính bè phái và độc quyền nơi người Kitô hữu
Trong đời sống Kitô hữu, nhiều khi chính chúng ta cũng bị cám dỗ bởi não trạng bè phái và ham muốn độc quyền như các môn đệ Đức Giêsu. Chẳng hạn những người cùng tin vào Đức Giêsu và cùng nhận Ngài là Cứu Chúa, theo thời gian, bị phân thành nhiều giáo phái khác nhau. Việc bị phân hóa như thế là một việc hết sức tự nhiên nếu không muốn nói là tất yếu, vì tất cả mọi tôn giáo, mọi trường phái tư tưởng, nghệ thuật, v. v… đều bị phân hóa theo thời gian theo định luật đa dạng hóa của tự nhiên. Theo tôi, nếu không bị phân hóa như thế thì đó mới chính là điều lạ thường. Đương nhiên, giáo phái nào cũng tự cho mình là đúng đắn nhất, là gần với chân lý nhất. Tiếp xúc với các tín đồ của nhiều giáo phái khác nhau, tôi không hề thấy một giáo phái nào lại cho rằng có một giáo phái khác đúng hơn mình. Điều này cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên hay bất mãn chút nào!

Dù khác nhau - chủ yếu là trong tiểu tiết - các giáo phái vẫn hết sức giống nhau trong đại thể. Giáo phái nào cũng đều tin và tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Giáo phái nào cũng chủ trương phải sẵn sàng dấn thân theo Ngài với tất cả tình yêu, lòng nhiệt thành của mình. Giáo phái nào cũng đều tuyên xưng: «Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ» (Rm 10,9). Giáo phái nào cũng chủ trương: «Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu thoát» (Rm 10,13).

3. Thật là một gương xấu vĩ đại
Nhưng thật là một điều trớ trêu và là một gương xấu vĩ đại trước những người ngoài Kitô giáo, khi mà:
- một đằng Đức Giêsu - Đấng mà mọi giáo phái Kitô giáo đều tôn thờ, đều nhận là Chúa, là Thày - đã tuyên bố: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35).

- đằng khác, các giáo phái Kitô giáo lại coi nhau như là ngoại đạo! Các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, một vài trường hợp khủng bố lẫn nhau! Nhiều giáo phái Kitô giáo phủ nhận khả năng được cứu rỗi của những người thuộc giáo phái khác, cho dù tất cả đều tin và tuyên xưng những điều căn bản y hệt như nhau! Dường như giáo phái nào cũng muốn hạn chế hoặc chỉ dành riêng sự cứu rỗi cho những ai theo giáo phái của mình! Đó là điều tôi lấy làm lạ, làm ngạc nhiên hết sức, và không thể chấp nhận được!

Đây quả là một gương xấu vĩ đại, một điều mỉa mai cho Đức Giêsu và cho tất cả các giáo phái Kitô giáo, vì gương xấu này là một phản chứng nặng nề đối với những người ngoài Kitô giáo, khiến họ không thể chấp nhận được một tôn giáo như thế! Ước gì các giáo phái Kitô giáo đều đọc và suy nghĩ câu Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: «Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn».
4. Coi chừng chính kẻ kết án lại là kẻ độc ác, thiếu tình thương
Khi nghe một người Kitô hữu thuộc một giáo phái nào đó quả quyết chắc chắn rằng những Kitô hữu trong những giáo phái khác với họ đều không được cứu rỗi, thì tôi hỏi người ấy: «Vậy anh có muốn điều anh quả quyết như thế là đúng không?» Nếu anh ta trả lời rằng muốn, thì tôi nói: «Vậy thì anh quả là độc ác! Một đằng Thiên Chúa muốn tất cả mọi người đều được cứu rỗi (x.1Tm 2,4), Còn anh lại muốn chỉ những ai trong giáo phái của anh mới được cứu rỗi. Anh sẵn sàng chấp nhận những người khác giáo phái của anh không được cứu rỗi, tức sa hỏa ngục. Vậy thì anh mới chính là người đáng sa hỏa ngục đầu tiên, vì nơi anh không có tình thương! Vì tình thương mới là điều quan trọng nhất phải có để vào thiên đàng, để hợp nhất với Đấng mà bản chất là tình thương».

Nếu anh ta mong rằng điều anh ta nghĩ là sai, thì tôi bảo: «Như vậy là anh rất nhân từ, có tình thương! Tốt lắm! Phần tôi, tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa còn nhân từ và nhiều tình thương hơn anh gấp tỷ lần. Ngài có đủ quyền năng và đủ cách để giải quyết cho những Kitô hữu khác giáo phái với anh được cứu rỗi. Vì thế, anh hãy phó mặc số phận của những người theo giáo phái khác trong tay Chúa và hãy an tâm! Anh hãy lo cho chính bản thân anh thì tốt hơn, vì nếu anh không có tình yêu, anh không thể vào thiên đàng được đâu! Điều Chúa muốn nơi anh chính là anh hãy coi các Kitô hữu khác giáo phái với anh là đồng đạo, và coi cả những người khác tôn giáo với anh nữa là anh em. Anh hãy yêu thương họ và hãy mong ước những điều tốt lành nhất cho họ

5. Điều quan trọng nhất để vào được thiên đàng là tình yêu
Điều quan trọng để vào được thiên đàng là đức tin. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là tình yêu. Thánh Phaolô viết: «Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến» (1Cr 13,13). Khi lên thiên đàng, đức tin, đức cậy không còn vì không cần thiết nữa, chỉ riêng «đức mến không bao giờ mất được» (1Cr 13,8). Thiên đàng được định nghĩa là nơi hạnh phúc, trong đó mọi người hoàn toàn đối xử với nhau bằng tình thương. Nếu có ai còn ích kỷ hay thiếu tình thương mà lọt vào đó ắt người đó sẽ làm ô nhiễm ngay bầu khí hạnh phúc của thiên đàng. Chính vì thế, theo tinh thần đoạn Tin Mừng Mt 25,31-46, khi phán xét, Thiên Chúa chỉ phán xét về cách cư xử của ta có tình thương hay không mà thôi. Cứ nhìn vào đời sống thực tế thì biết, chúng ta dễ hạnh phúc ở bên những người biết yêu thương hơn là bên những người có niềm tin. Thực ra, niềm tin đích thực tất yếu phải dẫn tới tình yêu. Thế giới này đã từng điêu đứng khổ sở vì những cuộc chiến tranh tôn giáo, thậm chí ngày nay vẫn còn. Những cuộc chiến tranh ấy nổ ra không phải do con người thiếu đức tin cho bằng thiếu tình thương. Có thể nói: đức tin cộng với lòng ích kỷ (tức thiếu tình thương) sẽ thành óc bè phái. Óc bè phái chính là nguyên nhân của chiến tranh. Vì thế, đức tin phải đi đôi với đức mến hay dẫn tới đức mến mới là đức tin đích thật. Niềm tin không dẫn tới tình yêu, thật ra, chỉ là niềm tin giả tạo, tương tự như «đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2,17.26). Như vậy, một Kitô hữu có đầu óc bè phái, muốn độc quyền được cứu rỗi, nghĩa là muốn loại trừ những Kitô hữu khác giáo phái mình, không muốn họ hưởng hạnh phúc đời đời, thì Kitô hữu ấy rõ ràng là thiếu tình thương. Mà thiếu tình thương thì làm sao vào thiên đàng được?

Cầu nguyện
Lạy Cha, xin cho con một đức tin đích thực nơi Cha và nơi Đức Giêsu. Đức tin đích thực tự bản chất phải bao hàm tình yêu ở bên trong. Không bao hàm tình yêu, đức tin đó chỉ là đức tin giả tạo, là nguồn phát sinh óc bè phái, óc độc quyền, cũng là nguồn phát sinh nên bao cuộc chiến tranh tôn giáo trên thế giới. Xin ban cho con tình yêu đối với mọi người chung quanh con, đặc biệt đối với tất cả những ai tin theo Đức Giêsu, như dấu chỉ đặc trưng cho người môn đệ đích thực của Ngài.

LỰA CHỌN KHÓ KHĂN
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Phụng Chúa nhật hôm nay, đặc biệt bài đọc 2 và bài Tin Mừng làm cho người nghe cảm thấy khó chịu, chói tai. Bài đọc 2, thánh Giacôbê có những lời lẽ chẳng dễ nghe đối với những người giầu có :” …hỡi những người giầu có, các ông hãy khóc lóc than van về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ông”. Lẽ dĩ nhiên, đây không phải lần đầu tiên chúng ta nghe thánh Giacôbê nói lên những điều xem ra khó nghe này, nhưng mấy Chúa nhật trước đây, thánh Giacôbê đã từng cay cú nói về những người giầu có. Bài Tin Mừng của thánh Marcô 9, 38-43.45.47-48, Chúa Giêsu cũng đã tỏ ra cương quyết, cực đoan khi Ngài nói:” Nếu tay anh làm cho anh phạm tội, thì chặt nó đi: thàcụt tay mà được vào trường sinh còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, sa vào lửa không hề tắt bao giờ”. Nơi khác trong Tin Mừng, Chúa Giêsu tỏ ra rất gay gắt đối với những người giầu có, no đủ, dư đầy, Ngài nói:” Khốn cho các ngươi, những kẻ giầu có, vì các ngươi đã được ủi an rồi. Khốn cho các ngươi, những kẻ no đủ bây giờ, các ngươi sẽ phải đói khát”.

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, thính giả có lúc cười, có lúc khóc, có lúc cảm thấy được thoa dịu, có lúc cảm thấy bị chói tai, bị cay cú.Tin mừng của Chúa Giêsu luôn nói lên những chân lý và dậy nhân loại những bài học thật thích đáng. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm cho người đọc, nhân loại, con người hiểu được giáo huấn và đạo lý của Đức Kitô. Quả thực, Chúa Giêsu đã có những lúc công kích, cương quyết lên án Pharisiêu, ký lục, kinh sư, biệt phái về những hành động giả hình của họ. Ngài đã có những lời gay gắt đối với những ông bà nhà giầu chỉ muốn hưởng thụ, ăn trên ngồi trốc, không biết chia sẻ, không nhân từ, sống bo bo ích kỷ: đọc dụ ngôn Lazarô và người phú hộ ta sẽ thấy cảnh tượng trái ngược giữa người giầu kếch sù và người nghèo đến tàn mạt, đến tận cùng. Đến nỗi có một lần Chúa Giêsu đã nói:” Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Trời”. Cái trớ trêu vẫn là những sự thật thực phũ phàng đã diễn ra xung quanh Chúa Giêsu trong đất nước Do Thái lúc đó, nên Chúa Giêsu dùng ngay những hình ảnh thực tế ấy để dậy dỗ các môn đệ và dân chúng. Tin Mừng luôn câu thúc con người, luôn đặt con người trước việc phải chọn lựa hoặc chọn Chúa hoặc chọn tiền của. Đã có lúc người ta muốn giản thiểu sự gay gắt của những lời Chúa dậy hoặc giáo huấn của các tông đồ. Họ đã chẳng trưng ra những ví dụ như trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài đã chẳng nói chuyện với Nicôđêmô là người giầu, có địa vị trong xã hội, Ngài đã chẳng làm bạn với Giuse Arimatia và vào nhà ăn uống với ông Giakêu là người thu thuế giầu có đó sao ? Tuy nhiên, giản thiểu lời Chúa, làm cho lời Chúa và lời các tông đồ dễ nghe, ít gay gắt hơn phải chăng là trốn chạy những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng ? Tin Mừng của Chúa Giêsu luôn đặt con người trước đòi hỏi có tính quyết định liên quan đến phần rỗi của chính mỗi người chúng ta.Chọn Chúa hay chọn tiền của ?

Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, con người, tạo dựng của cải vật chất vì hạnh phúc của con người. Tạo dựng nên Ađam và Evà Chúa không muốn họ túng thiếu, khốn quẩn, nhưng vì ông bà phản nghịch, tội tràn vào trần gian, khiến con người phải vất vả lao động và rồi phải chết. Con người phải đổ mồ hôi, vất vả mới làm ra của cải, vật chất, và lương thực. Thiếu thốn làm cho con người ra túng quẫn, mất quân bình, nhưng ham mê của cải quá lại là cái tội vì chỉ biết ích kỷ, bo bo, giữ riêng cho mình mà không biết chia sẻ, sớt bớt cho kẻ khác. Do đó, con tim của những con người ham tiền, ham của dễ ra chai đá, lì lợm. Bài đọc 2 của thánh Giacôbê tông đồ cho ta thấy một điều gì đó thực bất ổn, bất công: giầu có và bất công, gian lận và bóc lột. Giầu có ở đây theo thánh Giacôbê có một mối giây liên quan tới bóc lột, gian lận đối với người khác. Giầu có này không đi đôi với liêm chính, tự sức mình vất vả, đổ mồ hôi để kiếm ra của cải, nhưng là do ăn gian, biển lận. Thánh Giacôbê đã viết như sau:” Các ông đã lo tích trữ làm giầu trong những ngày sau hết” “ Các ông đã giữ lại tiền lương của những người thợ đi cắt lúa trong ruộng lúa của các ông” “ Trên cõi đất này, các ông đã ăn uống linh đình, đã buông theo khoái lạc, lòng các ông đã được thoả thuê vui thú trong ngày sát sinh “. Chúa Giêsu và thánh Giacôbê lên án, đó là những người giầu đã làm mất con người thật của mình, họ đã làm mất Nước Trời để tích trữ cho họ những điều dễ hư nát, dễ hôi thối, họ đã tích trữ” cơn thịnh nộ”của Thiên Chúa Giavê. Tiền của là phương tiện để nuôi sống con người chứ không phải cứu cánh giải thoát con người…Do đó, đã có biết bao nhiêu người thời xưa cũng như thời nay đã rơi vào cạm bẫy của bả tiền của, danh vọng, thú vui. Họ đã đánh mất tất cả: nhân phẩm, người thật của mình và làm đảo lộn cả trật tự Thiên Chúa đã thiết lập. Chính vì thế, điều hệ trọng không phải là uốn nắn lời Chúa cho phù hợp với con người mà là uốn nắn con người cho phù hợp với lời Chúa. Tin Mừng của Đức Kitô luôn đòi hỏi triệt để và đòi hỏi con người trở lại…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rõ tiền của là phương tiện cần thiết để sống chứ không phải là cứu cánh giải thoát chúng con. Xin cho chúng con luôn biết sống theo đòi hỏi câu thúc của Tin Mừng và không ngừng trở lại. Amen.

GƯƠNG XẤU và DỊP TỘI
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

Bài Tin Mừng có hai phần và trong mỗi phần Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta một điều quý giá : Thứ nhất, đừng làm cớ cho người khác vấp phạm. Thứ hai, phải loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho chính mình phạm tội.

Trước khi đưa ra những lời khuyên này, Chúa Giêsu cho biết : Chúa sẽ ghi công và khen thưởng cho những ai giúp đỡ bất cứ cái gì cho môn đệ của Ngài, dù chỉ là một bát nước lã thôi, Ngài cũng không bao giờ quên lòng tốt của họ. Nhưng ngược lại, Ngài cũng không thể làm ngơ khi người nào làm cho một người khác, dù là trẻ nhỏ hay người hèm kém nhất vấp phạm, nghĩa là làm gương mù gương xấu lôi kéo người khác phạm tội, xa Ngài thì không bao giờ bỏ qua đâu.

Rồi để cho mọi người ý thức về sự nghiêm trọng của việc ấy, Ngài bảo rằng : “Khốn cho kẻ làm gương mù gương xấu”. Gương mù gương xấu là gì ? Là lời nói hay việc làm gây nên sự thiệt hại cho linh hồn người ta. Gương mù gương xấu ví như hòn đá đặt giữa lối đi làm cho người ta vấp ngã, nên dịp cho người ta phạm tội. Rất là tai hại : không những mình đã phạm tội mà còn làm cho kẻ khác phạm tội nữa.

Trên một chuyến xe lửa, cha Béc-na Vô-gan gặp một hành khách ăn nói rất tự do và thô tục. Ông ta nói những chuyện đồi bại, lấy làm thích thú và cười khoái trá. Mọi thái độ khôn ngoan và lịch sự nhắc ông ta để ông ta im lặng đều không hiệu quả. Xe đến ga, người hành khách ấy xuống. Cha Vô-gan thò đầu ra cửa gọi theo : “Này ông, ông còn quên cái gì đây này”. Người đó vội leo lên toa, nhìn quanh và hỏi : “Quên cái gì đâu ?”. Cha Vô-gan nói với giọng tử tế nhưng cứng rắn : “Ông để lại một ấn tượng xấu cho hành khách trong toa”. Người ấy xấu hổ đi xuống ngay. Đó, ông ta đã xấu lại còn gieo rắc điều xấu cho người khác. Tai hại và nguy hiểm như vậy, nên Chúa Giêsu nói : họ đáng buộc cối đá vào cổ và quăng xuống biển, nghĩa là tội của người ấy nặng lắm và rất đáng trừng phạt. Họ phải chịu trách nhiệm về những tội họ làm cho người khác phạm và những tội chính họ phạm nữa.

Sau khi khuyên dạy không được làm cớ cho người khác vấp phạm, tức là không được làm gương mù gương xấu, Chúa Giêsu lại khuyên phải loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho chính mình phạm tội, vì sẽ mất sự sống đời đời, mất nước Thiên Chúa. Chúa đưa ra một thí dụ để giải thích : mỗi chi thể của con người đều quý giá. Chẳng hạn : tay, chân, mắt. Nhưng nếu phải mất một tay, một chân, một mắt để được sống, thì vẫn phải đáng đánh đổi, nghĩa là khi một phần nào của thân thể bị đau bệnh, không hy vọng chữa khỏi, như bị ung thư chẳng hạn, gây nguy hiểm cho thân thể và đe dọa đến sinh mạng, thì người ta phải giải phẫu, mổ, cắt hoặc cưa phần thân thể đó đi. Làm như thế sẽ bảo toàn được sự sống hay bảo toàn được những phần thân thể khác, đó là chuyện thông thường trong y khoa.

Nếu vậy, khi sự sống cần phải lựa chọn lại chính là sự sống đời đời, thì càng đáng đánh đổi hơn nữa, nghĩa là nếu tay, chân, mắt nên cớ cho mình phạm tội, đe dọa mất sự sống đời đời, thì hãy đánh đổi nó. Nói rõ hơn, khi Chúa nói chặt tay, chặt chân hay móc mắt, không có nghĩa là chặt tay, chặt chân hay móc mắt thật, nhưng có nghĩa là phải dứt khoát với dịp tội. Mắt có thể hiểu là cha mẹ, người trên. Tay có thể hiểu là anh chị em, bạn hữu, những kẻ ngang hàng. Nếu cha mẹ hay người trên gây dịp tội cho chúng ta, dẫn chúng ta vào đàng tội lỗi, thì bằng mọi giá, chúng ta phải dứt khoát với những người đó, dù có bị mất lòng. Thà được lòng Thiên Chúa còn hơn được lòng người thế gian. Cũng vậy, nếu chúng ta biết rằng : giao du với những người bạn đó, lần nào đi chơi với người ấy, chúng ta cũng mắc thêm tội…thì dứt bỏ với dịp tội là chúng ta phải cắt đứt đi mối tình bạn đó, dù có phải xót xa cách mấy. Thà chịu đau khổ trong năm tháng còn hơn phải chịu cực hình ở chốn đời đời.

Bài Tin Mừng này thật là một bài học rất hữu ích. Chúng ta hãy nhớ rằng : mỗi người đều có một phần trách nhiệm trong việc kiến tạo môi trường thần linh ở khu vực mình sống. Bởi đó chúng ta phải tránh tội lỗi và việc xấu gây gương mù gương xấu cho tha nhân. Ngay cả những việc không xấu mà nên cớ cho anh em vấp phạm, chúng ta cũng phải tránh. Cũng thế, tất cả những gì chúng ta có : tiền tài, của cải, chức vị, bạn hữu, thân quyến, nghề nghiệp…đều chỉ là những phương tiện để xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng nếu những thứ đó là căn cớ cho tội lỗi, gây nguy cơ đánh mất nước trời, thì vì Chúa Kitô và vì nước trời, chúng ta hãy sẵn sàng từ bỏ, dù phải hy sinh đắt giá, vì được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì ? Xin Chúa cho tất cả chúng ta ghi nhớ và thực hành bài học hôm nay.

GANH TỴ
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
Sr Mai An Linh OP

Toàn bộ Lời Chúa, Chúa Nhật 26 năm B cho chúng ta nhìn thấy tinh thần bè phái đã ăn rễ sâu trong con người qua mọi thế hệ. Từ Cựu Ước, vị sát cánh với Môsê là ông Giosuê đã tỏ ra khó chịu khi thấy những người kỳ mục không đến Lều Thánh mà lại nói tiên tri, ông muốn ngăn cản họ nên nói với Môsê, nhưng thay vì ngăn cản Môsê đã trả lời ông Giosuê rằng : ông muốn toàn dân nói tiên tri (Ds.11,25-29), Môsê quả xứng danh là người lãnh đạo dân Chúa. Sang đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu đã dạy và làm gương về tình yêu thương, thế nhưng người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến cũng không thoát khỏi óc “phe ta” nên khi thấy những người ngoài nhóm môn đệ, nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỉ, ông thưa với Chúa để ngăn cản họ, nhưng Chúa Giêsu đã dạy cho Gioan “ ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta (Ga.9,37-47). Như thế óc cục bộ quả thật nguy hiểm. Ghét người ta, chống lại người ta mà cứ tưởng thế là điều tốt, đúng như lời Tv.18 “ nào ai thấy rõ các lỗi lầm của mình”(đáp ca). Từ đó tác giả Thánh vịnh đã nhìn nhận những tội mình phạm mà chẳng hay, trong đó có tội kiêu ngạo, óc địa phương.

Chúng ta thường luôn muốn bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, của cộng đòan mình, của đồng hương mình…và sinh ra đố kị, ganh ghét kẻ khác. Chúa Giêsu đã cảnh cáo các môn đệ đừng có cục bộ, thành kiến, đừng tưởng làm như thế là tôn vinh Chúa, trái lại đó là tự tôn, là kiêu ngạo. Nếu chúng ta cứ khư khư với óc bè phái thì sẽ trở thành cô độc, đừng tưởng chỉ có những người theo đạo mới làm được những việc tốt. Nhân danh Đức Kitô mà làm việc tốt là điều nên làm, nhưng không độc quyền, những tài năng và những thành công của người khác không làm chúng ta nghèo đi, trái lại biết lợi dụng thì lại làm giầu thêm cho chúng ta vì Danh Chúa được tỏa sáng. Thiên Chúa ban ơn cho mọi người còn bổn phận chúng ta là đón tiếp những ơn ban đó ở bất cứ nơi nào, ở bất cứ ai.

Chúa Giêsu đã đưa ra nguyện tắc cởi mở, rộng lượng, nới rộng vòng tay hợp tác, mọi người là anh chị em với nhau, là con Cha trên trời, vì thế, tất cả mọi người, miễn là không chống lại ta, cho dù người đó là ai, thì cũng phải coi họ là bạn để hợp tác, vì Chúa muốn mọi người làm việc tốt, cho nên Chúa không muốn những người Kitô hữu khi làm việc tốt, phải dán nhãn hiệu đạo lên công việc đó, điều Chúa muốn là việc tốt đã được thực hiện.

Chúng ta cố gắng sống tinh thần của Chúa Giêsu : đừng ganh tị, so đo hơn thiệt, nhưng sống hòa với mọi người để làm việc tốt, làm gương lành, như thế sẽ tránh đi những cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn như bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, đấy là điều Chúa mong muốn nơi các Kitô hữu. Đừng nên dịp tội cho kẻ khác và cho chính mình, cho những người bé nhỏ về tinh thần cũng như thể lý. Xã hội ngày nay đã đầy những gương xấu, đầy những dịp tội, bầu không khí tràn đầy ô nhiễm, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm âm thanh…nếu người Kitô hữu lại tham gia vào những môi trường ấy nữa thì thật kinh khủng, như khi nói lời lừa gạt, một hành động bất chính, một thái độ bè phái…Với Lời Chúa hôm nay chúng ta thử xét xem chúng ta đã trở nên dịp tội cho ai chưa? Chúng ta đã hành động ra sao trước dịp tội? Chúng ta có dám chặt tay, chặt chân, móc mắt như Chúa đòi hỏi không ?

Cuộc sống vĩnh hằng vô cùng quí giá, đáng cho chúng ta phải có thái độ quyết liệt, khử trừ những dịp tội nơi tha nhân cũng như nơi chính mình, sẵn sàng cắt đi những tật xấu, những lời cay độc, ánh mắt tị hiềm, cử chỉ khinh khi, những liên hệ bất chính để thay vào đó quả tim biết yêu thương, trái tim bằng thịt để cảm thương, để sống hòa nhã, chan hòa… có như thế chúng ta mới lớn lên trong tư cách làm người và làm con Chúa.

Lạy Chúa, xin biến chúng con nên những tâm hồn say mê Chúa, để dưới sự thúc bách của tình yêu, chúng con sẵn sàng hi sinh không phải một chi thể, nhưng là trọn vẹn con người, với cả con tim, tài năng, ước muốn để không gì có thể làm chúng con xa lìa Chúa là nguồn thiện hảo và là lẽ sống chị chúng con.

ĐỨC KITÔ, CON ĐƯỜNG CỨU RỖI DUY NHẤT
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
LM Nguyễn Hữu Thy

Các môn đệ của Ðức Giêsu quan sát thấy có người không thuộc về nhóm của họ, nhưng đã nhân danh Thầy mình để trừ đuổi ma quỉ. Chắc chắn người này không hề được Ðức Giêsu trao phó cho sứ vụ đó, vì thế các môn đệ đã tìm cách ngăn cản anh ta không được tiếp tục làm như thế nữa ! Và đương nhiên họ tin chắc rằng Sư Phụ mình sẽ đồng ý với họ ngay.

Thế nhưng, Ðức Giêsu lại có thái độ hoàn toàn khác hẳn : « Các con đừng ngăn cản anh ta làm gì ! Vì không có ai vừa nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi lại quay ra nói xấu Thầy một cách dễ dàng được. Vậy, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta ! » (Mc 9,39-40).

Ðúng vậy, những « kẻ đứng ngoài » thường làm cho những « người đứng trong » bực mình khó chịu ! Ðó là điều vẫn xảy ra trong bất cứ thời đại nào và ở bất cứ nơi nào : trong những đoàn thể và những nhóm nhỏ, trong những bè phái lẻ tẻ hay trong những giáo phái và những Giáo Hội rộng lớn hơn. Những người « đạo đức » luôn trung thành và gắn bó với Mẹ Giáo Hội thường hay dễ nghĩ tưởng và phê phán một cách tương tự về những kẻ đã xa lìa Giáo Hội bất cứ vì lý do gì : Một cách đơn giản là những con người đó không còn thuộc về chúng tôi nữa, và như thế họ cũng không còn thuộc về Ðức Kitô nữa; họ không còn được nhân danh Người để nói năng hay làm bất cứ điều gì có liên quan đến tôn giáo chúng tôi. Vâng, người ta còn cho là những con người như thế đã liều mình đánh mất phần rỗi ! Bởi vì, nguyên tắc của Thần học là « ngoài Giáo Hội không có ơn cứu rỗi » ! Dĩ nhiên, ngày nay người ta hiểu nguyên tắc đó khác với trước kia !

Một điều chắc chắn là Ðức Kitô muốn có một Giáo Hội duy nhất mà thôi và tất cả những chia rẽ giữa các Kitô hữu là một điều xấu, đã xảy ra ngoài ý mưốn của Người. Nhưng trách nhiệm về những rạn nứt và chia rẽ đó thường là do cả hai phía, và chỉ mình Thiên Chúa mới có thể phân xử được ! Còn những kẻ thừa kế những rạn nứt và chia rẽ đó, tức những thế hệ con cháu sau này ở cả hai phía, tuy phải gánh chịu những hậu quả, nhưng không chịu trách nhiệm về những nguyên nhân đem đến những chia rẽ đó. Do có một đức tin chắc chắn và ý chí ngay lành họ cũng có thể sống, nói năng và hành động nhân danh Ðức Giêsu. Ðó cũng là điều mà chính Công Ðồng Chung Vatican II đã khẳng định. Chỉ những ai phạm tội mà xa lìa Giáo Hội, thì liều mình đánh mất phần rỗi. Ðối với những kẻ như thế, được áp dụng nguyên tắc thần học « Ngoài Giáo Hội không có sự cứu rỗi ». Công Ðồng dạy : « Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Ðức Giêsu Kitô, như một phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không được cứu rỗi » (Hiến chế Lumen Gentium, số 14).

Một câu hỏi khác đầy gai góc và có tính cách thúc bách, đó là : Những kẻ vô tín ngưỡng, tức những người chẳng những ở ngoài Giáo Hội, nhưng còn không tin kính Ðức Giêsu Kitô, có được cứu rỗi không ? Con số những người như thế trên khắp thế giới lại là đại đa số !

Ðức tin Kitô giáo tin nhận Ðức Kitô là « Nguồn » (Dt 2,10; 5,9) và là « Ðấng Trung Gian » Tm 2,5) của sự cứu độ vĩnh cửu. Vì thế, thánh Phêrô « đầy ơn Chúa Thánh Thần » đã công bố những lời sau đây : « Ngoài Ðức Giêsu Kitô ra, không một ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ » (Cv 4,12). Như vậy, đương nhiên những ai không tin nhận được Kitô sẽ không được cứu rỗi ?

Về vấn nạn này, Công Ðồng Vatican II cũng đã đưa ra những phán quyết một cách khác hẳn. Bởi vì, Thiên Chúa luôn muốn cho tất cả mọi người được cứu rỗi, như đã được ghi rõ trong Kinh Thánh : « Người mong muốn cho tất cả mọi người được cứu rỗi và đạt tới sự hiểu biết chân lý » (1Tm 2,4) và « Người là Ðấng Cứu Ðộ của tất cả mọi người, nhất là của các tín hữu » (1Tm 4,10), nghĩa là không chỉ các người tín hữu mà thôi ! Vâng, không phải tất cả mọi người đều có được điều kiện thuận lợi để có thể tìm hiểu đức tin và tin nhận Ðức Kitô. Nhưng chính Ðức Kitô đã chết cho mọi người, không phân biệt hay loại trừ ai. Người đã đền thay cho tội lỗi của tất cả mọi người và chuộc lại đời sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người ! Trong điểm này Công Ðồng đã dạy tiếp : « Thực vậy, vì Ðức Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là một ơn Thiên Chúa ban, do đó chúng ta phải tin tưởng cách chắc chắn rằng Chúa Thánh Thần ban cho tất cả mọi người khả năng được tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh theo cách thức đã được Thiên Chúa ấn định » ( Gaudium et Spes, số 22; x. Lumen Gentium, số 16; Ad Gentes, số 7).

Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Ðức Giêsu Kitô, hành động một cách âm thầm trong tâm hồn của tất cả mọi người. Người soi sáng cho họ và qui hướng lòng trí họ về với Thiên Chúa. Nếu con người biết vâng nghe theo tiếng lương tâm của mình, họ sẽ được cứu rỗi nhờ vào sức mạnh của ân sủng Ðức Kitô ban. Nói cách khác, không có Ðức Giêsu thì không một ai có thể được cứu rỗi. Ðồng thời điều đó cũng minh nhiên khẳng định rằng ý kiến của rất nhiều người ngày nay cho rằng tất cả mọi tôn giáo đều giống nhau, đều dạy người ta ăn ngay ở lành và mỗi người nếu sống theo niềm xác tín của tôn giáo mình một cách trung thực đều có thể nên thánh, là hoàn toàn sai lầm. Ngoài niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô, không được Phúc Âm soi sáng hướng dẫn và không thông công với Giáo Hội, con đường dẫn tới sự cứu rỗi sẽ trở nên vô vàn khó khăn và đầy hiểm nguy. Ðiều đó đã được chứng minh trong suốt giòng lịch sử của nhân loại. Ðúng vậy, « con người bị ma quỉ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán của mình khiến họ tráo đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối và phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo Hóa (x. Rm 1,21-25), hoặc : « vì họ sống chết ở đời này như thể không có Thiên Chúa, nên bị rơi vào cảnh hoài nghi thất vọng tột độ » (Lumen Gentium, số 16).

Bởi vậy, đức tin Kitô giáo không phải một loại hàng xa xỉ, không cần có nó người ta vẫn có thể sống chết một cách tốt lành được, nhưng là một ơn lành tối quan trọng mà Thiên Chúa đã ban cho con người, để dẫn đưa họ đạt tới sự cứu rỗi.

Vì thế, Giáo Hội không trình bày đức tin Kitô giáo một cách dửng dưng hời hợt như bất cứ một ý thức hệ nào mà con người có thể tuỳ ý lựa chọn, nhưng Giáo Hội loan báo đức tin một cách hết sức hăng hái và khẩn cấp như Ðức Giêsu đã làm. Một khi con người được nghe biết sứ điệp Tin Mừng, cần phải quyết định. Con người phải sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, để giữ trọn sứ điệp đó, hầu có thể đạt tới được sự cứu rỗi đời đời; Vì thà mất mát một phần cơ thể còn hơn là mất luôn cả cuộc sống (x. Mt 18,8). Nói cách khác, sự cứu rỗi hay hạnh phúc vĩnh cửu luôn có cái giá của nó và chỉ những ai chấp nhận trả cái giá đó, thì mới có thể chiếm hữu được nó !

ĐỪNG NGĂN CẢN NGƯỜI TA!
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Từ khi bước theo Chúa Giêsu, đây là lần đầu tiên Gioan con ông Dêbêđê với biệt danh “con của sấm sét” lên tiếng phàn nàn về việc có những người không bước theo Thầy, nhưng lại nhân danh Thầy trừ quỷ. Quả đúng là “con của sấm sét”! Ông tỏ vẻ khó chịu vì nhận thấy có người không cùng “đảng phái”, lại công khai thực thi việc bác ái. Giáo huấn của Chúa Giêsu trước vấn đề này như thế nào? Tin mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu thêm về giáo huấn của Chúa Giêsu trước vấn đề nhậy cảm này.

Nhìn vào lịch sử dân Dothái, chúng ta thấy hơn 1250 năm về trước, cũng xảy ra một chuyện tương tự với chuyện của “Gioan sấm sét” hôm nay. Ngày đó, theo lệnh của Giavê Thiên Chúa, ông Môsê tập hợp 70 người trong số kỳ mục của dân, “phong chức” cho họ, để họ trở nên những cánh tay nối dài, giúp ông lãnh đạo và ban truyền giáo huấn cho dân Chúa. Thế rồi xảy ra sự việc trong dân có hai ông tên là Enđát và Mêđát không thuộc nhóm 70, thế mà vẫn công khai phát ngôn lệnh truyền của Giavê Thiên Chúa cho dân chúng! Vì thế Giôsuê liền đi “mách” với Môsê và khẩn cầu ông ra tay chận đứng ngày sự việc “điên rồ” của hai ông kia. Lần đó, Môsê đã trả lời Giôsuê: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Giavê Thiên Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là Ngôn sứ!” (x. Ds 11, 24-30). Lần này cũng thế, khi thấy việc có người nhân danh Chúa Giêsu đi làm việc phúc đức, Gioan đã ra sức ngăn cản. Có lẽ ngăn cản không xong, nên ông đem ra “đấu tố” họ, nài xin Chúa Giêsu dẹp ngay đội quân “ngoài luồng” này cho khỏi chướng tai gai mắt. “Đừng ngăn cản người ta!”, đó là câu trả lời và cũng là giáo huấn quan trọng của Chúa Giêsu không chỉ dành cho Gioan mà còn cho tất cả chúng ta.

Lý do Chúa Giêsu đưa ra lời nhận định trên là vì “không ai lấy danh nghĩa Thầy làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy” và “ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đâu phải ai cũng hiểu đúng như vậy. Thực tế cho thấy ngay trong lòng Giáo hội, ngay trong Hội dòng vẫn còn rất nhiều hình ảnh của những “Gioan sấm sét”. Trên danh nghĩa vẫn là rao giảng danh Chúa và làm chứng cho tình yêu và sự công bình của Chúa đấy, nhưng có nơi, ông cha sở vẫn tìm mọi cách để “chém đẹp” cha phó xứ dù cha phó vẫn cố gắng hết sức để phục vụ giáo xứ và cả “phục dịch” cha sở nữa. Thế nhưng “ông kẹ” này vẫn lấy quyền bề trên – viện dẫn rằng đã được minh định trong giáo luật, để trói cha phó phục dịch cho những tư lợi thấp hèn, bất kể cha phó cũng là thành viên của hội dòng. Ông cha sở này không hiểu rằng trước khi ông là cha sở, thì ông thuộc về một Hội dòng, mà tinh thần của Hội dòng là gì nếu không phải là sống tình huynh đệ, bác ái và công bình chứ không phải vị luật và xét nét từ ly từng tý hành vi của anh em. Từ cái nhìn thiển cận này, nên cũng như “Gioan sấm sét”, ông cảm thấy rất khó chịu khi thấy cha phó sống được giáo dân yêu mến và quý trọng hơn ông. Nếu ông hiểu rằng cha phó và cả ông nữa khi nhân danh Chúa Giêsu để lo việc mục vụ không vì vinh quang cá nhân mà chỉ để làm vinh danh Chúa, thì có lẽ ông đã không “chém đẹp” cha phó, hay tìm mọi cách để “hãm bớt” lòng nhiệt thành của ngài.

Chúng ta nói nhiều, bàn nhiều đến nạn kỳ thị tôn giáo, thế nhưng ít khi bàn đến hoặc nói đến nạn kỳ thị xảy ra ngay trong chính Giáo hội, Hội dòng và ngay môi trường giáo xứ. Thế nên, Lời Chúa hôm nay thúc giục chúng ta tự duyệt xét lại thái độ của mình trước những việc nhân danh Chúa Giêsu để phục vụ tha nhân. Chúng ta biết một khi đặt công việc phục vụ tha nhân –một việc làm hữu ích đặt trên nền tảng bác ái- dưới lăng kính ganh tỵ, xoi mói và chê bai,… vô hình trung, chúng ta tự đặt mình vào thái độ của “Gioan sấm xét” hôm nay. Đây là một thái độ ích kỷ nếu không muốn nói là thiếu bác ái và sự công bằng. Hơn ai hết, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời khi đối diện với những người anh em thực thi công bình bác ái. Theo đó, tất cả những ai thực thi công bình bác ái, phục vụ tha nhân đồng loại đều thuộc về Chúa Giêsu và Giáo hội của Người. Đây là giáo huấn rất quan trọng. Thế nên đừng vì những lợi lộc thấp hèn mà đánh mất giáo huấn trọng yếu này.

“Không ai lấy danh nghĩa Thầy làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta thấm nhuần chân lý này, để trong cuộc sống, chúng ta không ngừng thực thi và cổ võ những giá trị công bình bác ái Kytô giáo không chỉ cho chúng ta mà còn cho anh em đồng loại.

PHE NÀY, CÁNH NỌ
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
Anmai, CSsR

Con người, tự lâu lắm rồi, đã mang trong mình cái đầu óc bè phái. Thấy người khác, nhóm khác thành công hơn mình, làm được việc hơn mình thì không chịu cố gắng, nỗ lực để được như người khác, nhóm khác. Hành động của những người ấy hết sức buồn cười là họ dèm pha, chỉ trích, nói hành, nói xấu.

Một kinh nghiệm hết sức thực tế ngay ở dân tộc Do Thái. Thuở xa xưa, khi đưa dân Do Thái ra khỏi nô lệ của Ai Cập thì Thiên Chúa đã nhờ đến bàn tay của Môsê. Ông quá vất vả với đám đông ô hợp. Mệt mỏi quá nên ông than thân trách phận với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe lời than vãn ấy, Thiên Chúa sợ ông phải cán đáng công việc một mình mệt nhọc nên Thiên Chúa đã gọi Môsê và truyền cho Môsê quy tụ 70 kỳ mục lại để cộng tác với Môsê.

Khi Thần Khí của Thiên Chúa xuống trên 70 người thì có 2 người trong nhóm họ tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều như sách Dân Số vừa thuật lại. Vì lý do nào đó không đến lều nhưng Thần Khí của Thiên Chúa vẫn đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại. Thấy sự kiện như vậy, Ông Giô-suê con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: "Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ !" Nhưng ông Mô-sê trả lời: "Anh ghen dùm tôi à ?”

Thế đấy, ông Giô-suê đã ghen tương khi thấy Thần Khí đậu trên 2 người kia khi họ còn ở trong trại và xin Mosê ngăn cản 2 người ấy. Với Môsê thì khác, Môsê đã mắng rằng họ đã ghen tuông với 2 người ấy.

Trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe thánh Máccô thuật lại hình như cũng mang âm hưởng của sự ghen tuông. Các môn đệ đã ghen tuông khi những người không thuộc nhóm với Chúa Giêsu, không thuộc nhóm các môn đệ mà trừ được quỷ.

Nếu để ý trình thuật trước trình thuật này bối cảnh là "ở nhà", nơi đó Chúa Giêsu "ngồi" giảng dạy cho các môn đệ. Thánh ký Máccô tiếp nối khung cảnh bằng cách chuyển mạch từ câu hỏi của môn đệ Gioan nhằm trình bày những giáo huấn mới của Chúa Giêsu.

Phải chăng việc gợi nhắc Gioan ở đây nằm trong dụng ý của thánh ký liên hệ đến một vấn nạn dù nhiệt tình song cũng không ít phần cục bộ: "lấy danh Thầy mà trừ quỉ, nhưng hắn lại không theo chúng tôi, và chúng tôi đã cố ngăn cản vì hắn không theo chúng tôi". Vì chưng, trong một truyền thống khác chỉ có trong Tin Mừng Luca (Lc 9,54), chính Gioan và anh mình là Giacôbê đã đòi khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt dân Samaria không đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ.

Trong thời đại của Chúa Giêsu việc chữa bệnh bằng cách trừ quỉ cũng được một số người Do Thái thực hành. Sử gia Flaviô Giôsêphê (Antiquités VIII, 46t) có kể lại trường hợp một người Do Thái tên là Elêazar chuyên chữa bệnh bằng một việc trừ quỉ rất mê tín và phù phép nhân danh vua Salômon.

Ở đây, thánh ký đề cập tới việc trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu, gợi nhắc đến bối cảnh thời Giáo hội sơ khai, ở đó việc trừ quỉ được coi là khá thịnh hành.

Sách công vụ tông đồ 8,19-24 có kể lại trường hợp Simon phù thủy muốn mua ở Phêrô quyền làm các phép lạ. Sách Cv 19,13t cũng trình thuật câu chuyện một số người Do Thái trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu: "Có ít người trừ tà rong đường, gốc Do Thái, cũng đã thử kêu danh Chúa Giêsu trên những người có quỉ ám" (Cv 19,13).

Cách miêu tả: không theo chúng tôi là một chi tiết biên soạn đậm nét thời Giáo hội sơ khai ở đó công đoàn các Kitô hữu tiếp tục quanh quẩn bên nhóm môn đệ, những kẻ đã từng theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nói: "chớ ngăn cản người ấy, vì không có ai nhân danh Ta làm phép lạ, rồi lại có thể vội nói xấu Ta. Vì ai không chống cự chúng ta là ủng hộ chúng ta, Kẻ nào cho các ngươi uống một bát nước, vì danh nghĩa các ngươi thuộc về Đức Kitô... nó sẽ không mất phần thưởng đâu" (Câu 39-41).

Sự kiện các môn đệ muốn ngăn cản những kẻ không theo họ, gợi nhắc tinh thần hẹp hòi của họ sánh với cái nhìn của Thầy họ. Từ đó, Chúa Giêsu đã dựa vào suy tư của các môn đệ để đưa ra những lời dạy nhằm khơi mở tâm hồn họ. Trong bối cảnh Chúa Giêsu đang tiến về cuộc khổ nạn cũng như đang đối diện với phe Biệt phái ký lục tìm cách hãm hại Người, câu trả lời của Chúa Giêsu (câu 39) có thể được hiểu như sau: một kẻ nại đến Ta, nhân danh Ta, dựa vào sức mạnh của Ta để làm phép lạ, thử hỏi Người đó có thuộc về phe Biệt phái ký lục không? Thử hỏi kẻ ấy có chủ ý tìm cách hãm hại Ta không?

Cách miêu tả: vội nói xấu ta Gợi nhắc rằng việc làm các phép lạ và trừ quỉ... chưa hẳn diễn tả được một cách dứt khoát đức tin bền vững vào Chúa Giêsu.

Dầu sao, trong nhãn quan thần học của Maccô, câu trả lời trên của Chúa Giêsu nói lên chủ đích của Người muốn các môn đệ hiểu thái độ thiếu nền tảng của họ. Vì chưng, "ai không chống đối chúng ta, là ủng hộ chúng ta" (câu 40).

Làm sao dung hợp được kiểu này và câu nói được trình bày ở Tin Mừng Matthêu cũng như ở Luca: Bản Mt 12,30 viết: "Ai không đi với Ta, tức là chống lại Ta. Kẻ không cùng Ta thu họp tức là làm tan nát" (x. Lc 11,23). Phải chăng đây là bằng chứng của các truyền thống mâu thuẫn nhau?

Một lần nữa, độc giả Tin Mừng được mời gọi để hiểu những lời của Chúa Giêsu trong mạch văn biên soạn tùy theo nhãn quan thần học của thánh ký.

Như vậy, mạch văn ở đây của Máccô là gì ? Đó là sự mời gọi của Chúa Giêsu ngỏ cho các môn đệ biết theo chân Người làm tôi tớ mọi người (câu 35c), nhất là những ai thấp hèn hơn. Nếu Người đã từng nặng lời kết án phe Biệt phái ký lục và Hêrôđê như những kẻ mù quáng đối nghịch lại với Người, thì ngược lại, Người cũng luôn tỏ bày khuôn mặt của Đấng Thiên sai mang ơn cứu độ cho hết mọi người, Do Thái hay dân ngoại. Thế nên, chỉ có những kẻ chủ ý chống lại Người, phủ nhận quyền năng của Người, sẽ phải hụt mất cơ may cứu độ. Còn bất cứ ai không chống lại quyền năng của Người, cũng như muốn làm những sự thiện nào đó, đều được mời gọi để tin theo Người...

Lồng kết vào trong bối cảnh thời Giáo hội sơ khai ở đó Tin Mừng Maccô được biên soạn, kiểu này ngỏ cho các môn đệ và qua đó cho cộng đoàn Kitô hữu của sơ thời cũng như của mọi thời, như là lời mời gọi họ biết vượt qua tinh thần ích kỷ hẹp hòi phe phái. Vì chưng những ai theo Chúa không được phép trở thành những nhóm đóng kín, kẻo có nguy cơ sống trái ngược với tinh thần của Thầy họ. Ai tự cho mình là môn đệ đích thực của Đức Kitô và ai dám kết án người khác không phải là môn đệ của Người ? Ai dám xác quyết rằng quyền lực cứu độ của Người chỉ tỏ bày cho họ chứ không cho kẻ khác ? Ai có thể biết được quyền lực đó hoạt động như thế nào nơi người khác không ?

Đang khi đó về bản văn của Matthêu và Luca: Nếu các Tin Mừng này trình bày một kiểu với ý nghĩa đối chọi, chính vì mạch văn đổi khác. Nơi Matthêu chẳng hạn, mạch văn nói về ý nghĩa vẫn đục của nhiều kẻ gán quyền lực trừ quỉ của Chúa Giêsu như xuất phát từ Satan. Hơn nữa trong bối cảnh của cộng đoàn mà Tin Mừng Mathêu được biên soạn, mối bận tâm nằm ở tầm vóc nội bộ cộng đoàn: "không phải mọi kẻ nói với Ta, Lạy Chúa, là sẽ vào được nước Trời” (Mt 7,21).

Trở lại với mạch văn Máccô người môn đệ của Chúa Giêsu được kêu mời ý thức sâu sắc về tâm nhìn cứu độ phổ quát của Người. Họ cần biết vượt thoát tinh thần phe nhóm để thấy được nơi mỗi sự thiện, mỗi sự góp phần tích cực nào đó như là khởi điểm cho ơn cứu độ, cho sự đón nhận Tin Mừng. Vì chưng, như đã được gợi nhắc ở trước trong Tin Mừng, sự thiện thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã nhìn thấy mọi sự Ngài sáng tạo đều tốt lành quá đỗi.

Nhìn vào cuộc sống của chúng ta, cái máu phe nhóm, cái máu cục bộ nó len lỏi vào trong đầu của con người chúng ta lúc nào không hay.

Tâm trạng phe nhóm rất dễ thấy nơi các công sở, xí nghiệp và ngay cả trong gia đình. Chẳng hiểu vì sao và lúc nào mà tinh thần cục bộ, phe nhóm, bè phái nó đã len vào trong gia đình, trong công sở, trong xí nghiệp. Nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa thì tinh thần cục bộ, óc bè phái và phe nhóm vẫn mang yếu tố tiêu cực hơn là tích cực dẫu rằng có chuyện thi đua để cho mọi sự nên tốt. Con người vẫn mang trong mình những giới hạn để rồi nhóm này thành công thì nhóm kia sẽ thất bại và rồi hai bên cứ kình địch nhau mãi. Tốt hơn hết là ta nên dung hoà và ta nên cùng làm việc chung với nhau chứ đừng vì hư danh mà ganh tỵ.

Anh em vẫn dùng cơm chung với nhau, thi thoảng Cha Sở đã nhắc nhở anh em nên sống công bằng, sống cư xử mọi người như nhau chứ đừng tạo phe nhóm, đừng tạo nên não trạng cục bộ. Chắc có lẽ kinh nghiệm với biết bao nhiêu năm sống cộng đoàn, giúp mục vụ nên Cha Sở đã thấy được những tổn thương, những thiệt hại của tinh thần bè phái, phe nhóm và cục bộ.

Mỗi thành viên góp phần cho sự phát triển của gia đình và cộng đoàn. Nếu từng thành viên ấy chung tay góp sức lại thì gia đình, cộng đoàn ấy vững mạnh và hạnh phúc. Nếu như gia đình, cộng đoàn nào gặp phải tình trạng phe nhóm thì buồn thật vì khi ấy, căn nhà, cộng đoàn ấy cứ mãi bị khập khiễng do sự ganh ghét, hơn thua của phe này nhóm nọ.

Thiệt hại về phe này cánh nọ chúng ta thấy hết sức bi đát. Dẫu bên ngoài họ có che lấp bằng những vẻ đẹp hào nhoáng đi chăng nữa nhưng bên trong nội bộ vẫn là sự bất an. Bất an là vì một bên thì cố gắng hết sức thủ cho mình hết chiêu này đến thức nọ để bảo vệ cho phe của họ còn phe kia thì cứ rình rập xem phe kia có sơ hở gì không và nếu có sơ hở là họ bắt đầu chỉ trích, bắt đầu lên án, bắt đầu dèm pha như các môn đệ hôm nay trong Tin mừng.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Vua của Bình An, Vua của Hiệp Nhất đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta dẹp bớt đi cái tôi của mình, dẹp bớt đi cái não trạng bè cánh để cộng đoàn, gia đình chúng ta được bình an và hạnh phúc hơn.

LÀM CỚ VẤP NGÃ
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Sống trong thế giới, con người không thể nào tránh được những gương xấu bởi vì không phải là không có gương tốt nhưng gương xấu có lẽ nhiều hơn những gương tốt, những gương mẫu mực. Ngày nay, phương tiện truyền thông là con dao hai lưỡi khiến những gương mù, gương xấu dễ lan tràn nhanh chóng khắp nơi, gây nên một sự ô nhiễm thật khó chịu cho nhiều người. Giáo Hội là một tập thể thánh thiện nhưng trong đó lại có những con người tội lỗi, nên cũng có những gương xấu khiến nhiều người bị lung lạc đức tin. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy thái độ dứt khoát, không khoan nhượng, không thỏa hiệp của Ngài: ” Ai làm cho một trong những tín hữu bé mọn này phạm tội, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển thì hơn ( Mc 9, 42 ).

Bài đọc I cho thấy rõ thần khí của Thiên Chúa luôn rất tự do và lan tràn khắp nơi. Thiên Chúa không chỉ ban thần khí cho ông Môisen, nhưng thần khí của Thiên Chúa còn đổ trên 70 vị kỳ mục và cho cả hai người không vào Lều thánh. Điều này chỉ ra rằng thần khí được ban cho mọi người, mọi dân tộc, bất kỳ ở đâu hay bất cứ ở chỗ nào.Thiên Chúa đã chọn ông Môisen lãnh đạo dân Chúa, đã ban thần khí cho ông, nhưng ông không ích kỷ, không co cụm thiển cận, nhưng ông rất quảng đại, bao dung,với cái nhìn đúng đắn Môisen cầu xin Chúa ban thần khí cho toàn dân để họ có thể trở thành ngôn sứ. Con người luôn có cái tốt và cái xấu. Thế giới không phải luôn chỉ có cái xấu, chỉ có gương mù. Mỗi người là một khác biệt, khác biệt về tính tình, về cách sống nhưng thần khí của Chúa qui tụ mọi người trong cả những cái khác biệt của nhau. Vậy làm sao chúng ta có thể nhận ra được những biểu hiện của Thần khí Chúa đang tác động trong thế giới, trong các biến cố cuộc đời, trong con người, kể cả những người chưa có niềm tin vào chúa.

Ngay trong đoạn Tin mừng của thánh Marcô hôm nay cũng bầy tỏ sự ích kỷ, quan niệm sai lầm của các môn đệ khi ngăn cản những người không thuộc nhóm mười hai nhân danh Chúa mà trừ quỉ. Đây cũng là gương xấu cần phải tránh. Cần phải sống cởi mở, chứ không được sống khép kín và ích kỷ đèn nhà ai nấy sáng. Các môn đệ cũng rơi vào tình trạng độc quyền chân lý, bao thầu tất cả mọi sự, độc quyền chiếm đoạt Thiên Chúa. Ở đây Tin mừng nhắc nhở chúng ta và mọi người chỉ có thái độ cởi mở, chân thành và hướng tới kẻ khác ngay trong những sự khác biệt của họ, mới giúp chúng ta ra khỏi óc bè phái và độc quyền, đặc biệt muốn chiếm hữu cả Thiên Chúa cho riêng mình.

Chúa Giêsu tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc đối với những người gây cớ làm cho người khác phạm tội, đặc biệt là ngăn cản người khác đến với Thiên Chúa. Chúa nghiêm khắc răn đe và chống lại những thái độ độc quyền, ích kỷ, hẹp hòi, nhưng lại đánh giá cao những hành động, thái độ, việc làm quảng đại, cởi mở, bác ái. Chúa đánh giá rất cao ngay cả việc làm nhỏ bé như cho người khát uống ly nước lã vv…Chúa nghiêm khắc cảnh cáo những ai làm cho một kẻ nhỏ bé tin vào Chúa vấp ngã. Chúa răn đe cương quyết kẻ làm người khác sa ngã thà chặt tay, chặt chân, móc mắt vv…thà còn một tay, một chân, một mắt mà giữ được tâm hồn toàn vẹn cho Chúa còn hơn còn đầy đủ tay, chân, hai mắt mà xa Chúa, tiếp tay với ma quỉ, làm gương xấu cho anh em, cho người khác.Thực tế qua những lời hết sức khắt khe ấy, Chúa kêu mời mọi người hãy mau quay về với Chúa, cắt đứt tận căn những dính bén, tiếp tay với ma quỉ để sống cho Chúa:” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Hãy cởi bỏ con người cũ, con người tội lỗi mà mặc lấy Đức Kitô. Chúa Giêsu không thuộc riêng ai. Chân lý không là của một người nào. Thánh Thần Chúa được ban cho mọi người để con người tôn vinh danh Chúa. Của cải, vật chất là những thực tế cần có để sống, nhưng biết dùng của cải, tiền bạc cho đúng mục đích.Dùng của cải, tiền bạc mà không dính bén, luôn có tâm hồn nghèo khó.Đó là điều Chúa chúc phúc, là lời khuyên của Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một lòng tin vững bền để chung con biết ra khỏi chính mình mà sống quảng đại, chia sẻ với anh chị em chúng con. Amen.

HÃY TRÁNH XA DỊP TỘI
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

Chúa Giêsu đưa ra những hình phạt rất quyết liệt và kinh khủng dành cho những ai phạm tội: “Nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn có đủ hai chân mà phải ném xuống hỏa ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào Nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hỏa ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.

Chúa không nói là tội gì sẽ xử như thế nào, không hề phân biệt mức độ của tội và hình phạt dành cho tội, mà chỉ nói một cách quá chung chung. Hình như cứ có tội là phạt và chi thể nào làm cớ cho ta phạm tội, bất luận là tội gì, cần phải loại trừ chi thể ấy? Khi nói những lời như thế, xem ra Lời của Chúa không chỉ quyết liệt mà còn độc ác?

Dù Chúa dạy như thế, nhưng trong thực tế, Hội Thánh chẳng bao giờ thực hiện. Suy nghĩ xa hơn một chút, ta thử tưởng tượng mà xem, nếu Hội Thánh sử dụng hình phạt dành cho tội như Chúa đã dạy, sẽ xảy ra hai tường hợp:

1 - Thế giới này sẽ có một Hội Thánh bi đát, khủng khiếp và rùng rợn không thể tưởng tượng nổi: một Giáo Hội toàn là những người bị thương, bị tật, bị què, bị cụt…, vì không ai là không phạm tội, và phạm tội rất nhiều lần trong suốt cuộc đời của mình.

2 - Hội Thánh sẽ không tồn tại, vì không có người. Chắc chắn không ai dám gia nhập vào một Hội Thánh tàn nhẫn như thế. Chẳng những không bao giờ thực hiện những điều ấy, mà Hội Thánh còn dạy những điều ngược lại, ngược hoàn toàn:

Sách Giáo lý Công giáo của Hội Thánh đòi phải “Tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể”. Sách Giáo lý cho biết: “…Tra tấn thể xác hay tinh thần để điều tra, để trừng phạt tội phạm, đe dọa đối phương, để trả thù, là điều nghịch với sự tôn trọng con người và phẩm giá con người.

Ngoài những trường hợp trị liệu, việc cố tình cắt bỏ, hủy hoại hoặc triệt sản, thực hiện trên những người vô tội đều nghịch với luật luân lý” (GLCG 2297).

Ta vẫn biết Lời Chúa là sự thật, là Lời ban sự sống, nhưng trong trường hợp này ta phải hiểu thế nào? Hội Thánh và Chúa Giêsu, ai đúng, ai sai?

Thực ra chẳng ai sai hết. Lời Chúa mãi mãi vẫn là Lời chân lý, Lời ban sự sống. Ngày nào Hội Thánh còn tin Chúa Kitô, còn nhận Chúa Kitô làm Cứu Chúa của mình, ngày ấy Hội Thánh vẫn phải sống và rao giảng Lời Chúa Kitô, và giáo lý của Hội Thánh vẫn phải phù hợp thánh ý Chúa.

Về phía Chúa Giêsu, khi nói những lời xem ra quá sức quyết liệt và nặng nề, Người muốn cho thấy sự trầm trọng của gương xấu, của chước cám dỗ, của những dịp tội, và xác định mối nguy hại có khi không nhỏ mà nó gây ra cho mỗi người. Qua đó, Chúa cho thấy cuộc chiến chống lại dịp tội, chống lại chước cám dỗ là một cuộc chiến lớn.

Cuộc chiến ấy đòi hỏi một thái độ dứt khoát triệt để; một sự từ bỏ đến mức như không còn kể đến chi thể của mình; một sự hy sinh chẳng những không khoan nhượng nhưng có khi còn thiệt thòi, còn đau xót, còn cảm thấy mất mát về mặt vật chất và thân xác. Tất cả những điều ấy là để chiếm lấy đời sống vĩnh cửu. Nói như thế là hiểu nghĩa bóng. Còn hiểu nghĩa đen: giá trị của sự sống vĩnh cửu quan trọng cho đến mức, nếu cần phải đánh đổi, ta sẵn sàng chấp nhận hy sinh chính bản thân mình để giữ lấy sự sống ấy.

Ngoài ra, ta còn phải lưu ý: Lời Chúa Giêsu là lối nói cụ thể, thường gây cho người nghe cảm giác nghịch lý. Vì thật vô ích, khi phải tìm xem những tội nào có nguy cơ xuất phát từ bàn tay, bàn chân hay con mắt… Mặt khác, dù có cắt bỏ bất cứ một phần chi thể nào, hình như đều là sự vô ích, vì như thế chưa hẵn là đã loại trừ được nguy cơ phạm tội.

Người ta phạm tội đâu phải chỉ do bàn tay, bàn chân hay đôi mắt, nhưng là cả con người của mình từ suy nghĩ, lời nói đến hành động.

Nói cho cùng, sự trừ tuyệt đối với sự dữ là một đòi hỏi đắt giá. Qua đó Chúa Giêsu cho thấy giá trị tuyệt đối của sự sống, của hạnh phúc Nước Trời. Đó cũng là tiêu chuẩn vượt trên mọi tiêu chuẩn mà con người phải chọn lựa.

Bạn thân mến, người ta kể rằng, trong một khu rừng nọ có một con thỏ cái sống bên cạnh một đàng thỏ con. Ngày nọ, khi các con đã lớn, thỏ mẹ dẫn chúng ra đồng tìm mồi. Bỗng dưng từ đàng xa, xuất hiện một tiếng rống nghe rất dữ tợn. Tức khắc, gương mặt thỏ mẹ hiện rõ nét lo sợ. Nó vội làm hiệu cho các con về hang ẩn núp.

Tuy nhiên, có một chú thỏ con tò mò và hiếu kỳ, muốn biết tiếng rống to đó là gì. Nó tách khỏi đàng, trốn mẹ, trốn anh em nấn ná ở lại để xem cho bằng được. Tiếng rống mỗi lúc một gần hơn. Chẳng bao lâu sau, từ phía tiếng rống ấy, không chỉ có tiếng rống mà còn xuất hiện một con hổ to.

Thỏ con không biết là hổ nhưng bắt đầu cảm thấy sợ, khi chứng kiến một bộ mặt đầy sát khí, mắt và miệng thật to, hàm răng lởm chởm và những chiếc răng nanh thật dài trông khủng khiếp. Thỏ con quá sợ hãi, co chân chạy thật nhanh. Nhưng chính lúc thỏ con di động, là lúc nó gây sự chú ý cho con hổ. Chỉ cần một cú nhảy thật nhanh của con hổ độc ác, thỏ con đã nằm gọn trong miệng nó…

Hôm nay Chúa nói với với chúng ta: Nếu tay hay chân, hay mắt ta nên dịp tội thì hãy chặt, hãy móc nó mà quăng đi, có khác nào Chúa muốn ta hãy tránh xa dịp tội!

Bạn và tôi đừng bao giờ liều thân nhảy vào dịp tội, đừng bao giờ tò mò đối với những hoàn cảnh nguy hại đến đức tin, đúng hơn đến sự sống vĩnh cửu của mình.

Chú thỏ con tội nghiệp kia chỉ vì tò mò muốn biết tiếng rống khủng khiếp là gì, đã không tránh xa hoàn cảnh có thể đưa tới cái chết. Không tránh xa sự nguy hiểm, thỏ con đã tự nộp mình cho sự chết.

Bạn và tôi, nếu không lánh xa dịp tội, nếu không ý thức mình yếu đuối, mỏng dòn, sự sa ngã do cố ý là điều khó tránh khỏi. Tội là sự chết của tâm hồn. Tránh xa dịp tội là tự cứu mình thoát chết.

Bên cạnh nỗ lực của bản thân để không phạm tội, chúng ta không được phép quên một nguyên tắc khó lòng thay đổi: Đời sống cầu nguyện.

Con người không thể làm gì mà không cần đến ơn Chúa. Điều ấy càng đúng đối với đời sống thiêng liêng của ta.

Bởi thế, lãnh bí tích; đọc kinh cầu nguyện; thánh lễ; đọc, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa… là những phương tiện giúp ta thêm mạnh mẽ để chống lại chước cám dỗ, và cũng để ta luôn tắm mình trong ơn Chúa.

Hãy nhớ, khi gần Chúa ta sẽ dễ xa cách tội. Nhưng nếu để mình xa Chúa, ta sẽ dễ gần tội.

LÀM CỚ VẤP NGÃ
Mc 9, 38 – 43. 47 – 48
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Ngày nay, phương tiện truyền thông là một phương thế hữu hiệu nhất để các tin tức được lanh lẹ tới mọi nơi. Tin tức tốt cũng nhiều mà những tin tức gây nhiễu cũng lắm. Gương lành cũng có mà gương xấu lan tràn khắp nơi. Các phương tiện truyền thông khó được kiểm chứng kỹ lưỡng, nên có nhiều gương xấu dễ lây lan nhanh chóng đến nhiều người, đến mọi người , gây nên bầu khí ô nhiễm thật khó thở. Về phía thế giới, về phía xã hội cũng có nhiều gương tốt mà cũng đan xen nhiều gương xấu. Giáo Hội cũng có những gương xấu khiến có người bị lung lay đức tin. Chúa Giêsu đã có một quan điểm, một thái độ bất khoan nhượng đối với những kẻ gây nên gương mù, gương xấu, Ngài bảo :” …thà buộc cối đá lớn vào cổ kẻ ấy mà ném xuống sông còn hơn “ ( Mc 9, 42 ).

Thực tế, nếu xét khía cạnh tự nhiên, trong cuộc đời con người, chúng ta có lúc đã gây cớ vấp phạm cho người khác. Cha mẹ chưa sống trọn nghĩa vụ làm cha làm mẹ, khiến con cái không an tâm tin tưởng hoặc người cha say sưa, nghiện ngập sẽ làm con cái mất niềm tin. Người mẹ sống gian dối, nợ nần chồng chất, vay mượn lung tung sẽ khiến con cái không thể an tâm tin tưởng, cậy nhờ cha mẹ. Hoặc là con cái bất hiếu, hút sách, chơi bời, cờ bạc, không chịu học hành nghiêm túc sẽ làm cha mẹ buồn lòng, đau khổ vv…Nhưng người giáo dục kẻ khác, những nhà tu hành, những người lãnh đạo người khác sống không đúng với địa vị, vai trò của mình ,sẽ khiến nhiều người, cấp dưới thất vọng. Chúng ta nhiều khi vô tình hay cố ý đã làm tổn thương nhiều người vì những việc làm không tốt của chúng ta.

Chúng ta có thể gây cớ vấp ngã cho người khác.Tuy nhiên, nhiều khi chính việc gây ra cớ vấp phạm của chúng ta cho người khác lại là tội lỗi sâu xé thân xác chúng ta. Chúa Giêsu đã có một thái độ, một đòi hỏi cương quyết :” Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt “ ( Mc 9, 43 ). Lẽ dĩ nhiên, đòi hỏi của Chúa Giêsu không phải là nghĩa đen theo kiểu mắt thế mắt răng đền răng, mà Chúa đòi buộc chúng ta phải sống công chính, sống đạo đức, thánh thiện như Cha chúng ta ở trên trời. Nhưng chúng ta cũng không được coi thường đòi buộc này của Chúa Giêsu. Bởi vì, đã có người phải hy sinh một phần thân thể nào đó để tự cứu được mạng sống mình.

Sống ở đời, chúng ta thấy luôn có người khôn và người dại. Chúa Giêsu đã từng nói đến năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại trong Tin Mừng của Ngài đó sao? Năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn mà lại đem theo dầu dự trữ, còn năm cô trinh nữ khờ dại mang đèn mà không mang dầu theo…Người khôn là người dám hy sinh cái gì cao quý để được cái cao quý hơn.

Nước Trời mà Đức Giêsu rao giảng đòi hỏi người ta phải quảng đại, hy sinh, dấn thân, liều mình. Sự sống vĩnh cửu đòi buộc con người “ thà mất mạng sống để tìm lại được mạng sống bởi vì ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ lại tìm được nó “ hoặc “ Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ mình, vác thập giá của mình mà theo Thầy “. Tìm sự sống vĩnh cửu là điều quí nhất người khôn “ về bán hết gia tài mà muôn thuở ruộng ấy để tìm viên ngọc quí “.

Tìm nước trời phải :”…về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo khó, rồi đến đi theo Thầy”. Đây là cái nghịch lý của Tin Mừng. Chỉ ai khôn ngoan mới hiểu được những gì là cản trở người ấy đến với Chúa thì thà chặt tay, móc mắt hay đẩy xa mọi điều gì có thể làm cản trở họ đến với Chúa. Chúng ta phải dám đoạn tuyệt với tất cả những gì nhằm làm chúng ta khó tới với Chúa. Đoạn tuyệt với một tật xấu, đoạn tuyệt với tội lỗi nhiều khi còn đau đớn hơn khi ta chặt chân, móc mắt vv…

Vâng, chúng ta phải can đảm đoạn tuyệt, lìa xa những gì là xấu xa, những gì làm cản bước chúng ta tới Chúa. Có những hy sinh đòi chúng ta phải quảng đại, phấn đấu, thắng vượt. Phần xác và phần hồn luôn cần đi đôi với nhau.Nếu chúng ta mắc một bệnh nào đó đòi hỏi chúng ta phải giải phẫu thì mới cứu sống ta được thì có những lúc chúng ta cũng phải thanh tẩy tâm hồn chúng ta để chúng ta có con tim mới, bộ óc mới, cái nhìn mới để chúng ta nhận ra Nước Trời, nhận ra Thiên Chúa là Đấng cứu độ chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim mới, một con người mới để chúng con biết nhận ra Chúa nơi mọi người, nơi con người, nơi mỗi người. Xin Chúa giúp chúng con biết đẩy lùi những gì làm cản trở con đường dẫn chúng con đến với Chúa. Amen.

Nguồn vietcatholic.org

1491    25-09-2015 07:27:46