Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Gia Đình Là Trường Giáo Dục Tình Hiệp Thông - Tháng 05 năm 2009

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 VĩnhLong
26.4.2009

V/v Gia đình trường dạy hiệp thông

Kính gởi : Quí Cha,
Quí Tu Sĩ,
Anh Chị Em giáo dân Giáo phận Vĩnh Long

Con người được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26). Thiên Chúa là Tình Yêu, không cô độc cũng không khép kín, đã tạo dựng con người có đôi có bạn. Đó là xã hội đầu tiên để con người sống ơn gọi của mình và biểu hiện hình ảnh của Thiên Chúa, là Tình Yêu (x.TH về Gia đình, 11). Thiên Chúa Ba Ngôi là một Cộng Đoàn Tình Yêu trong đó các Ngôi Vị Thiên Chúa phân biệt với nhau: Chúa Cha không phải là Chúa Con, Chúa Con không phải là Thánh Thần; nhưng luôn hợp nhất và thông hiệp với nhau. Đó là kiểu mẫu cho các gia đình.

Hôn nhân và gia đình là một trong hai cách thế chuyên biệt để thực hiện ơn gọi sống yêu thương (TH về Gia đình, 11). Nhờ tình yêu mà người nam và người nữ lấy nhau làm bạn đời, tạo nên một cộng đoàn sống chung thân mật (Vaticanô II, Vui Mừng và Hy Vọng, 48). Đã là bạn đời, bạn tri kỷ của nhau, họ phải sống bên nhau, sống cho nhau, vui buồn có nhau, "giữ lòng chung thủy với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời họ" (x. Nghi thức cử hành hôn phối ). Đó là tình hiệp thông đặc biệt sẽ phát triển với nhiều cố gắng và hy sinh của đôi bạn.

Ngược lại với tình hiệp thông vợ chồng là ngoại tình, ly hôn ly dị hoặc đa thê. Chỉ trong trường hợp đặc biệt khi có lý do nghiêm trọng khiến đời sống chung của hai người trở thành quá khó khăn, người nầy không thể chịu đựng người kia nổi, cuộc sống gia đình nặng nề, mới chấp nhận ly thân (X. GL của HTCG, 1629, 1649).

Khi đôi bạn có con chung với nhau, thì mối hiệp thông nầy lại gia tăng. Tình yêu đã liên kết họ lại trong hôn nhân, làm cho người nầy thuộc về người kia, nay còn được thể hiện cách độc đáo nơi "người con chung" của họ, khi chính người con mang trong bản thân của mình cái tinh hoa của cha và cái tinh hoa của mẹ. Và "không ai ghét thân mình bao giờ" (Eph 5,29), nên hễ thương con, thì cũng thương cha, thương mẹ.

Nếu hôn nhân vừa nối kết đôi bạn đồng thời cũng nối kết Hai Họ lại với nhau, thì người con lại càng thắt chặt và biểu hiện mối hiệp thông giữa cha với mẹ, giữa Họ Hàng bên cha với Họ Hàng bên mẹ cách thiết thực hơn. Do đó mà chúng ta có thể hiểu được truyền thống chọn dâu và kén rể của ngày xưa, tại sao phải có lễ cưới diễn ra giữa Hai Họ, phải có người chứng giám.

Hiểu và sống những mối tương quan trong hôn nhân và gia đình cho phải lẽ, người ta có được một trong những bí quyết sống hạnh phúc rồi.

Chúa Kitô không phá đổ những gì Đấng Tạo Hóa đã in sâu trong con người. Chính Chúa đã mặc lấy xác phàm, để tái tạo con người. Chính Chúa đã thánh hóa Hội Thánh, yêu thương kết hợp với Hội Thánh, rồi cũng muốn có Bí Tích Hôn Phối để liên kết đôi bạn Kitô hữu trong giao ước hôn nhân một cách bền vững, để làm dấu chỉ của sự kết hợp tuyệt hảo giữa Đức Kitô với Hội Thánh là Thân Thể của Người (x. Eph. 5,21-33). Bí Tích Hôn Phối làm cho hôn nhân và gia đình Kitô hữu trở thành một tế bào của Hội Thánh, mở rộng tương quan của gia đình với cộng đoàn dân Chúa.

Thế nên, đôi bạn Kitô hữu nên thánh nhờ cố gắng thể hiện đầy đủ những tương quan trong hôn nhân và gia đình, và cũng nhờ đó mà có thể dâng hiến con cái mình phục vụ Hội Thánh trong ơn gọi Linh mục, Tu sĩ; góp phần kiến tạo xã hội trước tiên trong việc củng cố và phát triển các giá trị đạo đức trong gia đình của mình.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Vĩnh Long.

 

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH LÀ TRƯỜNG GIÁO DỤC TÌNH HIỆP THÔNG

I. THƯ MỤC VỤ SỐ

"Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là cộng đồng các ngôi vị: đôi bạn nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông..." (Tông huấn Gia Đình, số 18). Mối hiệp thông này được củng cố và phát triển nhờ tình tương thân tương ái và nhờ sự nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống nhân bản cũng như đời sống đức tin. Quả vậy, nếu mọi thành viên trong gia đình sống thuận hòa và đùm bọc lẫn nhau, gia đình sẽ trở nên ấm cúng. Tình hiệp thông giữa các thành viên trong một gia đình sẽ góp phần củng cố gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa, tức là Giáo Hội.

II. DẪN GIẢI

Gia đình đúng, tốt thì không chỉ do tính dục mà phải do tình yêu chân thật.

Tình yêu tốt thì đòi các thành phần trong gia đình phải sống hiệp thông. Hiệp thông là sống nâng đỡ giúp nhau thăng tiến nhân bản và đức tin.

Gia đình hiệp thông tốt thì có thể ảnh tạo ảnh hưởng, hay nói mạnh hơn, cộng tác vào công trình thiện hảo hoá gia đình nhân loại và Hội Thánh.

III. CHUYỆN MINH HỌA

KHÔNG GIẬN KHÔNG ĐƯỢC

Hôm qua khi anh rầy con và dằn mạnh chén cơm xuống bàn, em làm ra vẻ như không quan tâm. Thật ra em thấy hết và em hiểu nguyên nhân cơn bực bội của anh. Anh bực bội vì đã hơn 19 giờ, anh nhiều lần kêu đói bụng mà em vẫn thản nhiên. Vâng, em cố tình làm thế để anh hiểu rằng khi em vất vả vì công việc ở cơ quan, vì chuyện nhà cửa, con cái, thì anh không có quyền nằm ườn trên ghế đọc báo hay xem tivi và ra lệnh.

Không phải vô cớ mà em “giở chứng“ như thế. Ngày nghỉ hàng tuần của em là ngày thứ bảy. Sau một tuần làm việc mệt nhọc, ngày hôm đó em chỉ muốn được ở nhà nghỉ ngơi, nhưng em vẫn vắt óc nghĩ ra một món gì đó để đãi chồng con và hì hục cả buổi sáng để đi chợ, nấu nướng. Vậy mà, mười lần, thì có đến chín lần, khi em vừa nấu nướng xong, thì anh lại gọi điện thoại bảo em đi đón con và ăn cơm trước, vì anh phải ăn trưa với cô Kim Yến; ăn xế với cô Kim Oanh; tiệc tùng chia tay với cô Ngân Hà hoặc có lúc chẳng ăn uống tiệc tùng, mà đơn giản chỉ là cô Yến Nhi có chuyện buồn phiền, cần anh nán lại để trút bầu tâm sự...Bữa cơn em chăm chút là thế, rốt cuộc khi dọn lên chỉ có ba mẹ con nhìn nhau, ráng ăn cho xong bữa. Nồi cơm hôm sau phải hấp đi hấp lại, thức ăn phải hâm tới, hâm lui cho đến khi đổ bỏ. Nhiều lần như vậy, em bổng nghĩ, hóa ra mình vất vả như thế chẳng để làm gì cả!

Thế thì từ nay, anh thích ăn cơm, thì nấu cơm; thích ăn phở thì nấu phở; thích ăn mì gói thì có sẵn thịt thà, rau củ trong tủ lạnh. Em sẽ để cho anh được tự do cho đến khi nào anh thấy gia đình, vợ con cần thiết hơn cô Yến, cô Oanh, cô Hà nào đó...

ÁI NHƯ (Báo Người Lao Động, Thứ hai 27.04.2009)

Người ta nói “cà phê nhứt nóng, nhì trong“. Phải giữ cho nóng và phải chọn loại thuần khiết thì mới ngon. Tình nghĩa vợ chồng cũng vậy. Đâu phải hễ cưới nhau về là coi như mọi chuyện đã yên bề, trăm năm vẫn vậy. Chồng của mình, vợ của mình, mất đâu nữa mà lo! Cần phải hâm nóng, vun đắp từng ngày. Quan tâm, thông cảm, chăm sóc đến nhau, ngay trong những chuyện thường ngày nhất, để tình yêu vợ chồng ngày một thắm thiết hơn.

IV. DIỄN GIẢI

Theo Tông Huấn Gia Đình, đời sống hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa chính là kiểu mẫu cho đời sống gia đình nhân loại: “Thiên Chúa là Tình yêu và nơi chính mình Ngài, Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người“ (Tông Huấn Familiaris Consortio, 11).

Đức Giêsu cho chúng ta biết Gia đình Ngài có Ba Vị hay Ba Ngôi riêng biệt nhau gồm: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ba Ngôi yêu thương nhau vô cùng và thông hiệp nhau trong tình yêu bền chặt đến nổi Ba Ngôi không còn là Ba mà nên Một Chúa. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thầy với Chúa Cha là một" (Ga 10,30), vì thế "Ai thấy Thầy, là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9), và “Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra“ (Kinh Tin Kính).

Chúa Cha yêu Chúa Con đến nổi không có gì mà không ban cho Chúa Con: “Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy“ (Ga 16,15). Những gì Chúa Con nhận được từ tình yêu của Chúa Cha, thì Người dâng lại cho Cha tất cả: con người và trọn cả ý muốn của mình: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy“ (Ga 4,34).

Chúa Thánh Thần phát sinh từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là một Ngôi Vị thực sự, khác hẳn với Chúa Cha và Chúa Con; Chúa Cha và Chúa Con ban cho Ngài mọi điều mình có.

Như vậy, Ba Ngôi đều là Thiên Chúa, dù tách biệt nhau và đều có cùng bản tính Thiên Chúa, cựïc thánh, toàn năng, đầy yêu thương và khôn ngoan vô cùng. Nhưng Ba Ngôi chỉ là Một Thiên Chúa: có cùng một lý trí và ý chí vô biên, cùng một sự tốt lành, thánh thiện và quyền năng.

Chính tình yêu đã liên kết Ba Ngôi nên một với nhau, và cũng chính tình yêu chi phối mọi hoạt động của Ba Ngôi, nên Hội Thánh dạy rằng dù có Ba Ngôi, nhưng chỉ có Một Chúa.

Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, do tình yêu gắn kết nên Một, đã được Thiên Chúa lấy làm mẫu cho gia đình nhân loại mà Ngài tạo thành: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người, có nam, có nữ“ (St 1,27). Ngài rút xương sườn của Ađam để tạo nên Evà, khiến cho Ađam khi nhìn người bạn đời của mình phải thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi...Bởi đó người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt“ (St 2, 23-24).

Thiên Chúa, vì yêu thương, đã dựng nên đôi vợ chồng đầu tiên, gồm một người nam và một người nữ và kết hợp cả hai nên một. Đồng thời, khi dựng nên họ giống hình ảnh của chính mình, Thiên Chúa cũng ban cho họ khả năng yêu thương: chồng yêu thương vợ và nên một với vợ mình. Tình yêu ấy phát sinh hoa trái là con cái, cùng chung một huyết nhục với cha mẹ và được cha mẹ yêu thương. Như vậy, gia đình nhân loại họa lại hình ảnh gia đình hiệp thông yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi vì, vợ-chồng-con cái, tuy khác biệt nhau nhưng không còn là ba, mà là một. “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, giống như họa ảnh của Ngài. Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Ngài cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu” (Tông Huấn Familiaris Consortio, n. 11)

Thiên Chúa cũng dựng nên gia đình Hội Thánh, theo hình mẫu của Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nhờ Phép Rửa Tội, mọi tín hữu đều được thông hiệp làm một với Chúa Kitô và với nhau. Như vậy, Phép Rửa Tội gắn kết tất cả mọi tín hữu nên một trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô là Hội Thánh của Người. Đồng thời qua việc rước mình và Máu thánh Chúa, chúng ta nên đồng huyết nhục với Chúa Kitô và nên một với nhau.

Chất keo gắn kết gia đình Hội Thánh trong tình hiệp thông yêu thương là tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Có yêu thương, mới có hiệp nhất nên một với nhau. Sống hiệp thông chính là chia sẻ, trao ban.

Yêu thương là chia xẻ. Là xẻ cái của mình, con người mình, trái tim mình mà chia cho người bạn hôn phối của mình. Yêu nhiều, chia xẻ nhiều. Yêu ít, chia xẻ ít. Yêu trọn vẹn thì cho hết cả cuộc đời mình. Yêu như Chúa yêu: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một Mình cho thế gian“ (Ga 3,16). Yêu cho đến chết như Chúa Giêsu (x. Ga 15,3). Để chỉ khát khao gắn bó vợ chồng cho đến bên kia cái chết, dân gian cũng thường nói: “Đồng tịch, đồng sàn, đồng quan, đồng quách“. (Đây là lời nguyền của người vợ quyết sống chung thủy với chồng: “Sống đồng tịch đồng sàn, chết đồng quan, đồng quách“. Khi sống thì cùng chung một chiếc chiếu, một cái giường; khi chết thì cùng nằm trong một cái quan tài. Đồng: cùng, giống nhau. Quan: cái áo quan để liệm xác người chết. Quách: cái quách để bọc áo quan- nhà giàu mới dùng- nên có thành ngữ: trong quan, ngoài quách – Tự Điển Cao Đài).

Cần học sống vì người, cho người...mà trước hết là những người thân cận nhất của mình: vợ chồng, con cái...

Trong cuộc sống lứa đôi, gia đình nào cũng có mong ước bình dị mà căn bản nhất là tương đồng và tâm đắc với nhau, nếu không được trong tất cả mọi lãnh vực, thì ít nữa là trong một vài khía cạnh nào đó, sao cho gia đình được gắn bó bền chặt. Thế nhưng, thực tế cho thấy, sau một thời gian chung sống, một số gia đình cảm thấy khó hợp với nhau, sinh ra bất hòa cãi vã...đôi khi đi đến chổ quyết liệt không thể chung sống với nhau.

Cần ý thức rằng chuyện vợ chồng khác tính, khác ý với nhau là chuyện bình thường; bởi vì mỗi người đều mang tính khí khác nhau và được giáo dục theo những môi trường gia đình khác nhau. Hãy xem những dị biệt đó như là cơ hội để trường thành, như chất liệu để bổ sung những thiếu sót của nhau. Và nhất là hãy tin rằng nếu biết đón nhận nhau “như mỗi người là chính họ“, vợ chồng vẫn có thể sống chung hạnh phúc với nhau cho đến ngày đầu bạc răng long.

Một gia đình êm ấm, hòa thuận yêu thương, chia xẻ sẽ trở thành tấm gương quý giá cho con cái: “Khi trở nên cha mẹ, cha mẹ cũng lãnh nhận nơi Thiên Chúa một quà tặng, đó là một trách nhiệm mới. Cha mẹ được mời gọi để biến tình thương con cái thành dấu chỉ hữu hình cho chúng nhận ra được chính tình yêu của Thiên Chúa là “nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất“ (Tông Huấn Familiaris Consortio, 14).

(Tổng hợp từ: catholic.org.tw; vatican.va; topchretien.com; africhange.com; famillechretienne.fr và những tài liệu khác)

Xin cho các cha mẹ biết thương nhau, vun đắp đời sống gia đình, để con cái nhờ được lớn lên trong cảnh đầm ấm gia đình, cũng biết yêu thương người khác.

KIỂM ĐIỂM

Có nhận thấy hôn nhân không phải chỉ do tính dục mà phải có tình yêu chân thật thì hôn nhân mới tốt, mới bền. Có nhận định không?

Hôn nhân yêu nhau, trao đổi cho nhau: vừa cho vừa nhận, làm cho cả hai đầy đủ hơn, đi đến chỗ hiệp nhất nên như một. Chúng ta có hiểu những điều này không?

Cha mẹ có nhận thấy mình có nhiệm vụ tạo sinh, nuôi dạy con cái không? Nhiệm vụ nầy phần nào thay cho chính Chúa, chớ không tự nhiên đến trong đời người, như đói phải ăn thôi…. Chúng ta nghĩ thế nào?

Phận làm con có biết hiếu thảo, vâng lời là nhiệm vụ không?

V. LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Nhìn hình ảnh thánh Giuse dắt con lừa chở Đức Maria bồng Hài Nhi, cùng với hành lý để trốn sang Ai Cập, chúng ta nghĩ đến câu: “Gặp nạn cùng chia”, và sau này sẽ “có phước cùng hưởng”. Gia đình giáo dục tình hiệp thông. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

  1. Người ta thắc mắc về Chúa Giêsu: “Ông này chẳng phải là con bác thợ Giuse sao?”. Chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh, nhờ các việc lành, việc bác ái xã hội, mà làm cho danh Chúa được cả sáng.
  2. Người cha nói: “Con phải mừng vì em con đây đã chết nay sống lại”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình Kitô-hữu, biết giáo dục tình hiệp thông, giáo dục tình yêu thương và giáo dục lễ độ cho nhau.
  3. Chúa phán với Đức Mẹ: “Này là con của bà”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình Kitô-hữu, biết nhờ Mẹ Maria mà sống hiệp thông với nhau, trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống trần gian.
  4. Chúa phán với Gioan: “Này là mẹ của con”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình trong họ đạo chúng ta, luôn hiệp thông trong sức sống của Chúa Thánh Thần, để giúp đỡ nhau sống đạo, để liên kết với nhau trong Chúa Kitô.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa dựng nên loài người giống hình ảnh Chúa Ba Ngôi, sống và dạy sống hiệp thông. Xin ban Thánh Thần liên kết chúng con lại trong tình yêu Chúa, hầu mai sau được hưởng hạnh phúc muôn đời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TỔ ẤM YÊU THƯƠNG

Người ta thường định nghĩa gia đình là nơi quy tụ những người cùng sống chung trong một mái nhà, có liên hệ với nhau bằng sợi dây yêu thương tạo nên sự nồng ấm. Vì thế, gia đình còn được gọi là tổ ấm. Chính quan niệm này cho thấy được sự liên hệ mật thiết với nhau của những người trong gia đình, giữa cha mẹ với nhau, cha mẹ với con cái, và giữa anh chị em với nhau. Nhờ sự liên hệ mật thiết này mà những thành viên trong gia đình được thăng tiến và tiến lên trên con đường đi về niềm hạnh phúc đích thực là Thiên Chúa.

Công đồng Vaticanô II khẳng định: Gia đình chính là mái trường đầu tiên dạy cho chúng ta những bài học làm người. Chính trong mái trường đầu tiên này, cha mẹ là những nhà giáo dục dạy con cái những bài học đầu tiên để thành người. Tuy nhiên, sự liên hệ này không phải luôn luôn lúc nào cũng tốt đẹp do sự không hiểu nhau giữa các thế hệ trong gia đình, cha mẹ không hiểu con cái cho rằng cho cái thái quá, nhưng ngược lại con cái nhìn về cha mẹ như những người cổ lỗ, khép kín.

Trên bình diện cá nhân, đôi khi sống trong gia đình làm cho người ta thấy có một sự ràng buộc nào đó, một sự khó chịu nào đó do phải va chạm với nhau giữa những thành viên trong gia đình. Thế nhưng, khi phải xa rời gia đình người ta luôn hướng về nó như những hình ảnh đẹp nhất, thân thương nhất, êm ả nhất mà không ở nơi đâu con người có được cảm nhận yêu thương này.

Trong bầu khí gia đình, người ta được dạy cho biết sống yêu thương, sự chỉ dạy này không chỉ được thực hiện bằng lời nói nhưng bằng chính cách sống yêu thương của cha mẹ, sự yêu thương gần gũi… và cũng trong gia đình người ta được hưởng một nền giáo dục nhân bản, đặc biệt trong gia đình Kitô hữu người ta còn được một nền giáo dục Kitô giáo vững chắc, chẳng những thành người mà còn trở thành những người con Chúa. Câu chuyện về người mẹ của Mạnh Tử đã ba lần thay đổi chỗ ở, cũng như giáo dục ông như thế nào để ông trở nên một nhà hiền triết lỗi lạc cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc giáo dục trong đời sống gia đình.

Gia đình chính là điểm tựa vững chắc và là chốn về ấm áp, bình yên của mỗi người, trong gia đình người ta thấy được sự yêu thương nhau, nâng đỡ nhau. Trong một xã hội đầy nhưng lộc lừa toan tính thì gia đình lại càng là nơi nương tựa bình yên cho con người, cho dù bên ngoài có ra sao, có nhào nặn ta thế nào thì gia đình vẫn giang tay rộng ấm ôm ấp những người con tìm về bến đỗ bình yên. Trong gia đình người ta được học sự hiệp thông yêu thương nâng đỡ nhau.

Người xưa có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” cho thấy rằng, sự giáo dục trong gia đình có ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính xã hội và trên bình diện tôn giáo là Giáo hội. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình trở nên yếu tố căn bản để xây dựng xã hội và Giáo Hội, gia đình có tốt thì đào luyện được những con người tốt, những con người tốt tạo nên một xã hội tốt. Nhưng phải làm sao để trở nên những gia đình tốt? Thiết tưởng một trong những yếu tố trọng yếu tạo nên một gia đình tốt đó chính là sự yêu thương. Sống trong một gia đình yêu thương người ta mới sống thương yêu được và thật bất hạnh thay khi con người có được tất cả mà không có yêu thương. Hằng ngày trên báo chí ta thấy nhan nhãn những con người như thế. Vì vậy trong gia đình người ta hấp thụ được nền tảng của sự hiệp thông với nhau trong xã hội.

Với chúng ta là những gia đình Kitô hữu, gia đình còn là nơi chúng ta học biết sống hiệp thông với Chúa. Trong những gia đình Kitô hữu, việc đọc kinh sáng tối chung với nhau, cầu nguyện chung với nhau, cùng nhau tôn thờ Chúa là một phương thế thật tốt dạy cho con cái học biết về Chúa, tập làm quen với Chúa và triển nở đức tin mỗi ngày một hơn. Niềm tin vào Thiên Chúa trong gia đình là một chỗ vựa vững chắc cho niềm tin của từng cá nhân và chính niềm tin này giúp cho từng cá nhân cảm nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc sống mình.

Gia đình, hai tiếng thật nồng ấm, thật yêu thương là nơi con người được giáo dục cho tình hiệp thông: với nhau, với xã hội – Giáo hội và với Chúa. Tình yêu thương trong gia đình là mối dây thiêng liêng liên kết con người lại với nhau và nhờ đó con người vươn lên tới chính Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu. Xin Chúa cho mỗi gia đình chúng ta luôn biết sống hiệp thông để được hiệp thông trong Chúa.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 40: NGÔN SỨ NA-HUM

1/ Thời hoạt động của Na-Khum.

Sứ ngôn có trước thành Ninivê thất thủ năm -612 một chút. Ở đây, người ta thấy run lên một mối hận thù của Israel đối với kẻ thù truyền kiếp là dân Assyria. Người ta nghe hát lên những hy vọng mà sự sụp đổ của dân nầy đã khơi dậy.

2/ Nội dung sách Na-Khum.

Sách Na-Khum mở ra một Thánh vịnh thịnh nộ của Đức Giavê đối với những người gian ác và những lời quyết đoán tiên tri so sánh hình ph?t của Assyri với sự cứu thoát Giuđa.

Sách Na-Khum chắc đã nuôi dưỡng những hy vọng nhân loại c?a Israel trong khoảng năm -612, nhưng sự vui mừng chỉ ng?n hạn. Và Giêrusalem chỉ sụp đổ sau khi Ninivê sụp đổ một thời gian ngắn. Ý nghĩa của sứ điệp được mở rộng và đào sâu vào thời bấy giờ. Và Isaia 52,7 đã lấy lại hình ảnh của Na-Khum 2,1 để miêu tả triều đại của ơn cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa biết bao bon chen của xã hội hào nhoáng và thực dụng, xin cho con luôn bình tâm kết hiệp mật thiết với Chúa. Giữa những đố kỵ và hận thù, xin cho con luôn biết yêu như chính Chúa đã yêu thương con. Amen

VIII. SỐNG ĐẠO

BỐ THÍ

Hội thánh dạy mùa chay phải ăn chay đã đành, sao còn thêm việc bố thí nữa?

Xưa giữ chay 40 ngày. Dĩ nhiên giảm chi phí thì giữ lại được một ít tiền. Hội thánh muốn ta dùng số tiền đó bố thí cho người nghèo, làm tăng giá trị của chay tịnh. Chay tịnh là chế ngự tính xấu, còn bố thí thì trực tiếp chế ngự tính ham tiền.

Chúng ta hãy nhờ Phúc Âm, suy niệm về bố thí, để việc bố thí nầy tốt hơn, hoàn hảo hơn. Hình ảnh nhà phú hộ, đối với Lazarô hiểu là khinh người nghèo, không thèm bố thí. Nhà tu trên đường Samaria không giúp người bị cướp đó là trốn trách nhiệm.

Không bố thí thì đáng trách, đáng phạt nhưng bố thí để giữ luật, để khoe mình, để tự phụ như Pharisêu thì chưa hẳn là bố thí. Khả quan hơn, bố thí như Giakêu theo ơn Chúa soi sáng, bố thí để đền tội, để sửa lại những bất công… thì kể được là bố thí tốt. Nhưng nếu bố thí vì ích kỷ, lợi cho mình, thí cho người, để Chúa ban cho mình nhiều hơn, thì bố thí kém phần cao đẹp.

Trong tiếng bố thí, thì tiếng thí hàm chứa ý nghĩa: người đón nhận phải là người nghèo hèn kém phẩm giá. Nói phân chia, chia xẻ thì đúng hơn (chia xẻ là xẻ cái gì cần cho đời mình, giúp cho anh em). Vì tài sản là của Chúa ban, tôi làm chủ, đúng hơn phải nói tôi chỉ là quản lý, nắm quyền sử dụng, sếp đặt nhưng không có quyền chỉ sử dụng riêng cho mình, lường đảo để lợi cho mình như nhà quản lý gian giảo trong Phúc Âm.

Phải sử dụng theo ý Chúa. Không những chúng ta phải chia sẻ tài sản mà còn phải tôn trọng những người đón nhận. Vì trong bài học về ngày phán xét chúng ta nhận thấy Chúa kể những người nghèo khó, đói khát là hiện thân của Chúa. Đức tin đòi chúng ta phải biết tôn trọng.

Vậy qua Mùa Chay,trong thực tế chúng ta có (bố thí) chia xẻ những gì chúng ta cò để giúp đỡ anh em không? Trong việc chia xẻ, giúp đỡ, tâm tình chúng ta như thế nào? Vì bị ép buộc, hay vì tự cao, tự phụ, vì ích kỷ (mình cho một ít… Chúa cho lại gấp bội)

Chúng ta nên nhớ (bố thí) chia xẻ là một bổn phận Chúa muốn chúng ta thực hiện với anh em nghèo mà cũng là hiện thân của Chúa.
Chia sớt và tôn trọng !

LỄ VƯỢT QUA TỪ HIỆN SINH ĐẾN THƯỜNG SINH

Lễ Phục sinh cũng gọi được là Lễ Vượt Qua, vì muốn diễn tả lại cuộc Xuất Hành của dân Do thái từ cuộc sống nô lệ (sống như chết) đến đất hứa, sống tự do, sống hạnh phúc.

Và cũng biểu lộ đời sống của Chúa Kitô Vượt qua cái chết của cuộc sống thế tạm để tiến vào cuộc sống vinh quang vĩnh cửu.

Phần chúng ta là con cái Chúa, sau khi rửa tội trong chúng ta có hai nguồn sống: Hiện sinh và Thường sinh. Chúng ta cũng cần phải vượt qua, phải chết cái hiện sinh, vì hiện sinh dẫn đến cái chết tuyệt diệt.

Tửu, sắc, tài, khí, tứ đỗ tường, ăn uống thoả thích, hưởng lạc tính dục, chạy theo tiền của, đam mê danh vọng quyền thế… không làm cho con người được hoàn toàn thoả mãn mà lại đưa con người vào vòng nô lệ, vào trạng thái buồn khổ, bệnh hoạn… (tứ đỗ tường = bồn bức tường bao vây) rồi đến cái chết tiêu diệt.

Nhược hữu thế nhơn khiêu đắc xuất. Nếu có người nhảy khỏi thì đó là phương diện của thần tiên, đạt được cuộc sống bất tử.

Đàn áp, chế ngự những đam mê dục vọng của hiện sinh, là thắng được cái chết của hiện sinh thế tạm, thì mới bảo vệ tăng trưởng Thường sinh.

Tứ đỗ tường nó không xấu mà lại là nhu cầu kể được là khẩn thiết cho hiện sinh. Cần phải biết dùng, biết lợi dụng. Cần ăn uống để sống, Chúa ban cho tính dục để ham trách nhiệm thương nhau, sinh con và nuôi dạy chúng. Tiền tài vẫn cần cho cuộc sống (sống xã hội hiện tại). Nhân phẩm, khí phách: phải giữ giá trị mới được anh em tôn trọng và mới phần nào làm chủ vũ trụ.

Dùng tất cả những gì của hiện sinh, cả lý trí không để nó lệch lạc mà toàn thể đều hướng về Chúa, tuân theo ý Chúa, cùng nhìn một hướng với Chúa, đó là kết hợp với Chúa.

Kết hợp với Chúa là thông phần sự sống với Chúa chính là Thường sinh.
Thường sinh vinh hiển !

TÔN SÙNG MẸ MARIA

Chuyện về Ông Carrel, một bác sĩ nổi tiếng, nhờ ơn Đức Mẹ, qua những phép lạ của Người, đã có được niềm tin như sau:

Ngày nọ tình cờ gặp chuyến tàu hoả chở binh đến Lộ Đức, Bs Carrel tháp tùng đi theo, ước vọng quan sát tình hình và những biến cố lạ xảy ra tại đó. Ông đã mất đức tin, không giữ đạo.

Bs Carrel tự giới thiệu với bác sĩ trưởng đoàn chuyên trách săn sóc bệnh nhân tỏ ý mong được cộng tác. Bác sĩ trưởng đoàn rất mừng và ngỏ ý với ông Carrel: chúng tôi có dư người lo cho bệnh nhân, nhưng có một bệnh nhân lao phổi trầm trọng, lại phù thủng, kể như gần chết nhờ bác sĩ chăm nom riêng biệt.

Bs Carrel nhận lời và đến chẩn mạch, ông nhận định bệnh nhân gần chết rồi mà còn chở đến đấy làm gì! Dẫu vậy, bệnh nhân đã đến Lộ Đức và ngày hôm sau, người ta vẫn chở bệnh nhân đến sân trước hang đá Đức Mẹ. Bác sĩ Carrel vẫn theo dõi và ngồi trên băng ở bìa sân, trong lòng bật lên ý nghĩ: Bệnh nhân này mà khỏi bệnh thì tôi tin có Chúa.

Bệnh nhân quá yếu, thở hơi lên, không còn khả năng uống nước nhưng người giúp bệnh đã lấy khăn nhúng nước suối rồi đem lau bụng cho bệnh nhân.

Thì đây! Hiện trạng phi thường đáng kinh ngạc: Bụng người bệnh từ từ xẹp xuống. Ông Carrel ngỡ ngàng và cảm động, vội vàng đến quan sát. Phù thủng không còn mà hình như hiện trạng lao phổi cũng không còn. Ông bảo đưa bệnh nhân về nơi kiểm tra.

Bệnh nhân trong giây phút gần chết lại được khoẻ mạnh lại, được khỏi bệnh … Ơn Chúa đã đánh gục bác sĩ Carrel như đã đánh ngã thánh Phaolô trên con đường Đamas. Ông đã tìm lại được đức tin và giữ đạo thánh.

Sống ở Pháp khó vì thời đại Tam điểm nắm quyền chính. Ông sang Mỹ, ở đó ông nghiên cứu và khám phá và đưa ra nhiều sáng kiến rất lợi ích cho y học. Tiếng tăm ông vang động khắp nợi.

Phép lạ Lộ Đức chữa được bệnh thể xác mà cũng chữa được bệnh tâm hồn.

_______________________________

Tháng Năm, Hội thánh muốn khuyến khích, thúc đẩy tín hữu tôn sùng Đức Mẹ.

Tôn sùng là kính mến, ham thích. Để mời chúng ta tôn sùng thì Hội thánh nêu lên những Tước hiệu: Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh và cũng là Mẹ chúng ta. Những tước hiệu cao siêu thì thường gợi chúng ta tôn kính.

Nhưng tánh cách tôn sùng, thường do cảm tính, do mến mộ, chúng ta có thể tưởng nghĩ: Tôn sùng Mẹ Maria, vì Chúa đã trối cho Gioan: Nầy là Mẹ con. Gioan thay thế chúng ta, trối cho Gioan là trối cho nhân loại, cho cả chúng ta. Chúa tình yêu đã trối lại, lẽ nào chúng ta không nhiệt tình đem Mẹ Maria vào đời sống chúng ta, để được nghe dạy bảo, hướng dẫn săn sóc nữa.

Mẹ Maria là con người đầu tiên được hưởng ơn cứu chuộc trước khi Chúa thực hiện việc cứu chuộc, để Mẹ Maria nên trung gian mọi ơn nhờ công trình cứu chuộc. Nhờ Mẹ đã được hưởng mọi anh huệ do công trình cứu chuộc.

Mẹ Maria, không chỉ có danh hiệu là Mẹ mà vẫn có tâm tình, và luôn tỏ tình làm Mẹ đối với chúng ta. Lẽ nào không tôn sùng Mẹ? Có thần thánh nào đã được những đặc điểm tôn sùng như Mẹ Maria.

Chúng ta thường nhìn ngắm hành vi gương mẫu của Mẹ. Hành vi của Mẹ là biểu hiện đức tính của Chúa Kitô, còn Chúa Con là hình ảnh của Chúa Cha. Đức tính của Chúa Cha, Chúa Con thì cao siêu chúng ta có thể khiếp sợ, còn nhìn Mẹ thì dễ noi gương hơn.

Mẹ lại cũng có cảm tình có thể nuông chiều chúng ta, ngay những nhu cầu không khẩn thiết, cả nhu cầu thể xác, nhờ Mẹ Maria mà Chúa ban cho chúng ta (như câu chuyện ở tiệc cưới cana, và nhiều ân huệ khỏi bịnh tật ở Lộ Đức….). Nhõng nhẽo với Mẹ thì dễ hơn, còn Chúa thì nghiêm chỉnh, nhõng nhẽo với Chúa xem ra không dễ, có khi bị rầy nữa.

Việc tôn sùng Mẹ Maria phổ biến khắp nơi, gần như hầu hết các tín hữu đều tôn sùng. Điểm cốt yếu phải chú tâm là tôn sùng chính đáng, không lệch lạc thì việc tôn sùng mới đạt lợi ích thật, và cũng làm vui lòng Mẹ.

HÀNH HƯƠNG

Ngày 13 tháng 05 Giáo Phận chúng ta có thói quen tổ chức hành hương ở Trung Tâm Fatima, mục đích là để hướng dẫn chúng ta biết sùng kính Mẹ Maria cho thích đáng, lại thúc đẩy chúng ta cố gắng thi hành sứ điệp Fatima.

Việc hành hương tôn sùng Mẹ Maria lan rộng rất nhiều nơi, ngay cả ở Việt Nam chúng ta cũng có Đức Mẹ La Mã (một thời gian), Đức Mẹ La Vang và hiện nay có Đức Mẹ Tà Pao, và rất nhiều nơi ... Nghe Đức Mẹ ban một vài ơn lạ thì vội vàng chạy đến khấn xin. Chúng ta hãy thử kiểm điểm phân tích tại sao mà thiên hạ đi hành hương?

Có thể có người thấy thiên hạ đi thì mình cũng đi cho vui thôi. Cũng có người đi hành hương vì tọc mạch nơi đó có nhiều sự lạ như tượng Đức Mẹ rực sáng, tà áo phất phơ…cũng nghe nói có nhiều ơn lạ muốn đi xem tận mắt.

Vì có nhiều ơn lạ xảy ra, nên mình cũng đến để mong nhờ những ơn cho thể xác, những ích lợi cho cuộc sống trần tục, xin cho hết bịnh, cho trúng số, cho thi đậu, cho phát tài, thăng quan tiến chức… tất cả cho cuộc sống hiện tại dưới đời, cho cuộc sống tạm thôi.

Cái nguy hại hơn cả là những người tổ chức không chỉ bảo con đường chính đáng lại lợi dụng lòng phấn khởi của dân chúng để làm tiền. Hành hương như thế gọi được là hành hương không?

Chúng ta cũng nên nhớ, hành hương hay tôn sùng không khẩn thiết cho phần rỗi. Hành hương là tỏ ra tôn sùng Đức Mẹ, mà tôn sùng là ham mộ, kính mến, noi gương và thương nhớ Mẹ, nhờ Mẹ cầu bàu cho chúng ta được ơn cần thiết và biết sống nhiệt thành bảo đảm phần rỗi.

Việc hành hương tự nó là tốt nhưng nếu tâm tình không tốt thì việc không còn tốt, mà có thể nên như việc dị đoan… chỉ có nơi này Đức Mẹ mới ban ơn, còn Đức Mẹ ở nhà mình hay ở nhà thờ của mình thì không ban ơn. Đức Mẹ chỉ ban ơn phần xác thôi, thì cũng không đúng (nhưng nếu xin ơn phần xác để được thuận tiện trong đạo thì vẫn tốt). Chúng ta chuẩn bị hành hương nên xem lại tâm hồn mình, tâm chính thì việc làm mới chính

Thấy nơi Mẹ Maria tỏ lòng thương xót cách rộng rãi, mình nhận mình hèn kém, mình đến nơi đó để được Mẹ thương hơn.

Đến nơi hành hương để cảm thấy lòng nhiệt thành của anh em thúc đẩy mình cố gắng noi gương Mẹ nhiều hơn, là dịp để học hỏi nhiều hơn. Và nhờ ơn Mẹ gặp Chúa, sống gần Chúa và kết hợp với Chúa.
Xin Mẹ sửa đổi tâm hồn chúng con.

IX. MỤC VỤ THIẾU NHI

NÉT ĐẸP TÂM HỒN

Cuộc sống vốn có nhiều cái đẹp. Nói đến cái đẹp ai cũng thích cũng mê. Có cái đẹp thể hiện qua vẻ bên ngoài. Có cái đẹp được ẩn kín bên trong. Nó hiện diện sâu tận cõi lòng mà ta thường gọi là nét đẹp tâm hồn. Nét đẹp tâm hồn mang tính bền vững khó phôi pha theo thời gian. Có thể nói dấu hiệu để nhận biết người nào có được nét đẹp tâm hồn khi người ấy sống tốt các mối tương quan. Tương quan giữa con người với Thiên Chúa và tương quan giữa con người với con người.

Dịp gặp gỡ vào những ngày đáng nhớ của gia đình người ta có dịp để nhắc nhớ cho nhau về tương quan họ hàng thân thuộc, về những việc làm mà họ đã hy sinh cho nhau, về những kỹ niệm vui buồn mà họ đã từng gắn bó. Và dù ai có vô tình đến đâu cũng không quên nhắc nhớ về những người đã khuất. Bởi lẽ, những người thân yêu ra đi trước chúng ta, chính họ chứ không ai khác đã làm nên cuộc sống cho mỗi người còn đang ở lại.

Nhớ nhau dẫu xa hay gần

Dẫu có ai đó bảo “xa mặt thì cách lòng” nhưng đối với những ai có một tình thương chân thật, có một lòng mến sâu xa thì cho dù không gian có xa cách mấy thì vẫn thấy mình luôn ở kề bên. Khoảng cách vật lý thì rất xa nhưng khoảng cách tâm lý, khoảng cách tình thương thì lại rất gần. Xa gần trong tương quan giờ đây không còn phụ thuộc vào khoảng không gian nhưng phụ thuộc nơi trái tim của mỗi con người.

Nhớ về những người đã khuất

Có một khoảng cách mà người ta nghĩ là không thể gặp gỡ là khoảng cách giữa người sống và người đã khuất. người còn sống và người đã khuất tưởng chừng là rất xa nhau nhưng thật ra lại rất gần nhau. “Người chết nối linh thiêng vào đời”. Rõ ràng dù cho người có đạo hay không có đạo thì vẫn có quan niệm giống nhau: sau cái chết con người vẫn còn có cái “linh thiêng”. Chính cái linh thiêng đã nối kết con người.

Cái linh thiêng ấy là một thực tại vô hình. Có thể cọi đó là những liên hệ thân tình mà mỗi người khi còn sống đã dành cho nhau. Cái linh thiêng ấy có thể là sự hối tiếc của người còn sống vì mình chưa làm tròn bổn phận đối với người đã ra đi. Cái linh thiêng ấy có thể là sự biết ơn về những giá trị tốt đẹp mà người ra đi để lại. Họ chịu đói khát để giờ này ta được no ấm. Họ chịu vất vả trăm bề để giờ này ta được thuận lợi. Và có khi họ chấp nhận hy cả tính mạng của mình để cho ta có được sự sống ngày nay.

Và cái linh thiêng nối kết ấy không dừng lại nơi con người. Cái linh thiêng còn hướng con người đến những giá trị thuộc về Thiên Chúa. Người chết và người sống gần nhau trong mầu nhiệm hiệp thông Giáo Hội. Hiệp thông qua lời cầu nguyện, hiệp thông qua những việc làm bác ai hy sinh. Đó là những món quà quý giá rất cần thiết để dành tặng cho nhau. Trong niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu thì người ta cảm thấy gần gũi nhau hơn bao giờ hết.

Tình thương gia đình

Người Việt Nam vẫn đặt tình hiếu thảo lên hàng đầu. Chữ hiếu được chú ý để nhắc nhở những người làm con phải sống sao cho xứng đáng với đấng sinh thành. Làm con phải thảo kính, vâng lời, giúp đỡ ông bà cha mẹ đó là lẽ đương nhiên. Phía cha mẹ ông bà nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi. Cho dù còn chưa đầy đủ, các ngài vẫn muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho con cháu, Muốn chuẩn bị cho con cháu thật hoàn hảo khi con cháu bước chân vào đời. Các ngài không đòi hỏi sự đáp đền, chỉ cần con cháu hiểu những điều tốt đẹp nhất mà các ngài đã làm thế đã đủ rồi.

Cuộc sống luôn được mở ra những điều mới mẽ. Cái cũ được thay thế bởi những cái mới. Mọi sự thay đổi không ngừng. Nhưng xét cho cùng, khi mọi sự đã qua đi rồi vẫn còn đọng lại một cái gì rất sâu lắng. Những cái nhìn đã qua đi, những nụ cười đã qua đi, những lời nói đã qua đi nhưng tình yêu trong những cái qua đi ấy sẽ không bao giờ qua đi. Bởi nó đã được chắc lọc từ một cuộc sống đầy tràn tình yêu.

Cầu chúc mỗi người luôn biết sống cho nhau và ban tặng cho nhau những nét đẹp để tất cả còn nhìn thấy nhau và nhìn thấy cuộc đời thật ý nghĩa và đáng sống.

X. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Có một bài hát sinh hoạt như sau:
“Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi.
Đâu phải ai xa lạ mà là người đang sống bên tôi.
Thế giới này không ai là một hòn đảo.
Vườn hoa này không có loài hoa lạc loài”.

Đúng vậy, tự bản chất mỗi con người đều mang trong mình xã hội tính. Con người không thể nào sống riêng lẽ mà phải sống chung, sống cùng, sống với, sống nhờ và sống cho người khác.

Gia đình chính là môi trường đầu tiên và thuận lợi để con người sống và rèn luyện được những điều kể trên. Khi mỗi thành viên trong gia đình ý thức được những điều đó để cùng nhau xây dựng thì tình hiệp thông trong gia đình sẽ ngày càng bền vững, vui vẻ và đầm ấm hơn.

Xây dựng tình hiệp thông bằng cách mọi thành viên trong gia đình biết sống trên thuận dưới hoà, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau.

Dù vậy, trên hết các thành viên trong gia đình cần giúp nhau trong đời sống nhân bản và đời sống đức tin. Nhất là cha mẹ phải hết sức lưu ý để lo cho con cái của mình được sống trong một môi trường hết sức tốt để sống và rèn luyện tình hiệp thông.

Cách riêng với người trẻ thường hay muốn bức phá theo ý riêng của mình. Dĩ nhiên mỗi người đều có nét độc đáo riêng. Thế nhưng làm sao người trẻ chúng ta cố gắng vừa không để mất tính độc đáo của mình vừa không làm mất tình hiệp thông trong gia đình. Bởi lẽ: “Tình hiệp thông giữa các thành viên trong một gia đình sẽ góp phần củng cố gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa, tức là Giáo Hội”.

XI. MỤC VỤ ƠN GỌI

HUYỀN NHIỆM

“Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”. Đó là qui luật tự nhiên không dành riêng cho bất cứ một người nào, dân tộc nào. Một cá nhân khi đủ điều kiện “khôn, lớn” đều có quyền làm như thế. Vậy mà… từ lúc tôi bắt đầu biết lành dữ thì tôi đã nghe cha mẹ tôi thúc dục “ráng học nữa lớn đi tu nghe con”. Ngay cả lúc ông ngoại tôi nói những lời sau cùng với gia đình cũng bảo tôi: “Lớn lên đi tu nghe con”! Trời! Chẳng lẽ mọi người bắt tôi đi ngược với cái tự nhiên của nhân loại này? Thật chẳng hiểu.

Thời gian qua. Tôi khôn lớn. Và tôi đã làm điều đó thật. Tôi bước vào đời tu trong sự ngỡ ngàng của chòm xóm, trong sự nuối tiếc của bạn bè. “Thằng đó mà đi tu sao? ở cái xứ trâu cày lên sỏi đá này mà nó đi tu được à? (ý nói tôi ở quê không được học hành). Đám bạn thì ngẩn ngơ: “Mầy không thấy uổng hả?”. Chỉ có cha mẹ tôi là vui, và ngoại thì lúc nào cũng mỉm cười mỗi khi tôi đi ngang bàn thờ tổ tiên ở nhà trên. Một điều khó hiểu.

Nhận xét đó không có gì là quá đáng. Một thằng nhà quê, vừa khờ, vừa kém thông minh như tôi thì làm sao mà đi tu được. Trường Latinh chỉ chọn những người học giỏi thôi! Thêm một điều khó hiểu.

Nhưng tôi hiểu được một điều: Với Chúa “không điều gì mà không thể!” Tất cả là ý muốn của Ngài chọn gọi tôi dâng hiến đời mình cho Ngài trong bậc tu trì. “Đó là lời mời gọi để sống trong tình yêu với Thiên Chúa , và minh chứng tình yêu đó, là ý thức rằng tôi hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Kitô, và không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu Ngài” (Tài liệu Tìm Hiểu Ơn Gọi - Chủng Viện Vĩnh Long).

Đúng là chỉ có tình yêu thì Thiên Chúa mới có thể làm như vậy. Dù tôi chẳng đáng công chi, dù bất xứng, bất tài. Vậy mà Ngài “Đặt tôi ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngay vinh hiển làm sản nghiệp riêng”. Ngài đã cất nhắc tôi từ đóng phân tro, cho tôi được làm cánh tay nối dài của Ngài, cho tôi được trở thành một Kitô Thứ Hai. Nếu không nói là huyền nhiệm thì cũng chẳng ai giải thích cho tin tường.

Và càng huyền nhiệm hơn khi tôi được Đức Giám Mục đặt tay truyền chức thì tôi không còn là một người “đơn giản” nữa. Tôi thuộc về Thiên Chúa. Bất cứ ai khiếm nhã với tôi là “phạm sự thánh“! Bao nhiêu vị quân vương, bao nhiêu anh hùng hảo hớn, phải cúi đầu chờ tôi đọc lời tha tội. Một lời tôi phán là bánh rượu trở thành Thịt Máu Chúa. Bàn tay tôi đưa ra thì bao nhiêu người được phúc lành. Tất nhiên tôi không có quyền gì nếu như “ở trên không ban cho tôi”. Tôi thật hãi hùng. Sao mình “lắm phép” như vậy? Ôi! huyền nhiệm làm sao!

Ơn gọi linh mục quả thật là một huyền nhiệm. Và thật hạnh phúc cho ai biết quan tâm đi tìm. Chúa không tíếc gọi tôi đi theo Ngài nhưng tôi có chấp nhận là thợ gặt khéo tay, làm mục tử nhân lành cho Ngài không? Đấy cũng là một huyền nhiệm. Có những thanh niên rất ưu tú, có đủ khả năng để phục vụ trong sứ vụ linh mục nhưng không đi tu. Ngược lại có người lại rất khao khát dâng hiến nhưng lại bị từ chối.

Cầu nguyện chính là phương thế hàng đầu khi đặt vấn đề tu trì với Thiên Chúa. Theo đó là một cố gắng tìm hiểu ở những vị có trách nhiệm. Và chính ơn Chúa sẽ soi sáng cho quyết định chính đáng của mình.

Dù đã tu, sắp tu, hay chưa tu thì tất cả đều là ở chính Chúa, thêm một chút thành tâm của bản thân. Thế nên, những ai muốn tu thì hãy van nài để điều huyền nhiệm được xảy đến cho mình. Còn những ai đã tu thì hãy cố gắng sống hết mình cho những ân tình mình đã được trao ban. Để đời mình thực sự là một huyền nhiệm trước mắt Thiên Chúa và mọi người.

XII. MỤC VỤ GIÁO LÝ VIÊN

ƠN GỌI & SỨ MẠNG GIÁO LÝ VIÊN
KHÁM PHÁ ĐẤNG YÊU MÌNH

Một lúc nào đó, GLV là người sẽ khám phá ra rằng chính Chúa Giêsu kêu gọi mình, chớ không phải một lý tưởng, một ý thức hệ hay một khoa đạo đức luân lý kêu gọi bạn mà là một người cụ thể. “Hãy theo Ta” (Mt 9,9). Vì thế, bước theo ơn gọi làm GLV là bước theo một người và làm mọi việc của người ấy, vì người ấy và cho người ấy.

  • Nói với Đấng yêu tôi:

Khi biết Đức Giêsu yêu bạn và bạn yêu Ngài, thì chính quan hệ yêu thương đó nảy ra nhu cầu mãnh liệt, đó là cần gặp gỡ: gặp để nghe Ngài nói và nói với Ngài. Hoặc thậm chí là bạn gặp Ngài là muốn ở lâu bên cạnh Ngài mà thôi. Nếu bạn thấy mình thật sự có nhu cầu ấy thì có biết bao cơ hội để giúp bạn: giờ viếng Chúa, tham dự thánh lễ, dạy giáo lý và kể cả những công việc bình thường của ngày sống. Tất cả đều là dịp để ta gặp Đấng yêu mình.

  • Tìm hiểu Đấng yêu tôi:

Cảm nghiệm được tình yêu Ngài, bạn sẽ muốn biết thêm về Ngài. Biết Ngài hơn để yêu Ngài hơn, và để nói cho mọi người cũng được biết Ngài nữa. Dấu hiệu cho thấy bạn yêu Ngài là bạn say mê tìm hiểu Ngài, học hỏi về Ngài, trao dồi kiến thức về Ngài.

  • Nhìn ngắm Đấng yêu tôi:

Đã nhiều lần bạn nhìn ngắm ảnh tượng chân dung Chúa. Rất có thể đó là cái nhìn của nhiều người. Nhưng nếu bạn tập nhìn bằng cái nhìn của GLV , cái nhìn của người môn đệ được yêu, chắc chắn bạn được Ngài thu hút cách kỳ lạ. Cái nhìn này sẽ không dừng lại bên ngoài, nhưng sẽ tiến dần vào sâu bên trong.

Nếu cầu nguyện bằng lời (nói với Ngài), bằng suy niệm về Ngài, thì ngắm nhìn Ngài chính là phương pháp cầu nguỵên chiêm niệm. Đây là con đường gặp gỡ Đức Giêsu thâm sâu nhất. GLV phải là người biết cầu nguỵên và phải gặp cho được Đức Giêsu ở cấp độ này, bạn mới có thể có kinh nghiệm thật về Chúa và nhờ đó bài giáo lý của bạn mới sống động và thu hút người khác.

  • Kết hợp với Đấng yêu tôi

Đỉnh cao của chiêm niệm là kết hợp, là trở nên một với Đấng yêu ta. Kinh nghiệm kết hợp đơn giản nhất và cũng tuyệt vời nhất là rước lễ. Bởi vì hơn bao giờ hết, đó là lúc Chúa ở trong ta và ta ở trong Ngài. “ Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Giáo lý viên 2,20). Nếu vì một lý do nào đó bạn không rước lễ thật đựơc thì bất cứ lúc nào, bạn đầu có thể rước lễ thiêng liêng, cách riêng những lúc bạn viếng Chúa, quỳ trước Thánh Thể lâu giờ. Việc rước lễ thiêng liêng sẽ giúp bạn có một kết hợp rất sâu xa.

XIII. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

GIA ĐÌNH, TRƯỜNG HIỆP THÔNG

Trong tông huấn gia đình số 18, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông”. Hiệp thông là gì? Là sự hiệp nhất đặt cơ sở trên tình yêu liên kết gắn bó: đồng tâm, nhất trí với nhau. Cụ thể, mọi người chung sống có cùng một bụng, một lòng, một dạ, cùng một hiểu biết, cùng một cảm thông, cùng một ước muốn như nhau, đồng lòng đi đến một hành động với nhau và như nhau để phục vụ lợi ích cho nhau. Là một sự đoàn kết chung công góp sức với nhau đem lại hạnh phúc tối đa cho nhau với tất cả kính trọng và thương mến. Sự đoàn kết làm cho mọi thành viên trong gia đình thuận thảo, hòa hiệp, bảo vệ, đùm bọc lẫn nhau, nâng đỡ, hỗ trợ bổ túc cho nhau, cùng thông cảm và chia sẻ cho nhau những gì tốt đẹp mình đang có như Thánh Phaolô bảo:

“Hãy vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những điều hèn mọn” (Rom 12,15-16). Nói tóm, hiệp thông là công bằng chia sẻ cho nhau cả về tinh thần và cả về vật chất trong cuộc sống yêu, tất cả vì nhau và cho nhau, đem lại an vui và hạnh phúc tối đa cho nhau, là nên một với nhau.

1. Tại sao gia đình lại là trường đầu tiên giáo dục tình hiệp thông?

Kinh thánh cho biết gia đình là cộng đoàn đầu tiên do Chúa thiết lập vì yêu thương theo mẫu mực gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp thông trong yêu thương. Chúa dựng nên Ađam trước, Ađam có tương quan tốt với Chúa và vũ trụ vạn vật, nhưng không vui vì Ađam cần một người trợ tá tương xứng để sống hiệp thông, mà không có. Chúa hiểu sự đau khổ của Ađam, Chúa đã tạo dựng Evà cùng một phẩm giá, bình đẳng với Ađam, khác phái tính, có khả năng bổ túc cho Ađam trong hoạt động yêu thương. Chúa đem đến giới thiệu cho Ađam, tình yêu thu hút, sự hiệp thông đã giúp cho họ đón nhận nhau chung sống với nhau, hòa hợp và mang lại hạnh phúc cho nhau. Vợ chồng yêu thương hiệp thông sinh ra một ngôi vị khác là con cái, là hoa quả yêu thương, là món quà quí giá Chúa tặng. Giờ đây gia đình trong tình yêu ngút ngàn hiệp thông với nhau và luôn được sinh động trong tình yêu. Em bé trong mái ấm gia đình là tác phẩm tình yêu, dễ yêu, được yêu và cũng biết yêu. Em bé được quan tâm, chăm sóc, tâng tiu, nuôi dưỡng, giáo dục trong tình yêu hiệp thông để trở nên con người và nên con Chúa qua giáo dục nhân bản và đức tin. Cha mẹ sống thân thương với nhau, cha mẹ yêu thương chăm lo, đào luyện con cái, con cháu được học với ông bà, họ hàng trong mối tương quan thân thiết, anh chị em giúp nhau nên người trong cuộc sống yêu thương, tất cả làm thành gia đình, một đại gia đình duy nhất rèn luyện những con người nhận biết thờ phượng, phụng sự Thiên Chúa, tôn trọng, yêu thương, phục vụ mọi người. Ngôi trường tự nhiên ấy do Chúa quan phòng sắp đặt cho mọi người bước chân vào đời, khởi sống theo kiếp người để con người biết sống hiệp thông.

2. Cha mẹ, bà con dòng họ giáo dục sự hiệp thông thế nào?

Chắc chắn không bằng sách vở, bút nghiên nhưng bằng cuộc sống thường ngày qua lời nói, qua cách hành xử, qua cuộc sống tốt đẹp thể hiện mối tương quan thân nghĩa diễn đạt những tâm tình hình thành và chi phối con người: tương thân tương ái, cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ, bảo vệ, đùm bọc lẫn nhau, trên thuận dưới hòa, cả nhà an vui ấm cúng, hiệp thông. Cụ thể gương sống của cha mẹ, lời chỉ bảo, cắt nghĩa của cha mẹ, những cử chỉ tốt đẹp của cha mẹ là những dấu ấn đầu tiên mà đứa con cảm nhận, in sâu vào ký ức như một bài học vỡ lòng khó quên.

Ông bà, bà con cô bác họ hàng, hay anh chị em qua yêu thương bồng ẵm, chăm sóc cho bé thấy tình thương mến hiệp thông, tình cảm gần gũi là ấn tượng ghi khắc trong tâm khảm, ấn tượng ấy sẽ càng lớn mạnh và sâu đậm qua mối tương quan tốt đẹp theo thời gian.

Những hình ảnh sống động, những lời nói thân thương, những quan hệ tương thông ấm áp tình nghĩa mặn nồng tạo nên nơi em bé sự kính yêu, vâng phục, hy sinh phục vụ quảng đại không cầu lợi. Gương hy sinh phục vụ không bờ bến của Chúa Giêsu, yêu đến cùng, chết vì yêu và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần tuôn trào trên gia đình nối kết mọi người với Chúa Kitô tạo nên một sự hiệp thông bền chặt, cống hiến chính mình cho nhau theo mẫu gương hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cuốn phim truyền hình “HÀO MÔN DẬY SÓNG” trình bày gia đình với những khuôn mặt ích kỷ, kiêu hãnh, độc đoán chỉ mưu tìm lợi ích cho mình bất chấp những người xung quanh, chỉ tạo nên cuộc sống căm thù, dùng mọi thủ đoạn chà đạp lẫn nhau, gây từ tội ác này đến tội ác khác, đem đến kết thúc gia đình chia rẽ, sụp đỗ, hủy hoại chính mình.

Ước gì gia đình bạn được giáo dục cẩn thận để nên giống gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa là một, đừng chia rẽ hủy hoại nhau như Thượng Gia trong “HÀO MÔN DẬY SÓNG”.

GIA ĐÌNH- BÀI HỌC HIỆP THÔNG

“Sống là sống với” câu nói của ai đó nghe thật chí lý bởi vì không ai có thể sống một mình nếu muốn còn có thể tồn tại trên mặt đất này.

Theo kinh thánh, Thiên Chúa đã không dựng nên con người đơn độc, bởi vì Ngài thấy rằng “ không tốt, nếu con người chỉ có một mình” (St 2,18) vì con người chưa gặp được một sự trợ giúp nào đương đối” (St 2,20cc). Ngài đã dựng nên người đàn bà.

Tư tưởng triết Đông có nói thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng….lưỡng nghi là âm và dương, âm dương phải kết hợp với nhau thì mới sinh ra tứ tượng và theo qui luật kết hợp như thế mà vạn vật được sinh ra.

Cuộc đời luôn có hai mặt mà nhân vô thập toàn, con người chỉ có một nữa. Cho nên trong thực tế cái mạnh, cái ưu điểm của mình đồng thời cũng là cái yếu, cái khuyết của mình. Người ta nói cứng quá thì dễ gãy mà mềâm quá thì dễ oằn. Chẳng hạn một người có tính bộc trực, thẳng thắn thì dễ được người khác tin tưởng nhưng đồng thời cũng dễ mất lòng người khác. Một người quá mềm yếu thì dễ động lòng người khác nhưng đồng thời cũng dễ bị người khác chèn ép

Sự khác biệt về giới tính nam-nữ cũng giống như sự đối lập giữa hai mặt của cuộc sống. Chúng cần thiết cho nhau, bổ sung cho nhau để tạo thành một thực thể hoàn hảo. Nếu loại trừ nhau, đó là một thiếu sót, một sự bất toàn.

Trong thực tế đời sống, mọi người đều công nhận rằng: đàng sau sự thành đạt của người đàn ông có bóng dáng của người đàn bà. Và người đàn bà sẽ ra sau khi thiếu vắng đàn ông trong gia đình?

Để có thể thành công, người đàn ông cần có sự mạnh mẽ, kiên quyết. Nhưng để có sự bình an và thư thái, ông ta cần có sự dịu dàng, âu yếm của người đàn bà.

Trong việc giáo dục con cái, người cha là nghiêm đường, là người cầm cân nảy mực, là mục tiêu để con cái vươn lên, nhưng nếu không có người mẹ như là chỗ dựa, là sự khích lệ thì thật khó cho những đứa con đạt được mục tiêu đó.

Tóm lại, gia đình là nơi biểu lộ sự hiệp thông rõ nét nhất giữa con người với con người. Sự hiệp thông mang tính tất yếu cho nhưng ai muốn trở nên con người hoàn hảo, có thể tồn tại trong vũ trụ này, để tìm thấy hạnh phúc cho mình và cho xã hội. Ai không muốn sống sự hiệp thông này cũng chính là muốn đi ngược lại với quy luật của Thiên Chúa đã đặt định, họ sẽ không tìm thấy được chính mình. Chỉ những ai chấp nhận và thực hiện mối hiệp thông đó, họ mới có thể thấy được bản thân mình trong thế giới này và trong sự hiệp thông vĩnh cữu đời sau.

XIV. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

TÌM HIỂU SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
Chương V: Hệ Thống Phải Theo

24. Liên lạc với hàng Giáo phẩm

Bổn phận của Hàng Giáo Phẩm là phải hỗ trợ cho hoạt động tông đồ của giáo dân: đề ra những nguyên tắc và giúp các phương tiện thiêng liêng. Phải phối hợp việc tông đồ của họ để sinh ích chung cho cả Giáo Hội. Hàng Giáo Phẩm cũng phải lo cho giáo thuyết và những chỉ thị của Giáo Hội được tuân hành.

Có nhiều thể thức liên lạc giữa việc tông đồ giáo dân với Hàng Giáo Phẩm tùy theo hình thức và mục tiêu của mỗi hoạt động tông đồ.

Trong Giáo Hội quả thực có nhiều công cuộc tông đồ do giáo dân có sáng kiến thành lập và khôn khéo điều hành. Nhờ những tổ chức tông đồ như thế, trong nhiều hoàn cảnh, Giáo Hội có thể chu toàn sứ mệnh của mình cách tốt đẹp, và do đó Hàng Giáo Phẩm thường ca ngợi và cổ võ các tổ chức đó 2. Nhưng không một sáng kiến nào được lấy danh nghĩa công giáo nếu không có sự ưng thuận của giáo quyền hợp pháp.

Có một số tổ chức tông đồ giáo dân, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã được giáo quyền công khai chấp nhận.

Ngoài ra vì nhu cầu ích chung của Giáo Hội, giáo quyền có thể lựa chọn và cổ võ cách đặc biệt một vài tổ chức trong số những tổ chức hay hiệp hội tông đồ có sẵn, trực tiếp nhằm mục đích thiêng liêng và giáo quyền cũng nhận trách nhiệm đốivới những tổ chức đó. Như thế, khi tổ chức công việc tông đồ tùy theo cách thức khác cho hợp với hoàn cảnh, Hàng Giáo Phẩm liên kết chặt chẽ hơn một hình thức tông đồ giáo dân nào đó với phận vụ tông đồ của mình, tuy nhiên vẫn giữ nguyên vẹn bản chất và sự khác biệt giữa hai bên. Giáo dân do đấy vẫn còn khả năng cần thiết để được tự do hành động theo sáng kiến riêng của họ. Trong nhiều văn kiện của Giáo Hội hành động trên đây của Hàng Giáo Phẩm được gọi là ủy nhiệm.

Sau hết, Hàng Giáo Phẩm còn trao phó cho giáo dân một vài phận vụ liên quan mật thiết hơn với nhiệm vụ của chủ chăn như việc dạy giáo lý, thi hành một vài động tác phụng vụ, hay việc chăm sóc các linh hồn. Chính do việc ủy nhiệm này, người giáo dân, khi thi hành nhiệm vụ, phải hoàn toàn tuân phục sự điều khiển của cấp trên trong Giáo Hội.

Về những vấn đề liên hệ tới những công cuộc và những định chế thuộc lãnh vực trần thế, Hàng Giáo Phẩm có nhiệm vụ phải chính thức giảng dạy và giải thích những nguyên tắc luân lý phải theo trong địa hạt này. Một khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và bàn hỏi với các nhà chuyên môn, Hàng Giáo Phẩm có quyền thẩm định công cuộc này hay định chế kia là phù hợp hay không phù hợp với các nguyên tắc luân lý và phán quyết những gì phải làm để bảo vệ và cổ võ những lợi ích thuộc lãnh vực siêu nhiên.

Gợi ý giải thích:

Có phải cần có một thể thức nhất định để liên lạc với hàng giáo phẩm không?
Thế nào được gọi là “uỷ nhiệm”?
Thế nào là Hàng Giáo phẩm có quyền thẩm định những công cuộc phù hợp với nguyên tắc luân lý?

Gợi ý thực hành:

Bằng cách nào “Ban Quới Chức” có liên lạc với Hàng Giáo phẩm?
Ban Quới Chức có được cải lại với quyết định của Giám Mục?
Ban Quới Chức có được ủy nhiệm bởi Hàng Giáo Phẩm?

XV. TẢN MẠN:

THÊM THẮT VÀ CỞI BỎ

Trong kho tàng tiếng Việt, có những từ ngữ rất tuyệt vời. Trong những từ ngữ đẹp đẽ đó, tôi như bị cuống hút phải dừng lại để suy tư hai cặp từ nghe có vẻ là lạ nếu không muốn nói là nghịch lý. Đó là hai cặp từ “thêm thắt” và “cởi bỏ”. Tôi nghĩ ngợi và khám phá ra được ý nghĩa của cặp từ ngữ đó. Nhưng tôi vẫn thắc mắc rằng tại sao ‘thêm” thì bị “thắt”, còn “bỏ” thì được “tháo cởi”?

Trong cuộc sống thử hỏi ai mà không muốn cho mình được “thêm” nhiều thứ cần thiết như: thêm kiến thức, thêm của cải, thêm danh dự, thêm người thân, thêm tình cảm . . . Và trái lại, có mấy người trong chúng ta muốn bỏ những thứ mình yêu thích như: bỏ bớt thú vui, bỏ bớt bạn bè, bỏ bớt những ham muốn về của cải, danh vọng, địa vị... Nhưng có ai ngờ rằng, khi ta thêm những chuyện đại loại như vừa kể trên thì vô tình chúng ta bị chúng “thắc” , bị “cột”, bị “trói” vào chúng rồi đấy. Trái lại, khi chúng ta biết bỏ bớt những thứ ấy là chúng ta đã được “cởi”, được “tháo”, được “giải phóng”.

Tôi nhớ là đã có lần được đọc lời dạy của Đức Phật cho các đệ tử của Ngài, đại ý những lời dạy ấy như sau: “mỗi lần các con phóng tâm ước muốn một điều gì đó là các con bị điều đó trói buộc mình rồi đó. Trái lại, mỗi lần các con phát nguyện từ bỏ một điều gì là các con đã tự tháo cởi cho mình, tự giải thoát mình khỏi những ràng buộc do điều đó gây ra. Ai bị nhiều trói buộc thì khó lòng siêu thoát được, khó lòng giác ngộ được, nhưng ai càng ít bị trói buộc thì càng mau được giải thoát, mau được giác ngộ. Các con hãy cẩn trọng trước lục dục (thích nghe, thích nhìn, thích sờ mó, thích ngửi, thích nếm, thích tưởng tượng) và thất tình (hỷ, nộ, ai, ái, ố, cụ, dục) đang vây bám các con”.

Đâu chỉ có Đức Phật mới dạy, mới kêu mời các đệ tử của mình như thế, mà chính Đức Giêsu cũng dạy về sự từ bỏ. Ngài coi sự từ bỏ như điều kiện tiên quyết để được làm môn đệ của Ngài. Xem ra Đức Giêsu còn đòi hỏi khắc khe hơn, nhấn mạnh hơn lời dạy của Đức Phật về vấn đề từ bỏ rất nhiều. Đức Giêsu đã nói: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26).

Cuộc sống con người đang là một cuộc chạy đua đi tìm những thứ mình yêu thích. Muốn có nhanh, có ngay tức thì những thứ mình muốn. Thế là nhiều người lao mình vào cuộc chạy đua tìm kiếm những thứ đó. Họ không còn suy nghĩ cũng chẳng quan tâm gì đến những chuyện tinh thần; không còn đặt vấn đề lương tâm nữa. Họ chỉ muốn sao cho mình mau đạt tới mục đích mà họ mong chờ càng nhanh càng tốt. Thế là vô tình họ bị trói buộc bởi muôn vàn những sợi dây vô hình, làm cho họ bị ngột ngạt, mất tự do, nhưng họ đành cắn răng nín chịu. . . Nhiều người cảm thấy chán ngán cuộc đời, cảm thấy cuộc sống sao mà nặng nề quá. Họ cảm thấy bị kiệt sức và rơi vào trầm cảm và có những người muốn đi tìm cái chết để được mau thoát khỏi những ràng buộc đang bao vây họ.

Quả thật, trong cuộc sống, mỗi khi chúng ta thêm một điều gì là chúng ta bị nó “thắt” vào trong đó. Thế nhưng có ai nghĩ đến chuyện đó đâu. Có mấy ai đề phòng trước chuyện “thêm thắt” này, cho đến khi họ thấy mình bị nghẹt thở thì mới than thân trách phận: “sao cuộc đời tàn nhẫn với tôi quá!” Làm người tự do, ai cũng muốn, nhưng khổ nổi là họ không có khả năng “cởi bỏ” mà chỉ có khả năng “thêm thắt” thôi. Vậy thì làm sao mà tự do cho được. Rất nhiều người trong chúng ta bị bệnh “bất lực”, bất lực trong việc từ chối nhận thêm cái này cái nọ, bất lực vì không biết nói chữ “không” mà chỉ biết đến từ “có”. Thế mới có chuyện để nói!

Nói đến đây, tôi lại nhớ đến một dụ ngôn trong Tin mừng: "Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng : Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.' Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói : 'Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm ; cho tôi xin kiếu.” Người khác nói : 'Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.' Người khác nói: 'Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.”. Như vậy là họ bị “cột” vào những thứ họ mới có “thêm”, làm cho họ không còn tự do để đi dự tiệc nữa. Dù tiệc ấy đáng giá nghìn lần những gì họ đang có, nhưng họ đang bị “thắt” vào đó rồi. (x. Lc 14, 15-20).

Chúa Giêsu còn nói thêm về vấn đề “cởi bỏ” như sau: “Ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi, vác thật giá hằng ngày mình mà theo Thầy”. Bỏ mình là hình thức từ bỏ cao nhất vì người “bỏ mình” không còn giữ lại điều gì cho mình, nhất là ý riêng, kể cả mạng sống của mình nũa. Nhung ta hãy xét lại xem, ta đã bị “thắt” ở mức độ nào? Tôi có muốn tiếp tực bị “thắt” vì muốn “thêm” thư này, thứ nọ không? Hãy biết tự “cởi bỏ” cho mình nhờ vào khả năng biết “từ bỏ”. Đừng bao giờ để cho lòng trắc ẩn thái quá của mình biến mình thành kẻ “bất lực” trong việc nói “không” mà bị lôi kéo “bỏ thì thương, vương thì tội” nên cuối cùng để cho hoàn cảnh mặc tình lôi kéo, mặc tình “thắt” đời mình vào trong những điều mà mình không mạnh dạn từ bỏ.

Là người môn đệ của Chúa thì đừng nên để bị ai “thắt” đời mình vào những sợi dây do lòng ham mê muốn có “thêm” cái này, cái nọ, người này, người kia. Nhưng hãy biết thắc chặc đời mình vào tình yêu của Thiên Chúa, thắc chặt đời mình vào Thầy Chí Thánh Giêsu để được thuộc trọn về Ngài. Mỗi ngày chúng ta hãy “thêm” lòng mến Đức Giêsu Kitô để “thắt” mình chặt hơn vào Chúa mãi mãi. Cầu chúc cho mọi người chúng ta có khả năng tự “cởi bỏ” những gì đang ràng buộc chúng ta trong cuộc đời này, những gì ràng buộc là vướng bận tâm hồn chúng ta làm cho chúnCho đoàn chiên.g ta không còn khả năng siêu thoát, để chúng ta có được một tâm hồn nhẹ nhàng mà nâng lòng mình lên cùng Chúa để kết hợp với Ngài mãi mãi trong tình yêu.

XVI. MỘT LỐI SỐNG

BẰNG LÒNG VỀ CHÍNH MÌNH

Hans Christian Andersen, văn sĩ Đan Mạch sống vào khoảng cuối thế kỷ 19, là tác giả của những câu chuyện dạy đời bất hủ. Ông có kể câu chuyện như sau: Có một đôi vợ chồng già nọ sống bên nhau rất hạnh phúc. Thật ra người nắm giữ bí quyết hạnh phúc trong gia đình này chính là người vợ. Lúc nào bà cũng hài lòng về bất cứ hành động nào của người chồng. Một hôm, người vợ đề nghị với chồng là nên bán bớt một con bò. Thật ra tất cả tài sản của họ chỉ là đôi bò.

Người chồng tán thành ý kiến của vợ. Ngay từ sáng sớm, ông dắt bò ra chợ. Nhưng đường dài, mặt trời mỗi lúc một chói chang. Con bò già lại không thể bước nhanh. Do đó khi thấy một người nông dân khác cũng đang dắt heo ra chợ bán, người chồng mới có ý nghĩ đem đổi bò lấy con heo. May ra con heo có thể đi nhanh hơn không? Đổi được con heo và đi được một quãng đường, người chồng lại cảm thấy không thoải mái chút nào. Con heo cứ muốn đi theo hướng của nó. Vừa bực tức với con heo, ông lại thấy một người nhà quê khác cũng đang dắt dê ra tỉnh. Ông nghĩ rằng dê có thể là con vật ít cồng kềnh hơn con heo, cho nên ông mới nấn ná đến người chủ dê để đề nghị hoán đổi.

Đổi được dê, người đàn ông như cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Nhưng chỉ trong vài phút đồng hồ, ông mới khám được cái tính bất thường của loài dê. Nó chạy bên này, nhảy bên kia, nó đưa sừng húc khắp mọi nơi... Giữa lúc ông ngán ngẩm với con dê, thì bỗng đâu một người nhà quê khác tiến lại gần ông với cả một đàn ngỗng. Con ngỗng dù sao cũng ít cồng kềnh hơn con dê. Nghĩ vậy cho nên ông mang con dê đến đổi lấy một chú ngỗng trắng. Ôm lấy chú ngỗng vào lòng, người đàn ông cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết. Ông tin chắc là mình sẽ đến chợ sớm hơn. Nhưng chưa đến chợ, thì ông lại thấy một người buôn gà. So sánh gà với ngỗng, dĩ nhiên gà phải nhẹ hơn... Tính toán mãi, cuối cùng, ông đã đem chú ngỗng đến đổi lấy một con gà. Mặt trời mỗi lúc một lên cao. Cơn khát như muốn đốt cháy cổ họng ông. Bụng ông lại trống rỗng. Vừa thấy một quán ăn bên vệ đường, người đàn ông không còn cầm được cơn cám dỗ. Ông đành phải đem con gà bán đi với giá một đồng bạc. Một đồng này vừa đủ cho một bữa ăn trưa cộng với một ly bia.

Những người đàn ông trong quán ăn biết chuyện mới tỏ ra ái ngại cho giây phút ông phải đối đầu với người vợ. Thế nhưng, con người luôn luôn được vợ hài lòng ấy vẫn tỏ ra bình thản. Ông tin tưởng rằng vợ ông sẽ không bao giờ trách móc ông. Một người đàn ông có máu cờ bạc, không tin ở thái độ của bà vợ ông, cho nên mới đề nghị đánh cá. Ông ta đưa ra hai mươi đồng và đi theo người đàn ông về đến nhà. Ông núp một nơi kín đáo để theo dõi phản ứng của người vợ.

Quả thực, người đàn ông bắt đầu báo cáo lại cho vợ từng chi tiết của những cuộc trao đổi của ông. Cứ mỗi lần người đàn ông kể lại một cuộc đổi chác của mình, người vợ đều tỏ ra hài lòng. Khi người đàn ông kể đến chuyện ông bán con gà được một đồng và vào quán ăn trưa, người vợ mới mỉm cười thốt lên như sau: "Tạ ơn Chúa, cũng may là mình bán được con gà. Như vậy là mình có thể ngủ yên mà không sợ tiếng gà gáy phá giấc. Điều quan trọng đối với tôi là biết rằng mình thỏa mãn là được". Người chồng thắng được vụ cá cuộc. Ông được hai mươi đồng, số tiền còn lớn hơn cả giá bán con bò.

Hãy đón nhận từng giây phút hiện tại với hân hoan, cảm mến. Hãy làm công việc trong phút giây hiện tại như là công việc quan trọng nhất. Hãy đón tiếp người trước mặt như một người quan trọng nhất. Hãy chấp nhận mọi người với cảm thông, tha thứ và lạc quan. Hãy chấp nhận chính bản thân với sự bằng lòng, thoải mái: đó là tất cả bí quyết của hạnh phúc mà chúng ta cần phải nắm lấy.

 

Mỗi khi hè về là mỗi lần chợt dâng trong tôi nỗi bâng khuâng ray rứt về tình cảnh một số – không phải là ít –con em chúng ta hoặc bỏ học, hoặc không có điều kiện đến trường. Người xưa nói: “Ngọc bất trác, bất thành khí; Nhân bất học, bất tri lý” (Tam Tự Kinh, Vương Ứng Lân (1223-1296) đời Tống biên soạn). Một viên ngọc dù có quý giá, nhưng không mài giũa thì không thể trở thành dụng cụ tốt được; Con người không học thì không biết đạo nghĩa ở đời. Mong sao các bậc cha mẹ, tất cả những người có trách nhiệm và những ai quan tâm đến tương lai của gia đình, xứ đạo, xã hội…hãy tạo điều kiện thuận lợi nhất, trong khả năng có thể nhất, để con em nghèo của chúng ta được có điều kiện và niềm vui thực hiện khát vọng cơ bản nhất là học hỏi - nên người.

NỖI BUỒN MÙA THI

Có một nỗi đau mà hằng ngày vẫn canh cánh trong lòng tôi, nhất là mỗi khi đến dịp hè về. Nhà tôi ngày ấy rất nghèo: ba tôi làm công nhân, mẹ buôn bán nhỏ, vì thế số tiền hằng ngày ba mẹ kiếm được không trang nổi cho bốn miệng ăn của anh chị em tôi. Lúc đó chị tôi đang học lớp 12, tôi học lớp 10, còn hai em trai đứa học lớp 7, đứa học lớp 2. Chị em chúng tôi hằng ngày phải nhịn ăn sáng để đi học, bữa cơm trưa nhiều khi chỉ vỏn vẹn vài vắt mì lót dạ. Vật dụng trong nhà, những gì có thể bán được cũng đã bán hết để lấy tiền mua gạo cho con ăn học, đến những bộ đồ mới của mẹ cũng “đội nón” ra đi để đóng tiền học phí cho chị em tôi.

Một hôm mẹ đem đi cầm mấy bộ đồ được hai, ba chục ngàn đồng gì đó, rồi gom góp trong nhà cũng được vài chục ngàn để đưa chị tôi đóng tiền học vì chị sắp tốt nghiệp THPT. Tôi không dám nói với mẹ mình vẫn còn thiếu nhà trường hai tháng tiền học vì sợ mẹ không biết phải tìm ở đâu ra. Tôi chỉ biết tâm sự với chị của mình. Tôi nói với chị nếu không đóng đủ tiền học cô giám thị sẽ không cho vào phòng thi (lúc đó là kiểm tra học kỳ 2). Chị cầm 43.000 đồng đưa cho tôi và bảo đem đóng học phí trước một tháng, tháng còn lại đợi vài bữa chị nói với mẹ kiếm tiền đóng cho tôi. Tôi hỏi còn chuyện học hành của chị thì sao, chị nói sẽ đi kiếm việc làm phụ ba mẹ. Tôi cầm tiền của chị đi đóng học phí mà nước mắt không biết sao cứ chảy dài trên mặt.

Sau khi đóng trước một tháng học phí, cô giám thị nói vẫn còn thiếu một tháng nữa, trong thời hạn trước ngày thi hai môn cuối nếu không đóng đủ tôi sẽ không được vào pòng thi. Kỳ hạn đã đến. Tôi có nói với chị về chuyện học phí của mình nhưng chị cũng bất lực, ba mẹ đi vay cũng không được. Tôi đành bặm gan đến trường và vào phòng thi, trong lòng cứ hồi hộp cầu xin cô giám thị đường đi ngang qua. Nhưng rồi cô giám thị vẫn đọc tên tôi và yêu cầu phải rời bàn thi cho đến khi đóng đủ học phí mới được vào thi.

Tôi lê từng bước nặng trĩu về nhà và hiểu rằng tương lai mình đã khép lại từ ngày ấy. Ước mơ được đứng trên bục giảng để dạy cho những trẻ em nghèo khổ tan vỡ. Nước mắt tôi vẫn rơi mỗi khi mùa hè đến. Những khi xem chương trình có sinh viên, học sinh nghèo được sự giúp đỡ của mọi người để tiếp tục học, tim tôi lại rộn lên niềm vui và luôn thầm mong mọi học sinh được cắp sách đến trường, không phải bị gián đoạn việc học vì không có tiền đóng học phí như mình 13 năm về trước.

DƯƠNG NGỌC BẢO (Báo Thanh Niên, ngày 25-4-2009)

XVII. THƠ

HOA DIỄM TUYỆT

Tiết tháng Năm khai rộng suối thiên đình,
Rảy xuống trần giọt nước nhuận nguồn sinh,
Cành lá phủ, hoa chen, hương phảng phất,
Nhạc phi cầm ca vũ cảnh càng xinh.

Nhưng có đóa tuyệt vời, hoa chẳng sánh,
Cành Giê-sê Thiên Chúa đã tạo thành,
Hương sắc với nhân loài đều khâm kính,
Maria chính thật Đức Nữ Trinh.

Khóm hường lan thẹn mày mang túi xạ,
Huệ điểm sương nào ví nét tinh trong,
Phô sắc đẹp nghiêng trời Thiên Chúa đến,
Nức hơi hương thơm thấm cả bụi hồng.

Đoàn tín hữu chỉ sấp mình phủ phục,
Lén nghiêng nhìn nao nức khúc yêu đương,
Góp âm thanh tấu lên đài ơn phước
Kéo mưa ân chan chứa cõi dương trần.

                                                                        Tôi Yêu

TÌNH TRÊN NÚI SỌ  

Trời âm u bao trùm trên Núi Sọ,
Không che được Thánh Giá Chúa uy linh,
Tôi nhìn Chúa…cẩm bào là máu phủ,
Gai đội đầu…triều thiên Đấng Tạo Sinh.

Chúa nhìn tôi với cái nhìn trân trối,
Làm sao tôi chống nổi cái nhìn yêu,
Giọt máu hồng tung vào thân tội lỗi,
Thấu tâm can lòng tôi đã phải xiêu.

Hình ấy! Tình ấy! Tôi ghi khắc mãi,
Nếu quên đi tôi sống có nghĩa gì?
Đinh đóng tôi cùng với Vua Chí Ái,
Vết thương lòng vạn kiếp chẳng chia ly.

                                          Tôi Yêu (J’aime = James = ĐC Giac. Nguyễn Văn Mầu)

XVIII. SỐNG LỜI CHÚA: GIOAN 10,11

Mục tử nhân lành, Hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

1466    23-04-2012 14:54:57