Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Loan Báo Tin Mừng Phát Xuất Lại Từ Chúa Kitô - Tháng 01 năm 2004

Chủ đề: LOAN BÁO TIN MỪNG PHÁT XUẤT LẠI TỪ CHÚA KITÔ

I. ĐỌC TÔNG HUẤN "LOAN BÁO TIN MỪNG" SỐ 9.

Như nòng cốt và trung tâm của Tin Mừng, Đức Kitô loan báo ơn cứu độ, từ hồng ân lớn lao nầy của Thiên Chúa là giải thoát tất cả những gì áp bức con người, nhất là giải thoát khỏi tội lỗi và Ác thần, trong niềm vui nhận biết Thiên Chúa và được Người biết tới, thấy Người, được phó thác cho Người. Tất cả ơn cứu độ ấy đã bắt đầu trong cuộc đời Đức Kitô và được thu đạt bằng sự chết và sự sống lại của Người, nhưng còn phải kiên trì dẫn đưa dòng lịch sử để được thực hiện đầy đủ vào ngày Đức Kitô lại đến, ngày không ai biết là khi nào, trừ Chúa Cha.

II. CHUYỆN MINH HỌA

LÀM CHỨNG BẰNG CUỘC SỐNG.

Đức Cha Fulton Sheen, diễn giả nổi tiếng trên đài phát thanh truyền hình Hoa Kỳ, đã có lần kể lại như sau : Tại Nam Tư, trong một lần giúp lễ, một cậu bé vô tình đánh rơi lọ nươc, vị chủ tế tức giận tát cậu bé một cái và thét lên : "Cút đi, đừng bao giờ trở lại đây nữa". Cậu bé đó đã không bao giờ trở lại nhà thờ, bởi vì sau này cậu đã trở thành vị lãnh đạo của nam Tư, cậu bé ấy tên là TiTô.

Tôi còn nhớ tôi cũng là một cậu bé giúp lễ tại Nhà thờ Chánh tòa, lúc đó tôi lên 7 tuổi. Trong một phiên giúp lễ, tôi cũng đã có lần đánh rơi lọ rượu, có lẽ ngay cả một trái bom nguyên tử nổ cũng không bằng âm thanh của lọ rượu rơi trên nền đá cẩm thạch. Tôi sợ tưởng chết được, vì mấy cậu bé giúp lễ chúng tôi cứ nghĩ Đức Cha là người rất nghiêm khắc. Thế nhưng sau Thánh lễ, Ngài gọi tôi lại và hỏi :

- Lớn lên con sẽ học ở trường nào? Rồi Ngài nói tiếp : Con có bao giờ nghe nói Louvain không?
Tôi đáp :
- Thưa Đức Cha, chưa.
Ngài nói :
- Vậy thì con hãy về nói với cha mẹ con rằng, khi lớn lên con sẽ vào học tại trường Đại Học Louvain.

Tôi không ngờ rằng hai năm sau khi chịu chức linh mục, tôi đã ngồi trên chuyến xe lửa trực chỉ Louvain . Cũng một biến cố, nhưng tôi đã đi về hướng này, còn Titô thì đi về hướng ngược lại.

Chúa Giêsu mời gọi mỗi người trở thành muối, chớ không phải mật ong. Muối của Biển Chết vào thời Chúa Giêsu thường được những người du mục hòa với nhựa đường để trét lên người hầu chống lại cái lạnh. Muối không chỉ để ướp, mang lại hương vị cho thức ăn, mà còn để hâm nóng. Cuộc sống người Kitô hữu cũng phải là một thứ muối sưởi ấm tâm hồn con người. Chắc chắn, chỉ có những nghĩa cử yêu thương, chỉ có cuộc sống đầy tình người, mới có thể mang hơi ấm tình yêu của Chúa đến cho mọi người.

Lạy Chúa, xin cho các Kitô hữu luôn ghi lòng tạc dạ rằng sứ mạng loan báo Tin mừng là sống chứng nhân, xin đừng để một ai đó gặp con phải thất vọng và nhất là phải xa lìa Chúa.

III. DẪN Ý CÂU CHUYỆN.

1. Sứ mạng loan báo Tin Mừng

Chúa Giêsu đã thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo Tin Mừng :"Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chuúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 19-20; Mc 16, 15). Và đây là sứ mạng chính yếu của Hội Thánh : làm cho mọi người trở thành môn đệ Chúa.

Tông huấn "Loan Báo Tin Mừng" (Evangelii Nuntiandi) dạy : "Chính Chúa Giêsu, Tin Mừng của Thiên Chúa, đã là sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất. Người đã rao giảng đến cùng : đến mức tuyệt hảo, đến hy sinh cả sự sống trần thế của mình" (LBTM số 6).

Nội dung Tin Mừng mà Chúa Giêsu loan báo là "tin vui về việc hoàn thành các Lời hứa mà Thiên Chúa đã đề xướng...và tất cả các khía cạnh mầu nhiệm của Người từ việc Nhập Thể, các phép lạ, việc giảng dạy, chiêu tập các môn đệ, sai Nhóm Mười Hai Tông đồ, chết trên Thập giá và Sống lại, việc còn hiện diện thường xuyên giữa các môn đồ của Người, tất cả đều là thành phẩn côngh việc loan báo Tin Mừng của Người" (LNTM số 6).

Trọng tâm của Tin Mừng mà Đức Kitô loan báo là ơn cứu độ đến từ Người qua cái chết và cuộc Phục sinh của Người. Đón nhận ơn cứu độ tức là "nhận biết Thiên Chúa và được Người biết tới, thấy Người, được phó thác cho Người" (LBTM số 9). Điều đó mang lại ơn giải thoát cho chúng ta khỏi tội lỗi và Ác thần. Ơn cứu độ đã được Đức Kitô thực hiện rồi qua cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Người, nhưng "phải kiên trì dẫn đưa dòng lịch sử để thực hiện đầy đủ vào ngày Đức Kitô lại đến, ngày không ai biết là khi nào, trừ Chúa ra" (LBTM số 9).

Hội Thánh là cộng đoàn được Phúc Âm hóa và đến lượt mình có nhiệm vụ chia sẻ đức tin cho những người khác: "Những ai đón nhận Tin Mừng, những ai được Tin Mừng quy tụ vào cộng đoàn cứu độ, đều có thể và phải chuyển đạt và truyền bá Tin Mừng" (LBTM số 13).

Trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II viết: "Phải bắt đầu lại từ Chúa Kitô, với lòng hăng say của ngày lễ Hiện Xuống, với một sự nhiệt tình đổi mới. Bắt đầu lại từ Người trước hết bằng những cố gắng nên thánh hằng ngày, chuyên lo cầu nguyện và lắng nghe tiếng Người. Bắt đầu lại từ Người cũng để minh chứng Tình Yêu của Người" (Sđ NTGTG số 7)

ĐTC kết thúc Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo bằng những lời như sau :
"Hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô, Anh (chị) là người đã gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa;
"Hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô, anh (chị) là người biết sự đau đớn và đau khổ;
"Hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô, anh (chị) là người đã bị cám dỗ sống nguội lạnh: năm ân sũng là một thời gian vô tận;
"Hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô, hỡi Giáo Hội của ngàn năm mới;
"Hãy cất tiếng hát và hãy bước đi."

Thư Mục Vụ HĐGMVN : "Chúa Giêsu đã đã nhiều lần cho các môn đệ hiểu rằng sứ mạng loan báo Tin Mừng của họ đến từ Ngài và sứ mạng của Ngài là đến từ Chúa Cha : "Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian" (số 2).

Sứ mạng chính yếu của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng một cách trung thành theo truyền thống của Hội Thánh buổi sơ khai : "Vâng lệnh Chúa Giêsu Kitô, dưới tác động của Thánh Thần, Hội Thánh sơ khai hăng hái dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng, sẳn sàng hiến mạng sống để làm chứng về hồng ân cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Người" (Thư Mục Vụ HĐGMVN số 4).

2. Loan báo Tin Mừng theo Tông thư Bước Vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba (Novo Millennio Ieunte).

Trong Tông thư Tiến vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, ban hành ngày lễ Hiển Linh 06/ 01/ 200, với bốn phần chính, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II một lần nữa mời gọi mọi thành phần trong Hội Thánh hãy "ra khơi truyền giáo" (Lc 4, 5).

Trong phần thứ hai của Tông thư, Đức Thánh Cha mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy chiêm ngắm Dung Nhan Chúa Giêsu một cách chính xác, để có thể làm chứng về Chúa một cách xác thực. Chúng ta chiêm ngưỡng Dung Nhan Chúa Kitô với mục đích là để làm chứng về Người, chẳng những bằng cách nói về Người mà còn bằng việc tỏ Người ra, một việc chỉ có thể thực hiện được sau khi chiêm ngưỡng dung nhan Người mà thôi.

"Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu" (Jn 12:21 ). Lời yêu cầu của một số Người Hy Lạp đến hành hương ở Giêrusalem ào Ngày Lễ Vượt Qua ngỏ cùng Tông Đồ Philiphê cũng vang vọng vào tai tâm linh chúng ta trong Năm Mừng Kỷ Niệm này...Tuy nhiên, chứng từ của chúng ta sẽ bị què quặt một cách thảm thương, nếu chính chúng ta trước hết không chiêm ngưỡng dung nhan của Người. Việc cử hành Năm Thánh chắc hẳn đã giúp cho chúng ta làm việc này một cách thấm thía hơn. Vào lúc kết thúc Năm Thánh, khi chúng ta trở lại với sinh hoạt thường nhật, ôm ấp trong lòng kho tàng của chính thời điểm đặc biệt ấy, mắt chúng ta lại càng phải gắn chặt vào dung nhan của Chúa hơn bao giờ hết" (NMI số 16).

- Tông thư số 30 và 31: Đức Thánh Cha muốn chúng ta phải "Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô" bằng cách cố gắng luyện tập nên thánh qua cuộc sống hằng ngày của từng người cũng như qua việc hòa nhập với sinh hoạt của các hội đoàn công giáo tiến hành cũ mới trong Giáo Hội.

- Tông thư 32, 33 và 34, Đức Thánh Cha muốn chúng ta phải "Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô" bằng việc học tập và sống cầu nguyện trong Chúa Ba Ngôi theo phụng vụ, để làm sao có thể đạt đến một trình độ say yêu thì chúng ta mới có khả năng đi làm lịch sử cứu độ.

- Tông thư số 35 và 36 : Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta phải Bắt Đầu LạiTừ Chúa Kitô" bằng việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, không phải chỉ để chu toàn luật buộc mà còn cảm thấy cần thiết cho đời sống đạo của mình, nhờ đó Kitô hữu chúng ta mới càng được hiệp thông với Giáo Hội hơn và không cảm thấy bị cô lập lẻ loi trong một thế giới có những đối chọi giữa văn hóa và tôn giáo làm cho Kitô giáo có những nơi trở thành thiểu số.

- Tông thư số 37 : Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta "Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô" bằng việc Hòa Giải, một việc cần phải được thực hiện nhất là trong thời đại bị khủng hoảng về ý thức tội lỗi này, một thời đại do đó cần phải nhìn lên dung nhan vô cùng nhân hậu của Chúa Kitô, một dung nhan cần được các Vị Mục Tử, Giám mục cũng như linh mục, hãy lợi dụng những cuộc tìm về với bí tích hòa giải của giáo dân trong Năm Thánh 2000 để làm cho dung nhan của Ngời được sáng tỏ hơn qua việc mục vụ và thừa tác vụ thánh của các vị.

- Tông thư số 38 : Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta "Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô" trong Ân Sủng, ở chỗ, nhờ đời sống cầu nguyện chúng ta mới có thể luôn luôn ý thức được vai trò trọng yếu của ân sủng, của Chúa Kitô trong việc hoạt động mục vụ, một hoạt động vì thế có gặt hái được thành quả tốt đẹp, thì hoàn toàn không phải là do bởi khả năng tự nhiên và nỗ lực loài người, thậm chí nếu có vì tự phụ tự mãn của mình mà tác nhân bị thảm bại trong việc tông đồ mục vụ đi nữa, thì đó cũng chính là giây phút ân sủng, là cơ hội đức tin rất thuận lợi để họ đặt lại vấn đề cho đúng chỗ của nó.

- Tông thư số 39 : Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta "Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô" bằng việc chuyên chú lắng nghe Lời Chúa, ở chỗ chẳng những ham đọc Thánh Kinh, dạy giáo lý và truyền giáo bằng Thánh Kinh, có cuốn sách Kinh Thánh tại mỗi gia đình, mà còn ở chỗ đọc cả các sách thiêng liêng được kín múc từ Thánh Kinh nữa.

"Chắc chắn một điều là vai trò chính yếu của thánh thiện cũng như của việc cầu nguyện không thể nào thiếu được việc tái lắng nghe lời Chúa. Ngay từ khi Công ÐĐồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh đến vai trò trọng yếu của lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, thì đã thấy có nhiều tiến bộ trong việc sốt sắng lắng nghe Thánh Kinh và chăm chú học hỏi Thánh Kinh. Thánh Kinh chiếm được một chỗ đứng trọng vọng của mình nơi việc cầu nguyện chung của Giáo Hội...Nhất là tất cả công việc truyền bá phúc âm hóa và giáo lý đều lấy được một nguồn sinh lực mới từ việc chuyên chú đến lời Chúa" (số 39).

- Tông thư số 40: Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta "Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô" bằng việc truyền bá Lời Chúa, ở chỗ, phải làm sao lấy lại được lòng nhiệt thành của các Tông Đồ trong Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống xưa để có thể thực hiện một cuộc tái truyền bá phúc âm trong một thời đại đang theo chiều hướng toàn cầu hóa và cho một thế giới đang ở trong một tình trạng hỗn hợp bất ổn về văn hóa, một cuộc truyền bá phúc âm bởi thế phải hết sức chú trọng đến nhu cầu hội nhập văn hóa.

"Nuôi dưỡng chính mình bằng lời Chúa để trở thành tôi tớ phục vụ lời Chúa trong công cuộc truyền bá phúc âm, đó là một vấn đề ưu tiên đối với Giáo Hội vào lúc bình minh của một tân thiên niên kỷ. Ngay cả ở nơi những xứ sở được truyền bá phúc âm hóa từ nhiều thế kỷ trước đây, thì thực tại về một xã hội Kitô giáo, một xã hội ở giữa tất cả những yếu hèn bao giờ cũng gắn liền với cuộc sống của con người, đã sống hoàn toàn theo những giá trị của Phúc Âm, giờ đây không còn nữa... Từ nhiều năm nay, Tôi vẫn thường hay lập đi lập lại những lần kêu gọi hãy thực hiện việc tân truyền bá phúc âm hóa. Giờ đây Tôi lại kêu gọi điều này một lần nữa, nhất là muốn chú trọng đến việc chúng ta phải làm bừng lên lại trong chúng ta lòng hăng hái của những thuở ban đầu, cũng như phải làm sao cho mình đầy nhiệt tình rao giảng của các tông đồ sau Ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúng ta phải phục hồi trong chúng ta niềm xác tín nóng bỏng của Thánh Phaolô, vị đã kêu lên rằng: Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm (1Cor 9:16 )" (số 40).

"Lòng hăng say này sẽ không ngừng khơi lên nơi Giáo Hội một thứ cảm quan mới về việc truyền giáo, một việc truyền giáo không thể chỉ có nguyên một nhóm chuyên viên làm, mà phải bao gồm cả trách nhiệm của tất cả mọi phần tử thuộc Dân Chúa nữa. Những ai được giao tiếp thực sự với Chúa Kitô không thể cầm giữ Người cho bản thân mình, song họ phải loan truyền về Người.... Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện bằng sự tôn trọng các đường lối khác biệt của con người khác nhau, và phải được thực hiện có tính cách nhậy cảm về vấn đề đa văn hóa là những gì sứ điệp Kitô giáo cần phải được gieo trồng, ở chỗ, không loại bỏ các giá trị riêng của mỗi một dân tộc mà là thanh tẩy và kiện toàn những giá trị ấy" (sô` 40).

- Phần thứ tư của Tông thư từ số 42-56: Đức ThánhCha đã nhấn mạnh đến đức bác ái, một yếu tố chẳng những chứng tỏ cho thấy chính yếu tính của mầu nhiệm Giáo Hội, mà còn là một yếu tố làm cho Giáo Hội thực sự trở thành một bí tích hiệp thông nữa.

"Nếu các con yêu thương nhau thì tất cả mọi người căn cứ vào điều ấy mà nhận biết các con là môn đệ của Thày (Jn 13:15 ). Nếu chúng ta thực sự chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, anh chị em thân mến, thì việc chúng ta hoạch định chương trình mục vụ phải được chi phối bởi giới răn mới mà Người đã ban cho chúng ta: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (Jn 13:34 )" (số 42.1).

"Hiệp thông là hoa trái và biểu lộ cho thấy mối tình yêu xuất phát từ tấm lòng của Cha Hằng Hữu và được tuôn đổ trên chúng ta nhờ Thần Linh Chúa Giêsu ban cho chúng ta (Rm 5:5), để làm cho tất cả chúng ta được đồng tâm nhất trí (CVSĐ 4, 32). Chính ở tại việc xây đắp mối hiệp thông yêu thương này mà Giáo Hội mới hiện hữu như là một bí tích, như là dấu hiệu và là dụng cụ của mối hiệp thông với Thiên Chúa cũng như mối hiệp nhất nhân loại (Hiến Chế Lumen Gentium, 1)" (số 42, 2).

Nhận định :

Qua tất cả những gì được Đức Thánh Cha phác họa trong Bức Tông Thư thời đại này, chúng ta thấy nền tảng chung của tất cả bốn phần làm nên nội dung của văn kiện này là phần thứ hai, phần được mở đầu bằng sự thánh thiện và nhấn mạnh đặc biệt đến việc cầu nguyện, nhất là cầu nguyện có tính cách phụng vụ và bằng Lời Chúa, những yếu tố làm nên nội tâm và sinh lực thiêng liêng của Kitô hữu cũng như chi phối tất cả mọi sinh hoạt mục vụ ngoại tại khác, nhất là việc hoạt động mục vụ, tông đồ truyền giáo.

Nếu nền tảng cho toàn bộ bản văn kiện này là phần hai, phần nhấn mạnh đến sự thánh thiện và đặc biệt là việc cầu nguyện theo phụng vụ và bằng lời Chúa thì chiều hướng chung của bức tông thư là phần thứ bốn, phần về truyền giáo, một hoạt động chính yếu và sống còn của Giáo Hội, vì là việc làm nên chính bản chất của Giáo Hội. Thật vậy, tất cả mọi việc sống đạo của Kitô hữu chúng ta dù có cầu nguyện sốt sắng đến đâu đi nữa, có sống thánh thiện đến mấy đi nữa, nếu không sinh hoa kết trái qua việc tông đồ truyền giáo hay bằng việc tông đồ truyền giáo thì phải xét lại vấn đề ơn gọi là ánh sáng thế gian của mình.

Ngày 6/1, tức chính ngày Lễ Hiển Linh cũng là ngày ban hành Tông Thư Tiến Vào Thiên Niên Kỷ, Đức Thánh Cha đã tóm tắt tất cả nội dung và ý hướng của văn kiện này ở phần kết bài giảng cho Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2000 như sau:

"...Chúng ta cần bắt đầu từ Chúa Kitô, bằng lòng nhiệt thành của Ngày Lễ Hiện Xuống, với một nhiệt tình đổi mới. Việc bắt đầu từ Chúa Kitô trước hết ở nơi việc dấn thân sống thánh mỗi ngày, bằng tinh thần cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Việc bắt đầu từ Chúa Kitô để minh chứng cho Tình Yêu của Người, bằng cách sống đời Kitô hữu được thể hiện nơi mối hiệp thông, nơi tình bác ái cũng như nơi việc làm chứng nhân trước thế giới. Ðó là chương trình Tôi đề nghị trong Tông Thư nầy. Tất cả có thể được tóm gọn lại thành một chữ duy nhất, đó là Chúa Giêsu Kitô!" (số 8).

Xin Chúa Thánh Thần khơi lại nơi mỗi người chúng con lòng nhiệt thành đem Chúa Kitô đến cho anh em, lòng nhiệt thành phấn khởi mà các Thánh Tông Đồ xưa đã được tuôn đổ để dấn thân đến với muôn dân, không ngại hy sinh thân mình. Amen

IV. HỌC TÔNG HUẤN

"LOAN BÁO TIN MỪNG" SỐ 9

"Ơn cứu độ mà Đức Kitô loan báo là nòng cốt và trung trung tâm của Tin Mừng."

V. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

LOAN BÁO CHÚA GIÊSU

Ngày nay có một luồng tư tưởng muốn tách Đức Kitô ra khỏi Đức Giêsu Nazareth. Do đó, việc loan báo chỉ còn là loan báo giáo lý Phúc âm mà không loan báo Đức Giêsu. Luồng tư tưởng này chỉ quan tâm đến giá trị của giáo lý Phúc âm, còn giáo lý ấy do Đức Giêsu hay do ai đều không quan trọng đối với họ. Vậy thì Đức Giêsu có thể không phải là nhân vật lịch sử, hoặc có thể là một nhân vật lịch sử nào đó đã được thêu dệt, thần thánh hóa. Và giáo lý Phúc âm có thể không phải là của Đức Giêsu Nazaret. Chúng ta nghĩ sao ?

1 / Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, một người lịch sử.

ĐGH Gioan Phaolô II, trong thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, đã kết án quan niệm trên là trái với đức tin Kitô giáo. Quả thế, thánh Phêrô đã rao giảng Đức Giêsu và xác quyết rằng chỉ một danh Giêsu đem lại ơn cứu độ (Cv 4, 10-12). Thánh Phêrô đã trả giá cho việc rao giảng ấy bằng cả cuộc đời và cái chết của mình.

Thánh Gioan trong lời mở của Phúc âm IV đã tuyên bố về lịch sử tính của Đức Giêsu như sau:"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14). Thánh Gioan còn xác quyết thêm rằng:"Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành" (Ga 1,3). Thánh Phaolô thì nói rõ hơn:"nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu" (1Cor 8, 6).

2 / Loan báo một Đức Giêsu khách quan.

Cả cuộc đời, cả con người của Đức Giêsu là sự mạc khải trọn vẹn về Thiên Chúa. Nhìn ngắm Ngài là thấy được ý Thiên Chúa. Bởi thế, loan báo Tin Mừng là rao giảng Đức Giêsu một cách khách quan, nghĩa là phải trình bày giáo lý của Ngài, cuộc sống của Ngài, tâm tư và thao thức của Ngài. Nói cách khác, mọi động lực, nguồn mạch, phương thế . . . của việc loan báo Tin Mừng phải phát xuất từ Đức Giêsu Kitô.

a. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha. Đức Giêsu yêu thương và tùng phục Người như một đứa con hiếu thảo tuyệt vời. Ngài cầu nguyện rất nhiều và rất lâu với Chúa Cha, Ngài tin tưởng và phó thác hòan tòan định mệnh của mình cho Chúa Cha. Đó chính là tương quan giữa con người với thiên Chúa, một tương quan hàng dọc phải có để xây dựng tương quan hàng ngang giữa người với người. Thiếu tương quan hàng dọc thì lòai người không thể tạo được tương quan tốt đẹp hàng ngang, trái lại còn hủy họai nó nữa, nghĩa là lòai người không thể đối xử với nhau như những người anh em con cùng một Cha.

b. Đức Giêsu yêu thương loài người. Ngài đặc biệt yêu thương và kính trọng người tội lỗi, bệnh tật, nghèo hèn, trẻ em và lương dân. Ngài chúc lành cho người nghèo. Ngài không từ chối một bệnh nhân nào. Ngài trả giá cao cho tình yêu đối với người tội lỗi : phá lệ để ăn cơm với Matthêu và cư ngụ nhà của ông Giakêu, đó là những người thu thuế bị xã hội đoạn giao. Hành động này đã gây nên dư luận không tốt cho Ngài (Lc 5,30 ; 19,7). Ngài đề cao viên sĩ quan người ngọai:"Ta chưa từng thấy niềm tin như thế trong dân Israel " (Lc 7, 9). Ngài đề cao người Samari đến độ cho người ấy đóng vai lý tưởng trong một dụ ngôn để dạy một ông luật sĩ:"Ông hãy đi và làm như thế" (Lc 10,37).

” Loan báo Tin Mừng không phải chỉ là loan báo lòng yêu thương và kính trọng người tội lỗi, mà còn phải loan báo nồng độ của lòng yêu thương và kính trọng ấy trong Đức Giêsu “

c. Đức Giêsu chết và sống lại. Thọ nạn và chết là một sự thật mà Chúa Giêsu đón nhận và kêu mời ta đón nhận. Nhận Đức Giêsu thì cũng nhận thái độ này của Ngài.

Đức Giêsu sống lại là một sự kiện chưa từng có nơi bất cứ một vị lập đạo nào. Nhưng không thể không tin không nhận, vì đó là sự kiện lịch sử của cuộc đời Đức Giêsu Nazareth. Không tin Đức Giêsu sống lại, hoặc không loan báo sự kiện Phục Sinh thì chưa phải là loan báo Đức Giêsu trọn vẹn và khách quan.

Thay lời kết : Một cách loan báo Chúa Giêsu.

Một trong những trại tù binh lớn nhất mà người Nhật thiết lập cuối thế chiến thứ hai là trại tù bên bờ sông Quế (Kwei river) thuộc tỉnh Kanchanaburi của Thái Lan. Nơi đây đã có tới 12 ngàn tù binh bị chết vì bệnh tật và bị đối xử tàn bạo trong khi họ phải xây dựng một tuyến đường xe lửa.

Đám tù nhân bị cưỡng bức lao động dưới cơn nóng có khi lên tới 49 oC. Đầu trần, chân đất họ vác từng thúng đất đá trên vai, để xây dựng cho xong toàn bộ tuyến đường sắt đã được chỉ định. Đúng là cảnh màn trời chiếu đất theo nghĩa đen, vì họ nằm ngủ trên đất không chăn chiếu. Nhưng kẻ thù số một không phải là cai tù hoặc bọn lính gác, cũng không phải là cuộc sống gian khổ, mà là chính bản thân họ. Theo lời kể lại của tác giả Ngô Văn Đông (Ernest Gordon) trong cuốn "Ngang qua thung lũng sông Quế" thì vì quá sợ, đám tù binh nói trên mắc chứng hoang tưởng. Họ cư xử với nhau theo luật rừng, lại còn trộm cắp của nhau, ngờ vực và chỉ điểm lẫn nhau. Họ trở nên trò cười đối với bọn lính gác. Bởi lẽ trước kia họ là binh hùng tướng mạh mà nay trở nên hèn nhát và phá hoại nhau!

Thế rồi một điều xem ra không thể xảy ra đã xảy ra. Số là có hai người trong đám tù nhân đứng ra tổ chức cho các bạn tù thành những nhóm học hỏi Kinh Thánh. Điều lạ lùng là đám tù nhân qua đó khám phá ra Chúa Giêsu hiện đang sống động giữa họ. Người hiểu rõ hoàn cảnh của họ. Chính Người cùng chung số phận với họ để cứu họ khỏi cảnh lầm than. Người đã từng chịu đói khát, từng bị phản bội, từng nếm những lằn roi quất trên lưng và cuối cùng bị người ta giết chết. hính vì Người luôn kết hợp với Cha trong kế hoạch cứu nhân độ thế nên Thiên Chúa đã siêu tôn và đặt Người làm Chúa của mọi người và mọi sự. Thế là tất cả những điều liên quan tới Chúa Giêsu, về con người của Người, về những gì Người nói, những việc Người làm đều tràn đầy ý nghĩa và trở nên sống động đối với chính họ. Đám tù nhân không còn cho rằng họ là nạn nhân của một tấn bi kịch độc ác nữa. Họ không còn chỉ điểm, không còn phá hoại lẫn nhau nữa. Họ biểu lộ việc hoán cải tự thâm sâu như thấy rõ qua những lời cầu nguyện tự phát. Họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau nhiều hơn là cho chính mình. Họ chỉ ước mong để đỡ bị gò bó hầu tự do chia sẻ cho nhau nhiều hơn trong cuộc sống. Dần dà, cả trại được biến đổi đến nỗi không chỉ đám lính Nhật canh gác phải lấy làm lạ mà chính các tù binh cũng hết sức ngạc nhiên!

Một đêm nọ, sau cuộc họp với nhóm học hỏi Kinh Thánh, tác giả Ngô Văn Đông khập khiễng bước về căn trại của ông. Đang lúc lần mò trong bóng đêm, ông bỗng nghe có tiếng người ca hát. Ông nhận thấy có người đang dùng một mảnh gỗ gõ vào một chiếc lon thiếc để giữ nhịp. Tiếng mảnh gỗ gõ vào lon thiếc cùng với tiếng hát khiến cho bóng đêm tự nhiên trở nên có sự sống. Điều khác biệt giữa tiếng hát vui tươi lúc đó và cái lặng thinh chết chóc của những tháng trước đó giống hệt điều khác biệt giữa sự sống và sự chết, giữa một đám người chia rẽ phá hoại nhau và một lớp ngườI có Chúa Giêsu Phục Sinh linh hoạt ở giữa họ.

VII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Tin Mừng Đấng Cứu Thế giáng sinh, đã được các thiên thần, các mục đồng và Mẹ Maria loan báo cho chúng ta. Ngày nay, Chúa Kitô đang đến hằng ngày, chúng ta cùng cầu nguyện cho chúng ta và mọi người lại loan báo Tin Mừng ấy cho nhau:

- Chúa Giêsu phán: "Các con hãy đi khắp nơi, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo". Chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh luôn ý thức sứ mạng của mình, và mau mắn mang Chúa Kitô đến cho mọi người khắp mọi nơi.

- Chúa Giêsu phán: "Ta mang lửa từ trời xuống, và Ta ước mong biết bao cho lửa ấy cháy lên". Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết làm cho lửa Cứu độ của Chúa cháy lên nơi bản thân mình, và làm cho lửa ấy lan rộng ra tới những anh chị em đang sống gần bên mình.

- Chúa Giêsu phán: "Các con hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các con trở thành những kẻ chài lưới người". Chúng ta cầu nguyện cho các bạn trẻ, lắng nghe được tiếng Chúa kêu mời và can đảm bướ đi theo Chúa trong đời sống tu trì và dấn thân loan báo Tin Mừng.

- Đức Maria vội vã ra đi lên miền núi, đem Tin Mừng cho gia đình ông Giacaria. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, cũng mau mắn như Đức Maria, rước Chúa vào trong gia đình mình, đến từng thành viên trong gia đình, và cùng hiệp thông trong Chúa Kitô.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu là Thầy của các Kitô-hữu, Chúa mời gọi chúng con tin và đi theo Chúa trên mọi nẽo đường trần gian, mà sống và loan báo Tin Mừng của Chúa. Cúng con xin Chúa cũng ban Thánh Thần giúp chúng con mau mắn thi hành sứ vụ Chúa trao, hầu làm cho mọi người nhận biết Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

X. TẢN MẠN

HÀNH TRÌNH NĂM MỚI

B ạn có đi trên một con đường mà Bạn chưa bao giờ đi không? Chắc chắn là có! Đi trên con đường chưa bao giờ đi là cả một sự mạo hiểm vì đi mà không biết có gì ở dọc đường hay những bước trước mặt. Nếu cuộc đời là một chuyến đi, thì đây chính là chuyến đi mà chúng ta chưa đi bao giờ đi vì không biết có gì trước mặt hay có gì sẽ xảy ra cho chúng ta. Chúng ta có thể toan tính hay dự đoán nhưng những gì chắc chắn trước mặt, chúng ta không biết được. Khoảng tháng 10 năm rồi, tôi cũng đi trên một con đường mà mình chưa bao giờ đi như vậy. Đó là một chuyến đi thích thú nhưng cũng có nhiều hồi hộp vì không biết sẽ có gì trước mặt. Tuy nhiên trong chuyến đi nầy có bốn điều giúp tôi vui vẻ tiến bước mà không phải lo sợ điều gì. Bốn điều đó là :

Thứ nhất, tôi biết điểm tới của mình, tôi biết tôi đi đâu.
Thứ hai, tôi có một bản đồ chỉ dẫn rõ ràng.
Thứ ba, tôi có một người bạn đồng hành
Thứ tư, tôi giữ chỗ, ở một khách sạn nơi tôi sẽ tới.

Bốn điều đó giúp tôi đi trên đường mình chưa đi bao giờ nhưng lúc nào cũng an tâm, thoải mái. Và tôi thấy có những điểm tương đồng giữa chuyến đi đó và hành trình đời sống của mỗi chúng ta.

Trước hết, chúng ta đi và phải biết mình đi đâu. Chúng ta cần xác định mục đích của đời sống. Đường đời là con đường ta chưa đi bao giờ nhưng ta phải có một điểm tới. Tôi có nói đến điều nầy trong câu chuyện Phúc Âm lần trước, đó là chọn một mục đích sống ở đời là điều rất quan trọng vì nó sẽ quyết định mọi suy nghĩ và sinh hoạt của đời sống. Bạn đã có mục đích cho đời sống của mình chưa? Bạn sống trên đời nầy để làm gì? Đây là câu hỏi quan trọng nhất trong đời.

Thứ hai, chúng ta cần có một bản đồ để đi trên đường đời. Bản đồ là chỉ dẫn để chúng ta đi đúng đường sau khi đã biết rõ mục tiêu. Đối với một số người, bản đồ đó là hiểu biết, là học thức, là tính toán riêng của mình. Đối với người tin Chúa, bản đồ đó là Kinh Thánh, Lời của Chúa cho nhân loại. Kinh Thánh là mạc khải của Thiên Chúa, không có Lời Chúa, chúng ta sẽ tiếp tục mò mẫm trong bóng tối. Tác giả Thánh Vịnh nói rằng, "Lời Chúa là ngọn đèn cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi." Kinh Thánh không phải là quyển sách cho người theo đạo tụng niệm nhưng Kinh Thánh trình bày chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa cho nhân loại để mọi người biết và tin nhận. Kinh Thánh cho chúng ta biết ơn cứu độ đến từ Chúa Giêsu là Đấng chịu chết thay cho nhân loại trên cây thập giá. Chỉ một mình Ngài là Đấng vô tội mới có thể chết thay cho người có tội và giải thoát chúng ta khỏi gông cùm của tội lỗi. Kinh Thánh chẳng những cho chúng ta biết con đường cứu rỗi, Kinh Thánh cũng phong phú những lời dạy dỗ, hướng dẫn chúng ta trong mọi lãnh vực của đời sống. Từ đời sống cá nhân, đến gia đình, đến việc xử thế. Kinh Thánh dạy chúng ta trong việc sử dụng thì giờ, tiền bạc, tài năng. Kinh Thánh nói về mối quan hệ giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa chủ nhân với nhân viên. Kinh Thánh nói về việc quá khứ, hiện tại và tương lai. Kinh Thánh thật là la bàn, là kim chỉ nam cho đời sống. Đường đời thật lắm chông gai nhưng Lời Chúa thật là đèn cho chân chúng ta đi, là ánh sáng cho nẻo chúng ta bước.

Trên đường đời mà chúng ta không biết bước tiếp theo sẽ có gì chúng ta được đảm bảo hai điều. Đó là chúng ta biết mình sẽ đi đâu và chúng ta có bản đồ hướng dẫn rõ ràng. Điều thứ ba khiến chân chúng ta mạnh tiến trên đường đời là người bạn đồng hành. Đường đời chúng ta đi, chúng ta không đi một mình nhưng luôn luôn có người đi bên cạnh. Chúa Thánh Thần được gọi là Thần An Ủi, là Đấng ngự trong tâm hồn người tin Chúa, Ngài là người bạn đồng hành, giúp đỡ, dẫn dắt chúng ta trên mọi nẻo đường. Nếu cô đơn là nỗi khổ lớn nhất của con người thì Chuá Thánh Thầm chính là Thần An Ủi, ở với con người để chúng ta không còn cô đơn nữa.

Cuối cùng, trên đường đời, dù không biết có gì sẽ xảy ra, Thánh Kinh cho biết Chúa đã đi trước để chuẩn bị cho chúng ta một chỗ ở. Như người khách đã đặt phòng trước khi đến nơi, chúng ta được bảo đảm về một nơi ở đời đời trong Nước của Chúa. Lời Chúa dạy: "Nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất nầy bị hủy phá thì chúng ta có một căn nhà đời đời trên trời, nhà ấy không do bàn tay loài người làm nên nhưng do chính Chúa xây dựng." Chúa Giêsu phán: "Ta đi chuẩn bị một chỗ ở cho các ngươi, khi Ta đã đi và đã chuẩn bị cho các ngươi một chỗ rồi, Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó."

Bạn thân mến, Bạn và tôi đang bước trên đường đời hướng về tương lai, chúng ta không biết bước tiếp theo sẽ có gì, nhưng có những điều nầy chúng ta biết chắc nếu chúng ta đặt lòng tin nơi Thiên Chúa Quan Phòng. Chúng ta biết mục đích của cuộc đời chúng ta, chúng ta biết mình đang đi về đâu. Chúng ta có bản đồ hướng dẫn, có người bạn đồng hành và cũng được đảm bảo một chỗ ở đời đời trong Nước Chúa. Với những nhận thức đó, cầu chúc Bạn vững tâm bước vào Năm Mới trong tinh thần phấn khởi, đầy đủ nghị lực và dồi dào cảm hứng.

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

BÀI HỌC TỪ ĐÀN NGỖNG

Vào mùa thu, khi bạn thấy bầy ngỗng bay về phương Nam để tránh đông theo hình chữ V, bạn có tự hỏi những lý lẽ khoa học nào có thể rút ra từ đó. Mỗi khi một con ngỗng vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẩy cho con ngỗng bay ngay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn ngỗng tiết kiệm được 71% sức lực so với khi chúng bay từng con một.

Khi là thành viên của một nhóm, người ta cùng chia sẻ những mục tiêu chung, người ta sẽ đi đến nơi họ muốn nhanh hơn và dễ dàng hơ vì họ đang đi dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Mỗi khi một con ngỗng bay lạc khỏi hình chữ V của đàn, nó nhanh chóng cảm thấy sức trì kéo và những khó khăn của việc bay một mình. Nó sẽ nhanh chóng trở lại đàn để bay theo hình chữ V như cũ, và được hưởng những ưu thế của sức mạnh từ bầy.

Nếu chúng ta cũng có sự cảm nhận tinh tế của loài ngỗng, chúng ta sẽ chia sẻ thông tin với những người cũng đang hướng đến cùng một mục tiêu như chúng ta.

Khi con ngỗng đầu đàn mỏi mệt, nó sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh và một con ngỗng khác sẽ dẫn đầu.

Chia sẻ vị trí lãnh đạo sẽ đem lại lợi ích cho tất cả, và những công việc khó khăn nên được thay phiên nhau đảm nhận.

Tiếng kêu của bầy ngỗng từ đằng sau sẽ động viên những con đi đầu giữ được tốc độ của chúng.

Những lời động viên sẽ tạo nên sức mạnh cho những người đang ở đầu con sóng, giúp họ giữ vững tốc độ, thay vì để họ mỗi ngày phải chịu đựng áp lực công việc và sự mệt mỏi triền miên.

Cuối cùng, khi một con ngỗng bị bệnh hay bị thương và rơi xung, hai con ngỗng khác sẽ rời khỏi bầy để cùng xuống với con ngỗng bị thương và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại cho đến chừng nào con bị thương lại có thể bay hoặc là chết, và khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác để tiếp tục bay về phương nam.

Nếu chúng ta có tinh thần của loài ngỗng, chúng ta sẽ sát cánh bên nhau khi khó khăn.

Lần sau có cơ hội thấy một đàn ngỗng đang bay trên bầu trời, bạn hãy nhớ... Bạn đang hưởng một đặc ân khi là thành viên của một gia đình, một cộng đoàn ... Nam Thanh (sưu tầm)

SỐNG NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ƠN GỌI THEO GƯƠNG
HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA: Lc 2, 41-52

Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như thiên hạ thường làm trong dịp lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về còn cậu bé Giêsu, thì ở lại Giêrusalem, mà ông bà chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong đền thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy Do Thái, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cũng phải ngạc nhiên về trí thông minh, và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và Mẹ Người nói " Con ơi, sao con lại làm khổ cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đã phải cực lòng tìm con"? Người đáp: " Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha Con sao?" Nhưng ông bà không hiểu lời Người nói. Sau đó Người theo cha mẹ trở về Nagiarét, và hằng vâng phục các Ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu, ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Trình thuật Đức Kitô lên đền thờ cùng cha mẹ năm 12 tuổi chỉ được riêng Thánh Luca ghi lại. Sự kiện Đức Kitô lên Đền thờ trước tuổi qui định (13 tuổi) cho thấy ngài ý thức về sứ vụ Thiên Chúa của Ngài "Con phải ở lại nhà Cha Con"(c,46). Việc Đức Maria và Đức Kitô không buột phải đi lễ mà đi cho thấy Thánh Gia rất đạo đức và tha thiết với việc giữ luật Chúa.

III. CHUYỆN MINH HỌA

TRÔNG CẬY PHÓ THÁC CHO CHÚA

Dale Carnegie đã thuật lại hoàn cảnh gia đình và cuộc sống tuổi thơ của ông như sau :

Má tôi dạy học trong một trường làng, còn ba tôi làm công trong một trại ruộng, mỗi thang được 12 mỹ kim Má tôi chẳng những may đồ cho cả nhà, mà còn phải nấu lấy xà bông cho chúng tôi giặt đồ nữa.

Tôi đi bộ non hai cây số để đến trường học, chỉ có mỗi một lớp. Mùa lạnh tuyết đông đầy mặt đất và hàn thử biểu nhiều khi chỉ âm 28 độ. Thế mà cho tới lúc 14 tuổi, không bao giờ tôi được một đôi giày cao su, trong mấy tháng đông dài, chân tôi luôn luôn giá lạnh và không bao giờ tôi tưởng tượng ở đời có người dược hai chân ấm ráo trong mùa đông.

Song thân tôi làm việc như mọi người, mỗi ngày 16 giờ, vậy mà chúng tôi luôn bị nợ nần quấy rầy và vận xui đeo đuổi. Hối nhỏ tôi từng chứng kiến bão lụt : nước sông tràn ngập ruộng nương, tàn phá mọi vật. Cứ bảy năm thì lụt tới sáu, mùa màng tiêu tan. Không năm nào heo không chết dịch và bây giờ, nhắm mắt lại, tôi vẫn còn ngửi thấy mùi khét của xác heo đem thiêu.

Sau 10 năm vất vả làm lụng, ăn uống kham khổ, làm gì cũng lỗ, chúng tôi không có một xu dính túi mà còn mang nợ. không trả nổi tiền lời, nên ngân hàng làm nhục, chửi rủa và đe dọa đuổi ba tôi đi, lúc đó người 47 tuổi. Trên 30 năm đầu tắt mặt tối, chỉ chuốc them nợ nần, nhục nhã, chịu không nỗi, ba tôi âu sầu, sức lực tiêu mòn, dù làm lụng suốt ngày ở ngoài đồng mà vẫn không thấy đói. càng ngày càng bệ rạc đi, bác sĩ nói với má tôi rằng ba tôi không thể qua được sáu tháng nữa.

Chính vì lo lắng quá độ nên ba tôi có muốn sống thêm ngày nào nữa đâu, tôi thường nghe má tôi kể, hễ ba tôi di cho ngựa ăn hoẵc vắt sữa bò, hơi lâu không thấy về thì má tôi vội vã đi tìm, sợ sẽ nhìn thấy xác chồng lủng lẳng ở đầu một dây thừng.

Một hôm khi ở Maryville về, hay tin ngân hàng đe dọa phát mãi nhà, ba tôi gò cương dừng lại giữa cầu, rồi xuống đứng nhìn dòng nước mộy hồi lâu. phân vân không biết có nên nhảy xuống dưới hay không?

Về sau ba tôi kể lại rằng, hôm đó người không tự vẫn là nhờ má tôi quyết tin : Nếu ta yêu mến, phó thác nơi Chúa, tuân lời Chúa, thì mọi sự sẽ được an lành. Vì vậy ba tôi còn sống thêm được 42 năm nữa, thọ được 89 tuổi.

Trong những năm phấn đấu đầy đau thương đó, tôi không bao giờ thấy má tôi ưu tư, có những nỗi gì lo lắng không thể giải quyết được, thì người cầu xin Chúa. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, người đọc một đoạn Thánh kinh, ba má tôi thường đọc nhữnh câu sau đây của Chúa Giêsu :

"Lòng chúng con đừng xao xuyến, Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy......" (Jn. 14,1)

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Gia đình của Đức Giêsu, một gia đình có hướng đi chung.

Khi nói về gia đình Giêsu, Maria, Giuse, không ai phủ nhận đây là một gia đình sốngthánh thiện. Sự thánh thiện ấy hệ tại ở chỗ mọi thành phần trong gia đình đều có một hướng đi chung. Tuy nhiên sự thánh thiện ấy không phải đương nhiên mà có. Sự thánh thiện ấy không phải là con đường dễ dãi. Sự thánh thiện ấy không chuẩn miễn khỏi những đau khổ và thử thách. Gia đình này phải đương đầu với muôn vàn khó khăn.

Thứ nhất, có sự mâu thuẫn giữa vợ chồng. Cô Maria đã mang thai khi kết hôn với Giuse. Chúng ta nghĩ sao về cô Maria này. Còn chàng Giuse đã có cái nhìn như thế nào về vị hôn thê của mình. Thứ hai, gia đình này là một gia đình nghèo, khi hai người kết hôn với nhau,cả hai tưởng rằng mình là sẽ có một gia đình hạnh phúc ít nhất là về mặt vật chất. Ngờ đâu họ phải thang thang suốt từ làng quê nghèo cho đến hang Bêlem, cuối cùng phải sinh con trong một hang đá. Họ quá nghèo. Nghèo hơn hết mọi gia đình. Ngoài cái nghèo ra họ còn chịu áp lực của xã hội. Vừa mới sinh con ra mà đã phải tất tưởi ôm con chạy trốn,vươt biên sang tận Aicập và ở đó không biết bao lâu rồi mới trở về quê cũ làm ăn. Thứ ba, có một sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Thánh Luca ghi nhận : Mẹ Maria và thánh Giuse vất vả đi tìm Đức Giêsu. Khi đã tìm thấy con mình trong đền thờ, hai người trách mắng con một cách nhẹ nhàng. " Này con, sao con lại làm thế?, Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con!" (Lc 2,48). Đức Giêsu trả lời: "Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao?"( Lc 4,49). Chúng ta phải đặt câu chuyện trong bốii cảng của nó thì sẽ thấy sự mâu thuẫn quyết liệt này. Bằng chứng là thánh Luca ghi nhận thêm: Hai ông bà khi nghe Chúa Giêsu nói thế thì không hiểu gì hết(x.Lc 4,50). Chúng ta không nên nghĩ rằng Mẹ Maria và thánh Giuse thấy rõ chương trình của thiên Chúa. Không! Chính lúc này, các ngài cũng sống trong đêm tối của niềm tin như chúng ta thôi. Và như thế, gia đình thánh thiện này cũng phải đương đầu với vô vàn khó khăn thử thách trong cuộc sống. Nhưng nhờ có một hướng đi chung ,họ đã vượt qua. Chính điều này làm cho họ nên thánh thiện.

Maria đã đính hôn với Giuse. Vậy mà qua sứ thần Gapriel, Thiên Chúa đề nghị cô mang thai. Maria thừa biết rằng nếu cô chấp nhận lời đề nghị của Thiên Chúa thì mối quan hệ giữa mình với người mình yêu có thể bị rạn nứt. Đức Maria thừa biết rằng nếu mình chấp nhận lời đề nghị của Thiên Chúa, mình có thể bị xã hội lên án, thậm chí bị giết chết vì phạm tội ngoại tình. Thế nhưng Đức Maria đã xin vâng. Và như thế Đức Maria dã chọn thánh ý của Thiên Chúa, chươngtrình cứu độ của Thiên Chúa làm giá trị cao nhất cho đời mình.

Giuse, mặc dù biết Maria đã mang thai khi chưa một ngày chung sống với mình,nhưng không muốn tố cáo co, mà âm thầm muốn chấm dứt cuộc hôn nhân. Tuy nhiên, sau khi cầu nguyện và suy nghĩ thật kỹ, Giuse không thấy có một lý do gì để có thể hồ nghi người bạn đời của mình. Thánh giuse tin có bàn tay Thiên Chúa can thiệp. Cuối cùng, Thánh Giuse đã chấp nhận Đức Maria làm bạn đời của mình.

Nơi Đức Giêsu, khi trả lời với cha mẹ mình: "Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao?"( Lc 4,49). Câu trả lời này cho chúng ta thấy tất cả những thành viên trong gia đình thánh thiện ấy đều lấy thánh ý của Thiên Chúa làm giá trị tuyệt đối. Họ có một hướng đi chung, họ có một điểm chung là thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa trong đời mình. Chính cái chung này làm cho họ vượt lên trên những khác biệt, vượt lên trên những mâu thuẫn và hoá giải những khó khăn trong đời sống gia đình.

2. Hướng sống của một gia đình thánh.

Sau khi lập gia đình với bà Matta Thể,để bớt gánh nặng cho cha mẹ hai bên, vợ chồng ông Giuse Lựu, trùm họ Mặc Bắc này lo tận tuỵ làm ăn sinh sống. Đặc biệt hai người chuyên tâm sống đạo, siêng năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận phép giải tội. Chẳng những hai ông bà hết lòng kính mến Chúa, mà còn thực hành đức yêu người cách tuyệt vời. Ông luôn khuyên bảo nhắc nhở mọi người sống đạo sốt sắng. Ai nghèo khổ, ông bà sẳn sàng giúp đỡ. Gặp những người làm việc cực nhọc vất vả, hai người tận tình chia sẻ. Nhiều lần người ta thấy ông trùm cùng đắp bờ, nhổ mạ, dặm lúa với những những người chung quanh.

Mặc dù chịu nhiều cực hình trong chốn lao tù, ông trùm vẫn giữ vững niềm tin. Câu nói sau cùng của trước khi chết đáng cho chúng ta suy gẫm: " Lạy Chúa, con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con. Con bằng lòng hiến dâng lên Chúa hy sinh lớn lao hơn hết là mạng sống con và gia đình vợ con của con."

Thiết nghĩ đôi nét về đời sống của gia đình ông bà trùm họ Mặc bắc này cũng đủ chứng minh là họ đã biết nhận ra giá trị của Tin Mừng và chọn làm hướng đi của cuộc đời mình. Họ đã sống và chết cho và vì hướng đi ấy.

3. Hướng đi chung là hướng đi của gia đình thánh thiện

Những khó khăn của gia đình Đức Giêsu cũng chính là những thách đố cho gia đình Kitô hữu chúng ta hôm nay. Áp lực xã hội vẫn luôn đè nặng trên từng gia đình. Trong mỗi gia đình vẫn còn đó những mâu thuẫn , những khác biệt về mặt tâm lý, suy nghĩ, cách nhìn. Hơn thế nữa,sự khác biệt về tuổi tác,thời đại, lối sống tạo nên những mâu thuẫn quyết liệt giữa cha mẹ và con cái. Những khó khăn này cũng chính là rào cản cho tiến trình nên thánh của mỗi gia đình kitô hữu chúng ta.

Kinh nghiệm của gia đình Nagiaret và gương sống của hai gia đình thánh Philipphê Minh và thánh Giuse Lựu là bài học nên thánh cho mỗi gia đình chúng ta. Bài học ấy là trong gia đình cần có một hướng đi chung. Hướng đi ấy là lấy giá trị Tin Mừng làm căn bản cho đời sống gia đình của tôi và giúp nhau thực hiện hướng đi chung ấy. Gia đình thánh thiện là gia đình có một hướng đi chung. Thật vậy, Sant Exupéry đã nói: "Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là nhìn về một hướng."

Xin các thánh tử đạo giúp con nhận ra giá trị của Tin Mừng và chọn giá trị này làm hướng đi chung cho mỗi gia đình và cho mọi gia đình chúng con. Amen.

V. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GIA ĐÌNH SỐNG YÊU THƯƠNG

Cuộc sống hôn nhân gia đình đích thực chỉ có thể xây dựng trên tình yêu mà thôi. Mà nói đến tình yêu thì phải nói đến tôn trọng, bình đẳng. Nếu hỏi : tại sao tôi cưới vợ ?, thì câu trả lời đúng đắn phải là : vì tôi yêu thương, và tôi muốn sống hoàn toàn và trọn vẹn cho vợ tôi.

Yêu thương thiết yếu có nghĩa là muốn điều thiện hảo cho người mình yêu thương. Yêu thương là sống cho và hy sinh tất cả vì người mình yêu thương. Đó phải là tâm niện của các đức ông chồng. Một tâm niệm như thế sẽ khiến cho người chồng gạt bỏ được cái tư tưởng muốn chiếm đọat và làm chủ vợ mình. Một tâm niệm như thế sẽ giúp họ chấp nhận những khác biệt hay cả những khuyết điểm của người vợ.

Mỗi con người là một huyền nhiệm. Điều đó vẫn tiếp tục có giá trị trong đời sống vợ chồng. Mãi mãi người vợ là một kho tàng vô tận để cho người chồng khám phá. Tâm hồn người phụ nữ phong phú đến nỗi cả một đời cũng sẽ quá ngắn ngủi để cho người chồng có thể hiểu được trọn vẹn vợ mình. Nơi người vợ, những cái bất toàn và những cái đẹp quyện vào nhau, khắn khít đến độ người chồng phải đón nhận tất cả như một toàn thể.

Một tác giả đã nói:"Người đàn bà dịu dàng và quí phái đến đâu cũng có chút diêm sinh và hỏa ngục. Và không có một người đàn bà nào xấu xa đến độ không còn một góc của thiên đàng trong tâm hồn họ".

Đón nhận người vợ với tất cả những khuyết điểm và đức tính của họ, phải là thái độ cơ bản của một người chồng trưởng thành. Lắm khi trong đời sống vợ chồng, người chồng chỉ lưu ý đến những khuyết điểm mà quên đi những đức tính tốt của vợ mình.

Tình yêu đích thực là một tình yêu tỉnh thức và quảng đại. Tỉnh thức để nhìn ra những đức tính tốt tiềm ẩn nơi người vợ. Quảng đại để có thể cảm thông và tha thứ cho những khuyết điểm của vợ. Đôi khi những khuyết điểm ấy cũng có thể là những đức tính tốt được thể hiện một cách lệch lạc. Chẳng hạn như tính hay ghen nơi người đàn bà.

Người ta vẫn nói: một chút ghen tương là gia vị làm cho tình yêu thêm đậm đà. Nhưng gia vị nào dùng quá liều lượng cũng sẽ biến thức ăn ra mặn chát, chua cay. Một chút ghen tương của người vợ là biểu hiệu của tình yêu và sự âu yếm mà người vợ dành cho chồng. Nhưng khi ghen tương đã trở thành bệnh họan thì tình yêu sẽ chỉ còn là mật đắng.

Dẫu sao người chồng cũng nên hiểu rằng, tự nó, ghen tương là mặt trái của tình yêu không được hướng dẫn. Nếu hiểu được như thế, người chồng sẽ dễ dàng cảm thông với vợ. Đối với những khuyết điểm khác của vợ cũng thế. Nếu người chồng biết nhận ra đó là những tín hiệu của những đức tính tốt, ông sẽ dễ dàng chấp nhận con người của vợ mình hơn.

Vậy, khi bước vào đời sống hôn nhân, những người chồng không nên nghĩ rằng, họ sẽ làm chủ hay làm thầy dạy của vợ mình. Tình yêu của họ phải được xây dựng trên sự tôn trọng và bình đẳng. Phải luôn ý thức rằng, chức năng của người chồng không phải là uốn nắn, cải tạo người vợ theo như ý muốn của mình. Người vợ sẽ không bao giờ trở thành mẫu người như người chồng mong muốn.

Với những đức tính cũng như khuyết điểm, người vợ là một thực thể độc nhất vô nhị, không giống ai. Người vợ là đối tượng của tìm hiểu, của cảm thông, của tha thứ. Chỉ trong cái nhìn và cách cư xử như thế, người vợ mới là người bạn đường cùng đồng hành trong yêu thương, chứ không là một dụng cụ trong tay người chồng.

Gia đình sống ơn gọi là sống yêu thương một cách đơn thành như thế. Đó cũng là con đường nên thánh mà Thiên Chúa trao cho những ai sống trong bậc vợ chồng.

986    19-04-2012 16:29:57