Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Ý Truyền Giáo_Tháng 03_2009


Ý TRUYỀN GIÁO
Tháng 03/2009

Ý truyền giáo: Cầu cho cộng đoàn dân Chúa tại Trung Quốc

Xin cho các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân tại Trung Quốc, nhờ bức thư của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi cho Giáo hội tại Trung Quốc soi sáng, biết nỗ lực nên dấu chỉ và bằng chứng của hợp nhất, hiệp thông và hoà bình.

SỐNG HIỆP NHẤT TRONG CHÚA KITÔ.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái... (Ga 15,5) là câu nói của Chúa Giêsu ngỏ lời riêng với các môn đệ của mình và mong muốn những người này hãy gắn bó bền chặt với Người một cách hữu cơ như cành nho liên kết chặt chẽ với cây nho. Mối liên kết này không phải là một liên kết bình thường nhưng là một sự liên kết sống còn, có liên kết thì được sống bằng không thì phải héo khô. Sự hiệp nhất với Chúa Kitô là nền tảng cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu vì tất cả chúng ta đều liên đới với nhau và được củng cố trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Trong cộng đoàn giáo hội tiên khởi, sự hiệp nhất giữa mọi người trong Chúa Kitô được thể hiện ra bằng một đời sống "vô sản": họ xem tất cả là của chung, họ bán đất đai đem đến đặt dưới chân các tông đồ... Chính niềm tin vào Chúa Kitô đưa đến những hiệu quả rõ ràng trong chính đời sống của các tín hữu.

Hiệp nhất với Chúa Kitô là nguồn cội cho người tín hữu được liên kết và hiệp nhất với nhau. Nhưng làm sao có thể hiệp nhất được với Chúa Kitô nếu không liên kết và lãnh nhận ân sủng Người ban tặng qua các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 20). Chúng ta cũng có thể đọc lại trong sách Tông Đồ Công Vụ: các tín hữu thời ấy trung thành tham dự lễ bẻ bánh và không ngừng cầu nguyện... như thế, đời sống của các Kitô hữu thời ấy có lớn mạnh, có yêu thương nhau, có hiệp nhất cùng nhau là nhờ họ hiệp nhất với Chúa Kitô qua nghi thức "Bẻ bánh", qua Bí tích Thánh Thể. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói: "Thánh Thể là lời mời gọi từng người chúng ta hãy luôn nỗ lực để sống như những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, thành thực trong ngôn từ, quảng đại trong hành động, quan tâm, tôn trọng phẩm giá và quyền lợi mọi người". Nhờ liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, Người sẽ dạy cho chúng ta biết sống liên kết với anh chị em mình bằng một tình yêu thương đích thực.

Đức Thánh Cha Phalô VI nói: "Tự nhận mình là người công giáo vẫn chưa đủ, cần phải có tinh thần hiệp nhất thật sự". Thiên Chúa không cần những con số công giáo nhưng Người mong muốn có những con người công giáo tức là những con người sống tình yêu mến Thiên Chúa đích thực bằng việc thể hiện tình yêu thương với anh chị em mình. "Cứ dấu này mà mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau" (Ga 13, 35). Lòng yêu thương ấy được thể hiện bằng hai chiều kích đó là không chỉ trích, loại trừ và yêu thương cầu nguyện cho anh chị em và cho mọi người.

Sự liên kết yêu thương trong nội bộ Giáo hội cũng là một phương thế hiệu quả cho việc truyền giáo. Người ta không thể nào tin theo một tôn giáo cho dù giáo lý, giáo điều rất tốt nhưng trong nội bộ đầy những toan tính, chia rẻ. Sự hiệp nhất trong nội bộ giáo hội là một phương thế tuyệt hảo để đưa anh chị em lương dân về với đức tin. Những lời cầu nguyện, những việc hy sinh cho Giáo hội mời gọi chúng ta phải cụ thể hoá bằng những việc làm cụ thể, bằng một đời sống hoà giải yêu thương.

Mỗi người Kitô hữu được mời gọi liên kết, hiệp nhất với Chúa Kitô bằng một mối liên hệ "sống còn", mối liên hệ ấy được cụ thể hoá bằng việc kết hợp với Chúa Kitô Thánh Thể trong đời sống hằng ngày. Tình yêu của Chúa Kitô là động lực chính yếu cho người Kitô hữu sống tình yêu với anh chị em mình, không phải chỉ là những anh chị em đồng đạo mà là với tất cả mọi người. Tình yêu ấy còn mời gọi chúng ta trở nên những dấu chỉ cho sự hiệp nhất trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.


2307    16-03-2011 06:11:38