Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Bà Marie-Jo Thiel: “Tôi yêu thương Giáo hội của tôi, nhưng Giáo hội điều hành không đúng”

 

Ngày thứ tư 16 tháng 10, nữ thần học gia Strasbourg, Marie-Jo Thiel nói chuyện với Hiệp hội các Ký giả công giáo Thụy Sĩ (ASJC). Bà tái khẳng định mối quan tâm của mình về việc lắng nghe các nạn nhân bị lạm dụng, và về phòng ngừa cũng như hội nhập phụ nữ nhiều hơn trong guồng máy quản trị Giáo hội công giáo.

Quyển sách của bà, Giáo hội công giáo đứng trước các vụ lạm dụng tình dụng trên trẻ em (L’Église catholique face aux abus sexuels sur mineurs, nxb. Bayard) đã phát hành được sáu tháng nay. Và bà cho biết, bây giờ bà sẽ phải thêm vào các cuộc điều tra gần đây. Bác sĩ và giáo sư luân lý ở Phân khoa Thần học Đại học Strasbourg, bà Marie-Jo Thiel đã giúp để hiểu thêm về các vụ tai tiếng làm rung chuyển cơ chế Giáo hội. Bà cũng tìm cách phân tích vì sao một số thành viên của Giáo hội lại bị trượt dốc một cách có hệ thống như vậy. Đây không phải chỉ duy vài “con cừu đen” làm lỗi nhưng cả một thể chế cho phép, thậm chí còn bao che và giữ bí mật từ rất lâu.

Hiệp hội các Ký giả công giáo Thụy Sĩ mời bà đến nói chuyện ở trụ sở tạp chí Echo ở Genève, bà Marie-Jo Thiel nói trước một số ký giả về vấn đề lạm dụng nghiêm trọng: “Tôi không đưa tay chặn miệng, nhưng tôi yêu thương Giáo hội của tôi và vì Giáo hội không điều hành đúng, tôi phải lên tiếng.” Bà Marie-Jo Thiel dấn thân trong công việc ngăn chặn lạm dụng, bà có nhiều buổi nói chuyện trong các giáo xứ, trên đài phát thanh RCF và tiếp xúc với các giám mục Pháp. Bà cũng là thành viên của Giáo hoàng Học viện về đời sống tại Vatican, bà phụ trách các liên hệ tại Rôma. Điều này giúp bà có một cái nhìn sáng suốt về thực tế của nạn nhân cũng như của người lạm dụng. 

Thà muộn còn hơn

Năm ngoái ở giáo phận Strasbourg, Đức Giám mục Luc Ravel đã viết Bức thư Mục vụ, Thà muộn còn hơn để đưa ra các tình huống bị im lặng quá lâu và để nâng cao nhận thức về tình trạng mục vụ. Bà cho biết: “Các cuộc thảo luận thực sự đã diễn ra ở địa phương, cho thấy mọi người đã ý thức về các vụ lạm dụng này. Và các kế hoạch đã được dự trù.” Tiến trình tham khảo này đã giúp cho Giám mục Ravel gặp khoảng ba mươi nạn nhân và các giáo xứ liên hệ trong các trường hợp lạm dụng này.

Bà giải thích: “Chúng tôi lấy kinh nghiệm ở Thụy Sĩ, nhất là các công việc được thực hiện ở giáo phận Lausanne, Genève và Fribourg. Nhưng phải đi xa hơn, tiến đến việc phòng ngừa.” Chẳng hạn, một linh mục không được ở một mình với một em bé, tòa giải tội phải được nhìn thấy từ bên ngoài cửa kính hay ở ngoài trời như trong các Ngày Thế Giới Trẻ.

2000 trường hợp “không bị tố cáo”

Và phòng ngừa, làm sao để đi tới? Bà Thiel ghi nhận: “Tất cả tùy thuộc từng nước. Các nước Bỉ, Hà Lan và Ai-len là những nước có ý thức cao. Nhưng đưa ra đường hướng chỉ dẫn là chưa đủ. Báo chí độc lập cho biết, ở Mỹ, 2000 tu sĩ lạm dụng đi đâu không ai biết hoặc không ai tố cáo họ!”

Hơn nữa, bà cho biết có một sự thiếu trầm trọng các người đồng hành thiêng liêng, nhất là với các nạn nhân. Lại thêm, một khi đã thụ án xong, các linh mục lạm dụng thường ở một mình. Đáng lý họ phải được giúp đỡ, không hủy hoại họ, nhưng giúp đỡ họ qua các nhóm hỗ trợ. Vì các tình huống cá nhân rất đa dạng, có những người đồi trụy, có những người bị suy thần kinh.

Bà Marie-Jo Thiel cho biết, các nhóm hỗ trợ này gồm các giáo dân có trách nhiệm, cùng với các chuyên gia tháp tùng các người lạm dụng đã bắt đầu mang thành quả. 

Từ dưới lên trên

Suy tư của bà thường được trình bày ở Rôma, bà cũng bàn đến vấn đề quản trị trong Giáo hội công giáo. Bà cho biết: “Đức Phanxicô hiểu rõ, muốn cải cách Giáo hội phải đi từ dưới lên trên mới có thể làm cho trên thay đổi.” Một chuyển động từ dưới lên trên chứ không ngược lại. Các Hội đồng Giám mục phải quản lý các tình huống ở địa phương như sự tiếp nhận trong tinh thần tạ ơn ở Giáo hội Đức chẳng hạn.

Vì cơn khủng hoảng của Giáo hội hiện nay là cơn khủng hoảng của một hệ thống quản trị. Liên quan đến nạn ấu dâm, bà Thiel cho rằng, không phải là “buộc tội duy nhất cho phong trào Tháng 5-68 là phong trào tạo ra lệch lạc như Đức Bênêđictô XVI và một số người khác đã làm. Đây chỉ là một yếu tố trong số các yếu tố khác. Trong cơn khủng hoảng thuộc bản chất hệ thống thì không phải chỉ có vậy. Vì đàng sau lạm dụng tình dục thường là lạm dụng quyền lực và lạm dụng tài chánh.

Một Giáo triều không có các hồng y

Bà cũng nêu lên vấn đề hội nhập phụ nữ lớn hơn vào các hoạt động của Giáo hội. Đưa phụ nữ vào các chủng viện và mở các nơi này ra thành nơi đào tạo theo chiều kích tâm lý-thiêng liêng. “Và tại sao không tách rời chức năng của Giáo triều, trước hết là chức năng quản lý ra khỏi các bộ được phong chức? Chúng ta không cần các hồng y hay giám mục để đứng đầu các ban bộ ở Rôma.”

Bà nhắc lại nghiên cứu của mình về lạm dụng tình dục. Chừng nào chúng ta chưa nghe các chứng từ, thì các tình huống này có vẻ như còn rất xa. Và chúng ta phải phân biệt bản chất của lạm dụng: “Khi các lạm dụng này lặp đi lặp lại, chúng có thể gây ra căng thẳng chấn thương cấp tính, các vùng não bị hư hoại, như một loại ‘cháy cầu chì’ trong đầu. Và đó là quả bom nổ chậm của cả một đời…”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

679    21-10-2019