Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng mang tương lai đến cho trẻ em vùng núi

 

Một ký túc xá ở miền cao nguyên Kon Tum đón các em bé gái của các sắc dân thiểu số, những em bé bị sự phát triển kinh tế bỏ quên.

Đó là 120 em bé gái tuổi từ 5 đến 16 ở ký túc xá này, các em hát và nhảy vài điệu nhảy để đón khách. Các nữ tu giải thích cho chúng tôi: “Đó là các bài các em đã tập để trình diễn vào cuối năm học, nên có dịp là các em biểu diễn lại”. Ký túc xá của các nữ tu làm bằng tôn và gạch, nằm khuất sau nhà Thừa Sai, một cựu chủng viện cũ có mặt tiền làm bằng gỗ quý, với đường viền là các vật tổ (tôtem) khắc tên các thánh, nơi được chọn để các cặp chụp hình đám cưới.

Từ 45 năm nay, các xơ Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, xơ Innocentia và xơ Anselme-Marie, còn xơ Anna thì từ 20 năm nay, giúp các em thiểu số ở vùng cao nguyên miền Trung nơi giáp giới Lào-Miên. Các em thuộc các cộng đồng thờ vật linh ở Bà-na, Gia-rai và Xê đăng mà người Việt chung là “người thượng”.

 

Xơ Innocentia 86 tuổi, nói tiếng Pháp thanh lịch mà xơ học từ thời Đông Dương, xơ cho biết: “Đây là ký túc xá cho các em bé gái mà cha mẹ không lo nổi vì không có tiền, vì có rất ít trường học ở trong rừng. Chúng tôi ưu tiên cho các em con nhà nghèo nhất, đặc biệt những em cho biết trong nhà có nhiều em khuyết tật. Một vài em đến ký túc xá trong tình trạng hoàn toàn suy dinh dưỡng”.

Một đời sống hàng ngày gay go

Gia đình các em chỉ biết sống còn nhờ trồng khoai mì, với lợi tức chỉ khoảng mười mấy âu kim mỗi tháng, đất đai màu mỡ của họ bị trưng thu để trồng các loại cây có thu nhập cao như cà phê hay cao su. Một số làng chưa có điện và đường rải nhựa, điện ưu tiên dành cho các nơi phục vụ tua du lịch. Với một ít đồng, người nông dân mặc y phục chiến binh để chụp hình với khách du lịch, các cô thì đứng trước nhà sàn truyền thống, với mái nhà cao ngất ngưỡng 16 mét để chụp hình selfie với khách du lịch. Một nhân viên văn phòng du lịch cho biết: “Khi có khách đến thăm, họ ra tiếp, khi du khách đi, họ về làm ruộng lại. Du khách may mắn được biết văn hóa truyền thống ở đây, từ nhiều thế kỷ nay văn hóa này không thay đổi”.

Nhân viên cứu trợ nước ngoài khó tiếp xúc được với các gia đình này, đời sống của họ quá khó khăn, tương phản dữ dội với lời tuyên truyền chính thức người dân Việt Nam đã có một đời sống kinh tế phát triển. Mùa hè vừa qua, nhà cầm quyền buộc các bác sĩ nhãn khoa và tai mũi họng Mỹ phải ở gần sân bay Pleiku, nên người dân miền núi phải đi nhiều giờ xe để được khám miễn phí. Ở Kon Tum, cách Pleiku 50 cây số, các nữ tu cung cấp chỗ ở, ăn uống và giáo dục cho các em bé này. Ngoài giờ học ở trường công, các xơ dạy các em học hát, học đàn dương cầm, học anh văn và học vi tính. 

Một cộng đoàn nhỏ ở thành phố Vosges mỗi ba tháng gởi 10.000 âu kim cho ký túc xá Trẻ em Kon Tum, tương đương 1 âu kim cho mỗi em một ngày.

Sinh hoạt ở đây, các em dậy sớm, các em lớn làm vệ sinh cho các em nhỏ hơn, làm việc nhà, coi sóc vườn rau. Các cựu học sinh của ký túc xá, các tập sinh đến phụ một tay. Một bà nấu bếp được trả lương. Nữ tu Anselme-Marie, 82 tuổi cười nói: “Chính quyền trợ cấp rất nhiều… nhưng bằng lời”. Một cộng đoàn nhỏ ở thành phố Vosges mỗi ba tháng gởi 10.000 âu kim cho ký túc xá Trẻ em Kon Tum, tương đương 1 âu kim cho mỗi em một ngày. Họ trung thành và giúp đỡ tích cực từ năm 2002 đến nay. Đủ để bảo trì cơ sở, mua gạo và thuốc cho cả năm.

Trong nhà ngủ và sân, không có sách truyện, không có búp bê, không có tranh vẽ trên các bức tường đã mục nát. Bà Carole Trarbach, giám đốc cơ quan ở Vosges viết cho chúng tôi: “Các nữ tu cố gắng không tỏ ra quá tình cảm với các em, vì các em có cuộc sống rất thô sơ, khó khăn ở nhà: các em thường ở trong các gia đình đông, không có đồ chơi và bị đối xử như đã là người lớn để giúp cha mẹ làm việc nhà. Mới đầu người Âu châu chúng tôi không hiểu tương quan này. Tôi nghĩ các nữ tu không muốn cho các em nếm mùi “sang trọng” hoặc có được tình thương mà các em không có ở nhà. Tất cả những điều này, tôi đã nhìn thấy khi ở gần gia đình các em, những cuộc sống bấp bênh còn hơn cả… bấp bênh”.

Trong số các em nội trú có em Dym 15 tuổi là nổi bật, em có nước da ngâm và tóc búi cao. Mỗi chúa nhật, sau thánh lễ em hát karaoké qua YouTube. Bài tủ mới nhất của em là bài Không có gì thay đổi tình yêu của em cho anh (Nothing’s Gonna Change My Love For You). Dym có 3 người chị lớn và một em trai 13 tuổi. Cách đây 6 năm, khi đi câu, ba của em bị chết đuối ở sông Đăk Bla. Khi đó mẹ của em gởi em vào nhà các xơ. Với thời gian, các lần gia đình đi thăm em trở nên hiếm hoi. Xơ Anselme-Marie cho biết: “Em ở Kon Ray, một làng cách đây 45 cây số. Xe máy của em không còn thắng nên cứ bị té hoài”. Dym có hai người chị làm việc đồng áng. Một người chị khác làm ở phòng đấm bóp ban đêm ở thành phố.

Dym giải thích: “Chị con trấn an con là mọi chuyện đều tốt. Con không biết chị làm việc ở đâu. Thỉnh thoảng chị con gởi tiền về cho mẹ con. Con thích làm việc như chị”.

Xơ thường hay nhắc cho Dym tấm gương của một cựu học sinh ở đây bây giờ làm y tá ở một nhà hộ sinh ở thành phố Hồ Chí Minh. Xơ Anselme-Marie nói: “Dym là cô gái thông minh và chăm chỉ, xứng đáng được nuôi dạy ở đây. Ở thành phố này, các cô hành nghề đấm bóp không có cuộc sống như người ta tưởng tượng”.

Kẹo bánh… cho cha mẹ

Chiều chúa nhật là chiều dành cho gia đình đến thăm khi cha mẹ có thể đi được và khi thời tiết cho phép.

Sau nụ cười gượng gạo vì có sự hiện diện của các nữ tu và sau vòng ôm qua loa, các cha mẹ cất công đi xa thăm con được tặng mấy gói mì ăn liền và vài cái kẹo. Họ không có gì để lại cho con mình. Xơ Innocentia buồn buồn: “Con họ chỉ có một, hai chiếc áo để thay đổi”.

Nếu người cha không đem con về để phụ trồng khoai mì thì đa số các em miền núi này tiếp tục học cho đến khi tìm được nghề ở Kon Tum. Các em sẽ làm nhà thờ chính tòa bằng gỗ, đã xây xong từ một thế kỷ nay nhờ một linh mục truyền giáo Pháp, nơi này là nơi gặp gỡ ưa thích của các em.

Màu sắc sặc sỡ được yêu thích

Quý vị có thể gởi quà về cho các em ở ký túc xá Kon Tum. Các xơ cho biết, các em lớn nhất sẽ thích chuyện Harry Potter và em nào cũng thích áo t-shirt sặc sỡ hay tập tô màu.

Địa chỉ của ký túc xá: Các xơ Innocentia và Anselme-Marie, 146 Trần Hưng Đạo, Kon Tum, Việt Nam

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

1763    20-11-2018