Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Đại cương Tông huấn Christus Vivit (ĐKT đang sống) - 2

Chắc chắn, họ cần được giúp đỡ và hướng dẫn, nhưng đồng thời cũng phải được tự do khai triển những phương thế mới, với sự sáng tạo và một chút liều lĩnh”. Chúng ta cần giúp người trẻ “dùng sự sáng suốt, khéo léo và hiểu biết của mình để xử lý những vấn đề và quan ngại của những bạn trẻ khác bằng ngôn ngữ riêng của họ” (203).

Mục vụ giới trẻ cần phải linh động và điều cần thiết là mời “các bạn trẻ tham dự những sự kiện hay các dịp giúp cho họ có cơ hội không chỉ học tập mà còn để đối thoại, cử hành, ca hát, lắng nghe những câu chuyện có thực và trải nghiệm cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống” (204) Mục vụ giới trẻ phải có tính hiệp đoàn (synodal), nghĩa là, có khả năng sắp xếp một “hành trình chung” và điều này bao gồm hai lộ trình thênh thang để thực hiện: thứ nhất là vươn ra, thứ hai là tăng trưởng. Đối với con đường thứ nhất, Đức Thánh Cha tin tưởng rằng chính người trẻ có khả năng “tìm ra những phương pháp hấp dẫn để đến với nhau”. “Họ chỉ cần được khuyến lệ và tự do hang say”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là “mỗi người trẻ có thể đủ táo bạo để gieo hạt giống sứ điệp trên mảnh đất màu mỡ nơi con tim của một người trẻ khác” (210). Ưu tiên phải được dành cho “ngôn ngữ của sự gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu quảng đại, tương quan và tôn trọng nhân vị có khả năng đánh động con tim”. Người trẻ cần được tiếp cận với “ngữ pháp của tình yêu, chứ không phải là bằng thái độ nghe giảng” (211).

Còn về con đường tăng trưởng, Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại việc đề xuất cho người trẻ đang cách cảm nghiệm Thiên Chúa qua “những buổi họp ‘đào tạo’ chỉ bàn đến những vấn nạn tín lý và luân lý … Hậu quả là nhiều bạn trẻ cảm thấy nhàm chán và đánh mất đi hứng khởi gặp gỡ Đức Kitô và niềm vui bước theo Ngài” (212).

Bất kỳ một chương trình giáo dục hay lộ trình tăng trưởng cho người trẻ nào cũng “chắc chắn phải bao gồm việc đào tạo trong tín lý và luân lý Kitô giáo, đặt trọng tâm trên giáo lý căn bản, “là kinh nghiệm nền tảng của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu”, và trên “sự tang trưởng trong tình yêu huynh đệ, nếp sống cộng đồng và phục vụ” (213). Do đó, “mục vụ giới trẻ phải luôn luôn bao gồm những cơ hội canh tân và đào sâu kinh nghiệm cá nhân với tình yêu của Thiên Chúa và Đức Kitô đang sống” (214). Điều đó sẽ giúp cho người trẻ “sống như anh chị em với nhau, giúp đỡ nhau, xây dựng tinh thần cộng đồng, phục vụ nhau và gần gũi với người nghèo” (215).

 

Các cơ sở của Giáo Hội phải cung cấp “những môi trường thích hợp”, “những địa điểm mà người trẻ có thể coi như địa chỉ của riêng mình để tự do đến và đi, được chào đón và sẵn sàng gặp gỡ các bạn trẻ khác, dù trong lúc khó khăn và thất vọng hoặc để vui mừng và cử hành” (281).

Rồi Đức Thánh Cha viết “Mục vụ giới trẻ trong những cơ sở giáo dục”, xác định rằng các trường học đang “rất cần tự phê bình”. Ngài nhắc đến sự kiện rằng “một vài trường học Công giáo có vẻ như được cơ cấu chỉ để tự sinh tồn … Một trường học trở nên một ‘hầm trú’, bảo vệ học sinh khỏi những sai lầm ‘từ bên ngoài đưa đến’ thật là một biếm họa của loại khuynh hướng này”. Khi người trẻ ra trường, họ cảm thấy “không thể kết nối giữa điều học được và thế giới mình đang sống”, trong khi “một trong những niềm vui lớn nhất mà bất cứ nhà giáo dục nào cũng có thể có là thấy một học trò lớn lên thành một con người mạnh mẽ và hội nhập tốt” (221).

Chúng ta không thể tách rời việc đào tạo thiêng liêng khỏi việc đào tạo văn hóa … “Đây là thách đố lớn cho các con: đối phó với những điệp khúc khập khiễng của văn hóa tiêu thụ bằng những quyết định chin chắn và vững vàng, bằng nghiên cứu, kiến thức và chia sẻ” (223). Trong các lãnh vực của “phát triển mục vụ”, Đức Thánh Cha đã chỉ ra “tầm quan trọng của văn chương” (226), “tiềm năng của thể thao” (227), và “chăm sóc môi trường” (228). Cần có một “mục vụ giới trẻ bình dân”, “rộng rãi hơn và linh động hơn, có khả năng khuyến khích những hướng dẫn tự nhiên và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã gieo nơi những người trẻ, ở những nơi khác biệt mà người trẻ hoạt động cách cụ thể. Mục vụ đó cố gắng tránh áp đặt các chướng ngại, luật lệ và những cơ cấu có tính bắt buộc trên các tín hữu trẻ là những lãnh đạo bẩm sinh trong khu xóm và trong những môi trường khác. Chúng ta chỉ cần đồng hành và khuyến khích họ” (230).

Khi tập trung vào một “mục vụ giới trẻ thuần túy và hoàn chỉnh, có đặc trưng là những ý tưởng trừu tượng, tách rời khỏi thế giới và không có tì vết, thì chúng ta có thể biến Tin Mừng thành một đề xuất trì trệ, vô nghĩa và không hấp dẫn. Loại mục vụ giới trẻ như thế cuối cùng cũng bị đào thải hoàn toàn khỏi thế giới người trẻ và chỉ phù hợp cho một số giới trẻ ưu tuyển coi mình là khác biệt, trong khi đó vẫn sống trong tình trạng cách ly trống rỗng và không hiệu quả” (232).

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta trở thành một “Giáo Hội với cánh cửa mở rộng. Người ta cũng không phải chấp nhận đầy đủ mọi giáo huấn của Giáo hội để được tham gia vào một số hoạt động của chúng ta dành cho giới trẻ (234). Cũng nên dành chỗ cho “những ai có tầm nhìn khác về cuộc sống, hoặc thuộc về những tôn giáo khác hoặc những người tự tách mình ra khỏi tôn giáo” (235). Biểu tượng cho cách tiếp cận này đã được trình bày qua đoạn Phúc Âm về các môn đệ ở Emmau: Chúa Giêsu hỏi họ, kiên nhẫn lắng nghe họ, giúp họ nhận ra những gì họ đang sống, giải thích dưới ánh sáng Kinh Thánh điều họ đã trải qua, đồng ý ở lại với họ và bước vào đêm tối cuộc sống của họ. Và chính họ đã lập tức chọn lựa quay ngược lại (237). “Luôn luôn là những nhà truyền giáo”. Đối với người trẻ, để trở thành một nhà truyền giáo, không cần phải “đi xa”. “Một người trẻ, khi đi hành hương xin Mẹ Maria giúp đỡ và rủ một người bạn hay một người đồng hành cùng đi thì qua cử chỉ đơn giản này đã là một nhà truyền giáo tốt rồi” (239). “Mục vụ giới trẻ luôn mang tính truyền giáo” (240). Tự do của người trẻ cần được tôn trọng, “nhưng họ cũng cần có người đồng hành”. Gia đình phải là điểm đầu của sự đồng hành (242), và sau đó là cộng đồng. “Mọi người đều phải đối xử với người trẻ bằng sự hiểu biết, nhận chân giá trị và yêu thương, cũng như luôn tránh phán đoán họ hoặc đòi hỏi phải hoàn hảo vượt quá tuổi đời của họ” (243). Hiện nay đang thiếu những người có kinh nghiệm chuyên lo việc đồng hành (244) và “một số thiếu nữ cảm thấy tình trạng thiếu hút những lãnh đạo nữ gương mẫu trong Giáo Hội” (245). Cũng những người ấy “đã vạch ra cho chúng ta” những đức tính mà họ hy vọng tìm thấy nơi một người dìu dắt: “là một Kitô hữu sùng đạo dấn thân cho Giáo Hội và xã hội; một người không ngừng cố gắng sống thánh thiện; một người bạn tâm giao nhưng không xét đoán. Tương tự như thế, đó là người luôn tích cực lắng nghe các nhu cầu của người trẻ và đáp lại cũng với thái độ tích cực; là người có tình yêu sâu sắc và hiểu biết chính mình; một người ý thức được giới hạn bản thân và kinh nghiệm được những vui buồn trong hành trình thiêng liêng. Một đức tính đặc biệt quan trọng nơi những người dìu dắt là hiểu biết căn tính nhân loại của bản thân – với sự thật là họ cũng có những sai lầm của con người: không phải là hoàn thiện nhưng là những tội nhân đã được tha thứ” (246). Họ biết cách “cùng đi bên cạnh người trẻ”, tôn trọng tự do của họ.

Chương tám: “Ơn gọi”

“Đây là việc đầu tiên chúng ta cần nhận định và khám phá: Chúa Giêsu ao ước được làm bạn với mỗi một người trẻ” (250). Ơn gọi là một lời mời gọi phục vụ truyền giáo cho những người khác, “bởi lẽ cuộc sống của chúng ta trên trái đất này đạt đến tầm vóc viên mãn khi nó là một sự dâng hiến” (254). “Để đáp lại ơn gọi của mình, chúng ta cần nuôi dưỡng và phát triển căn tính con người của chúng ta. Điều này không liên quan gì đến việc phát minh bản thân hoặc tự tạo dựng ra chính mình từ hư vô. Nó liên quan đến việc tìm ra được bản ngã của mình dưới ánh sáng của Thiên Chúa và để cho cuộc sống triển nở và mang lại hoa trái” (257). “Việc ‘luôn hiện diện với kẻ khác’ thường liên quan đến hai khía cạnh căn bản: lập nên một gia đình mới và làm việc” (258).

 

Về chủ đề “tình yêu và gia đình”, Đức Thánh Cha viết: “Các người trẻ cảm nhận một cách mạnh mẽ tiếng gọi của tình yêu; họ mơ ước gặp được đúng người mà họ có thể xây dựng thành một gia đình” (259). Bí tích Hôn nhân “gói trọn tình yêu này trong ân sủng của Thiên Chúa; ân sủng đó cắm rễ tình yêu này ngay trong chính Thiên Chúa” (260). Thiên Chúa đã dựng nên ta có giới tính. Chính Ngài đã dựng nên tính dục, là một món quà tuyệt diệu. “Đó không phải là một điều cấm kỵ”. Đó là một món quà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta. Nó có “hai mục đích: yêu và sinh sản. Đó cũng là nồng nàn tình cảm … Tình yêu chân thật thì nồng nhiệt” (262).

Đức Thánh Cha cũng nhìn nhận “hiện tượng càng ngày càng có những cuộc ly hôn, ly dị … có khả năng gây nên đau khổ lớn lao và một khủng hoảng căn tính nơi người trẻ. Đôi khi họ phải chịu gánh lấy những trách nhiệm không tương xứng với tuổi đời của mình” (262). Cho dẫu có nhiều khó khăn “nhưng mỗi một cố gắng của các con thật xứng đáng để đầu tư vào một gia đình; ở đó con sẽ tìm được những khích lệ tốt nhất để trưởng thành và những niềm vui lớn nhất để trải nghiệm và chia sẻ. Đừng để cho mình bị tước mất đi một tình yêu cao quý như thế” (263).

“Nghĩ rằng không gì có thể mang tính quyết định là một sự lừa dối … Thay vào đó, cha yêu cầu các con hãy trở nên những người cách mạng, cha xin các con hãy bơi ngược dòng” (264).

Về chủ đề làm việc, Đức Thánh Cha viết: “Cha xin các người trẻ đừng mong sống mà không làm việc, lệ thuộc vào sự giúp đỡ của kẻ khác. Điều này không tốt bởi vì việc làm là một điều cần thiết, là một phần trong định nghĩa của cuộc sống trên trái đất này, một con đường để lớn lên, là sự phát triển của nhân loại và hoàn thiện bản thân. Theo nghĩa này, đứng trước những nhu cầu cấp bách, việc giúp đỡ những người nghèo về kinh tế phải luôn luôn là một giải pháp tạm thời” (269).

Sau khi ghi nhận thực trạng của người trẻ trong môi trường việc làm đang phải trải qua những hình thức loại trừ và gạt ra bên ngoài (270), liên quan đến nạn thất nghiệp của người trẻ, Đức Thánh Cha đã xác quyết như sau: “Đây là một vấn đề rất phức tạp và tế nhị mà các thể chế chính trị phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt là lúc này, khi mà tốc độ tiến bộ kỹ thuật và mối quan tâm giảm bớt chi phí lao động có thể nhanh chóng đưa đến việc thay thế nhiều công việc bằng máy móc” (271). Cùng các người trẻ, ngài nói: “Sự thật là các con không thể sống mà không làm việc, và đôi khi các con phải chấp nhận bất cứ việc gì sẵn có, nhưng cha xin các con đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình, đừng bao giờ hoàn toàn chôn vùi một ơn gọi, và đừng bao giờ chấp nhận thất bại” (272)

 

Đức Thánh Cha kết thúc chương này khi nói về “ơn gọi đời tận hiến đặc biệt”. “Khi phân định ơn gọi của mình, đừng bỏ qua khả năng tận hiến đời mình cho Thiên Chúa … Tại sao không?  Các con có thể chắc chắn rằng, nếu nhận ra và vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa, thì các con sẽ tìm ra được sự trọn vẹn cho đời mình” (276).

Chương chín: “Biện phân”

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng: “Không có sự khôn ngoan của việc biện phân, chúng ta dễ trở thành nạn nhân của mọi xu hướng mau qua” (279). “Một hình thức đặc biệt của biện phân bao gồm cố gắng khám phá ra ơn gọi của mình. Vì đây là một quyết định rất riêng tư mà không ai khác có thể làm cho mình, nó đòi hỏi một bầu khí tương đối tĩnh mịch và thinh lặng” (238).

“ Một ơn gọi, tuy là một món quà, chắc chắn cũng đòi hỏi rất nhiều. Ơn huệ của Thiên Chúa mang tính tương tác; để hưởng được ân huệ đó, chúng ta cần sẵn sàng để chấp nhận rủi ro” (289).

Ba loại nhạy cảm cần phải có nơi những ai giúp người trẻ trong tiến trình biện phân. “Loại nhạy cảm thứ nhất hướng về cá nhân. Đó là việc lắng nghe một người chia sẻ về bản thân họ trong những lời người ấy nói” (292). “Loại thứ hai mang đặc tính phân biện. Điều này giúp nắm bắt chính xác đó là ân sủng hay là cám dỗ” (293). “Loại nhạy cảm thứ ba là khả năng thấy được động cơ nào đang đưa lối cho người kia”, phân biện “hướng đi mà người đó đang muốn đến” (294). “Khi lắng nghe kẻ khác theo kiểu này, một lúc nào đó, chính chúng ta sẽ phải lui đi nhường chỗ cho đương sự bước theo con đường đã khám phá ra. Chúng ta sẽ phải biến đi như Chúa đã rời khỏi mắt của các môn đệ Emmaus” (296). Chúng ta cần “khuyến khích và đồng hành với những tiến trình, mà không áp đặt lộ trình riêng của mình. Bởi vì những tiến trình đó liên quan đến những người có cá tính và tự do cá nhân. Không hề có những công thức dễ dàng” (297).

Tông huấn kết thúc với “một điều ước” từ Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hỡi các người trẻ yêu dấu, hy vọng tràn đầy niềm vui của cha là thấy các con kiên trì trong cuộc chạy đua phía trước, bỏ xa những kẻ chạy chậm và sợ hãi. Hãy tiếp tục chạy, “được lôi cuốn bởi khuôn mặt của Đức Kitô, Đấng mà chúng ta yêu mến, Đấng mà chúng ta tôn thờ trong Thánh Thể và nhận ra nôi thân xác đang đau khổ của anh chị em mình. Giáo Hội cần tính năng động, trực giác, đức tin của các con … Và khi chúng con đến đích trước, hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi”.

 

Ban hành tại Loreto, trong Đền Nhà Thánh,
ngày 25 tháng 3, Lễ Truyền Tin, năm 2019,
năm thứ VII triều đại giáo hoàng Phanxicô

Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Quang Vinh

292    24-08-2019