Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Khôn ngoan theo kiểu thế gian - khôn ngoan theo kiểu con Thiên Chúa

Thứ Sáu tuần XXXI TN

Lc 16, 1-8

KHÔN NGOAN THẾ GIAN – KHÔN NGOAN THEO KIỂU CON THIÊN CHÚA

          Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thuật lại dụ ngôn người quản lý khôn ngoan. Người quản lý này bị tố cáo đã phung phí tài sản của ông chủ nhà, nên anh bị ông chủ sa thải. Khi biết mình sắp bị sa thải, anh liền nghĩ ngay đến cuộc sống tương lai của mình : “'Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi?”

Người quản lý được chủ giao cho việc kinh doanh, trông coi việc làm ăn của chủ. Thế nhưng, anh đã có thái độ lạm quyền. Đây là một thái độ không phải hiếm thấy trong xã hội. Khi cho người khác vay mượn của cải của ông chủ, anh quản lý đương nhiên cũng được một phần “hoa hồng” không nhỏ. Phần hoa hồng này cộng với số tiền mượn làm cho con số trong biên lai mượn nợ bị đôn thêm lên.

Cách mà người quản lý này chọn để làm là dùng chính tài sản của ông chủ để mua lấy cảm tình của những con nợ của chủ, bằng cách “dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu”.

Người quản lý này thật khéo léo và khôn ngoan, nhưng anh khôn theo kiểu thế gian, bằng những hành động bất lương, gian dối để tìm hạnh phúc ở đời.

Như vậy, anh quản lý dựa vào vị thế của chủ để sinh lợi vào túi riêng của mình một món tiền khá hời. Chính vì thế, anh bị xem là bất lương cả với người mượn nợ lẫn với chủ. Bất lương với người mượn nợ vì anh kiếm tiền trên xương máu người nghèo; bất lương với chủ vì anh làm mang tiếng chủ là người “cho vay nặng lãi”. Hành động biển thủ, không trung tín với tài sản và công việc chủ giao đã bị tố cáo. Chủ “sờ gáy” anh, và cho anh biết phải báo cáo lại sổ sách, cũng như từ nay anh sẽ bị sa thải.

Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian xảo, thiếu trung thực của người quản lý. Ngài chỉ khen người quản lý này khôn khéo, biết lo liệu cho tương lai của anh. 

Kết luận về dụ ngôn Chúa dạy cho chúng ta hai điều : Một là người quản gia đó đã có hành động “khôn khéo” nhưng vẫn bị coi là “bất lương”, “được khen” nhưng vẫn “bị sa thải” ; Hai là Chúa cho thấy sự khác biệt giữa “con cái đời này” và “con cái ánh sáng”, sự “khôn ngoan theo đời này” và sự “khôn ngoan của con cái Thiên Chúa”.

Trước tiên, chúng ta xem sự “bất lương” của người quản gia đây là gì. Anh bị người ta tố cáo với ông chủ là anh đã phung phí của cải nhà ông.Thái độ “phung phí của cải nhà ông chủ” của người quản gia cho thấy, anh đã “lạm quyền” của chủ, cách nào đó anh không còn phục tùng chủ, không trung tín và không còn nhớ vị thế của mình chỉ là quản gia. Lẽ ra anh phải biết vai trò của anh, làm quản gia anh được quyền quản lý mọi sự trong nhà, anh phải làm sao cho mọi sự diễn ra tốt đẹp và đem lại ích lợi cho gia chủ. Khi anh “phung phí của cải nhà chủ” có nghĩa là anh đã không còn chu toàn chức năng và bổn phận của anh. Sự “bất lương” của anh là như thế.

Tuy nhiên, anh được chủ khen là “khôn khéo”, vậy sự khôn khéo của anh đây là gì. Anh khôn khéo vì khi biết chủ sắp sa thải, anh đã lấy lòng các con nợ của chủ, bằng cách lấy biên lai ghi giảm số nợ cho họ, nhưng cũng bằng cách này anh đã đẩy con nợ vào chỗ thông đồng với hành vi của anh, nếu anh có bị xử phạt thì anh cũng không phải chịu một mình. Anh đã nghĩ đến nghề nghiệp, đến cuộc sống, đến tương quan của mọi người dành cho anh khi anh thất thế… Và anh đã hành động để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước anh về nhà họ, đó là một việc làm được coi là khôn khéo.

Một điều đáng nói ở đây là : sự khôn khéo của anh không che lấp được sự bất lương, hành vi toan tính của anh không thay đổi và giữ lại được vị thế của anh, anh rất khôn khéo nhưng anh không còn được tín nhiệm, anh đã thất trung. Anh đã biết dùng mưu xảo của mình để định đoạt cuộc đời mình thật khôn khéo, nhưng anh quên rằng ông chủ có thể tố cáo và đủ sức tru diệt anh. Anh nghĩ đến việc luồn lách để chạy tội, để sống, nhưng anh lại quên người có quyền ra hành động cuối cùng ảnh hưởng đến sinh mạng của anh vì các việc do anh đã làm đó là ông chủ. Tại sao anh không xin lỗi chủ về sự phung phí của mình, sao anh không “cải tà quy chính” để tiếp tục sống bình an hạnh phúc. Anh “khôn khéo” nhưng anh “bất lương” là ở điểm đó.

Hơn hết, đây là điều mà Chúa muốn dạy mỗi người chúng ta. Sự khôn khéo chỉ là phương tiện, còn lương tâm của con người mới là cùng đích. Chúa cần người có lương tâm trong sáng và trung tín. Nếu sự trong sáng và trung tín kèm với sự khôn khéo thì thật là điều đáng quý. Nhưng nếu phải chọn giữa thái độ sống vụng về mà có lương tâm ngay chính trước nhan Chúa, và thái độ sống khôn khéo nhưng bất lương, thì chúng ta hãy chọn sự trung tín và lương tâm ngay chính mà thôi.

Kinh nghiệm của người đời, muốn tạo lập một gia sản giàu có, kếch xù phải tích lũy, chắt bóp, lợi dụng thời cơ thuận tiện để phát triển lợi nhuận. Chẳng hạn : người ta dùng tiền gởi ngân hàng, đầu tư vào công việc thương mại, kinh doanh để kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Cũng có người biết đầu tư một cách lâu dài, bằng con đường học hành, giáo dục.

Tạo lập gia sản trên trời khác với tạo lập gia sản nơi trần gian. Chúng ta không tìm kiếm của cải trần thế này, nhưng là tìm kiếm Nước Trời. Chúng ta cần phải xử sự cách khôn khéo để làm sao tiền bạc không trở nên một thế lực thống trị và biến chúng ta thành nô lệ; trái lại, cần phải biến nó thành phương tiện phục vụ con người  bằng cách làm phúc bố thí chứ không phải bo bo giữ cho riêng mình, phải rộng rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình.

Người Kitô hữu nhớ rằng, tiền bạc không phải là cùng đích mà chỉ là phương tiện. Chúng ta xử sự thế nào để tiền của không cản trở  bước đường đi đến đời sống vĩnh cửu khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay. Chúng ta hãy sử dụng đồng tiền trần gian hay hư nát để biến thành gia sản vĩnh cửu trên trời.

Sự khôn ngoan của con cái thế gian và sự khôn ngoan của con cái ánh sáng khác nhau ở điểm này. Sự khôn khéo thế gian lấn át lương tâm, họ khéo léo làm mọi sự mà bán rẻ lương tâm của họ. Con cái ánh sáng thì tôn trọng tiếng nói lương tâm, tiếng nói của chính Thiên Chúa trong cõi lòng mình. Con cái Thiên Chúa thì sống trung tín với Chúa, chu toàn bổn phận trong chức năng của mình, quy phục quyền năng và ân ban của Chúa.

Ước gì mỗi chúng ta khi chu toàn bổn phận Chúa trao, cũng biết chọn tiếng nói của Chúa, tiếng lương tâm. Đừng làm điều gì bán rẻ lương tâm và chống lại ý Chúa. Ước gì chúng ta cũng đứng về phía con cái sự sáng, chịu thiệt thòi ở đời này, chấp nhận vụng về trước thế gian để trở nên khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa.

 

 

2595    08-11-2017