Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Lời cầu chúc bình an

 

Trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su nhiều lần nói về hành trình đi về cùng Chúa Cha của mình (x. Ga 13, 3 và 33), nhưng hành trình này lại đi “ngang qua” con đường, nghĩa là trở thành nạn nhân, của hành vi phản bội, dẫn đến cuộc Thương Khó và cái chết trên Thập Giá. Đó là “biến cố” Ngài nộp mình cho Sự Dữ, như chính Ngài nói ở đây: “Thủ Lãnh thế gian đang đến”; và quả vậy, Điều phải xẩy ra sẽ đến rất mau, vì ngay sau lời tâm sự với các môn đệ và với Chúa Cha, Ngài sẽ để cho mình bị bắt (Ga 18).

Khi giã biệt thế gian mà về với Chúa Cha, Chúa Giê-su ưu ái trao ban cho các môn đệ sự bình an của Ngài. Ngài xác nhận rằng bình an của Ngài không như bình an của thế gian. Nếu bình an của thế gian là sức khỏe, tiền tài, danh vọng, lạc thú… thì bình an của Chúa hệ tại ở một cái gì khác hẳn. Nó hiện diện ngay cả trong đau khổ, thử thách và bất chấp những nghịch cảnh éo le bên ngoài. Nói tắt, đó là sự bình an của một trái tim đầy Chúa, của một tâm hồn rộng mở đón Ngài ngự trị. Bình an Chúa ban múc nguồn từ chính Thánh Thần của Ngài. Một kỷ nguyên mới đang mở ra để đánh dấu thời kỳ của Đấng Bảo Trợ (cc. 16-17), của tình yêu (c. 15), của niềm tin (c. 29), niềm vui (c. 28), và bình an (c. 27a). Thánh Thần của Chúa Giêsu Phục Sinh minh chứng sự khải thắng của Ngài đối với thế gian, và đem lại bình an đích thực cho nhân loại.

Lời cầu chúc bình an của Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”. Sự bình an mà Chúa Giêsu ban không có nghĩa là không có những trắc trở gian nan như mặt hồ lặng sóng nhưng là sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn khi phải đối mặt với phong ba bão táp. Bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, nhưng là một tâm hồn đầy lòng tin tưởng phó thác giữa những thách đố đang chờ đợi.

Bình an của Chúa Giêsu mang đến không phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp. Bình an của Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt đỏ: Nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả hy sinh mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như Thánh Phaolô “Lương tâm tôi không trách tôi điều gì”

Sự bình an của Ðức Giêsu không phải là không có chiến tranh. Nó cũng không phải là tâm trạng khoan khoái, thoải mái sung sướng của con người về mặt tâm lý. Sự bình an đích thực mà Chúa Giêsu trao ban là ân huệ lớn lao từ nơi Chúa Cha. Ân huệ này chính là ơn Cứu Ðộ, ơn giải thoát ta khỏi sợ hãi và nô lệ tội lỗi. Chúng ta sẽ được bình an khi sống trong ân sủng, sự thật và ánh sáng của Chúa. Chúng ta cũng được bình an khi chân thành yêu thương anh em.

 Bình an của Chúa Giêsu nói đây là một lời trăn trối cuối cùng của Ngài, khi Ngài sắp ra đi chịu chết, và cũng là bình an của sự vui khi Ngài sống lại. Bình an đó là điều quan trọng, vì đó là ơn của Chúa Thánh Thần ban, nó chính là hạnh phúc thật mà chúng ta đang tìm. Bình an đó Thiên Chúa còn muốn cho mọi người, cho mọi quốc gia trên thế giới đều được hưởng mà chúng ta gọi là “hòa bình”.

Khi Chúa Giêsu biết mình sắp bị giới lãnh đạo Do Thái bắt nộp, bị môn đệ Giuđa phản bội...và giờ Chúa Cha tôn vinh đã cận kề. Người đã trăn trối lại cho các môn đệ những lời tâm huyết sau cùng. Các môn đệ cảm thấy hoang mang sợ hãi, tâm hồn đầy xao xuyến, Thầy đi rồi còn tương lai của các ông sẽ về đâu? Một câu hỏi lớn chưa tìm ra câu trả lời. Hiểu được tâm trạng đó, Chúa Giêsu hứa ban bình an và niềm vui của Người cho các ông.

          Các môn đệ xao xuyến, nhưng thực ra chính Người cũng xao xuyến: “Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến” (c. 21), vì sự phản bội mà Đức Giê-su tự nguyện đón nhận tượng trưng cho mọi tội lỗi, sự dữ và cả Satan nữa, như thánh sử Gioan nói về Giu-đa: “Xa-tan liền nhập vào y” (c. 27 và c. 2).

 Trong cuộc sống người ta cũng tạo cho nhau sự bình an, có thể đó là cuộc sống không có chiến tranh, là sự thịnh vượng về vật chất, là những tiện nghi khoa học tối tân đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Sự bảo đảm này phần nào cũng có giá trị của nó, nhưng Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta tiến xa hơn trong niềm tin Kitô giáo. Như Chúa Giêsu đã đón nhận mọi đau khổ, đã uống trọn chén đắng Cha trao để nên một trong thánh ý Cha. Ngài đã đánh đổi bằng cả mạng sống mình để đổi lấy sự bình an, là dám tin và trao phó cuộc đời mình cho kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

Các môn đệ lo lắng sợ hãi vì không biết phải đi con đường nào giữa trăm ngàn ngã rẽ, không biết tin cậy vào đâu trước những thế lực xấu đang bủa vây. Chúa Giêsu đã động viên các ông và khẳng định “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Ai đi theo con đường của Chúa chắn chắn sẽ tới đích. Ai tin vào Chúa sẽ không phải thất vọng bao giờ. Ngược lại ai cậy dựa vào vào sức riêng mình và sự bảo đảm của vật chất trần gian sẽ phải gánh chịu nỗi bất an ê chề.

Bình an đích thực không đồng nghĩa với tình trạng không có khó khăn, gian khổ, sợ hãi, lo âu, thập giá, v.v…mà đúng hơn là tâm trạng của những con người, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tuyệt đối tin tưởng, phó thác cuộc đời của mình cho Thiên Chúa, Đấng mà họ tin là hằng yêu thương họ, và là Đấng toàn năng và toàn tri : đó chính là sự Bình An của Đức Giêsu-Kitô (Ga 14, 27-29.31a; Cv 14, 22-23)…

 

Bình an Chúa Giêsu trao ban là ân huệ phục sinh của Người. Hay nói cách khác: “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Ai có được Người thì chẳng còn thiết gì hơn nữa. Chỉ cần một lần được ẵm Chúa trên tay, cụ Simêon đã cảm thấy toại nguyện, nên bộc phát cầu nguyện: “Xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ” (Lc 2,29).
CTV TT VL 

5649    15-05-2017