Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Ray Krone: Tái sanh trong hành lang tử thần

 

Ông Ray Krone, cựu nhân viên Không lực Mỹ đã ở ba năm trong hành lang tử thần ở Arizona trước khi được cho là vô tội và được trả tự do. Trong sa mạc đau khổ và sầu não này, ông tìm ở Thánh Kinh sức mạnh để sống còn và nếm được sự tái sinh đích thực của đời sống thiêng liêng.

Ông Ray Krone giải thích: “Tôi đã nếm con đường dài sa mạc”. Nỗi đau của các kỷ niệm phản ảnh lên đôi mắt màu hạt dẻ khi ông kể lại câu chuyện đời mình trong  hành lang tử thần “Death Row”. Bóng tối thoáng qua này tương phản với niềm vui và nhiệt huyết tỏa ra nơi nhân vật có định mệnh khác thường. Trước khi đọc diễn văn ở Genève theo lời mời của tổ chức Phi Chính Phủ Lifespark, một tổ chức nâng đỡ các người bị lên án tử hình, ông đến văn phòng báo công giáo Thụy Sĩ “cath.ch” tại Lausanne để kể câu chuyện đời mình.

Trong bụng cá mập

“Tôi không so sánh mình với Chúa Giêsu. Nhưng khi tôi sống trong tù, tôi có cùng hoàn cảnh giống Ngài khi Ngài ở trong sa mạc: một mình đối diện với các nghi ngờ, các sợ hãi, các nghi vấn của mình về sự sống, về ý nghĩa của những gì xảy đến cho tôi”. Nếu ông Ray Krone hay liên tưởng đến Thánh Kinh là vì trong khi bị giam giữ, ông đã đọc trọn quyển Thánh Kinh ba lần. “Quyển Thánh Kinh là cái gối của tôi”. Ngoài Chúa Giêsu, các nhân vật khác cũng cho tôi một ý nghĩa theo kinh nghiệm sống của họ. Tôi thấy mình giống ông Gióp và ông Giôna. Ông Gióp đã mất tất cả, ông Giôna ở ba ngày trong bụng cá mập. “Tôi cảm nhận cùng tâm trạng bỏ rơi, lạnh lẽo, đen tối trong bụng con vật”. 

“Đức tin của tôi đang ngủ”

Sau lần kết án đầu tiên, ông Ray Krone ở ba năm trong hành lang tử thần, ông bị cô lập. Ông chỉ tiếp xúc với người canh ngục. Mỗi tháng ông chỉ được thăm và gọi điện thoại hai lần. Mỗi tuần ông được ra khỏi xà lim của mình ba lần. Ông được đi dạo hai giờ ở hành lang bên trong, cổ chân và cổ tay bị xiềng. Thức ăn của ông thì luôn bị nguội.

Đức tin được thức dậy

“Trước hết tôi phản kháng chuyện đã xảy ra cho tôi. Tôi mới 35 tuổi. Tôi hỏi Chúa vì sao tôi phải chịu đựng như vậy”. Xuất thân từ một gia đình tin lành luther gốc Đức, ông Ray được nuôi dạy trong đức tin và không bao giờ mất đức tin. Tuy nhiên ông không giữ đạo khi ông vào quân đội và khi mọi chuyện êm đẹp trong đời.

“Tôi hiểu một người không thể nào quyết định cái chết của một người khác”

Khi bị bắt vì bị khép vào tội giết người năm 1991, ông bám vào đức tin. Những tuần đầu trong tù, mỗi tối tôi cầu nguyện xin Chúa cho tôi ra khỏi tù. Ông tự hứa mỗi tối đọc một đoạn Kinh Thánh. “Sau khi đọc Kinh Thánh, dần dần tôi bắt đầu cảm nhận tôi có được sức mạnh nội tâm”. Quyển sách thiêng liêng trở thành chiếc phao chính của ông. “Đây không phải là sinh ra, mà là tái sinh. Đức tin của tôi chỉ ngủ một lúc và thử thách này đã thức đức tin của tôi dậy. Mỗi lần tôi rơi vào trạng thái tuyệt vọng não nề là tôi rơi đúng vào đoạn Phúc Âm phù hợp với tâm trạng tôi lúc đó. Và điều này mang lại sức mạnh cho tôi”.

Gặp nữ tu Prejean

Ngoài việc đọc Kinh Thánh, một sự kiện quyết định đã thức tỉnh đức tin của ông: gặp nữ tu Helen Prejean. Nữ tu Prejean là người công giáo, từ nhiều năm nay xơ nâng đỡ các tử tội ở Mỹ, xơ đấu tranh để chống án tử hình. Ông Ray nhớ lại: “Chỉ vài câu trao đổi. Vài cái bắt tay. Nhưng đó là hòn đá tảng, là năng lượng cho nguồn hy vọng của tôi”.

Trong nhà tù, các xác quyết của ông thay đổi dần dần. Ông còn nhớ, trước đó ông là người chủ trương duy trì án tử hình. Sau khi đọc Thánh Kinh, ông hiểu, loại hình phạt này là không thể được đối với tín hữu kitô. “Tôi hiểu một người không thể nào quyết định cái chết của một người khác, quyết định này thuộc về Chúa”.

Một đức tin được củng cố nhờ thử thách

Ray Krone nghĩ 10 năm, 3 tháng, 8 ngày tù của ông không phải là kết quả của một tình cờ. Chắc chắn mình được Chúa chọn để phục vụ cho việc chống lại án tử hình.

Một cuộc chiến không ngơi nghỉ. Ông đi khắp nước Mỹ, khắp Âu châu để nói lên lời chứng, lập luận của mình chống lại hình phạt mà theo ông không phù hợp với luật thánh thiêng. Ông là người luôn lạc quan, ông hy vọng trong khi còn sống, ông thấy được có ngày nước Mỹ bỏ án tử hình.

Bước khởi đầu mới của ông vừa có tính cách xã hội, vừa có tính cách thiêng liêng. Ông từ bỏ lối sống cũ, ông tự hứa không bao giờ xa cầu nguyện và xa đức tin. Một đức tin được củng cố vô cùng bởi thử thách. “Giống như ông Gióp và ông Giôna, Chúa thử thách các giới hạn của tôi. Giống như họ, tôi giữ vững đức tin và Chúa đã thưởng cho tôi về mặt thiêng liêng”. Ông nhắc, như thế “đừng chờ khi mọi chuyện sụp đổ mới làm sống dậy đức tin”. 

“Họ cần một con quỷ”

Khi ông cười, Ray Krone cho thấy một hàm răng trắng thẳng tắp thật đẹp. Đó là dấu hiệu của một Ray “mới”. Người được ra khỏi tù ngày 8 tháng 4 năm 2002. Trước đó, trong mười năm, ông là “tên giết người có hàm răng khểnh” (the snaggle-tooth killer). Báo chí đặt cho ông tên này sau khi hàm răng của ông đặc biệt giống hàm răng của kẻ giết cô Kim Ancona bán bar ở Phoenix (Arizona) năm 1991. Nhà cầm quyền vội vã tìm một thủ phạm và họ khép hồ sơ lại một cách dễ dàng, chỉ dựa trên một bằng chứng duy nhất (và đó lại là bằng chứng sai) để kết tội ông. Ông Ray cho biết: “Họ cần tìm cho ra một con quỷ thật nhanh và tôi là con quỷ đó”. 

ADN quyết định

Dấu răng tìm trên thi thể nạn nhân mà theo một khám nghiệm gây nhiều tranh cãi lại phù với hàm răng của ông Ray, như thế đủ để kết tội ông và lên án tử hình. Nhờ quyết tâm của gia đình ông đi đến cùng để chứng minh ông  vô tội và đeo đuổi vụ kiện chống bộ máy luật pháp bất di bất dịch. Sau ba năm can thiệp với pháp luật, họ đã thành công để vụ án được xử lại. Sau đó ông Ray lại bị kết án lại. Nhưng lần này, càng ngày pháp luật càng nghi ngờ về sự vô tội của ông nên họ họ giảm án xuống còn tù chung thân. Một vụ án thứ ba được xử lại, lần này các thử nghiệm ADN được làm một cách nghiêm túc và ông Ray Krone hoàn toàn trắng án. Kẻ sát nhận thật được nhận diện. Đó là một tên hiếp dâm tái phạm nhiều lần, lần này nó hiếp một em bé gái, trong khi ông Ray đang ở tù.

Sau hơn 10 năm ở tù, ông được trả tự do và thủ phạm bị bắt. Ông trở thành người tử tội vô tội thứ 100 của nước Mỹ. Từ khi ra tù năm 2002, ông quyết tâm đấu tranh để loại bỏ án tử hình trong một nhóm gồm 35 người bị kết án được trả tự do và do nữ tu Helen Prejean cầm đầu.

Lifespark

Lifespark là một hiệp hội không vụ lợi được thành lập năm 1993 tại Bâle. Mục đích của hội là liên lạc với các tử tội ở Mỹ, nâng đỡ các thành viên của họ, tặng tiền cho các tổ chức khác và tổ chức các buổi sự kiện.

Marta An Nguyễn dịch

231    24-02-2018