Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi - tt

Sự đa dạng của các bối cảnh và văn hóa

Một thế giới đông đảo

10. Cấu trúc chính của Thượng Hội đồng mang đến sự hiện diện và đóng góp của nhiều tôn giáo khác nhau trên thế giới, làm nổi bật lên vẻ đẹp của một Giáo hội hoàn vũ. Cho dù trong một bối cảnh toàn cầu hóa đang phát triển, nhưng các Nghị Phụ yêu cầu rằng những sự khác biệt giữa các bối cảnh và các nền văn hóa, thậm chí ngay trong một quốc gia, đều phải được ghi chú đầy đủ. Tính đa dạng của các thế giới của người trẻ quá lớn đến mức trong một số quốc gia có khuynh hướng sử dụng thuật ngữ “giới trẻ” (youth) ở số nhiều. Ngoài ra độ tuổi được quy định bởi Thượng Hội đồng hiện tại (16-29 tuổi) không đại diện cho một nhóm duy nhất, nhưng bao gồm nhiều nhóm khác nhau và mỗi nhóm có kinh nghiệm cuộc sống riêng của họ.

Tất cả những khác biệt này có một tác động sâu sắc đến kinh nghiệm thực tế của người trẻ: chúng ảnh hưởng đến những giai đoạn trưởng thành khác nhau, những hình thái kinh nghiệm về tôn giáo, cấu trúc gia đình và tầm quan trọng của nó cho sự truyền đạt đức tin, những mối quan hệ giữa các thế hệ – chẳng hạn như vai trò của người lớn tuổi và sự tôn trọng dành cho họ – những cách thức tham gia vào đời sống xã hội, những thái độ hướng đến tương lai, những câu hỏi về đại kết và liên tôn. Thượng Hội đồng ghi nhận và chấp nhận sự dồi dào trong tính đa dạng của các nền văn hóa và và lấy chính nó để phục vụ cho sự hiệp thông của Thần Khí.

Những thay đổi đang diễn ra

11. Điều đặc biệt quan trọng là sự khác biệt về động lực nhân khẩu học giữa các quốc gia có tỷ lệ sinh cao, trong đó những người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ đáng kể và ngày càng tăng về dân số, và những quốc gia mà sự ảnh hưởng của giới trẻ đang mất dần đi tầm quan trọng. Một yếu tố khác biệt hơn nữa là do kết quả của lịch sử: có những quốc gia và lục địa với truyền thống Kitô giáo từ xa xưa, với nền văn hóa được in đậm nét trong ký ức và không thể dễ dàng bị gạt bỏ, nhưng cũng có những quốc gia và lục địa được in dấu bởi các truyền thống tôn giáo khác, trong đó Ki-tô giáo là một nhóm thiểu số – thường là nhóm thiểu số mới đến. Một lần nữa ở các lãnh thổ khác, các cộng đồng Ki-tô giáo và những người trẻ thuộc về những cộng đồng đó phải gánh chịu sự bắt bớ.

Sự loại trừ và gạt ra bên lề

12. Tiếp đến là những sự khác biệt giữa các quốc gia – và trong lãnh thổ các quốc gia – do cấu trúc xã hội và sức mạnh kinh tế phân chia, đôi khi rất gay gắt, giữa những người tiếp cận được với các cơ hội ngày càng tăng của sự toàn cầu hóa và những người sống bên lề xã hội hoặc trong những vùng nông thôn và những người bị loại trừ hoặc gạt bỏ. Một số biện pháp can thiệp cho thấy Giáo hội cần phải can đảm đứng về phía họ và giúp xây dựng các giải pháp thay thế để tháo bỏ tình trạng loại trừ và gạt ra bên lề, củng cố sự chấp nhận, đồng hành và hội nhập. Điều này cho thấy rõ sự cần thiết phải nhận thức được sự thờ ơ cũng tác động đến nhiều Kitô hữu, để có thể vượt qua nó bằng cách đào sâu chiều kích xã hội của đức tin.

Nam giới và nữ giới

13. Chúng ta cũng không được bỏ qua sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới với những ơn đặc biệt, những sự nhạy cảm đặc trưng và kinh nghiệm sống của họ. Sự khác biệt này có thể làm nảy sinh các hình thức thống trị, loại trừ và phân biệt đối xử, là những điều mà tất cả các xã hội, kể cả Giáo hội, cần được giải phóng.

Kinh thánh trình bày người đàn ông và đàn bà là những cộng sự bình đẳng trước Thiên Chúa (x. St 5: 2): mọi sự thống trị và phân biệt đối xử căn cứ trên giới tính là một sự xúc phạm đến phẩm giá con người. Kinh thánh cũng trình bày sự khác biệt giữa hai giới tính là một mầu nhiệm cấu thành nên con người và không được thu hẹp thành những khuôn mẫu. Mối quan hệ giữa nam và nữ được hiểu theo nghĩa là một ơn gọi sống với nhau trong sự tương quan và đối thoại, trong tình hiệp thông và sinh hoa trái (x. St 1: 27-29; 2: 21-25) trong mọi lĩnh vực kinh nghiệm của con người: đời sống vợ chồng, công việc, giáo dục và v.v.. Thiên Chúa đã giao phó trái đất theo như giao ước với họ.

Thuộc địa văn hóa

14. Nhiều Nghị Phụ Thượng Hội đồng đến từ các bối cảnh không thuộc phương Tây chỉ ra rằng ở đất nước của các ngài sự toàn cầu hóa mang theo những hình thức thuộc địa văn hóa, nó đánh bật những nguồn cội văn hóa và tôn giáo ra khỏi người trẻ. Giáo hội cần phải cam kết đồng hành cùng họ trong tiến trình này để họ không bị mất đi những đặc tính quý giá nhất thuộc bản sắc của họ.

Có những cách hiểu trái ngược nhau về tiến trình thế tục hóa. Một số người coi đó là một cơ hội đáng hoan nghênh để được thanh luyện khỏi một tôn giáo tính chỉ thuần túy dựa trên tập quán hoặc dựa trên những bản sắc sắc tộc và dân tộc, trong khi những người khác coi đó là một trở ngại cho việc truyền đạt đức tin. Trong các xã hội thế tục, chúng ta cũng đang chứng kiến sự tái khám phá về Thiên Chúa và đời sống thiêng liêng. Với Giáo hội nên xem đây như một tác nhân để phục hồi tầm quan trọng của sự năng động của đức tin, rao truyền và sự đồng hành mục vụ.

Cái nhìn đầu tiên về Giáo hội ngày nay

Sự tham gia của Giáo hội trong giáo dục

15. Trong nhiều khu vực những người trẻ tuổi nhìn đến Giáo hội như một lực lượng sống động và dễ lôi cuốn, như một lực lượng quan trọng ngay cả với những người trẻ đương thời không tin hoặc thuộc về các tôn giáo khác. Các tổ chức giáo dục của Giáo hội chào đón tất cả những người trẻ tuổi, bất kể những lựa chọn tôn giáo, nguồn gốc văn hóa của họ, và hoàn cảnh cá nhân, gia đình hoặc xã hội của họ. Theo cách này, Giáo hội có sự đóng góp nền tảng cho công cuộc giáo dục toàn diện cho giới trẻ ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Việc này diễn ra thông qua sự giáo dục trong các trường học với mọi hình dạng và quy mô, trong các trung tâm đào tạo chuyên, trong các trường cao đẳng và đại học, và cả trong các trung tâm tuổi trẻ và các nhà nguyện; cam kết này cũng được thể hiện thông qua sự chào đón dành cho người tị nạn cùng rất nhiều hình thức tham gia xã hội. Qua tất cả các cách này, Giáo hội hợp nhất chứng tá và việc loan báo Tin Mừng của mình vào công cuộc giáo dục và thăng tiến con người. Khi được truyền cảm hứng bởi sự đối thoại liên văn hóa và liên tôn, hoạt động giáo dục của Giáo hội được đánh giá cao như một hình thức thăng tiến con người đích thực ngay cả bởi những người ngoài Kitô giáo.

Các hoạt động trong thừa tác vụ giới trẻ

16. Khi Thượng hội đồng diễn ra, rõ ràng thừa tác vụ giới trẻ cần một ý hướng về ơn gọi, và sự chăm sóc mục vụ ơn gọi đó nên hướng đến tất cả những người trẻ. Điểm được nhấn mạnh là các chương trình mục vụ cần phải giải quyết toàn bộ mọi giai đoạn từ giai đoạn khai tâm cho đến cuộc sống trưởng thành, giúp giới trẻ tìm thấy vị trí của họ trong cộng đồng Kitô giáo. Cũng lưu ý rằng nhiều nhóm giáo xứ, các phong trào và những nhóm giới trẻ đã đưa ra một tiến trình đồng hành và đào tạo hiệu quả cho giới trẻ trong đời sống đức tin của họ.

Ngày Giới trẻ Thế giới – hoa trái của một tầm nhìn ngôn sứ của Thánh Gioan Phaolô II, người vẫn là một điểm tham khảo cho giới trẻ trong thiên niên kỷ thứ ba – cùng với các cuộc họp cấp quốc gia và giáo phận, đóng một phần quan trọng trong cuộc sống của nhiều người trẻ vì nó mang lại một kinh nghiệm sống động về đức tin và sự hiệp thông giúp họ giải quyết những thách thức lớn trong cuộc sống và gánh vác công việc của họ với tinh thần trách nhiệm trong xã hội và trong cộng đoàn Giáo hội. Những cuộc họp này có thể áp dụng vào việc đồng hành mục vụ của các cộng đoàn riêng, là nơi việc đón nhận Tin Mừng phải được đào sâu và chuyển thành các lựa chọn cho cuộc sống.

Gánh nặng quản trị

17. Nhiều Nghị Phụ đã chỉ ra rằng gánh nặng của các trách nhiệm hành chính tiêu hao sức lực của nhiều mục tử một cách quá mức và đôi khi mất quá nhiều thời gian; đây là một trong những lý do tại sao rất khó để gặp gỡ và đồng hành với người trẻ. Để làm nổi bật sự ưu tiên dành cho các trách vụ mục vụ và tinh thần, các Nghị Phụ Thượng Hội đồng đề nghị cần phải cân nhắc lại những cách thức cụ thể để thi hành thừa tác vụ này.

Tình hình của các giáo xứ

18. Trong khi các giáo xứ vẫn còn là một cách thức đầu tiên và chính yếu của Giáo hội trong một địa hạt riêng, có nhiều dấu hiệu từ một số khu vực cho thấy giáo xứ đang phải phấn đấu để trở nên phù hợp cho người trẻ và ơn gọi thừa sai của giáo xứ cần phải được xem xét lại. Hình bóng của giáo xứ trở nên nhỏ bé đi trong các khu vực thành thị, sự thiếu năng động trong các hoạt động của giáo xứ, cùng với những thay đổi theo không gian và thời gian trong lối sống tất cả đều đòi hỏi sự đổi mới. Ngay cả khi đã có nhiều nỗ lực đổi mới, dòng chảy của đời sống tuổi trẻ thường chảy dọc hai bên lề của cộng đoàn, mà không gặp gỡ được cộng đoàn.

Khai tâm vào đời sống Ki-tô giáo

19. Nhiều người lưu ý rằng các chương trình khai tâm Ki-tô giáo không phải lúc nào cũng thành công trong cách giới thiệu cho thiếu nhi, thiếu niên và thanh niên về vẻ đẹp của sự trải nghiệm đức tin. Khi cộng đoàn là nơi hiệp thông và là một gia đình thực sự của con cái Thiên Chúa, nó thể hiện sức mạnh sống động truyền tải đức tin; mặt khác, khi nó nhường chỗ cho luận lý của sự ủy thác và khi tổ chức quan liêu chiếm ưu thế, sự khai tâm Ki-tô giáo bị hiểu sai như là một khóa học kiến thức tôn giáo và kết thúc bằng Bí tích Thêm sức. Vì vậy, chúng ta cần phải cấp bách tái suy nghĩ thật sâu sắc về cách giảng dạy giáo lý và mối liên hệ giữa việc truyền đạt đức tin trong gia đình và trong cộng đoàn, tạo ra không gian cho các tiến trình đồng hành cá nhân.

Đào tạo chủng sinh và người sống đời tận hiến

20. Các chủng viện và nhà đào tạo là những nơi quan trọng nhất, trong đó người trẻ được kêu gọi tiến đến chức tư tế và đời sống thánh hiến, có thể đào sâu sự lựa chọn ơn gọi của họ và trưởng thành trong cương vị người môn đệ. Đôi khi những nền tảng này không được cân nhắc đủ cho kinh nghiệm bước đầu của ứng viên, đánh giá thấp tầm quan trọng của nó. Điều này ngăn cản sự phát triển của con người và có nguy cơ dẫn đến việc chấp nhận những thái độ theo hình thức hơn là phát triển những ơn sủng của Thiên Chúa và sự hoán cải sâu thẳm của tâm hồn.

(còn tiếp)

[Nguồn: zenit]

Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 

1096    08-03-2019