Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Thánh Mathêu tông đồ !

Hôm ấy Chúa Giêsu đi qua sở quan thuế thành Caphanaum, gần bờ biển Tibêria, Người đã chăm chú nhìn đến một nhân viên thu thuế và âu yếm gọi ông: “Hãy theo Ta”; không do dự, ông liền đứng dậy và bỏ mọi sự đi theo Chúa. Người thu thuế ấy chính là Matthêu, tục danh là Lêvi, cũng là một trong bốn tông đồ thánh sử mà Giáo hội kính hôm nay.

Matthêu con ông Anphê làm nghề thu thuế. Ngài không phải là công chức Rôma biệt phái sang Galilê, nhưng chỉ là một nhân viên thu thuế quốc tịch Do thái. Theo tục lệ Do thái, ngài còn có tên húy là Lêvi.

Lêvi là người có tài xã giao, ông đã thiết tiệc mời các bạn đồng nghiệp tới chung vui với ông nhân ngày ông chuyển hướng theo Chúa Giêsu. Dĩ nhiên Chúa và các môn đệ cũng được mời dự tiệc. Cuộc chuyển hướng của Matthêu đã nói lên lòng quảng đại và thiện chí của ông. Trong số những khách dự tiệc hôm đó, có mặt một số người biệt phái. Họ bỡ ngỡ khi nhận ra Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng hiện diện giữa nhóm người tội lỗi và ô hợp này. Họ lẩm bẩm và bàn tán về Chúa và nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các ông ngồi ăn với những người thu thuế và những người bất lương?” Thấy rõ tâm trạng của họ, Chúa vạch trần ý nghĩ sai lầm của họ bằng lời tuyên bố sứ mệnh của Người. Chúa nói với bọn biệt phái: “Không phải những người khỏe cần đến thầy thuốc, nhưng những người yếu đau. Các ông hãy đi và học biết điều này: Ta muốn lòng thương xót chứ không muốn lễ vật, vì Ta không đến gọi những người đạo đức, nhưng gọi những người tội lỗi” (Mt 11,13).

Thế là giữa Chúa Giêsu và người biệt phái có sự xung khắc. Lần sửa sai này khiến bọn biệt phái công phẫn. Từ đó họ tìm cách bắt bẻ Người. Có lẽ bọn họ từ nay cũng hết cả thiện cảm với Matthêu, người đã thật tình theo Chúa Giêsu ngay tiếng gọi đầu tiên.

Nếu mở Phúc âm tìm đọc bản liệt kê danh sách 12 tông đồ, người ta thấy trong Phúc âm thánh Marcô và Luca, tên của thánh Matthêu đứng hàng thứ bảy. Nhưng trong Phúc âm do ngài chép, tên của ngài lại đứng thứ tám và chỉ có ngài mới chua thêm một biệt hiệu không mấy danh dự là “Matthêu người thu thuế”. Có lẽ vì khiêm tốn nên ngài đã chẳng ngần ngại ghi rõ tông tích của mình như vậy. Ngoài ra người ta nghĩ rằng, vì qua việc kinh tài như thế, đáng nhẽ ngài phải giữ nhiệm vụ quản lý mới phải, nhưng Chúa Giêsu lại tín nhiệm và trao cho Giuđa.

Phúc âm Matthêu được soạn thảo khoảng năm 50. Phúc âm ngài viết bằng tiếng Do thái, tóm lược những lời Chúa nói và những việc Chúa làm. Phúc âm thứ nhất này được dịch sang tiếng Hy lạp khoảng năm 70. Vì viết cho người Do thái nên Matthêu nhấn mạnh đến những kiểu nói, những quan niệm riêng của họ. Ngài nhắc cho độc giả biết rằng: “Phúc âm hoàn tất luật cũ”. Một nét đặc biệt trong Phúc âm thứ nhất là Matthêu chỉ trích những người biệt phái. Phải chăng đó là ảnh hưởng của Chúa trong bữa tiệc, thánh nhân thiết đãi bạn bè trước khi theo Chúa? Ngài cũng chú trọng đến việc Chúa lập Giáo hội mà Phêrô là thủ lãnh. Phúc âm của ngài còn nói lên tính cách quan trọng của Tân ước đối với Cựu ước. Thánh nhân cố ý chứng minh rằng: Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế mà Cựu ước mong đợi. Nhưng một điều không giống với những thánh ký khác, là thánh Matthêu không thích những gì là chi tiết, vụn vặt, những gì có vẻ bóng bẩy và linh hoạt. Ngài cũng chẳng để ý những niên hiệu tỉ mỉ. Bài giảng trên núi, đã được thánh nhân trình bày theo một dàn bài rõ rệt. Ai đọc Phúc âm Matthêu cũng nhận thấy cái tài dàn cảnh xuất sắc của ngài.

Có lẽ thánh Matthêu có sứ mệnh truyền giáo cho những người Do thái. Chúng ta biết rất ít về hoạt động tông đồ của thánh Matthêu, vì ngài sống vào thời đại người ta ít để ý đến sử sách. Theo các tác giả thời xưa và các Giáo phụ thời trung cổ, thì thánh Matthêu đã truyền bá đức tin ở Êthiôpia, ở Ba tư, ở Parthes. Người ta cũng biết rằng ngài đã được phúc tử đạo để kết thúc sứ mệnh tông đồ của ngài tại Tarrium thuộc Êthiôpia.

Giáo đoàn Hy lạp kính nhớ thánh Matthêu vào ngày 16 tháng 11. Tử đạo thư mục của thánh Giêrônimô dành cho thánh ký năm ngày lễ kính, nhưng ngày đặc biệt là ngày 21 tháng 9.

 

Lạy thánh Matthêu, xin ngài dạy chúng con biết từ bỏ mọi sự trần gian, mau mắn nghe theo tiếng Chúa kêu gọi, sống đời tận hiến và phục vụ truyền giáo như người xưa, hầu xứng đáng hưởng hạnh phúc thiên đàng với ngài.

4053    20-09-2017