Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Theo Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, “có một đấu tranh chính trị trong Giáo hội”

 

Linh mục Arturo Sosa, sinh ở Caracas, Venezuela, tiến sĩ triết lý và khoa học chính trị, ngài là người Châu Mỹ La Tinh, người không phải là người châu Âu đầu tiên làm Bề trên Tổng quyền Dòng Tên. Ngài xác nhận các chỉ trích nhắm vào Đức Phanxicô là chống đối tinh thần cởi mở của ngài và việc cho rằng ngài tìm cách gây ảnh hưởng đến mật nghị chọn người kế vị của ngài sau này.

Linh mục Arturo Sosa, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên từ tháng 10 năm 2016, ngày hôm qua 16 tháng 9, trong một cuộc họp của Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Rôma ngài xác nhận “có một đấu tranh chính trị” trong Giáo hội công giáo, những người tấn công giáo hoàng thật sự chống tinh thần cởi mở của Công đồng Vatican II và cho rằng ngài tìm cách gây ảnh hưởng đến mật nghị chọn người kế vị ngài sau này.

Linh mục Sosa tuyên bố: “Không còn nghi ngờ gì nữa, có một cuộc đấu tranh chính trị trong Giáo hội giữa những người muốn Giáo hội đi theo con đường của Công đồng Vatican II và những người không muốn.”

“Trong cuộc đấu tranh này có một yếu tố mà Đức Phanxicô luôn nhắc đến, đó là chủ nghĩa giáo sĩ, một cách để hiểu về việc thực thi quyền lực trong Giáo hội”, Linh mục Sosa nhấn mạnh, để chống đối chủ nghĩa giáo sĩ, Đức Phanxicô chủ trương “tinh thần đồng nghị” có nghĩa là “cùng đi chung với nhau” để có một tinh thần đồng nghị lớn hơn và để tham gia nhiều hơn khi đưa ra quyết định.

Bề trên Tổng quyền Dòng Tên thường được gọi là “giáo hoàng đen” vì mặc áo chùng đen nhưng bây giờ ngài đã mặc sơ-mi trắng, ngài cho rằng “Đức Phanxicô là người con của Công đồng Vatican II, Công đồng được Đức Gioan XXIII triệu tập năm 1962 và Đức Phaolô-VI kết thúc năm 1965, mở Giáo hội công giáo ra với thế giới hiện đại. Ngài nhấn mạnh, chính vì vậy mà Đức Phanxicô là mục tiêu nhắm của những người bảo thủ nhất.”

“Là người con có trách nhiệm với Công đồng Vatican II, Đức Phanxicô đặt hết năng lực và khả năng phục vụ của mình cho tất cả những gì mà Công đồng này mơ cho Giáo hội và theo tôi, đây là một đóng góp to lớn, vì sự cải cách thật sự của Giáo hội sẽ được thực hiện nếu sự cải cách này đi gần nhất có thể với quan điểm của Công đồng Vatican II.”

Ngài nói thêm: “Cũng như đã xảy ra trong 50 năm qua, có những người đồng ý và có những người chống Công đồng Vatican II (…). Nhưng năm mươi năm là không nhiều.”

Khi được hỏi về các nỗ lực của các nhóm cực kỳ bảo thủ muốn làm suy yếu giáo hoàng, chẳng hạn như tấn công vào tài liệu chuẩn bị cho thượng hội đồng về Amazon sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 10 sắp tới, một vài giám chức cho đây là “dị giáo”, linh mục cho rằng các thủ thuật còn đi xa hơn, nhắm đến việc kế vị của giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên.

Ngài tuyên bố: “Tôi tin chắc đây không phải chỉ là tấn công giáo hoàng, vì tôi nghĩ các người chống đối ngài biết ngài sẽ không thay đổi. Đức Phanxicô rất tin vào những gì ngài làm, tin về hành động của mình, vì ngài được bầu lên, ngài sẽ không thay đổi.” Linh mục nhắc lại trong các thượng hội đồng về gia đình, về giới trẻ, Đức Phanxicô cũng đã từng bị chỉ trích.

Ngài nói thêm: “Đức Phanxicô rất thanh thản khi đối diện với các chỉ trích và tin rằng các tấn công tiếp tục là ”một phương tiện để ảnh hưởng vào mật nghị bầu giáo hoàng sau này, vì Đức Phanxicô đã lớn tuổi và triều giáo hoàng của ngài sẽ không phải là triều giáo hoàng dài nhất lịch sử.” Linh mục Sosa cho biết: “Những người chống đối nghĩ đến việc kế vị, vì cần phải có nhiều thời gian, còn hơn cả 50 năm để thật sự đưa Công đồng Vatican II vào hoạt động.”

Linh mục Arturo Sosa sinh tại Caracas, là bề trên Tỉnh Dòng Venezuela từ năm 1996 đến năm 2004, khi hỏi về tình trạng của đất nước Venezuela hiện nay, ngài cho biết “rất đau lòng” với những gì người dân Venezuela phải gánh chịu bây giờ. Ngoài tình trạng kinh tế khủng khiếp, ngoài khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, Venezuela còn vi phạm nhân quyền rất nặng, không những phải thay đổi chính quyền, mà thay đổi cả thể chế chính trị vì hệ thống này cho thấy đây là một sự thất bại, cần phải có các cuộc bầu cử thực sự tự do.” Linh mục cũng cho biết có nói vấn đề này với Đức Phanxicô, ngài cũng thấy tình trạng khó khăn cần sự hỗ trợ lớn lao của quốc tế.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

504    18-09-2019