Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

“Thỏa thuận đình chiến tự phát vào Lễ Giáng Sinh” năm 1914 cho thấy tính nhân văn của những người lính

web3christmastrucewiki
 Public Domain US


Trong khi các quốc gia phớt lờ lời cầu xin hòa bình của Đức Giáo Hoàng, thì chính những người Đức và người Anh trẻ tuổi lại tôn vinh Hoàng Tử Hòa Bình.

Rất lâu trước khi được gọi là “cái ngày sẽ sống trong ô nhục” (ngày diễn ra trận Trân Châu Cảng vào năm 1941), ngày 7 tháng 12 đã tạo nên một mối liên hệ khác với chiến tranh. Đó là năm 1914, và Thế chiến thứ nhất đã bùng nổ dữ dội được năm tháng. Khi chiến tranh bắt đầu, nhiều người nghĩ rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc vào Lễ Giáng Sinh.

Nhưng khi những ngày lễ đến gần, điều này có vẻ ít có cơ may xảy ra. Vào ngày 7 tháng 12, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XV đã đưa ra đề xuất rằng các quốc gia tham chiến nên tuyên bố đình chiến tạm thời vào dịp Lễ Giáng Sinh, để tôn vinh Hoàng Tử Hòa Bình.

Các chính phủ thù địch với nhau đã bác bỏ ý định này. Nhưng một số người mà họ đã cử ra mặt trận lại có ý kiến ​​khác.

Kênh truyền hình Lịch sử (History Channel) cho biết, “Bắt đầu từ Đêm Vọng Giáng Sinh, nhiều binh lính người Đức và Anh chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất đã hát cho nhau những bài hát mừng Giáng Sinh trên khắp các chiến tuyến, và tại một số điểm nhất định, quân Đồng minh thậm chí còn nghe thấy tiếng của những ban nhạc kèn đồng cất lên cùng với trong tiếng hát vui vẻ của quân Đức. Vào lúc rạng sáng đầu tiên của Ngày Lễ Giáng Sinh, một số binh lính người Đức đã bước lên từ chiến hào của họ và tiếp cận chiến tuyến của quân Đồng minh trên khắp vành đai trắng (no man’s land), hô to ‘Giáng Sinh vui vẻ’ bằng tiếng mẹ đẻ của quân thù.”

Kênh truyền hình Lịch sử còn nói thêm rằng lúc ban đầu, các binh lính quân Đồng minh lo sợ đó là một trò lừa, nhưng khi thấy quân Đức không có vũ khí, thì các binh lính quân Đồng minh đã trèo ra khỏi chiến hào và bắt tay với binh lính đối phương. “Những người đàn ông đã trao nhau những món quà là thuốc lá và bánh pudding mận, đồng thời hát lên những bài hát mừng và những bài hát khác. Một số binh lính Đức còn thắp sáng cây thông Noel xung quanh chiến hào của họ, và thậm chí đã có trường hợp được ghi nhận là binh lính từ các phe đối lập chơi một trận bóng đá đầy thiện chí.”

Đó thực sự là một khoảnh khắc buồn vui lẫn lộn. Trong khi hầu hết những binh lính có thể, trong một vài khoảnh khắc ngắn ngủi, tạm gác nỗi kinh hoàng của chiến tranh sang một bên, thì một số khác lại tận dụng cơ hội để đi vào “vùng đai trắng” (khu vực giữa hai trận tuyến) để tìm lại thi thể của những người đồng đội đã ngã xuống.

Như Kênh truyền hình Lịch sử đã chỉ ra rằng, đó là “một trong những tiền lệ cuối cùng của quan niệm đã lỗi thời về tinh thần hiệp sĩ giữa những kẻ thù trong chiến tranh”.

Sau năm 1914, Bộ chỉ huy tối cao của cả hai bên đã cố gắng ngăn chặn bất kỳ cuộc đình chiến nào trên quy mô tương tự có thể xảy ra một lần nữa, theo Bảo tàng Chiến tranh ở Vương quốc Anh. “Nhưng mặc cho điều đó, các binh lính vẫn thực hiện một số thỏa thuận đình chiến đơn lẻ trong các cuộc chiến tranh sau này, và không chỉ vào dịp Giáng sinh. Theo cái được gọi là thông lệ ‘Sống và Để cho người khác Sống’ (‘Live and Let Live’), nơi những khu vực bình lặng của chiến tuyến, các cuộc ngừng bắn ngắn ngủi trong các cuộc chiến đôi khi được thỏa thuận ngầm, việc này nhằm cho phép cả hai bên có thể sửa chữa chiến hào hay thu gom thi thể đồng đội của mình.”

Ước tính có khoảng 9-11 triệu quân nhân đã thiệt mạng trong chiến tranh.

Tuy nhiên, sự kiện bất thường của Lễ Giáng Sinh năm 1914, như Kênh truyền hình Lịch sử đã tóm tắt, “được xem là bằng chứng khích lệ, dù ngắn gọn, rằng bên dưới cuộc đụng độ tàn khốc của vũ khí, tính nhân văn của những người lính vẫn còn tồn tại”.

Tác giả: John Burger - Nguồn: Aleteia (25/12/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

576    26-12-2021