Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Tim Guénard: Đức Phanxicô là gương mẫu phải theo

 

Ghé Rôma để làm chứng cho đời sống lên xuống của mình và cho tình yêu với “Big Boss” – Chúa -, ông Tim Guénard đến Vatican. Theo ông, với sự tinh tế tuyệt vời của ngài, Đức Phanxicô là tấm gương phải theo của tất cả người công giáo.

Aleteia: Lý do nào để ông đến Rôma?

Tim Guénard: Một chương trình truyền hình mời tôi đến nói chuyện về điều răn thứ tư: thảo kính cha mẹ. Tôi cũng có một buổi diễn thuyết ở một giáo xứ la-mã. Nhân dịp này tôi đi một vòng đến Vatican vì là kitô hữu Giáo hội la-mã, tôi rất mến Vatican. Không thể đến đây mà không cám ơn nơi đầu tiên của nền tảng đức tin kitô.

Vì sao ông gắn kết với Giáo hoàng? Tôi vô cùng yêu mến Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và bây giờ là Đức Phanxicô. Nhìn và nghe những gì ngài nói là một chuyện làm cho mình thấy thư thái. Tôi đặc biệt xúc động thì thấy ở tuổi của ngài, ngài cúi xuống để nói chuyện với những người đang ngồi. Và để thấy sự phong phú của ngài ở tuổi 82. Giáo hội phản ứng ngược lại với xã hội: ở tuổi 65 về hưu, xã hội bỏ mình vào thùng rác. Giáo hội thì ngược lại: bầu giáo hoàng ở tuổi về hưu. Và khi chúng ta thấy sự phong phú của các giáo hoàng ở tuổi này thì đó không phải là sai: đó là tấm gương phải theo. 

Cái gì làm ông xúc động nhất nơi Đức Phanxicô kể từ đầu giáo triều của ngài? Ngài là hình ảnh của Chúa Giêsu. Ngài nhắc lại cho chúng ta nhớ, Big Boss yêu chúng ta đến mức như thế nào và ngài là sứ giả của Chúa. Ngài đặt bước chân của mình trong bước chân của Chúa Kitô. Ngài tế nhị, dịu dàng, đến với người khác với lòng trắc ẩn, với đức ái, ngài không ngại lòng thương xót. Nói tóm lại, tất cả ơn mà Giáo hội giới thiệu với chúng ta từ 2000 năm nay.

Ông đã dự buổi tiếp kiến chung của giáo hoàng, ông nghĩ gì về bài giáo lý của ngài? Ngài nói về Kinh Lạy Cha rất hay. Bài giáo lý này rất mạnh, dù khi mình không thông minh lắm thì mình cũng hiểu vì nó trực tiếp nói với quả tim mình. Ngài nhắc nhở, trong Kinh Lạy Cha không có chữ “tôi”, chúng ta không cầu nguyện một mình, cho mình nhưng chúng ta cùng cầu nguyện “chung”. Đó là các chi tiết cụ thể. Chẳng có gì là trí thức, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta qua dụ ngôn. Các ngư dân như Thánh Phêrô không học đại học nhưng họ hiểu Chúa Giêsu. Đó là những gì tôi yêu nơi Đức Phanxicô: dù mình không thông minh, ngài nói một cách làm cho mình thông minh.

 

Trong buổi tiếp kiến, ngài cũng xin cầu nguyện cho những người đi tìm Chúa và có lòng trắc ẩn với họ… Ngài có lý: và đúng, và đẹp. Đó là những gì tôi luôn nói với những người cho rằng mình không có đức tin: nếu bạn có tình yêu, bác có đức tin vì bạn làm cho Lời Chúa sống động. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Có những người cầu nguyện và quên yêu thương: đó chỉ là lời họ cầu nhầu với Chúa nhân lành. Chúng ta là tín hữu, chúng ta có thể làm hỏng Lời Chúa và đôi khi thật khó để nghe lại sau lưng mình. Khi có người nói với tôi họ không cầu nguyện được, tôi nói với họ không sao, tôi yêu thương họ và vai trò của tôi là tôi cầu nguyện thay cho họ. Và đây là điều chúng ta gọi là hỗ trợ tinh thần.

Sau buổi tiếp kiến chung, ông có dịp chào Đức Phanxicô không? Có, và đây là một món quà thật đẹp, tôi may mắn được gặp ngài. Ngài xin chúng tôi cầu nguyện nhiều cho ngài vì ngài rất cần. Ngài đơn sơ nói thật khó khăn. Chúng tôi nói với ngài, chúng tôi yêu ngài. Đức Thánh Cha như ngọn núi Everest của thế giới kitô. 

Ông có dịp gặp Đức Gioan-Phaolô I năm 1978. Ông giữ kỷ niệm nào với ngài? Nụ cười và tính cách dễ gần của ngài. Ngay khi tôi nghe có cuộc bầu chọn tân giáo hoàng, tôi đến Rôma bằng cách xin đi quá giang. Khi đến nơi, tình cờ tôi gặp ngài. Tôi là người gần với các người khất thực ở Đền thờ Đức Bà Cả. Một ngày nọ, các hiến binh hoảng sợ tìm giáo hoàng khắp nơi, họ nghĩ ngài trốn đâu đó. Ngài ra khỏi Vatican và đến Đền thờ Đức Bà Cả để giải tội, bắt đầu với các người nghèo. Bỗng nhiên, mọi người nhận ra giáo hoàng đang giải tội cho mình.

 

Các giáo hoàng khác đã làm ông xúc động? Một trong các giáo hoàng đầu tiên, giáo hoàng Calixte I. Ngài là nô lệ trước khi làm giáo hoàng. Nhất là ngài là giáo hoàng đầu tiên nói đến lòng thương xót, trước cả Đức Gioan-Phaolô II. Giáo hoàng này đã làm cho tôi trở nên tốt vì ngài là một tội nhân thật sự. Thật tuyệt khi biết ngài xuất thân từ một gia đình gàn gàn dở dở như gia đình tôi, ngài hiểu hết hoàn cảnh con người, và ngài có kinh nghiệm của sự trở lại. Ngài giống như Thánh Phaolô: tông đồ của lửa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

534    18-02-2019