Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Tình Bạn với Chúa Giêsu

 

Yêu Chúa và yêu người lân cận là cửa ngõ cho cuộc sống hòa bình

 

Heidi Bratton chia sẻ một vài hiểu biết về việc phát triển sự gần gũi hơn với Chúa.

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy  không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được  hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau (Ga 15, 12-17)

Cuộc sống hàng ngày có thể cô lập chúng ta với Thiên Chúa. Mặc dù chắc chắn tôi không có ý định để Chúa ra sau chót, nhưng tôi có thể dễ dàng bị cuốn theo sự bận rộn thường ngày của tôi và rời xa Chúa. Tất cả các cách thức hoạt động và đối tượng tranh giành tình cảm của tôi (và túi tiền của tôi). Và, đúng vậy, thậm chí ngay cả tình yêu của tôi dành cho gia đình cũng có thể cản trở tôi giữ điều răn thứ nhất: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của người, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,1-3).

Có lẽ bạn chưa bao giờ nghĩ về sự bận rộn hoặc điều gì đó đáng trân trọng như sự tận tâm với gia đình của bạn như một vị thần giả, nhưng bất cứ điều gì trở nên quan trọng đối với chúng ta hơn là mối tương quan của chúng ta với Chúa đều trở thành một loại thần tượng, hoặc thần giả, và theo thời gian nó sẽ cướp đi sự bình an của chúng ta.

Như thế việc giữ cho điều răn thứ nhất có ý nghĩa gì trong cuộc sống của một người phụ nữ hiện đại?

May mắn thay, nó có thể có nhiều hình thức. Đối với một số người, việc đặt Thiên Chúa lên trên hết là quan điểm rất truyền thống như tham dự Thánh Lễ hàng ngày. Những người phụ nữ khác đặt Thiên Chúa lên hàng đầu và đồng điệu với Giáo Hội bằng cách cầu nguyện nhịp nhàng các Giờ Kinh Phụng vụ, đọc Kinh Truyền Tin vào buổi trưa, hoặc lần chuỗi Lòng thương xót Chúa vào lúc ba giờ chiều. Đối với những người khác, việc đặt Thiên Chúa lên trên hết giống như đọc Kinh Thánh hàng ngày, gặp gỡ nhóm học Kinh Thánh hàng tuần hoặc tham dự trong Thánh Lễ vào những ngày Chúa Nhật. Một trong những cách yêu thích của tôi để mở lòng với Chúa mỗi sáng là cùng với gia đình hát những bài thánh ca thích hợp theo mùa, cùng nhau cầu nguyện quanh bàn ăn bữa điểm tâm hoặc trên xe hơi trên đường đến trường, và một lần nữa trước khi đi ngủ vào ban đêm.

Thành phần chung cho tất cả những điều này là chúng không phải là chương trình hay dự án; chúng chỉ đơn giản là những cách để giữ Thiên Chúa ở vị trí trước hết trong cuộc sống của chúng ta. Cho dù thông qua những lời cầu nguyện truyền thống hay những hình thức đạo đức mới mẻ hơn, chúng ta đạt được sự bình an nội tâm lâu dài bằng cách liên tục đặt mình vào sự hiện diện của Thiên Chúa và để tình yêu của Người làm cho tâm hồn chúng ta được vững vàng, ổn định.

Nhà thơ nổi tiếng Maya Angelou từng viết: “Tôi đã học biết rằng mọi người sẽ quên những gì bạn nói, mọi người sẽ quên những gì bạn đã làm, nhưng mọi người sẽ không bao giờ quên cảm giác mà bạn để lại nơi họ như thế nào” (Maya on Oprah,” Vibrant Word (blog), được truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2014, http://www.vibrantword.com/maya_angelou.html)

Khi tôi suy nghĩ về cuộc sống của tôi, lời phát biểu này chắc chắn đúng. Cho đến ngày hôm nay, tôi có thể nghĩ về những người đi qua cuộc đời của tôi, chẳng hạn như các thầy cô và các ông chủ, những người đã trao tặng tôi tình yêu và sự khích lệ. Chỉ là ký ức về tình bạn của họ nâng đỡ tôi, làm tôi bình tĩnh lại, làm mới lại sức mạnh của tôi hoặc hồi phục lại sự bình an của tôi, tùy thuộc vào những gì đang xảy ra trong cuộc sống của tôi vào thời điểm đó. Tôi cũng cảm thấy như vậy khi tôi suy nghĩ về tình bạn của tôi với Chúa Giêsu.

Làm thế nào để phản ánh về hành trình đức tin của bạn, tình bạn của bạn với Chúa Giêsu, làm cho bạn cảm thấy thế nào? Tôi cầu nguyện rằng những cảm xúc của bạn là những cảm giác của sự bình an và tình yêu chứ không phải sự lo lắng và mặc cảm. Nhưng nếu điều đó không hợp với hoàn cảnh của bạn, thì Đức Giáo hoàng Phanxicô có đôi lời hy vọng dành riêng cho bạn:

Khi việc rao giảng trung thành với Tin Mừng, trung tâm của những chân lý nhất định là hiển nhiên, và rõ ràng rằng đạo đức Kitô giáo không phải là một hình thức của chủ nghĩa khắc kỷ, hoặc tự chối bỏ, hoặc chỉ là một triết lý thực tế hoặc một danh mục những tội lỗi và lỗi lầm. Trên tất cả, Tin Mừng mời gọi chúng ta đáp trả lại Thiên Chúa của tình yêu Đấng cứu độ chúng ta, để chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi những người khác và đi ra khỏi chính mình để tìm kiếm sự tốt lành của những người khác…

Mọi người cần phải xúc động trước sự an ủi và sự thu hút của tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa, tình yêu vốn đang hoạt động cách mầu nhiệm nơi mỗi người, bên trên và vượt qua những lỗi lầm và thất bại của họ (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng – Evangelii Gaudium, 39.44).

Ý định của Thiên Chúa là bạn và tôi cảm nhận được tình yêu của Người và nhận biết sự bình an của Người, bất kể điều gì chúng ta có thể đã nghe ngược lại. Sau cùng, đức tin Công giáo của chúng ta không hệ taị ở việc chăm chăm tuân giữ luật lệ. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi để đáp lại một cách quảng đại tình yêu của Thiên Chúa bằng cách yêu mến Người qua lời cầu nguyện và bằng cách tìm cách chia sẻ tình yêu của Người với những người khác.

Trong thực tế, cho dẫu chúng ta khao khát hòa bình (bình an) đến mức nào và muốn trở thành những người kiến tạo hòa bình ra sao, thì sự vội vã, nỗi lo lắng và tất cả các cuộc giao tranh lớn và nhỏ đang cản đường chúng ta. Hòa bình (bình an) không phải là một trạng thái ổn định mà là một điệu nhảy với thời gian, sự căng thẳng, xung đột, tiền bạc, sự hiểu lầm, đau khổ và thậm chí sự xấu xa hoàn toàn. Câu hỏi thực sự không phải là “chúng ta có bình an không?” nhưng “Có thể giữ chặt lấy Chúa Giêsu, Hoàng Tử hòa bình, Đấng giữ cho chúng ta vững vàng, ngay cả khi các lực lượng chống đối cố gắng đưa chúng ta xoay vòng trong vòng tròn bất ngờ?”

Phần đầu tiên của tin tốt lành là “Có!” Đối với những người đón nhận sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, việc duy trì ổn định trên sàn nhảy của cuộc sống không chỉ có thể mà còn được mong đợi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự bình an của con. Bắt đầu từ hôm nay, xin hãy khơi lên hoặc làm mới kinh nghiệm của con về tình bạn của Chúa để con có thể trải nghiệm tình yêu cứu độ và cảm nhận sự bình an của Chúa.

Đây là một lựa chọn từ Tìm Kiếm Sự Bình An của Thiên Chúa trong Những Thách Đố Hằng Ngày của Heidi Bratton (The Word Among Us Press, 2015). Có sẵn trực tuyến tại wau.org/books.

Theo The Word Among Us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hươn

690    24-05-2019