Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Tình yêu và sự bội phản

 

 

          Nhớ thuở còn bé, lần đầu tiên tiếp cận với Thánh Ca, có lẽ là giọng ca của nữ ca sĩ Hoàng Oanh. Cô có một giọng ca đặc biệt để rồi khi nghe rất dễ phân biệt. Một trong những bài hát để đời của Cô mà tôi còn nhớ và thỉnh thoảng vẫn nghe :

Trên đồi cao trong gió lao xao gọi lời tình yêu.

Giêsu gục ngã treo thân thập giá giang cánh tay ôm tội đọa đầy.

Thân tàn với Con Chúa Trời nghe hồn chợt đơn côi.

Ôi! Nhân loại hỡi sao chưa hoài tới mà nỡ quên ân tình biển khơi.

Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian.

Vì Ngài chỉ đến sống cho tình yêu, chết cho tình yêu

Để cứu muôn người lỗi tội đưa về trời đẹp tươi.

Trên đồi cao trong tiếng ngân chuông chiều vọng tình yêu

Giêsu lặng lẽ môi khô bờ hé tim tan nát tan gai nhọn bạo tàn.

Ân tình sâu ai có mau quay về nguồn yêu thương.

Ôi! Cha Người hỡi xin tha lầm lỗi những tháng năm xa ru đời biệt tăm.

Vì Ngài chỉ đến sống cho tình yêu, chết cho tình yêu ! Rõ ràng, đó là căn tính và cuộc đời của một con người mang tên Giêsu. Người ta nói, cái tên gắn với cái phận và rồi tên Giêsu phải chăng đã gắn liền với thập giá và Giêsu chấp nhận phần phước là bị treo trên cây thập giá cùng với hai tên gian phi.

Hẳn, ta còn nhớ trong thư gửi tín hữu Philip :   “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).

Không phải đợi đến thánh Phaolô Ngài mới vẽ cho ta thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu như vậy nhưng rồi các ngôn sứ trong Cựu Ước đã phần nào phác họa lên khuôn mặt, cuộc đời của Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa làm người. Đặc biệt, trong Isaia, Isaia đã vẽ thật rõ nét hình ảnh của người tôi trung của Thiên Chúa. Is 41,8-13, nói thật rõ:

Phần ngươi, hỡi Ít-ra-en, tôi tớ của Ta, hỡi Gia-cóp, kẻ Ta tuyển chọn, dòng dõi Áp-ra-ham, bạn của Ta, Ta đã đưa ngươi về từ tận cùng cõi đất, kêu gọi ngươi từ những miền xa thẳm. Ta đã nói với ngươi: “Ngươi là tôi tớ Ta, Ta đã chọn ngươi… Ta lại còn trợ giúp người với tay hữu toàn thắng của Ta”.

Is 42,1-9 –  không chỉ rõ người tôi tớ là ai. Tiếng nói của Chúa giới thiệu người tôi tớ: “Đây là người tôi tớ Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng. Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân… ngươi sẽ là giao ước với dân, là ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù lòa…”

 Trong Is 50,4-11, ta có cái mà truyền thống vẫn gọi là Bài Ca Thứ Ba về Người Tôi Tớ, và chủ đề về những khó khăn, đau khổ, chống đối mà người tôi tớ phải chịu được thấy một cách ấn tượng hơn: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Điều này có lẽ muốn nói đến ngay cả những chống đối về thể lý, những đau đớn trong thân xác mà người tôi tớ là nhóm người Israel trung thành phải hứng chịu. Nhưng một lần nữa, nhóm tôi tớ này tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa, và vì thế họ có can đảm để bước tới: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50,7).

Hình ảnh Người Tôi Tớ của Thiên Chúa rõ nét nhất trong Cuộc Thương Khó mà chúng ta vừa đi lại, vừa nghe lại, vừa nhập tâm.

Nhân vật chính của Cuộc Thương Khó đó chính là con người mang tên Giêsu. Giêsu hôm nay đã tỏ bày cách rõ nét nhất về tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho con người tội lỗi. Dù biết con người là tội lỗi nhưng Thiên Chúa Ngài vẫn mãi yêu và vẫn cứ yêu.

Trong đoàn người tiến lên đỉnh Đồi Canvê, ta bắt gặp sự phản bội đến tột cùng. Trong cái rừng người chiều hôm ấy, ắt hẳn có những người được ăn bánh no nê, được chữa lành, được thương yêu, ủ ấp và đồng bàn thậm chí là đồng giường ngủ sau khi mỏi mệt trên những nẻo đường truyền giáo. Ấy vậy mà, con người không dủ một chút lòng thương cảm với vị ân nhân của mình, với người đã ra tay cứu mình, đã yêu thương mình.

Tình Yêu đong đầy được đền đáp bằng sự bạc tình.

Tưởng chừng câu chuyện tình ngày xưa ấy như đã đi vào dĩ vãng nhưng rồi nó lại cứ tái hiện ngày hôm nay trong cuộc đời này, bi đát nhất là nó lại tái hiện ngay trong Giáo Hội, Giáo Xứ, Gia Đình và nơi mỗi người được yêu thương từ Thiên Chúa.

Thiên Chúa mà người ta còn có thể bội phản được thì không hà cớ gì con người, Người giữa người với nhau cũng  bội phản tột cùng.

Ngày hôm nay, sống giữa một xã hội mà phải nói rằng tình yêu quả là món xa xỉ khi người ta ích kỷ, lạm dụng, chiếm đoạt và có thể có khi là cướp đoạt.

Trong gia đình, cha mẹ không còn yêu thương con cái bằng tình yêu thuần khiết, tình mẫu tử phụ tử thiêng liêng nữa. Người ta có thể giết sinh linh nhỏ bé mà Thiên Chúa trao ban cho họ để rồi họ sẵn sàng giết hại do sự ích kỷ của mình.

Anh chị em trong gia đình với nhau cũng thế, hết rồi cái tình bằng hữu và chung dòng sữa mẹ. Họ viện đủ thứ lý do để phản bội nhau và thậm chí thù ghét nhau nữa.

Tình hàng xóm, tình máu mủ cũng không còn nữa với nhau.

Giải thích lý do về chuyện tình yêu phản bội đó không quá khó. Đơn giản là tình Chúa dành cho con người ta, người ta còn không coi ra gì để rồi người ta sẵn sàng báng bổ và vất đi. Tình yêu của một Đấng yêu thương họ đến cùng họ còn sẵn sàng bội phản thì giữa người với người với nhau thì chả có gì đáng bàn nữa.

Ngày hôm nay, bước vào Tuần Lễ của tình yêu, ta được mời gọi nhìn lại tình yêu giữa ta và Chúa và tình yêu của  ta với anh chị em đồng loại.
CTV TT VL 

869    09-04-2017