Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Vì sao Đức Phanxicô phong thánh cho Hồng y John Henry Newman

 

Giữa kỳ thượng hội đồng (từ 6 đến 27 tháng 10), ngày chúa nhật 13 tháng 10 Đức Phanxicô sẽ phong thánh cho hồng y người Anh John Henry Newman (1801-1890), trở lại từ anh giáo qua công giáo năm ngài 44 tuổi, các bài viết của ngài thường được Đức Bênêđictô XVI trích dẫn. Một lựa chọn chỉ ngạc nhiên về bên ngoài. Nhà khảo luận Grégory Solari làm sáng tỏ lựa chọn này, ông là giáo sư và là nhà xuất bản, tác giả quyển sách John Henry Newman. Biện luận cho sự thánh thiện (John Henry Newman. L’Argument de la sainteté  nxb. Ad Solem).

Đức Phanxicô đã phong thánh cho ông bà Martin, thân sinh Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu trước Thượng hội đồng về gia đình. Đâu là mối liên hệ những Hồng y Newman và vùng Amazon?

Grégory Solari: Hồng y Newman không có mối quan tâm về sinh thái, nhưng ngài có một nhận thức rất bén nhạy về Tạo dựng. Trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’, Đức Phanxicô nói về “Tin Mừng của Tạo dựng”. Đây là một công thức rất đặc biệt. Nói tạo dựng như “phúc âm” có nghĩa là những chuyện chúng ta thấy, chúng ta được ban cho là “tin mừng”. Qua Tạo dựng, qua vẻ đẹp, qua thiên nhiên, qua bản chất mọi chuyện, Chúa tự thể hiện với chúng ta, như lời được nhắm đến và nói với chúng ta từ Ngài. Cái nhìn mang tính thiêng liêng này về tạo dựng cũng là cái nhìn của Newman. Chúng ta có thể nói ngài có một “bản chất thứ nhì”, một cái gì đặc biệt của người Anh, nhưng cũng liên hệ đến khí chất của ngài, vì Hồng y Newman là thi sĩ và nhạc sĩ. Ngài thấy cái nhìn này nơi các Giáo phụ của những thế kỷ đầu tiên, đặc biệt nơi Origène và Clément d’Alexandrie và một cách khác nơi Wordsworth và những người lãng mạn Anh. 

Ông nghĩ gì về việc Đức Phanxicô phong thánh cho Hồng y Newman, người thường được liên kết một cách tự nhiên với Đức Bênêđictô XVI?

Đúng vậy, hình ảnh của Hồng y Newman thì thân thuộc với Đức Bênêđictô XVI – một học giả, chuyên gia về các Giáo phụ, một hồng y, một kitô hữu miền Bắc. Và Giáo hoàng danh dự đích thân qua Anh để phong chân phước (19-9-2010) cho Hồng y Newman. Thường thường chúng ta thấy Hồng y Newman qua hình ảnh một người của sự phát triển giáo điều, trở lại đạo công giáo vì người anh giáo quá tự do – tóm tắt: người của giáo điều đối diện với thế giới của chủ nghĩa tương đối. Điều này không hoàn toàn sai, nhưng đây không phải là điểm đầu tiên. John Henry Newman trước hết là người con đích thực của Cải cách. “Đích thực” trong một nghĩa nghịch lý, vì ngài luôn tìm cách để sống theo những gì mà Giáo hội anh giáo không còn có thể làm cho ngài sống với chính mình, theo tinh thần Cải cách, theo tinh thần Phúc Âm, chỉ vì họ quá tự do.

Để tiếp tục được cải cách, ngài nghĩ ngài phải trở thành người công giáo…

Đúng, nhưng, lại có một nghịch lý mới, khi ngài thành người công giáo, ngài nhận ra đạo công giáo lại dựa trên một thứ trật giáo sĩ – giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục. Giáo dân được rửa tội thì không được tính đến. Đến độ khi ngài muốn thuyết phục các giám mục sự cần thiết phải đào tạo giáo dân, chuẩn bị cho họ đối phó với các ngẫu biến đang hình thành trong xã hội, ngài tin chắc rằng đối diện với chủ nghĩa tương đối, họ sẽ hơn các mục sư, nhưng ngài nhận được câu trả lời của cấp cao: “Giáo dân là gì? Họ chỉ đi săn, đi câu hoặc đi chơi!” Vậy mà đối với Newman, chính cộng đoàn của những người rửa tội là cộng đoàn phải được hỏi ý kiến về mặt giáo điều. Một bài viết năm 1859 của ngài đã chỉ thẳng vào điểm mù quáng này của thần học. Ngài đã phải trả giá điều này cho sự nghiệp của mình, người ta cáo buộc ngài là “người nguy hiểm nhất của Giáo hội Anh giáo”. Và sau đó, giáo hội học của ngài đã được Công đồng xác nhận (Giáo hội là dân Chúa), và bây giờ là Đức Phanxicô và sự khăng khăng của ngài về đặc tính đồng nghị của Giáo hội. Khi phong thánh cho Hồng y Newman, Đức Phanxicô cho Giáo hội công giáo một mô hình của tinh thần đồng nghị. Nhưng một mô hình có tính đòi hỏi. Vì Hồng y Newman muốn các tín hữu được đào tạo, để biết về những gì họ tin, để sẵn sàng nhận thức qua cách sống và suy nghĩ của mình. Như ngài.

Khi phong thánh cho Hồng y Newman, Đức Phanxicô cho Giáo hội công giáo một mô hình của tinh thần đồng nghị. Nhưng một mô hình có tính đòi hỏi.

Hồng y John Henry Newman có đau khổ khi qua đạo công giáo không?

Khi rời Giáo hội anh giáo, một Giáo hội mà ngài yêu mến, Newman đã mất tất cả, đầu tiên hết là mất các bạn của mình – ngài là người thu hút tình bạn như nam châm hút kim loại -, thế mà ngài không tìm thấy gì nơi người công giáo. Đối với Giáo hội công giáo nước Anh thế kỷ 19, Newman có một chút gì như người ngoài hành tinh. Một học giả đến từ trường Đại học Oxford, được nhào luyện trong nhân văn và tư tưởng các Giáo phụ, ngài biết rõ họ hơn ai, thì một người con đích thực của Cải cách sẽ làm được gì? Người ta chưa bao giờ thực sự biết phải ‘dùng’ ngài như thế nào. Hoàn toàn không được hiểu, ngài đau khổ với người công giáo nhiều hơn là với người anh giáo.

Làm thế nào để giải thích điểm chính tư tưởng của Hồng y Newman với một độc giả chưa quen thuộc với đời sống và các bài viết của ngài?

Nhìn lại nguồn gốc các tiến trình, các quyết định thần học và triết lý của ngài thì ngài đã có xác tín ngay từ lần trở lại đầu tiên khi 15 tuổi, và ngài đã kết nối rất nhiều sau này trong bài viết Apologia. Xác tín “chỉ có hai chủ thể tuyệt đối mà sự tồn tại được sáng rõ và làm chứng cho nhau: chính tôi và Đấng Tạo dựng tôi”. Khi Newman nói “chính tôi” thì đây là đứa con của Cải cách và của thời hiện đại: hành động và suy nghĩ, đó là khởi đi từ chính mình, chủ thể là trọng tâm chính của mình. Và ngay lập tức ngài thêm: Con người không chỉ dựa vào chính mình, nó được mang bởi một người khác – bởi Chúa, bởi Đấng Tạo Dựng nó. Điều này có nghĩa con người là không thấu hiểu được, nếu nó không nhận ra nó được tạo ra, nó là một tạo vật tùy thuộc một tạo vật khác. Sự phụ thuộc này, không phải là một suy diễn hợp lý, nhưng là một “tình cảm”, một cái gì mà chúng ta cảm nhận trong hiện tượng của ý thức. Trong chúng ta, có ai đó nhìn chúng ta, thấy chúng ta và phán xét chúng ta. Đối với Newman, lương tâm là tiếng vang của một lời được gởi đến chúng ta, hay là dấu vết mà Đấng Tạo Dựng để lại trong chúng ta – tiếng nói, hay tiếng vang của tiếng nói của Chúa. Trọn hành trình của John Henry Newman dựa trên xác tín này, và trước ngài là của Thánh Âugutinô hay của Calvin. 

Nhiều tiếng nói chỉ trích triều giáo hoàng Đức Phanxicô, cho rằng ngài tương đối hóa truyền thống và Tin Mừng, ngài xem trọng lương tâm hơn là các giáo hoàng tiền nhiệm. Việc phong thánh cho Hồng y Newman Beaucoup có thể mang lại một câu trả lời cho điều này không?

Newman dạy rằng, bằng cách nghe tiếng lương tâm, chúng ta dần dần nhìn thấy trong mình hình ảnh của một người được trời phú cho một tính cách, như một khuôn mặt trong ánh sáng lờ mờ… còn trong bóng tối mà chúng ta chưa thấy rõ nét vì thiếu ánh sáng. Ngài giải thích, do cấu trúc của lương tâm, chúng ta cần một mạc khải bên ngoài đem ánh sáng đến cho những gì chúng ta đã được ban trong bóng tối. Vì thế, ý thức đòi hỏi Mạc khải, Kinh Thánh và do đó là Giáo hội. Do đó Newman nắm giữ hai thứ cùng với nhau: Lời Chúa (hay tiếng vang) trong chúng ta: đó là lương tâm; Lời Chúa ngoài chúng ta: Giáo hội. Trong nghĩa này, phúc âm hóa không phải là vi phạm lương tâm nhưng là hoàn tựu cho lương tâm, vì hình ảnh này chưa trọn hảo, nó sẽ trở thành trọn hảo khi được soi sáng – được vén mở hoàn toàn – qua sự mạc khải. Vậy, chúng ta có thể nói: những gì tôi nghe nhầm trong tôi, tôi nhận ra nó. Đây không phải là chủ nghĩa chủ quan vì Người Khác đã ở đó, cùng một lúc với bạn và thậm chí trước cả bạn! Thêm nữa, Người Khác này, bạn  sẽ chỉ có thể nhận ra nếu bạn sẵn sàng quan tâm. Nếu bạn trả lời một cách cá nhân các mệnh lệnh của lương tâm. Vậy, không gian của một cuộc sống phù hợp với lương tâm là Giáo hội. Như vậy không có biện chứng: Newman không phản đối chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa khách quan, tự do và vâng lời. Tất cả đi cùng với nhau. Theo tôi, đó là sức mạnh phi thường của ngài: ngài dùng lại những gì mạnh nhất trong Cải cách – chủ thể trách nhiệm với những gì mình tin – và những gì mạnh nhất trong công giáo – là không thể tin một mình độc lập với đức tin chung của cộng đoàn. Đó chính là Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô. Nếu chúng ta muốn hiểu làm thế nào mà Đức Phanxicô không đưa ra trong chủ nghĩa chủ quan thì phải đọc Newman. 

Newman dùng lại những gì mạnh nhất trong Cải cách và những gì mạnh nhất trong công giáo.

Và làm thế nào để hiểu lý thuyết của Newman về sự phát triển của giáo điều, một nguyên tắc thân thiết với Đức Phanxicô?

Newman nhấn mạnh: trước hết không phải giáo điều phát triển nhưng Giáo hội phát triển, bởi vì Giáo hội là một tổ chức sống. Theo ngài, cộng đoàn những người đã được rửa tội là một cộng đoàn sống, và giống như tự nhiên, cộng đoàn chỉ có thể sống khi các hiện tượng tăng trưởng, phục hồi, trì trệ nhất thời và rồi bỗng chín muồi. Mặt khác ngài khẳng định, đóng góp thần học chính của ngài là mang đến một ghi chú thứ năm cho Giáo hội: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, nhưng cũng là sống động. “Sống” có nghĩa là nó luôn ở trên đà và lao tới, không bao giờ ngừng và cố định. Giáo điều, là triệu chứng của đời sống này. Khi không có phát triển thì đó là báo hiệu cho thấy không có sự sống. Vì thế ưu tiên dành cho thời gian – phát triển mở rộng ra trong thời gian -, và chúng ta thấy đây là một trong các nguyên tắc của Đức Phanxicô: “Thời gian thì cao hơn không gian.” Newman nói thêm, một cám dỗ luôn thường xuyên đe dọa cộng đồng giáo hội: ngừng hay dính vào một thời lý tưởng hóa. Để giữ nguyên, cơ thể Giáo hội phải thay đổi hình thức. Nếu không được như vậy, thì chúng ta có nguy cơ dị giáo và ly giáo. Nguyên tắc này Đức Phanxicô cũng đã xác định rõ ràng. Newman giải thích có hai cách ra khỏi Giáo hội: quá sốt sắng khi đi quá nhanh, hoặc thiếu sốt sắng khi đi quá chậm “bởi vì như trước thì tốt hơn.” Các lời nói còn mang tính thời sự!

Ngài chịu ảnh hưởng mạnh của các Giáo phụ. Ngày nay giáo phụ học được đi trở lại, câu khẩu hiệu của Đức Phanxicô là “Được gọi vì được thương xót” (Miserando atque eligendo) là từ bài giảng của Giáo phụ Bède le Vénérable – làm thế nào để giải thích sự liên quan của họ trong thế giới đương đại?

Người mà Newman chú ý đến nhiều là Thánh Giáo phụ Athanase d’Alexandrie, nhân vật vĩ đại của công đồng đại kết đầu tiên Nicée. Newman dừng lại ở Thánh Athanase, vì ngài cảm thấy kitô giáo qua đột biến thì tương tự như thời công đồng Nicée, và chúng ta sẽ ra khỏi thời kỳ Constantin, từ liên kết Nhà nước-Giáo hội và chúng ta sẽ đối diện với những những người tương tự như những người ở các thế kỷ đầu tiên tiền-kitô giáo. Theo ngài, các Giáo phụ thời Thánh Athanase là những người đương thời với chúng ta vì thế giới của họ tương tự như thế giới mà chúng ta thấy ngày nay.

Và các khí cụ nào mà Thánh Athanase và các bạn của ngài đề xuất để ra khỏi cơn khủng hoảng lúc đó?

Một chút giống như tất cả những gì Đức Phanxicô cố gắng cho chúng ta để sống! Thánh Athanase là một phó tế vào thời công đồng Nicée, ngài được các đan sĩ và các cộng đồng người đã rửa tội nâng đỡ khi những người Ariô đang làm chủ tình thế. Ngài cho ví dụ của một Giáo hội không dựa trên thứ bậc nhưng dựa trên tín hữu và các đan sĩ. Ngoài ra ngài còn được Thánh Antôn và các đan sĩ trong sa mạc Ai Cập ủng hộ. Ngài là hiện thân của một Giáo hội không còn dựa trên thể chế nhưng trên điều thiết yếu: một đời sống trước mặt Chúa, bởi các chứng nhân của sự hiện diện của Chúa, trong các cộng đoàn giáo xứ nhỏ hay cộng đoàn đan sĩ, làm chứng cho sự hiện diện của Chúa trong phụng vụ và trong ngợi khen. Trục này giữa Newman và Thánh Athanase giúp chúng ta hiểu các nhu cầu của thời chúng ta và các tài nguyên chúng ta có.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

1047    12-10-2019