Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Vĩnh Long xưa và vị bác sĩ người Pháp

vinhlongxua12

 

Một.

Năm 1962...

Nhập học được vài tuần, cả lớp chúng tôi đi khám sức khoẻ. Đến nơi chừng năm phút, vị bác sĩ bước ra. Đó là một người Pháp. Ông tươi cười nói một hai tiếng Việt lờ lợ chào đám học trò chúng tôi.

Mới niên khóa đầu tiên, cùng lớp nhưng chưa quen nhau nhiều. Không biết các bạn khác ra sao chứ tôi thì quá lơ ngơ. Chính xác là một đứa nhỏ mười tuổi nhà quê mới lên tỉnh.Từ hồi nào tới giờ, tôi chưa xa gia đình, dù một đêm. Bây giờ, thật lạc lỏng khi phải làm quen nếp sống nội trú trong Chủng viện. Mỗi việc lớn nhỏ đều phải tập tự lo cho mình theo giờ khắc trong ngày. Trong những ngày chân ướt chân ráo non nớt này, tôi mới biết thành thị là thế nào. Hình ảnh chiếc xe ngựa chở khách từng thấy trong hình vẽ, bây giờ nó chạy mỗi ngày ngoài đường. Rồi mới nghe biết là xe thổ mộ.

Khi cả lớp đủ mặt trong một gian phòng lớn thì được biết đây là nhà thương. Chúng tôi thấy hai dãy nhà lầu bề thế. Nhìn ra ngoài là khoảng sân rộng rải. Phía xa xa là cái cổng sắt. Trên cổng có hàng chữ "Dưỡng Đường Thánh Minh". Bên kia đường là Trường Nam Tiểu học (theo cách gọi thời bấy giờ). Bác sĩ Lesage coi Dưỡng đường này suốt thời gian từ đầu cho đến khi ngừng hoạt động.

Người Tây thì cao to hơn hẳn người Việt mình. Gương mặt người Tây trắng trẻo, cặp mắt xanh xanh, nhất là cái mũi cao là những nét khác với người mình. Và khi ông cười chào chúng tôi thì quả là phong cách của người văn minh và trí thức. Dáng người đi đứng lẹ làng, ăn mặc chu đáo, làm việc nhanh nhẹn là những hình ảnh của một người Tây tôi mới thấy lần đầu. Bao nhiêu năm ớ Vĩnh Long, mỗi lần nhìn thấy ông là tôi thầm thích cái dáng vẻ tươm tất hay hay này. Ngày mưa hay ngày nắng, lúc nào chân cũng mang giày. Mái tóc màu nâu hơi dờn dợn rẽ đường ngôi từ ngay giữa đầu ra hai bên khá lạ. Chưa bao giờ thấy được bàn chân của ông hay thấy ông bỏ áo ngoài quần. Tôi cũng trông sẽ có lúc thấy tóc tai bù xù như thường thấy ở người mình; nhưng chưa bao giờ.

Ông về Vĩnh Long làm việc từ những năm giữa thập niên 50 (1950) do sự giới thiệu của Đức Cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục. Có lẽ tên Dưỡng Đường Thánh Minh là từ mối liên hệ này. Thì nhớ ra, từ những năm còn dưới quê, tôi đã nghe bà con nhắc đến nhà thương Thánh Minh và ông bác sĩ Lơ-sai (Lesage).

Những thập niên đầu thế kỷ XX, trong vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, còn một vài căn bệnh được coi là phổ biến và nguy hiểm. Chẳng hạn như bệnh sốt rét, bệnh đậu mùa, bệnh lao phổi. Thời đó, ai mắc bệnh lao sẽ bị người khác xa lánh vì bệnh này dễ lây và nguy cơ chết người rất cao. Chữa trị bệnh lao thời đó vất vả. Bệnh lao phổi nằm trong chương trình hành động của Quốc gia. Ở Sài Gòn, thủ đô của Miền Nam lúc ấy, có hẳn một Viện Bài Lao. Mãi về sau này, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (được đổi tên sau năm 1975) vẫn là hậu duệ của công cuộc bài lao của Quốc gia từ sáu bảy mươi năm trước.

Bác sĩ Lesage chuyên về lao phổi. Phía trên Dưỡng Đường có một sân thượng. Nơi đây, ông hay cho các bệnh nhân nằm phơi nắng mỗi ngày. Một phương cách điều trị có vẻ dân gian nhưng rất khoa học như ông thường giải thích.

Dù ông là người vô thần, nhưng đáng ngạc nhiên là cách xử sự của ông với hàng giáo phẩm Công giáo. Tôi không biết mối liên hệ của ông và Đức Cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục như thế nào. Nhưng phong cách ông lúc nào cũng trọng thị các cha giáo bên Chủng viện mỗi khi có dịp ghé qua. Bọn học trò chúng tôi cũng được hưởng lây. Mỗi năm, vào mùa nắng, sẽ có một đợt chích ngừa. Chính ông đích thân đến chích cho hàng trăm học trò chúng tôi. Ông không để y tá làm, dù đó là việc của họ.

Tôi vẫn còn nhớ cách tiêm thuốc khác người của ông. Thông thường, người ta chích ớ phần trên và phía ngoài của cánh tay, phải hoặc trái. Đàng này, vị trí của ông là bả vai trái phía sau lưng. Để bẳt đầu, bàn tay phải giữ mũi kim bằng hai ngón cái và tró; hai ngón tay bên trái níu một phần da nhô ra để dể ghim kim vào. Sau đó, y tá mới đưa ống thuốc và ông sẽ đặt vào mũi kim đã nằm sằn trên bả vai rồi mới bơm thuốc. Cũng vì cách chích thuốc khác thường này mà đám học trò chúng tôi được một phen cười ngả nghiêng.

Số là mỗi mùa chích ngừa, khi bác sĩ đến thì cha Giám đốc đã có mặt để chào đón ông. Sau đó, trong lúc ông ngồi vào chỗ chuẩn bị thì cha Giám đốc cũng tiếp tục trò chuyện thêm vài phút cho tròn câu chuyện. Lần đó, không biết câu chuyện sôi nổi thế nào mà ông bác sĩ quay qua nói liên hồi với cha Giám đốc. Thế là, người muốn đi cho ông làm việc cũng không bứt ra được. Người cần được bơm thuốc cứ đứng chịu trận vì ông cứ thao thao bất tuyệt sau khi đã ghim cây kim lên lưng anh bạn rồi bỏ đó.

Một tính cách đặc biệt nơi ông là tình cảm ông dành cho người Việt. Ông có viết một cuốn sách nhỏ bày tỏ sự quý mến này. Tiếc là tôi không nhớ tên quyển sách. Chuyện kể lại về một lần cấp cứu. Người ta đưa tới cho ông một ông lão trong tình trạng nguy cấp. Bệnh nhân không thở được. Sau khi xem xét, bác sĩ nói ai đó trong gia đình hãy dùng miệng hút nơi mũi thì ông mới thở được. Không ai chịu làm cả. Bác sĩ nói việc này không có gì nguy hiểm mà giúp người bệnh được sống. Hãy can đảm và ông sẽ có đủ nước nôi, phương tiện để vệ sinh lại sạch sẽ… Bốn năm người thân, con cháu từ già đến trẻ có mặt ở đó đều từ chối. Cuối cùng chính bác sĩ làm.

Cũng theo lời kể của nhiều người, mỗi khi thấy một bệnh nhân nghèo, ông hay hỏi thăm và giúp đỡ. Người nghèo, người thất thế, người quê mùa mà gặp ông là may mắn cho họ.

Có lẽ dấu ấn rõ nhất là ông đã nhập quốc tịch Việt Nam sau một thời gian ngắn đến Vĩnh Long. Tên đầy đủ trong tiếng Pháp của ông là Guy Lesage. Tên tiếng Việt là Lê Huy Minh. Thật độc đáo khi tìm được một tên gọi như vậy. Lê Huy Minh vừa tượng thanh tên tiếng Pháp của ông vừa dịch ý nghĩa của nó. Trong tiếng Pháp, tính từ “sage” có nghĩa là khôn ngoan. Danh từ “Le sage có nghĩa là bậc hiền nhân.

Chuyện không ngờ đã xảy ra là sau biến cố 1975, ông tình nguyện ở lại Việt Nam như một công dân bình thường. Ông đến Bệnh viện Nguyễn Trung Trực (Bệnh viện cũ ở Vĩnh Long) xin làm việc. Nhưng nhà nước đã từ chối và yêu cầu ông rời khỏi Việt Nam. Giờ đây, có lẽ ông không còn trên đời, nhưng chắc chắn ông đã để lại cho những người biết ông dù nhiều dù ít sự luyến tiếc và khâm phục hình ảnh một người thầy thuốc tận tụy cho những người không cùng màu da, máu mủ với mình. 

Trên đây là vài nét về bác sĩ Guy Lesage mà tôi còn nhớ được. Thời gian qua nhanh. Vật đổi sao dời. Tưởng chừng mọi chuyện cũ đã im lìm không còn dấu vết. Nhưng thật bất ngờ, gần năm mươi năm sau 1975, từ một người bạn, tôi lại vừa nghe được nhiều tình tiết thú vị về thời kỳ ông còn ngồi ở giảng đường Đại học. Và tiếp theo đây như một lần chấp bút để trân trọng tri ơn ông.

Hai.

Paris, từ thế kỷ XIX, được mệnh danh là Kinh thành Ánh sáng, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Năm 1820, phố xá Paris đã có đèn đường. Một trong vài thành phố đầu tiên ở Âu châu  không còn bóng tối về đêm.

Trong thời kỳ này, nền văn học nước Pháp đã đến hồi rực rở nhất mọi thời đại. Và dân Pháp hãnh diện nói rằng Paris chính là Kinh thành Ánh sáng. Người ta thêm rằng muốn biết Paris, giả sử mỗi ngày thăm một địa chỉ thì cũng phải để ra ít là hàng tháng trời mới hy vọng nhận ra dung mạo của nó. Những lâu đài, những công trình kiến trúc đã có từ hàng ngàn năm trước, nay vẫn còn đó như những chứng tích đầy thách đố.

Giữa Paris, có một khu được gọi là Khu Latinh (Quartier Latin). Đây không phải là khu nhà giàu để dân có tiền đổ xô đến hưởng thụ. Trái lại, đây là một khu bình thường. Đó là những quán cà phê vỉa hè, là những hiệu sách, là những thư viện. Nhưng đây là trung tâm vãng lai của giới khoa bản và sinh viên ưu tú của Paris vì ngôi trường Đại học danh tiếng Sorbonne nằm ở đây.

Cũng thời xa xưa đó, tiếng Latin là ngôn ngữ giảng dạy bậc Đại học. Và người ta được nghe từ những quán cà phê vỉa hè những câu chuyện trao đổi với nhau toàn bằng tiếng Latinh, ngôn ngữ của giới trí thức. Đó là lý do tại sao gọi khu phố đó là Khu Latinh cho đến ngày nay, dù bây giờ người ta không dùng tiếng Latinh nữa.

Rồi cũng đã có một ngày, người bạn trẻ Guy Lesage đã từ giã làng quê lên Paris theo học Y khoa. Chắc anh bạn vẫn hằng ngày tới lui Khu Latinh này. Nhất là khi cô bạn học cùng trường, cùng khoa cũng luôn sát cánh suốt thời gian hai người còn đi học. Những con đường nhỏ hẹp, những quán xá quen thuộc trên phố chắc chắn đã nghe được bao câu chuyện của hai người bàn tính chuyện hiện tại, chuyện tương lai.

Trong một lần, Guy Lesage đã đưa bạn gái về thăm quê để làm quen với gia đình. Chuyện kể không thấy nhắc đến người mẹ. Người cha là một ông giáo làng. Gia cảnh thì bình thường như mọi cuộc sống thôn quê thường thấy. Cô bạn gái dù biết mình con nhà trâm anh thế phiệt nhưng không hở môi vì tình yêu đã quá sâu đậm. Tuổi trẻ thì nồng nhiệt. Một chút mù quáng, một chút liều lĩnh là bản chất của mọi cuộc tình đang thắm thiết.

Rồi cũng tới lúc phải đắn đo, suy nghĩ. Khi những năm tháng học tập vất vả kết thúc, con đường trước mắt phải chen chân với đời lại thôi thúc hơn. Khi những ngày vui tốt nghiệp qua đi, niềm vinh dự ấy lại đang manh nha một nỗi lo lắng mông lung. Gần đây, cô bạn gái tỏ cho chàng biết gia thế của mình và cũng lo ngại có điềm gì đó chẳng lành.

Cuối cùng, chàng quyết định quay về với cha là điểm tựa cuối cùng của hy vọng. Đứa con trai bé bỏng ngày nào vừa tốt nghiệp bác sĩ đã thổ lộ hết tâm can với cha già câu chuyện tình cảm của mình. Người cha hết sức suy nghĩ. Cái khoảng cách môn không đăng hộ không đối giữa hai gia đình đã rõ ràng quá sức của ông. Nhưng vì thương con, chấp nhận rủi ro, ông lên đường cùng con trai đến gia đình cô người yêu của con để bày tỏ nguyện vọng cưới cô gái cho con trai mình.

Người ta thấy những bươc chân ra về chậm chạp, không còn dứt khoát của ông giáo làng. Đi cạnh cha già với nét mặt không còn tinh anh như mọi ngày, chàng trai vô vùng hối hận đã để cha mình bị mất mặt nặng nề với người ta. Ông chủ nhà bên kia đã từ chối thẳng thừng vì lý do gia đình ông không xứng. Chưa hết, ông còn chịu nhiều lời dèm xiểm nặng nề. Chàng thất vọng tột cùng. Bị từ chối hôn nhân đau khổ một thì u buồn gấp đôi khi vì thương mình mà cha già đã bị xúc phạm như một kẻ khờ dại mới hành động như vậy.

Tinh thần ông suy sụp mỗi ngày. Biết đâu ông tự dày dò cho rằng sự thất bại này là do thế giá thì mình không có nên người ta coi thường con mình? Chừng vài tháng sau cái ngày bất hạnh đó, ông đã qua đời trong lặng lẽ. Guy Lesage buồn đau tự trách mình đã làm nên nông nổi này. Bên tình bên hiếu bên nào cũng kết thúc như những bản án cay nghiệt. Cuộc tình không thành. Nhưng lòng tự trọng bị xúc phạm thì níu kéo để làm gì? Nếu không tới gặp nhà gái thì cha mình nào có hề hấn gì. Thì còn cần gì một cuộc tình nào nữa?

Nhân dịp chính phủ Pháp đang tuyển người vào quân đội, vị bác sĩ trẻ đã gia nhập ngay trong tư cách một bác sĩ quân y. Giấy phút tàu rời bến, khi tiếng còi hụ vang lên, bác sĩ Lesage hướng mắt nhìn trở lại đất liền. Rồi tự thề với lòng rằng Guy Lesage này sẽ không trở lại nước Pháp một lần nào nữa.

Chi tiết cuối cùng của ông ở Vĩnh Long ngày xưa tôi giữ lại đây như một dấu hỏi khá bất ngờ. Suốt thời gian sinh sống và làm việc ở Vĩnh Long, bác sĩ Lesage là một người độc thân. Từ Dưỡng Đường Thánh Minh, đi bộ chừng năm phút là tới nhà ông. Đó là một ngôi nhà sang trọng nằm gần và cùng một bên với Đất thánh Tây (bây giờ là công viên Lê văn Tám). Tôi nhớ trước 1975 đó là đường Trương Vĩnh Ký (?). Nghe nói ngôi nhà này được ông thuê của một người, gọi là ông Phủ Thịnh. Khi Dưỡng Đường Thánh Minh đóng cửa, ông mở phòng mạch tại nhà cho đến khi ông rời việt Nam.

Sự trùng khớp giữa chuyện tình ngày xưa với cuộc sống độc thân và nhân ái với người nghèo ở Vĩnh Long có giải đáp cho nhau được không? Câu trả lời cuối cùng thì chỉ có chính đương sự mới làm được. Nhưng quả thật, suốt mấy mươi năm làm nghề thầy thuốc, ông là một bác sĩ độc thân, nhiệt tình với bệnh nhân, nhất là thân thiện với người cô thế.

cuatcvxua
Cổng Dưỡng Đường Thánh Minh xưa

 

nhabacsi
Nơi xưa là nhà bác sĩ Lesage

 

Bách Tùng Cao Nguyên 24/6/2022

Tác giả: Ng. Toàn Đông 

1357    26-06-2022