Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Bí Tích Thánh Thể Dấu Chỉ và Lương Thực Cho Tình Yêu Đôi Lứa - Tháng 09 năm 2003

CHỦ ĐỀ: BÍ TÍCH THÁNH THỂ DẤU CHỈ VÀ
LƯƠNG THỰC CHO TÌNH YÊU ĐÔI LỨA

I. ĐỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 57

Bí tích Thánh Thể chính là nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo. Quả thế, hy lễ Thánh Thể diễn lại giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, vì giao ước ấy đã được ký kết bằng máu của Người trên Thập giá. Chính trong hy lễ của giao ước mới và vĩnh cửu ấy mà các đôi bạn Kitô hữu tìm được nguồn mạch tuôn trào làm cho giao ước hôn nhân của họ được khuôn đúc từ bên trong và được sinh động bền bỉ.

Vì là sự diễn lại hy lễ tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh, phép Thánh Thể là nguồn mạch đức ái. Nơi ân huệ của Bí tích Thánh Thể là đức ái, gia đình Kitô hữu gặp được nền tảng và linh hồn cho sự hiệp thông và cho sứ mạng của nó : bánh Thánh Thể làm cho những phần tử khác nhau của cộng đồng gia đình trở nên một thân thể duy nhất, một hình ảnh diễn tả và một sự tham dự vào Thân mình "bị phó nộp" và vào Máu "đã đổ ra" của Đức Kitô sẽ trở nên một nguồn mạch bất tận cho gia đình Kitô hữu đến múc lấy năng lực cho hoạt động thừa sai và tông đồ.

II. CHUYỆN MINH HỌA

SỐNG LIÊN KẾT VỚI CHÚA

Trải qua 2000 năm trong Giáo Hội, ít gia đình được hạnh phúc, có đông đảo con cái dâng mình cho Chúa, như gia đình Bà Vaughan, sống tại Luân Đôn đầu thế kỷ 20.
Trong 13 người con của gia đình Bà Vaughan :
- Một người làm Hồng Y Tổng Giám Mục Giáo Phận Luân Đôn.
- Một người khác làm Tổng Giám Mục
- Hai người làm Linh mục
- Hai nam tu sĩ
- Hai nữ tu sĩ
- Còn năm người sống thánh thiện trong cuộc đời gia đình
Cha của 13 người con trên đây phải vất vả làm việc suốt ngày trong xí nghiệp. Bà Vaughan ở nhà làm nghề phụ và lo việc nội trợ. Dù đầu tắt mặt tối, bận bịu suốt ngày đêm, nhưng bà Vaughan vẫn vui vẻ thay chồng dạy dỗ con cái học Giáo lý, tập luyện cho họ có tinh thần đạo đức, khuyên họ chịu khó học tập, lao động.

Tuy bận bịu với con cái và công việc nội trợ, sáng nào bà cũng tới nhà thờ thật sớm để dự thánh lễ và rước lễ và mỗi trưa đến nhà thờ chầu chúa một giờ. Ai cũng lấy làm lạ và bảo bà :

- " Một bầy con 13 người, bận rộn từ sáng tới chiều, mà sao ngày nào chị cũng đi lễ và chầu Thánh Thể? Bà Vaughan tươi cười trả lời :

- " Một bầy con đông đúc, ăn bữa mai chạy gạo bữa nay, tôi cũng lo lắm. Hơn thế lúc đi học, chúng nó có thể theo bạn bè rủ rê đi chơi phố phường, do đó chúng sẽ gặp nhiều nguy hiểm, tôi càng thao thức hơn. Vì thế mỗi ngày, dù bận việc tới đâu tôi cũng bỏ ra một ít thời gian để đi lễ và chầu Chúa, sốt sắng xin Ngài ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi các cháu hằng ngày dùng đủ và dạy dỗ chúng nên người đạo đức".

Quả thật Chúa đã ban cho Bà một ơn hiếm có trong giáo Hội. Dù bận bịu công việc tới đâu, mỗi gia đình hãy cố gắng sống liên kết với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể và đặc biệt xin Chúa luôn luôn giúp đỡ gia đình chúng ta sống theo thánh ý Chúa.
" Ai sống liên kết với Thầy, người đó sẽ đưa lại nhiều hoa trái". (Gioan 15,5).

III. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Bí tích Thánh Thể: Tình yêu trao ban

Trước khi trở về với Thiên Chúa Cha, tình nguyện hiến thân chết trên thập giá, chuộc tội thay cho nhân loại, Đức Giêsu với quyền năng và sáng kiến của một Vị Thiên Chúa đã nghĩ ra cách thế siêu vời để ở lại với những người mà Ngài rất mực yêu thương : "Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Thiên Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng."(Ga 13, 1)

Vì yêu thương những người thuộc về mình cho "đến cùng", nên Đức Giêsu đã tự hiến làm của ăn, của uống, để hoà quyện trong chúng ta để biến chúng ta nên giống như Người, để thông truyền sự sống của Người cho chúng ta : "Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt Tôi thật là của ăn và máu Tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy" (Ga 6, 54-56).

Qua Bí Tích Thánh Thể, Đức Giêsu trở thành Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài ở lại với những người mà Ngài yêu mến theo một cách thế chưa từng có trên đời nầy. Người đời yêu thương nhau mấy thì cũng chỉ ở gần bên nhau, ở ngoài nhau; đằng nầy Đức Giêsu ở trong những người kết hợp với Chúa qua việc ăn và uống thịt máu của Người.

Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu đã trao ban không tính toán trót thân mình, để cứu chuộc và trở nên của ăn của uống dưỡng nuôi linh hồn chúng ta, làm cho chúng ta được sống chính đời sống của Thiên Chúa, được sống đời đời, vì được chính dòng máu của Thiên Chúa lưu chuyển trong con người chúng ta.

Vì thế, tham dự Thánh Lễ không chỉ là tưởng niệm một biến cố đã qua, nhưng còn là sống biến cố đó trong giây phút hiện tại. Và vì thế, mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta cũng cần sống sao cho phù hợp với biến cố chúng ta đang cử hành : một sự chia sẻ, lãnh nhận và trao ban.

2. Bí tích Thánh Thể: dấu chỉ của tình yêu đôi lứa

Hiệu quả của tình yêu là trao ban. Vì yêu thương Chúa đã trao ban chính thân mình, cho đến chết trên Thập Giá. Một tình yêu tự hiến. Tình yêu cứu chuộc được thể hiện bằng cái chết tủi nhục đau thương trên Thánh giá. Khi lãnh nhận và kết hợp với Mình và Máu Thánh Chúa trong tình yêu, đôi vợ chồng cũng phải học trao ban chính mình cho nhau: dâng hiến cho nhau cuộc đời mình, biết chấp nhận những khuyết điểm của nhau, khuyến khích, nâng đỡ, phục vụ và hy sinh cho nhau.

Tha thứ là hy sinh, là nhường nhịn và kiên nhẫn với nhau, là chấp nhận bị nghiền nát, bị tiêu huỷ vì người mình yêu. Đó là cái giá của tình yêu trao ban, giống như Đức Giêsu trên thánh giá đã sẳn sàng đổ hết giọt máu cuối cùng và ngày nay trong Bí tích Thánh Thể là Tấm bánh bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến và tiêu hoá để chúng ta được lớn mạnh linh hồn.

Chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và học hỏi nơi tình yêu trao ban của Người, gia đình Kitô hữu thể hiện tình yêu dâng hiến cho nhau một cách vô vị lợi. Người ta chỉ có thể cho đi thực sự khi trao ban chính mình. Cha mẹ nêu gương yêu thương cho con cái ngay từ trong gia đình của mình và con cái sẽ học được lòng yêu thương từ chính cha mẹ của chúng, từ đó chúng biết cách yêu thương người khác đang cần sự nâng đở...Bí Tích Thánh Thể giúp cha mẹ và con cái Kitô hữu yêu thương và hy sinh cho nhau. Vợ chồng - cha mẹ - con cái, có thực sự hiểu nhau, chấp nhận và yêu thương nhau thì mới mong có thể đón nhận, yêu thương và hy sinh cho người khác.

Việc nhận ra Chúa Giêsu trong hình bánh còn giúp họ nhận ra Người đang ẩn thân nơi những người nghèo đói, khốn cùng, nơi những người đang đau khổ trong gia đình, trong cộng đồng của mình.Như vậy, từ Bí tích Thánh Thể đôi vợ chồng học biết yêu thương chí tình bằng việc chia sẻ, lãnh nhận và trao ban cho nhau và vì nhau.

3. Bí tích Thánh Thể: lương thực cho tình yêu đôi lứa.

Con người sinh ra trên trái đất này, ai cũng phải ăn, phải uống. Của ăn, của uống là nhu cầu không thể thiếu được nơi một con người. Đó là mặt thể xác, còn về mặt thiêng liêng, con người tin nhận có Chúa, phó thác nơi Chúa, cậy trông vào Chúa. Ngài là lương thực thiêng liêng nuôi sống con người: "Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" ( Ga 6, 54 ).

Chính Thánh Thể nâng đở, bổ sức cho tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu vợ chồng ngày thêm nồng thắm. Với Chúa Giêsu là Tình Yêu hiện diện nơi tâm hồn những người đón nhận Ngài qua việc ăn và uống Thịt Máu Ngài, Ngài biến đổi họ trở nên giống Ngài để vợ chồng biết yêu thương nhau trọn vẹn hơn : "Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu"( Ga 15, 13 ).

Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại cho đến chết. Cái chết nói lên trọn vẹn tất cả tình yêu của Ngài dành cho con người và chết để đem cho nhân loại sự sống đời đời bằng chính Thịt Máu Chúa làm lương thực nuôi sống con người : đó là Bí tích Thánh Thể, Bí tích Tình Yêu. Ăn Thịt và uống Máu của Chúa theo thánh Gioan ở đây là hòa nhập vào Chúa, biến tan trong Chúa, tháp nhập vào Chúa để nghiệm ra rằng Chúa chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến để lôi kéo mọi người về cùng Chúa Cha.

Bí Tích Thánh Thể hiệp nhất và liên kết mọi người. Bí tích Thánh Thể liên kết tình chồng vợ làm cho họ nên khăng khít bất khả phân ly, đưa tình yêu vợ chồng đi vào chiều sâu, biến đổi và nâng cao tình yêu ấy thành một tình yêu Kitô hữu đích thực là Bác Ai : "Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả" (1Cr 13, 4-7).

Lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô không chỉ là việc ăn uống để có sức mạnh thể xác, mà còn đòi hỏi con người phải biết hy sinh, từ bỏ, quảng đại qua việc chuẩn bị tâm hồn. Đôi bạn Kitô hữu được mời gọi chấp nhận những đau khổ trong đời sống gia đình để thông phần với Hy Tế của Chúa Giêsu được tái diễn hằng ngày, hằng giờ trong thánh lễ. Được như vậy, đời sống hiện tại của họ thêm phong phú vì có Chúa lấp đầy và nhất được sống vĩnh cửu vinh quang với Ngài.

Sống Bí tích Hôn phối là sống Tình Yêu tự hiến của Đức Kitô trên Thập Giá, là hy sinh cho "đến cùng" cho người mình yêu, là chấp nhận bị nghiền nát, bị tiêu hoá cho nhau, theo gương Chúa Giêsu Thánh Thể, nhờ việc siêng năng đón nhận Mình Máu Thánh của Người.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cần Chúa. Vì không có Chúa đời sống chúng con sẽ chết vì đói khát tình thương, một tình thương không vị lợi, không tính toán

Xin cho chúng con biết năng rước lấy Chúa, để biết sống kết hiệp với nhau và được hiệp nhất bên Chúa muôn đời. Amen

V. HỌC TÔNG HUẤN SỐ 57

"Hy lễ Thánh Thể diễn lại giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, vì giao ước ấy đã được ký kết bằng máu của Người trên Thập giá".

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

DƯỠNG CHẤT CHO HÔN NHÂN

"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề". Nếu thế thì tại sao khi yêu nhau ai cũng muốn tiến đến hôn nhân : không có anh, em sẽ chết; thiếu em, anh không thể sống nổi ? Kiểu nói bi quan ấy xem như hôn nhân là điểm dừng, là kết điểm, như ai đó đã nói "hôn nhân là mồ chôn của tình yêu". Thực ra, hôn nhân là một hành trình, mà ngày kết hôn chỉ là khởi điểm cho cuộc hành trình đó, để đôi vợ chồng mỗi ngày nên một với nhau nhiều hơn, sâu sắc hơn, phong phú hơn, mãnh liệt hơn trong tình yêu.

Ngày kết hôn mở ra trước mặt đôi bạn một hành trình xa xăm diệu vợi, có biết bao nguy hiểm chực chờ : những cám dỗ, thử thách từ bên ngoài, sự tàn phá của tính ích kỷ từ bên trong. Do đó, rất cần lương thực nâng đỡ. Trong niềm tin Kitô, lương thực ấy chính là Đức Giêsu, Đấng đã nói: "Ta là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta để cho thế gian được sống". Đôi bạn nào trong hôn nhân không ăn bánh này thì đương nhiên sẽ bị suy dinh dưỡng về Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là nguồn sống của tình yêu.

Đức Hồng Y Helder Camara đã dùng từ "Sous alimenté de Dieu" (suy dinh dưỡng về Thiên Chúa), để nói về con người ngày nay suy dinh dưỡng về tâm linh và chính từ đó sinh ra bao đổ vỡ và tàn phá trong cuộc sống chung, trên mọi bình diện. Nếu tình trạng hôn nhân bị suy dinh dưỡng còn kéo dài thì có thể dẫn đến "mồ chôn của tình yêu" thật đó.

Để kịp thời cứu chữa, chúng ta thử tìm nguyên nhân làm suy dinh dưỡng tình yêu và đề ra giải pháp chữa lành.

I. Nguyên nhân.

Theo "Cẩm nang xây dựng hạnh phúc gia đình" của linh mục Cao Đình Trị, có nhiều nguyên nhân : do kinh tế, do xã hội, do tâm lý, bản chất hay tính nết của vợ chồng không hòa hợp được, do thiếu đạo đức . . . Trong phạm vi bài này, chúng ta đặc biệt chú ý đến nguyên nhân thiếu đạo đức.

1. Những hành vi thiếu đạo đức, việc làm bất chánh bất lương : như lừa đảo, buôn bán gian lận, tệ đoan bài bạc, rượu chè, đàng điếm . . . sẽ đưa đến thất đức, mất ơn Chúa cho gia đình, và thường kết thúc bi thảm như giết hại nhau, tố cáo nhau, tù đày . . . theo luật nhân quả: "gieo gió gặt bảo", "gieo nhân nào gặt quả nấy".

2. Một trong hai người, hoặc cả hai thiếu ý thức đạo đức đưa đến thiếu bổn phận, trách nhiệm, thiếu thiện chí xây dựng hạnh phúc gia đình.

3. Thiếu niềm tin và cầu nguyện, không hoặc ít khi đi lễ và rước lễ nên không vượt qua được những khó khăn, trở ngại, tai nạn, thử thách, khó tránh được những bất hòa đổ vỡ.

4. Có những trường hợp đáng chú ý: thực sự là có đạo đức, quá đạo đức nữa là khác, nhưng không hợp với hoàn cảnh cho phép, cũng có thể gây tai hại cho gia đình như :

- Vì giúp đỡ những trường hợp thực sự không cần thiết, hoặc dễ tin, bị lừa (thường do một bên đơn phương thực hiện, không phối hợp hoặc không chấp nhận ý kiến bên kia) làm tai hại cho gia đình và đưa đến bất hòa.

- Mọi việc đều ỷ vào Chúa mà không lo lắng, sắp xếp việc bổn phận đối với gia đình.

- Làm việc bác ái không đúng đối tượng, không cân nhắc hậu quả sẽ đưa đến thiệt hại về kinh tế, về tinh thần cho gia đình, như những trường hợp cụ thể sau đây :

a/ Có những bà vợ tự hào trong lớp "Chia sẻ Lời Chúa" như sau : "Anh nhà tôi rất tốt, anh ấy lo làm ăn kiếm tiền, về nhà lại lo cơm nước giặc giũ, dạy con . . . Còn tôi thì chỉ chuyên lo công việc đạo đức, đi chia sẻ Lời Chúa hàng tuần, lễ lạy hàng ngày, mà gia đình được Chúa ban ơn rất đầm ấm hạnh phúc". Sự thực thì sao ? Có lẽ ông chồng đã quá chán ngán, không còn muốn nói với một người vợ không hiểu biết, thiếu bổn phận, nên để mặc bà. Còn con cái của bà thì lê thê lếch thếch, đứa lớn ẩm đứa bé, nhà cửa bề bộn . . . riết rồi thành nề nếp, chẳng ai muốn nói làm gì cho om nhà om cửa.

b/ Có những ông chồng quá đạo đức, tối ngày ở nhà thờ nhà cha, lo việc Chúa việc cha, và sẳn sàng lo việc nọ việc kia cho những ai cần ông giúp đỡ, trong khi ở nhà vợ con rất cần đến ông thì không được ông giúp. Bị vợ con phản đối, ông lên giọng chê trách :"Cả một bọn vô đạo đức !".

c/ Có ông chồng mê mãi tối ngày đi làm việc tông đồ truyền giáo, dẫn các ca đoàn đi đây đi đó, tập luyện hát ca, về nhà thì mãi mê soạn bài hát, dượt đờn. Cuối cùng, người vợ đi lấy người khác, vì không cách nào giữ được chồng sống cuộc sống gia đình bình thường như những gia đình khác.

II. Giải pháp cứu chữa.

1. Cả vợ chồng đều phải ý thức xây dựng hạnh phúc gia đình. Phải hiểu sâu sắc rằng: bởi tội lỗi, con người đã đánh mất hạnh phúc nguyên thủy Chúa ban, nên bây giờ chúng ta phải tự tạo lại bằng sự cố gắng trước muôn ngàn khó khăn thử thách, phải cậy trông vào ơn phù trợ của Chúa trong khi mưu cầu hạnh phúc.

2. Phải ý thức trách nhiệm của mình trước Thiên Chúa và trước xã hội về bổn phận kiện toàn gia đình, và phải vì hạnh phúc tương lai của con cái, chứ không phải thuần túy lo hạnh phúc riêng hoặc chủ trương hưởng thụ cá nhân.

3. Khi đã lựa chọn vợ chồng, phải sống chung thủy, "hai nên một" về cả thể xác lẫn tâm hồn. Không chủ trương mưu cầu hạnh phúc riêng, không ưng thì bỏ. Phải chấp nhận nhau và giúp đỡ nhau nên tốt, để làm gương cho con cái bằng đời sống thủy chung, hợp nhất, yêu thương.

4. Phải có tinh thần phục thiện, tôn trọng lẽ phải để tránh quyết đoán phi lý, độc tài. Mình đã không hoàn thiện thì cũng phải chấp nhận sự không hoàn thiện của người khác.

5. Với người Công giáo, dưỡng chất cho hôn nhân phải là :

a/ Thái độ tiên quyết: "Xin Chúa cho con hiểu biết trách nhiệm của con là tạo hạnh phúc cho bạn con". Đó là một thứ hạnh phúc vị tha chứ không vị kỷ.

b/ Sống một cách sâu sắc, quyết liệt lời thề hứa khi nhận Bí tích Hôn phối:" . . . hứa giữ lòng chung thủy với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời tôi".

c/ Phải vận dụng đức tin vào những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn: nhớ rằng đau khổ, bất hòa là do tội lỗi đã làm ta xa rời Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc chân thật. Vậy phải giao hòa tìm về với Người qua Bí tích Giải tội và cố tránh xa tội lỗi, tính hư tật xấu, nhất là sự gian ác, để được lại tình thương và sự hổ trợ của Người.

d/ Sống Bí tích Thánh Thể:

- Thánh Lể là giao ước giữa Thiên Chúa với loài người. Hôn nhân vẽ lại giao ước ấy một cách sống động.

- Thánh Lễ là nơi qui tụ mọi người, là nơi Chúa Kitô giao hòa nhân loại lại với Thiên Chúa. Trong bí tích hôn nhân, Chúa Kitô cũng liên kết vợ chồng lại với nhau, qua vợ chồng liên kết cả hai họ, và những thân thuộc bạn bè.

- Thánh lễ là bí tích Tạ Ơn. Hôn nhân là nơi vợ chồng nhận ra tình yêu Thiên Chúa và để vợ chồng tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu của Ngài đã thắp lên nơi họ.

- Thánh lễ là lễ hy sinh của Chúa Kitô. Đời sống hôn nhân là môi trường để vợ chồng dâng lên Thiên Chúa những hy sinh liên lỉ, là thập giá mà vợ chồng phải vác mỗi ngày.

- Trong Thánh lễ, Chúa Giêsu trở nên của ăn cho loài người. Chớ gì trong đời sống hôn nhân, vợ chồng trở nên của ăn cho nhau và cho mọi người trong gia đình.

- Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong Thánh Thể . Vợ chồng rước lễ là rước chính Chúa Giêsu, Người hiện diện trong họ để cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ trong hành trình đi đến tình yêu trọn hảo vì chính Ngài là Tình Yêu.

Hôn nhân là một hành trình xa tít, đầy những khó khăn. Chính vì thế, đôi bạn rất cần lương thực để bổ sức trên đường đi. Như tiên tri Elia xưa, trên đường chạy trốn bà hoàng Zézabel, nếu không có thiên thần mang bánh và nước từ trời xuống cho ông bổ sức thì có lẽ ông bị đói lã, bị "suy dinh dưỡng" mà chết dọc đường rồi. Lương thực cần thiết cho hành trình hôn nhân không những là thứ lương thực vật chất, mà còn là lương thực tâm hồn, vì con người không chỉ mang tính vật chất mà còn là sự sống tâm linh cao cả. Và "gánh nặng tâm hồn nặng gắp trăm lần thể xác", nhà văn Mác-xít Dumbatzé đã nói thế, thành ra, đôi bạn không thể thiếu bánh bởi trời. "Ta là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống". (Ga 6, 51).

Hiểu được tầm quan trọng của bánh bởi trời, Bánh Thánh Thể, trong cuộc sống hôn nhân và gia đình như thế, tôi tin chắc rằng các bạn không ai muốn để mình, cũng như gia đình mình bị "suy dinh dưỡng về Thiên Chúa", để khỏi xảy ra những hậu quả tai hại nặng nề.

Vậy các bạn hãy đến với Chúa Giêsu trong thánh lễ, mỗi ngày, mỗi Chúa nhật, để đón nhận Ngài, và nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, các bạn lên đường đi tới, trong hành trình tiến về bình an và hạnh phúc.

VII. TRANG THIẾU NHI

I. Câu chuyện gia đình:
Cứ mỗi khi ve kêu râm ran và những cánh hoa phượng nhuộm thắm trên cành, thì cũng là lúc các em thiếu nhi của Họ đạo bước vào Mùa Giáo lý hè. Năm nay, gia đình Tí có hai anh em tham gia khóa giáo lý hè: Tí mười tuổi, học lớp Dự bị Thêm sức; bé Ti bảy tuổi, theo lớp Rước lễ.

Tí thì tham gia các khóa giáo lý hè nhiều năm rồi, nên đã quen. Còn Ti thì đây là lần đầu, nên còn nhiều bỡ ngỡ. Buổi sáng, các em phải có mặt lúc 6 giờ (sau lễ sáng); còn chiều thì bắt đầu học lúc 14 giờ. Vậy mà có hôm bé Ti dậy trễ, giật mình nhìn đồng hồ thì thấy đã gần 6 giờ rồi. Hoảng quá, vì sợ đi trễ bị phạt, bé la oai oải, đổ thừa cho ba má không chịu đánh thức sớm, rồi ba chân bốn cẳng nhảy ra khỏi giường, rửa mặt, súc miệng qua loa (nói nhỏ nhe, mấy bữa đó bé Ti rửa mặt như mèo, sao cho xong thật nhanh chứ chẳng sạch gì đâu!). Sau đó là tới màn khóc nhè, đòi ba lấy xe máy chở đi cho kịp (mặc dù hàng ngày bé Ti vẫn đi bộ đến lớp giáo lý).

Buồn cười có hôm ba chưa kịp rửa mặt, chải đầu cho gọn gàng, nhưng bé Ti hối thúc quá, ba đành phải để cả cái đầu bù xù chở em đi luôn. Có một lần đi gấp như vậy, cho nên đến lớp Ti mới phát hiện mình quên mang theo sách giáo lý. Vậy là ba lại phải tức tốc quay về nhà, lấy sách đem lên cho em. Nghĩ lại, tội cho ba ghê!

Mà đừng có tưởng chỉ có ba mới bị quấy rầy, cả má cũng chẳng được yên đâu. Hai anh em cứ thay phiên nhau nhờ má trả bài giáo lý thuộc lòng, để chiều vô lớp trả bài lại cho chắc ăn. Cũng có hôm hai anh em ham chơi, biếng học, má phải nhắc nhở, rồi ngồi bên cạnh, cùng học bài làm gương cho các con. Riết rồi má cũng gần như thuộc lòng cả cuốn sách giáo lý luôn!

Thời gian trôi qua mau, mới đó mà đã hết một tháng hè. Dạo này bé Ti quen rồi, không còn dậy trễ, cũng không còn làm biếng học bài nữa. Buổi tối bé đi ngủ sớm, không xem ti-vi khuya nữa, để còn phải dậy sớm đi lễ sáng với má nữa chứ. Hàng ngày dự lễ sáng xong, bé ở lại học giáo lý luôn, nên không còn cảnh đi trễ, và nhờ vậy, ba cũng không phải cập rập đưa rước đột xuất bằng xe máy nữa. Lúc ở nhà, rãnh là bé lại lấy sách giáo lý ra học liền, nên má cũng không phải nhắc nhở hay la rầy gì nữa.

Thấm thoắt rồi ba tháng hè cũng sắp trôi qua. Chúa Nhật tuần tới là bé Ti được Rước Lễ lần đầu. Cả nhà cùng chộn rộn với niềm vui của em. Ba thì lo giúp em xét mình và tập xưng tội, mặc dù ở lớp Dì Sáu đã tập rồi, nhưng em vẫn chưa an tâm. Nhìn ba ngồi trên ghế dựa, kê sau tấm bình phong, giả làm Cha giải tội, còn bé Ti đứng lom khom bên ngoài tập xưng tội, Tí buồn cười quá! Còn má thì lo mua vải và dẫn bé Ti đi may đồ, để mặc trong ngày Rước Lễ lần đầu. Tí cũng ra vẻ "Anh Hai" khi cứ cố dặn đi dặn lại bé Ti: "Lúc Rước Lễ em nhớ mở miệng, đưa lưỡi ra, coi chừng đừng làm rơi Mình Thánh Chúa đó. Mà nè, em nhớ là phải giữ chay một tiếng đồng hồ trước khi Rước Lễ đó nha!". Nói cho oai vậy thôi, chứ bản thân Tí cũng thỉnh thoảng quên, mua quà bánh trước cổng Nhà thờ ăn trước lễ.

Có lần không may bị Cha Sở bắt gặp, la cho một trận thê thảm, còn quê tới bây giờ. Nhưng điều đó thì đương nhiên là Tí dấu kín, sức mấy mà cho em Ti biết, quê thí mồ! Tuy ra mặt anh hai dạy đời em, nhưng thật sự điều mà Tí quan tâm nhất lúc này, là thăm dò xem má tính nấu món gì để ăn mừng sau lễ.

Rồi thì ngày bé Ti Rước Lễ lần đầu cũng tới. Bữa hôm đo, Ti mặc bộ đồ dài trắng mới, đội lúp trắng, ngực cài bông trắng, cả đến đôi giầy dì Út mới mua tặng cũng trắng tinh. Ba nói trông bé Ti giống như thiên thần vậy đó. Mặc dù đã được Dì Sáu, phụ trách lớp giáo lý của Ti, dặn dò và chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng sao Ti vẫn thấy run quá. Lúc bước lên bục đọc Sách Thánh, hai chân em run quíu lại muốn sụm luôn. May mà nhờ có ba má ngồi bên dưới đưa mắt động viên, nên em lấy lại được bình tĩnh. Lại nữa, lúc Cha đưa Mình Thánh Chúa cho em rước, run quá em quên cả thưa "Amen". Trở về chỗ ngồi rồi mà Ti vẫn chưa hoàn hồn. Nhưng đã có ba qùi bên cạnh, thì thầm gợi ý giúp em cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Hôm đó, Ti cầu nguyện thật sốt sắng: em cầu nguyện cho ba má nè, cho ông bà nội ngoại nè, cho Cha Sở nè, cho cả anh Tí nữa… và đương nhiên là cho cả chính mình nữa. Em xin Chúa cho em từ nay biết siêng năng xưng tội - rước lễ, và nhất là biết sống các ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể, mà em đã được học trong các giờ giáo lý.

Đúng như Tí dự đoán, tan lễ về nhà anh em Tí được má đãi một bữa tiệc thật ngon và thật vui. Ngon vì có quá trời đồ ăn luôn; vui vì có sự tham gia của cả ông bà nội ngoại, cô chú, dì cậu hai bên. Nhưng vui nhất vẫn là bé Ti. Ai có thể quên, chứ riêng Ti thì sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm êm đẹp ngày Rước Lễ lần đầu hôm nay. Em tự hứa sẽ siêng năng đi lễ, rước lễ và sống ngoan hơn, tốt hơn, để xứng đáng với Bí tích mà em đã được lãnh nhận.

II/-Trò chuyện cùng thiếu nhi:

Các em thiếu nhi thân mến, cũng giống như bé Ti trong "Câu chuyện gia đình", có lẽ các em sẽ chẳng bao giờ quên được những kỷ niệm êm đẹp ngày chúng ta Rước Lễ lần đầu. Nhưng điều quan trọng hơn, là các em có tiếp tục sống những ý nghĩa, mà Bí tích Thánh Thể đem lại cho chúng ta, trong đời sống hằng ngày ở gia đình không?

Trước hết, Bí tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu: Vì yêu thương, Chúa Giêsu đã lập nên Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta và để nuôi dưỡng, bổ sức cho hồn xác ta. Em có sống mầu nhiệm tình yêu cao cả đó trong đời sống gia đình không: em có yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em…không? Có muốn "ở lại", tức sống gắn bó với mọi thành viên trong gia đình không? Em có là nguồn vui, nguồn trợ lực, là niềm tự hào cho gia đình không, hay em là mối lo lắng , bận tâm, làm hao tổn sức khỏe và tâm lực của cha mẹ!

Kế đến, tình yêu nơi Bí tích Thánh Thể được biểu hiện cụ thể qua sự hy sinh - phục vụ: Chúa Giêsu Thánh Thể đã tự hiến mình làm của lễ dâng lên Đức Chúa Cha, để chuộc tội cho nhân loại, và làm của ăn nuôi dưỡng hồn xác ta. Nơi Bí tích Thánh Thể, Người đã trở nên tấm bánh, ly rượu để chúng ta ăn, ta uống để được sống đời đời. Vậy mỗi thiếu nhi chúng ta có biết tự trở nên "tấm bánh" cho nhau không, tức có biết sống quên mình, để hy sinh phục vụ cho những người quanh ta, trong đời sống thường ngày không?

Cuối cùng, Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ sự hiệp nhất: Mọi người, không phân biệt sắc tộc, quốc gia, giai cấp xã hội, văn hóa, ngôn ngữ… đều thông phần vào cùng một bàn tiệc Mình Máu Thánh Chúa. Bí tích Thánh Thể có giúp em sống hòa thuận với anh em trong gia đình, với bạn bè chung quanh, cũng như đoàn kết với mọi người trong cộng đoàn Họ đạo không?

Đương nhiên, mầu nhiệm Thánh Thể là khôn suy cùng. Thật vậy, những ý nghĩa và sự trợ lực mà mầu nhiệm ấy đem lại cho mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh sống, thật là phong phú và đa dạng, không thể kể hết. Nhưng nếu mỗi thiếu nhi chúng ta biết siêng năng Rước Lễ và tận dụng những ân sủng mà Bí tích Thánh Thể đem lại, thì chắc chắn Bí tích ấy sẽ trở thành nguồn sống và lương thực hằng ngày cho chúng ta, cũng như cho gia đình chúng ta. Phải không các bạn!

III. Bài hát-Cử điệu: Bài "Manna" (Xem "Sổ tay Tông Đồ" của Thiên Ân, trang 87).
a - Bài hát:
(1).Ô manna (ớ ơ ơ) manna. (2).Từ trời cao muôn ngàn bánh tinh tuyền. (3).Rơi phủ trên khắp mọi miền. (4).Ô manna (ớ ơ ơ) manna. (5).Mùi thơm bát ngát (ớ ơ) ngọt hơn mật. (6).Nuôi dân Chúa trên đường xa.
b-Cử điệu: Đội hình vòng tròn.
(1): Bước theo chiều kim đồng hồ, đầu ngước lên trời, hai tay giơ cao khỏi đầu, vừa bước vừa vỗ tay theo nhịp.
(2): Vẫn bước như trên, nhưng hai tay không vỗ nữa mà chụm lại ở trán, rồi tung ra hai bên, như tung manna đi khắp nơi.
(3): Vẫn bước đi như trên, nhưng hai tay dang ngang, rồi từ từ ngồi thấp xuống, hai tay cũng hạ dần xuống vỗ vỗ vào không khí.
(4): Đứng lên, bước và vỗ tay như (1), nhưng theo chiều ngược kim đồng hồ.
(5): Vẫn bước như (4), Tay trái chống nạnh, tay phải đưa lên ngang mũi: ngón cái của tay phải chống vào chóp mũi, các ngón còn lại phe phẩy như quạt mùi. Đến câu "ngọt hơn mật" thì lấy tay phải vuốt cổ một cái.
(6): Vẫn bước như trên, hai tay làm động tác như đưa manna vào miệng.

IV. Băng reo: Đội hình vòng tròn.
- QT: Chúa ban,
- TC: Chim cút! (Chạy theo chiều kim đồng hồ, chân nhảy lên, hai tay đưa cao khỏi đầu làm động tác chụp bắt chim cút).
- QT: Chúa ban,
- TC: Manna! (Chạy theo chiều ngược kim đồng hồ, chân khụy xuống, lưng cúi xuống, hai tay làm động tác lượm nanna và cho vào miệng).
- QT: Chúa ban,
- TC: Thánh Thể!( Xoay người hướng vào giữa vòng, chắp hai tay trước ngực, rồi từ từ qùi xuống bái gối như đang chầu Thánh Thể).
- QT: Để nuôi sống,
-TC: Chúng ta! Ahh!!(Lấy hai tay vỗ vào ngực, rồi vung cao lên trời, đồng thời bật dậy, chân nhảy lên cao và hô "Ahh!" thật lớn.
* Rồi sau đó hát và ra cử điệu bài "Manna".
V. Thực hành:
-Em siêng năng đi lễ và rước lễ.
-Em sống yêu thương, hòa thuận với anh chị em trong gia đình, cũng như với mọi người chung quanh.
-Em tập sống tinh thần hy sinh và phục vụ người khác, bằng các việc làm hữu ích và cụ thể.
-Em sống ngoan, để luôn trở thành niềm vui và là trợ lực cho mọi người trong gia đình em.

VIII. TẢN MẠN

NGÀY HIỀN MẪU CUỘC ĐỜI THIẾU MẸ THÌ VÔ NGHĨA

Khi bạn ra đời, mẹ bồng bế bạn trong lòng,
Bạn cám ơn bằng cách ré lên như một tên quỷ sứ !
Khi bạn 1 tuổi, mẹ cho bạn ăn và tắm rửa bạn,
Bạn cám ơn bằng cách la khóc suốt đêm.
Khi bạn 2 tuổi, mẹ dạy bạn bước đi,
Bạn cám ơn bằng cách bỏ chạy khi mẹ gọi.
Khi bạn 3 tuổi, mẹ nấu ăn cho bạn với cả tấm lòng,
Bạn cám ơn bằng cách đổ hết thức ăn xuống sàn nhà.
Khi bạn 4 tuổi, mẹ cho bạn một hộp bút màu,
Bạn cám ơn bằng cách vẽ bậy bạ
ngay trên mặt bàn ăn.
Khi bạn 5 tuổi, mẹ mặc cho bạn đồ đẹp ngày lễ,
Bạn cám ơn bằng cách nhảy ngay vào một vũng bùn đầu tiên.
Khi bạn 6 tuổi, mẹ đưa bạn đến trường,
Bạn cám ơn bằng cách thét lên:
"Con không đi học !"
Khi bạn 7 tuổi, mẹ mua cho bạn quả banh,
Bạn cám ơn bằng cách ném vào cửa kính nhà bên cạnh.
Khi bạn 8 tuổi, mẹ trao cho bạn cây kem,
Bạn cám ơn bằng cách để nước kem rây rớt lên áo khoác.
Khi bạn 9 tuổi, mẹ đóng tiền cho bạn học dương cầm,
Bạn cám ơn bằng cách chẳng thèm tập luyện gì cả.
Khi bạn 10 tuổi, mẹ lái xe đưa bạn đi khắp mọi nơi,
Từ sân đá bóng đến những bữa tiệc sinh nhật liên tiếp của bạn bè,
Bạn cám ơn bằng cách nhảy khỏi xe mà không buồn ngoái lại.
Khi bạn 11 tuổi, mẹ đưa bạn cùng lũ bạn đi xem phim,
Bạn cám ơn bằng cách yêu cầu mẹ ngồi riêng hàng ghế khác.
Khi bạn 12 tuổi, mẹ dặn bạn đừng xem một số chương trình truyền hình,
Bạn cám ơn bằng cách chờ chực cho mẹ mau ra khỏi nhà.
Khi bạn 13 tuổi, mẹ ngỏ ý rằng đã đến lúc cắt tóc,
Bạn cám ơn bằng cách bảo rằng mẹ chẳng có tý óc thẩm mỹ nào.
Khi bạn 14 tuổi, mẹ đóng tiền cho bạn đi dự một tháng trại hè,
Bạn cám ơn bằng cách quên, không viết cho mẹ được một chữ.
Khi bạn 15 tuổi, mẹ đi làm về và mong được hôn bạn,
Bạn cám ơn bằng cách khóa trái cửa phòng riêng.
Khi bạn 16 tuổi, mẹ dạy bạn lái xe,
Bạn cám ơn bằng cách lấy xe của mẹ mà dùng khi nào có dịp.
Khi bạn 17 tuổi, mẹ chờ đợi một cú điện thoại quan trọng,
Bạn cám ơn bằng cách ôm cái điện thoại mà chuyện phiếm suốt đêm.
Khi bạn 18 tuổi, mẹ khóc khi bạn tốt nghiệp phổ thông,
Bạn cám ơn bằng cách đi chơi thâu đêm suốt sáng cho bõ.
Khi bạn 19 tuổi, mẹ đóng tiền cho bạn lên đại học,
Lái xe đưa bạn đến khu nội trú, xách hành lý cho bạn,
Bạn cám ơn bằng cách chào từ biệt bên ngoài ký túc xá,
Để cho bạn khỏi bối rối ngượng năm trước bạn bè.
Khi bạn 20 tuổi, mẹ hỏi bạn có quen biết ai chưa,
Bạn cám ơn bằng cách bảo: "Không việc gì đến mẹ !"
Khi bạn 21 tuổi, mẹ gợi ý về nghề nghiệp tương lai,
Bạn cám ơn bằng cách nói: "Con không muốn giống mẹ !"
Khi bạn 22 tuổi, mẹ hôn bạn khi bạn vừa tốt nghiệp đại học,
Bạn cám ơn bằng cách xin tiền đi du lịch Âu Châu.
Khi bạn 23 tuổi, mẹ mua sắm đồ đạc cho căn hộ đầu tiên của bạn,
Bạn cám ơn bằng cách nói với bạn bè:
"Những đồ đạc ấy mới tởm làm sao !"
Khi bạn 24 tuổi, mẹ gặp hôn thê bạn và hỏi về dự định tương lai,
Bạn cám ơn bằng cách nguýt mẹ và cằn nhằn: "Thôi đi mẹ !"
Khi bạn 25 tuổi, mẹ phụ với bạn tính toán những chi phí cho đám cưới,
Mẹ khóc lên và bảo rằng mẹ yêu bạn hết lòng,
Bạn cám ơn bằng cách đi cưới xong là biến mất tăm.
Khi bạn 30 tuổi, mẹ gọi bạn để khuyên nhủ về việc nuôi con,
Bạn cám ơn bằng cách nói:
"Bây giờ khác xưa rồi, bà ơi !"
Khi bạn 40 tuổi, mẹ điện thoại để nhắc bạn sinh nhật một người thân,
Bạn cám ơn bằng cách nói rằng bạn đang bận đến bù đầu đây này.
Khi bạn 50 tuổi, mẹ lâm bệnh và cần bạn chăm sóc,
Bạn cám ơn bằng cách than thở rằng mẹ đã trở thành gánh nặng cho con...
Rối một ngày kia, mẹ chết đi trong yên lặng,
Và mọi sự bạn chưa hề làm cho mẹ, bỗng vỡ ra như sét đánh ngang tai !
"Hãy ru mẹ ngủ, con ơi, Hãy ru mẹ ngủ trọn đời con yêu !"
Khi ấy, bạn mới chợt nhận ra một điều:
Bàn tay ru chiếc nôi kia, có khả năng...
rung chuyển cả địa cầu!
MK Xuân Lan sưu tầm. TRẦN DUY NHIÊN dịch

IX. NGHỆ THUẬT SỐNG

HAI HÌNH NHÂN BẰNG ĐẤT

Có hai hình nhân bằng đất, một cái to và một cái nhỏ, đứng sát cạnh nhau trên cái bàn, để bên trên một bếp lò luôn cháy đỏ hừng hực.
Thằng lớn chờ cho đến khi thằng nhỏ không để ý liền hích vai đẩy nó ngã vào bếp lò, cái bàn rộng còn mỗi mình thằng lớn độc chiếm.
Sáng hôm sau, khi chủ nhà đến lau bàn và khêu to ngọn lửa, ông ta nhìn thấy cái hình nhân bằng đất sét đã bị rơi xuống mà không hề hấn gì. Ông ta nhặt nó ra, ngắm nghía nó và kêu vui sướng:
- Thì ra đất được nung trông càng cứng cáp và đẹp hơn nhiều!
Phủi bụi cho nó xong, ông ta lại đặt nó vào chỗ cũ.
- Nếu mình biết như thế! - Thằng người đất sét to tự nhủ - Mình đã tự nhảy xuống!
Điều đó càng làm cho nó ghen tị đến mất ngủ, mỗi khi nhìn thằng bé đứng cạnh. Nó chờ lúc ông chủ nhà ra ngoài có việc là liền đẩy thằng bé rơi xuống chậu nước, để chiếm lại cái bàn.

Nhờ được làm rỗng ruột và được nung qua, nên thằng bé không bị chìm mà cũng không bị rã nữa; thực ra nó trông lại càng đẹp hơn khi bị uớt. Thằng đất sét lớn nhìn thấy nên rất giận dữ. Nó nghĩ thầm:
- Rồi mày sẽ lại khoe mẽ trước mặt ông chủ cho mà xem.
Thế là vèo một cái thằng đất sét lớn nhảy ngay vào chậu nước.
Khi ông chủ thấy mất chúng, ông liền tìm khắp nơi. Ông vớt thằng đất sét nhỏ từ trong chậu nước, lấy khăn lau khô cẩn thận rồi đặt lên bàn. Ông lại tìm thằng đất sét lớn, mãi một lúc sau ông nghĩ:
- Chắc ai đó cầm ra ngoài chơi rồi!
Cho đến khi đi thay chậu nước, ông mới nhìn thấy một nhúm đất nhảo đọng ở đáy chậu. Ông lẩm bẩm:
- Thì ra mày ở đây.
Tìm cách hại người, có khi vô tình giúp người ta có cơ hội thăng tiến và thành đạt hơn mình - Đó là điều cần suy nghĩ trước khi hành động.

SỐNH NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO ĐỨC
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA: Mc 8, 31-38

Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô : "Satan, lui lại đằmg sau Thầy! Vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người."

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải chọn lựa hoặc là chọn lợi lộc đời nầy thì kết quả là chỉ có được cái tạm qua đời nầy và mất phúc đời đời; hoặc là chọn Chúa, chọn phần phúc đời đời, thì dù có mất mạng đời nầy, nhưng sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu vinh quang.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

THÍ MẠNG SỐNG ĐỂ PHỤC VỤ ANH EM

Ở Việt nam cũng như khắp thế giới, người ta nghe nói nhiều đến trại phong Di linh ( Do Cha GB. Sanh thiết lập) và trại phong Qui Hoà ở ngoại ô Qui Nhơn.

Vị sáng lập trại phong Qui Hoà là Cha Paul Maheu, vị linh mục đã hy sinh cuộc sống mình cho đám người xa lạ, cho những anh chị em Việt Nam mắc phải bệnh cùi.

Bệnh phong cùi, trước đây là chứng bệnh khủng khiếp, bệnh nhân phải chịu cơn hấp hối dai dẳng. Thân mình họ lở loét, luôn bị nhức nhối, xông mùi thối tha nồnh nặc, mặt mũi dần dần bị tàn phá, ai trông thấy cũng khiếp sợ, muốn xa lánh. Do đo, xã hội đã xua họ vào một nơi cách biệt, chẳng những, để tránh việc lây lan, mà còn để lãng quên họ, kẻo làm mất vui cuộc sống.

Cha Paul Maheu thì lại khác, là một linh mục Công Giáo, Ngài đã hy sinh dấn thân vào cuộc sống người cùi, nhận họ làm con cái, sống với họ trong một ngôi nhà bé nhỏ giữa trại phong, để ngày đêm lo lắng săn sóc họ.

Phía sau nhà có một cái kẻng, mỗi lần nghe tiếng kẻng, cha vội ra, dịu dàng hỏi: " Con có việc gì? Vào đây !"

Ngày nào cũng thế, điệp khúc ấy vang lên đều đặn, và làm dịu bớt sự đau khổ cô đơn của những con người xấu số. Chỉ có Cha Maheu là người thân tín, họ luôn luôn tin cậy và thổ lộ tâm sự.

Đối với Cha Maheu, không gì quý bằng các người phong hủi. Ngài không thể rời họ một ngày, luôn luôn tìm cách khen họ. Mỗi khi khách nơi xa tới thăm, Ngài thường mời ở lại dùng bữa. Trong lúc ăn, Ngài luôn luôn giới thiệu:

"Mời dùng trứng này, do gà của người phong nuôi đấy mời dùng cá này, cá của người phong mới câu buổi sáng! Còn đây là sà lách, do tay người không trồng đấy. Tốt lắm!"

Vừa mời, Ngài vừa ăn một cách ngon lành, trong lúc khách thì khiếp sợ không dám đụng tới một món ăn nào.

Cha Maheu, sau cùng, đã mắc bệnh phong. Càng đau đớn, Ngài càng có dịp chia sẽ cuộc đời xấu số của họ. Họ luôn luôn yêu mến và kính trọng Ngài. Rồi một ngày nọ, Ngài đã nằm xuống: Ngài được chôn cất giữa làng cùi, bên cạnh những người con thân yêu nhất.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói : "Con người thời đại thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy, là vì các bậc thầy nầy là những chứng nhân."

Chấp nhận theo Chúa Kitô là sống từng ngày những khổ nhọc của mình vì lòng yêu mến Ngài.

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Gương tử đạo Thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu.
a. Thánh Philipphê Phan Văn Minh
- Sau chiếu chỉ bách đạo gắt gao của vua Tự Đức 21. 03. 1851, cha Philipphê Minh được bề trên dạy đi coi họ Mặc Bắc năm 1852 thay cho Cha Phêrô Lựu. Cha trú ngụ tại nhà ông trùm Lựu và tại đây cha bị tố cáo và dù các quan không nhận ra cha nhưng cha tự nguyện ra nộp mình và bị bắt để khỏi di hại cho gia đình ông Trùm Lựu.
- Khi bị tra hỏi cha không hề khai điều gì làm hại đến tính mạng giáo dân hay các linh mục khác.
- Quan tìm mọi cách doạ nạt, dụ dỗ, kéo qua thập giá để bắt cha chối đạo; hơn nữa thấy cha hiền lành, học thức, các quan muốn tìm cách cứu cha, họ không bắt cha bước qua thập giá nữa, chỉ cần nói miệng là "đã bỏ đạo" cũng được tha. Nhưng cha một mực từ chối lời đề nghị nầy.
- Khi nghe án tử hình từ Kinh đô Huế gửi về, Cha Minh quỳ gối tạ ơn Chúa, rồi an ủi anh em bạn tù nên vui lòng tuân theo ý Chúa, hẹn ngày tái ngộ trên Nước Trời.
- Khi quan tổng đốc bào người phải chết chém, cha Minh khẳng khái đáp "Không hề gì; Tôi đã sằn lòng từ lâu!"
- Những lời cuối cùng của cha trước khi bị trảm quyết là xin Mẹ Maria phù hộ giúp cha được sẳn lòng chịu khổ để sáng Danh Chúa.

b. Thánh Giuse Nguyễn văn Lựu
- Gặp thời cấm cách, Ông Trùm Lựu vẫn chu toàn phận vụ của người tìn hữu và quới chức trong việc đưa đón các cha đến coi sóc giáo hữu và thăm viếng bệnh nhân.
- Khi bị quan quân vây bắt Cha Lựu tại nhà mình, Ông Trùm đã can đảm trả lời : "Không có đạo trưởng Lựu, Lựu là tôi đây!" và dù bị đánh đập, tra hỏi, ông vẫn cam chịu đau khổ để bảo vệ Cha Minh đang ngụ tại nhà ông.
- Suốt 14 tháng bị giam cầm trong khám Vĩnh Long, bị đánh 100 trượng, bị bắt bước qua thập giá, bị dụ dỗ bỏ đạo, nhưng ông không hề lay chuyễn niềm tin. Cuối cùng, do đòn vọt và tuổi cao sức yếu ông đã chết rủ tù để chứng minh đức tin vào Chúa Kitô.

2. Chúa Giêsu đã sống thế nào?
- Đức Giêsu biết trước đau khổ mà Người sẽ phải chịu, theo chương trình của Thiên Chúa Cha, để cứu chuộc loài người.
- Người sẳn lòng chấp nhận mọi khổ đau để hoàn thành sứ mạng Chúa Cha giao phó, và vì yêu thương loài người.
- Người quở trách Phêrô không hiểu người, mà chỉ nhìn đau khổ của Người theo cái nhìn của con người.
- Vinh quang đơi đời chỉ dành cho người dám hy sinh đời nầy vì lòng mến Chúa. Đây là một chọn lựa có tính quyết liệt và Đức Giêsu đã đi cho đến cùng chọn lựa của Người dù phải hy sinh mạng sống.

3. Các Thánh Tử đạo đã sống như Chúa Giêsu.
- Như Đức Giêsu, dù biết trước sẽ phải khó khăn, đau khổ và mất mạng, khi cuộc cấm cách xảy ra, thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu, vẫn trung thành với đức tin và nhiệm vụ của mình.
- Như Đức Giêsu, dù lo sợ đến mồ hôi máu chảy ra trước cái chết, Người vẫn cam lòng chịu chết vì chúng ta, hai thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu can đảm chấp nhận bị bắt, bị tù vì đạo Chúa: Khi quan quân vây bắt, tuy có thể trốn thoát để giử mạng sống mình, nhưng cac ngài châp nhận bước ra chịu nộp vì Chúa và vì lợi ích đức tin cho người khác.
- Đức Giêsu đã chịu xét xử, chịu đánh đòn, đội mão gai, vác thập giá, và cuối cùng chết tủi nhục đau thương trên Thánh giá, hai Thánh Tử đạo đã kiên trì trong đức tin của mình, dù bị giam cầm, xét xử, tra tấn, bị roi đòn, bị dụ dỗ, bị doạ nạt, các ngài vẫn không nao núng hay chối bỏ đạo.
- Bị mọi người bỏ rơi, cô đơn trên Thánh giá, Đức Giêsu vẫn luôn tín thác vào Cha Người: "Con phó linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23, 46). Hai Thánh Tử đạo luôn phó thác vào Chúa : Trong cảnh tù ngục cả hai luôn cầu nguyện, phó thác, không đút lót, không trốn chạy, sẳn sàng chuẩn bị và đón nhận cái chết vì Đức Kitô.
- Trước khi tắt thở, Đức Giêsu đã trối thánh Gioan, đại diện nhân loại vào tay Đức Mẹ, để mẹ Người chăm sóc, củng cố đức tin. Hai Thánh Tử đạo, dù sống trong cản tù tội, vẫn luôn tìm cách củng cố niềm tin cho những người cùng bị giam cầm, vẫn lo tìm cách ban các Bí tích cho giáo hữu của mình.
- Và Chúa Giêsu đã trút hơi thở cuối cùng trên Thánh giá, thực hiện trọn vẹn tình yêu hy tế. Hai Thánh Tử đạo được ơn bền đổ trong đau khổ cho đến chết vì Đức Kitô.
Xin hai thánh Tử Đạo giúp chúng con được trung thành trong nhiệm vụ hằng ngày theo đấng bậc của mình, biết chấp nhận những khổ nhọc vì Chúa và luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa để vượt qua những thử thách trong cuộc sống tín hữu chúng con. Amen

V. HỌC LỜI CHÚA : Mc 8, 34

"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo".

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

NHỮNG CHỨNG NHÂN THỜI NAY : TỔ ẤM "FOCOLARE"

Vào năm 1943, giữa những cuộc dội bom kinh khủng tại thành phố Trento, nằm ở phía Bắc nước Ý, vào cuối thế chiến thứ hai, một nhóm Ki-tô hữu giáo dân được ơn Chúa gọi sống Lời Chúa ở giữa đời. Họ đã bỏ tất cả những gì họ có làm của chung. Và ngay với những thứ đó, họ cũng chỉ giữ lại những gì là thiết yếu theo nhu cầu mỗi người, còn lại tất cả đều đem tặng cho người nghèo.

Họ muốn sống sát Lời Chúa dạy theo gương cộng đoàn tiên khởi: "Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai, của cải, lấy tiền chia cho mỗi người theo nhu cầu." ( Cv 2, 44; 4, 32 - 35 ). Điều đó được áp dụng trước tiên với ngành nữ rồi sau với ngành nam được thiết lập vào năm 1949.

Họ chỉ muốn được gọi là Ki-tô hữu như cộng đoàn tiên khởi xưa. Sau này, vì nhu cầu thực tế, Đức Tổng Giám Mục Trento đã gọi họ bằng danh xưng Focolare - Fire Place, để chỉ về nơi nhóm lên ngọn lửa Tình Yêu Thiên Chúa và làm cho lửa đó tràn lan ra khắp nơi. Danh xưng Tổ Ấm trong Việt ngữ có lẽ chỉ nói lên được sự ấm áp do Tình Yêu Thiên Chúa mang lại khi mà ai nấy nhận ra có Chúa Giê-su ở giữa quy tụ họ lại và giúp họ yêu thương mọi người. Nhưng nếu muốn nói đến cuộc cách mạng về Tình Yêu do Đức Giê-su mang lại chắc phải nghĩ đến một danh xưng mạnh mẽ hơn, như Phong Trào Lửa Tình Yêu chẳng hạn.

Nhóm Ki-tô hữu ấy ngay từ ban đầu đã chủ trương sống đơn giản như Tình Yêu Thiên Chúa liên kết họ lại. Nay con số của họ gồm hơn 2 triệu người, trong số đó nhiều ngàn người bỏ mọi sự làm của chung và sống trong các cộng đoàn Tổ Ấm, nơi mà của cải được phân phối cho mỗi người theo nhu cầu.

Thứ đến, chừng 100.000 người cũng là thành viên Tổ Ấm, nhưng không thể bỏ mọi sự làm của chung, vì phải sống trong liên hệ với gia đình; họ đóng góp phần thặng dư như hoàn cảnh cho phép. Còn lại hơn 2 triệu người tham gia Tổ Ấm bằng cách thể hiện nền "Văn Hoá Trao Tặng", ngược lại với nền "Văn Hoá Tiêu Thụ" của thế giới thị trường ngày nay. Họ sống theo khẩu hiệu Tin Mừng là "Hãy trao tặng thì bạn sẽ nhận được quà tặng !" Riêng ở Brasil của Châu Mỹ La-tinh, số giáo dân Tổ Ấm theo nghĩa rộng lên tới 200.000 người, mà một số không ít, nghèo tới mức sự giúp đỡ bình thường của Phong Trào tỏ ra vô hiệu.

Chính trong hoàn cảnh khó khăn ấy, năm 1991, một số thành viên nhất là những người trẻ được mời gọi thể hiện một sáng kiến, nay được gọi là nền "Kinh Tế Chung Hiệp".

Họ thiết lập những cơ sở làm ăn mới, hoặc điều chỉnh lại những xí nghiệp làm ăn cũ, theo hướng chia lợi tức ra làm ba phần. Một phần ba lợi tức được tái đầu tư để khuyếch trương xí nghiệp gốc. Thứ đến, một phần ba lợi tức được dùng vào công cuộc huấn luyện con người mới theo lý tưởng thế giới hiệp nhất. Còn lại một phần ba lợi tức để giúp người nghèo. Riêng về mặt huấn luyện con người mới vừa nêu trên, hiện nay trên thế giới đã có nhiều trung tâm huấn luyện dài hạn và ngắn hạn như vậy tại 20 thành phố nhỏ, như thành phố Hoà Bình của Đức Ma-ri-a tại Tagaytay City, ở Manila, nước Philippines với 120 người thụ huấn thường xuyên và 13.000 người thụ huấn ngắn hạn trong năm 1996.

Như vậy là đã có 544 công ty trên thế giới hoạt động theo lý tưởng nền "Kinh Tế Chung Hiệp". Đó là những công ty cỡ trung bình và cỡ nhỏ, cung cấp sản phẩm và dịch vụ và sử dụng hàng ngàn công nhân. Năm 1994, khi tổng số công ty theo kế hoạch "Kinh Tế Chung Hiệp" còn là 403, thì đã có đến 139 công ty tại Châu Mỹ La-tinh, 27 tại Bắc Mỹ và Mexico, 208 tại Âu Châu, 24 tại Á Châu, 3 tại Úc và 2 tại Phi Châu, với số công nhân tổng cộng là 5.532 người.

Nhưng thử hỏi: tại sao chủ trương sống và chia sẻ đời sống Tin Mừng mà lại bàn chuyện làm ăn ? Nào Đức Giê-su đã chẳng dạy các môn đệ "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho" đó sao ? ( Mt 6, 33 ). Quả thật, đoạn Tin Mừng này trực tiếp nói về Nước Thiên Chúa, không trực tiếp nói đến chuyện làm ăn. Nhưng nếu chuyện làm ăn trở nên động cơ chính của sinh hoạt toàn cầu, thì ngay ở đó, chúng ta có bổn phận xin cho "Triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày" ( Mt 6, 10 - 11 ) .

(Trích bài giảng của cha AUGUSTINE, SJ 18.6.2000)

1727    19-04-2012 09:02:14